Bị treo trên cây thập giá, Giêsu không chỉ chịu đựng nỗi đau về thân xác, nhưng còn phải đón nhận lấy hết tất cả những lời nói khinh miệt, thách thức của con người. Ngài lại còn phải chịu cảm giác cô đơn đến tột cùng khi không nghiệm thấy được sự hiện diện của Cha ở bên mình. Trên cao ấy, Giêsu thấm thía hơn thế nào là vâng phục, thế nào là nỗi cay đắng của thế gian, thế nào là sự bạc bẽo của nhân loại. Giêsu ý thức được rằng chính bởi giây phút này mà Ngài mới giáng sinh xuống thế. Ngài đến là để thay con người hiến dâng một của lễ có một không hai. Ngài đến là để dâng chính Ngài.
Giờ
đây, những giây phút cuối cùng của cuộc sống nhưng đang dần trôi qua
cách chậm rãi. Ánh tà dương như đang báo hiệu cho đoạn kết của một cuộc
hành trình. Giêsu đến thế gian là để ở với con người và để cứu vớt con
người, nhưng ngay từ khi mới sinh, Ngài đã bị xua đuổi. Khi còn là một
bé thơ nhỏ xíu nằm trong vòng tay mẹ, Giêsu đã phải chạy trốn người ta.
Rồi những phút giây ấm êm và nhàn hạ bên gia đình nhỏ bé ở Nazaret,
những bữa cơm đạm bạc nhưng chan chứa niềm vui, những tiếng cười đùa
nhảy múa bên chúng bạn. Đến khi nghe tiếng vị Tiền Hô cất tiếng trong sa
mạc, Ngài thấy trong lòng ngổn ngang bao thổn thức. Một tiếng gọi mời
bừng dậy nơi tâm can, thôi thúc Ngài lên đường thi hành sứ vụ. Những
bước chân dong duổi khắp thôn miền khu xóm, chia sẻ cho bao người biết
về chân lý Tin Mừng, về niềm vui cứu độ. Có khi bên sườn đồi, có khi bên
gốc cây, có khi bên hồ nước.
Ở bất cứ
nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, Giêsu cũng có thể đưa ra những lời giáo
huấn thâm sâu. Nhìn đồng lúa mênh mông, Người nghĩ đến bao tâm hồn đang
cần được xoa dịu. Nhìn con chim sẻ đang tìm thức ăn, Người lớn tiếng ca
ngợi Chúa Cha vì đã luôn quan phòng cho mọi loài dưới thế. Nhìn hạt
thóc vương vãi, Người buồn phiền khi nghĩ đến những ai chưa mở lòng đón
nhận Lời hằng sống. Nhìn cỏ dại mọc lên, Người thương xót cho những cành
lúa đang yếu ớt chống chọi giữa đồng. Biết bao chân lý nhiệm mầu Người
đã luôn sẻ chia cho những môn đệ yêu dấu. Đi đến đâu, Người tuôn đổ hồng
ân từ trời đến đấy. Ngài nâng dậy những kẻ liệt lâu năm. Ngài mở mắt
cho những ai không thấy, mở đôi tai cho kẻ không nghe, Ngài chữa lành
những ai bị phong hủi. Ngài nuôi sống những ai đang đói lã giữa đường.
Bất cứ ai tìm đến với Ngài đều gặp được niềm vui và một sự giải thoát.
Rồi
mới đây thôi, Ngài còn bịn rịn chia tay với những môn đệ dấu yêu. Ngài
trao ban cho các ông những bài học tâm huyết, căn dặn các ông những điều
cần thiết, hứa hẹn với các ông về một cuộc tái ngộ mới sẽ chẳng bao giờ
tan. Dù trong lòng bao nỗi buồn phiền như cồn cào đau buốt, Ngài vẫn
trao ban cho các ông những lời an ủi thật chân tình và thiết tha. Một
đêm qua đi, cũng bấy nhiêu thời gian đó, nhưng sao trôi dài đằng đẳng
thê lương. Bao tiếng chửi rủa, bao lời vu oan, tiếng đòi roi giáng
xuống. Quảng đường dài đi từ chân núi lên đây, những mệt mỏi, những khổ
đau. Tiếng búa chan chát gõ vào đinh sắt như vẫn còn vang vọng đâu đó.
Tiếng cười hả hê như còn ở bên tai. Cái ngạo nghễ của con người ngày xưa
khi đưa tay hái trái cấm dường như đang lặp lại. Họ tưởng là bằng những
âm mưu tàn độc, họ có thể củng cố cho uy quyền của mình, họ có thể cho
mình một vị thế ngang hàng với Tạo Hóa. Ít ra, trong phút giây ngắn ngủi
còn lại trên thập giá này, Ngài còn gặp lại người Mẹ thân yêu đã một
đời hy sinh cho Ngài, và nhờ Mẹ tiếp tục chăm sóc cho các môn đệ của
mình. Và cũng trong khoảnh khắc hiếm hoi này, Ngài đã đưa tay đón lấy
tấm lòng ăn năn thống hối của một người cũng đang bị treo phía bên kia.
Những
gì Cha muốn Ngài làm, Ngài đã chu toàn hết tất cả với trọn vẹn tấm lòng
của một người con. Kể cả những xua đuổi của con người, kể cả những bội
phản của nhân loại. Nào là đớn đau, nào là mệt mỏi, nào là thập giá nặng
vai, nào là chửi rủa inh ỏi, nào là cô đơn, nào là nước mắt… Giêsu đã
ôm trọn vào lòng hết tất cả. Ngài đã sống trọn vẹn và đã hứng chịu mọi
sự như một con người, một con người ở vị trí rốt cùng hết. Đến đây, mọi
sự đã hoàn tất nên Ngài dâng mọi sự vào tay Cha, Ngài phó thác hồn Ngài
trong tay Cha. Đôi mắt dần mờ đi, đôi tai không còn nghe rõ nữa, những
đau đớn dường như cũng phôi phai dần, không còn mấy cảm giác. Chẳng còn
sức đâu mà cố giữ thân người. Đầu đội mão gai của Người không thể nào
gượng thêm được nữa. Dòng hơi cuối cùng trong người vội thoát ra. Gục
đầu xuống, sứ mạng tại thế của Người chấm dấu hết sang trang.
Trên
cây thập giá là hình ảnh một Thiên Chúa “không nhất quyết duy trì địa
vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc
lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (x.
Pl 2,6-11). Trên cây thập giá là hình ảnh của một con người “đến để phục
vụ, chứ không phải được phục vụ” (Mc 10,45), mà phục vụ không chỉ là
cho đi vào đồng tiền bố thí hay nói vài lời an ủi cho qua. Phục vụ là
hiến cả mạng mình, là cho đi tất cả, bất chấp người ta có đối xử tệ bạc
với mình như thế nào. Trên cây thập giá là hình ảnh đích thực của một
tình yêu nhưng không, một tình yêu không vun vén cho mình, một tình yêu
vô vị lợi, yêu Cha hết linh hồn, hết thân xác, hết sức lực và yêu tha
thân “đến cùng” (x. Mc 12,28-31; Ga 13,1).
Đớn
đau không còn nữa, tủi nhục không còn nữa. Có đánh đòn hay mắng nhiếc
Ngài đi nữa thì cũng chẳng có ích chi. Chơ vơ trên ngọn đồi cao, trong
tiếng hú rợn rùng, một thân hình tả tơi treo lơ lửng. Lặng im nhưng lại
nói lên nhiều điều thẳm sâu, chất vấn những ai đang nhìn đến. Ngay trong
giây phút ấy, thế lực sự dữ bị đánh bại, cửa thiên đàng bị đóng kín bao
nhiêu năm qua nay mở toang, ơn cứu độ lai láng của Thiên Chúa ào ạt
tuôn xuống cho mọi loài thụ tạo. Muôn loài hò hét mừng chiến thắng của
vị cứu tinh. Cả núi đồi chuyển rung như tiếng trống khải hoàn hùng
tráng. Giêsu đã vác thập giá của mình đi đến nơi Cha muốn. Đây sẽ là giờ
Cha làm công việc của mình. Sự vâng phục và tình yêu đã giúp Giêsu đập
tan thế lực tăm tối vốn đang thống trị thế giới này.
Đau
đớn sẽ qua đi, mọi cái đều sẽ qua đi. Hãy cứ tin vào lời Cha mà tiến
bước. Cuối đường hầm tối tăm là khoảng trời ngợp nắng với hoa. Mở mắt
ra, người công chính sẽ thấy được Thiên Đàng.
Đức Giêsu – vị Thiên Chúa ẩn mình
Đức Giêsu thực sự là một mẫu mực cho lối
sống và cung cách hành xử của chúng ta. Nhìn vào Ngài và chiêm ngắm đời
sống của Ngài, chúng ta có thể tìm thấy được những bài học quý giá,
những khuôn vàng thước ngọc, những chỉ dẫn khôn ngoan giúp tìm thấy hạnh
phúc. Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu chỉ như thế thôi thì Ngài cũng chẳng hơn
gì các bậc thánh hiền, các triết gia hay những bậc vĩ nhân trong lịch
sử. Những nhân vật này cũng có một đời sống rất tốt lành, nêu gương sáng
cho người đương thời và được các bậc hậu thế muôn đời kính ngưỡng.
Những giáo lý họ truyền dạy cũng có một giá trị vô cùng thâm thúy, chất
chứa một nền minh triết khôn ngoan, trường tồn với nhân gian qua bao
đời. Phải chăng Đức Giêsu cũng chỉ là một trong số các nhân vật vĩ đại
này? Ngài có điều gì đó khác họ, hay thậm chí là hơn họ không?
Trên
bình diện lý trí, ta chỉ có thể nhìn về Giêsu như một con người, với
những lề lối sinh hoạt, những tư tưởng và đời sống đạo đức. Nhưng Đức
Giêsu vừa giống cũng vừa khác với chúng ta. Giống ở chỗ, tất cả đều là
con người đúng nghĩa. Còn khác ở chỗ, Đức Giêsu mang trong mình bản tính
Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm.
Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta thấy được điều này. Dưới cái nhìn đức
tin, Đức Giêsu trở thành một nhân vật có một không hai trong lịch sử,
độc nhất vô nhị và trỗi vượt lên trên tất cả. Với chúng ta, Thiên Chúa
cũng hiện diện trong tâm hồn theo một cách thức thiêng liêng. Còn với
Đức Giêsu, Thiên Chúa không “hiện diện” theo một cách thức như vậy mà
chính Ngài là Thiên Chúa. Giữa ta và Thiên Chúa có một sự phân biệt vì
ta không phải là Thiên Chúa. Còn giữa Ngài và Thiên Chúa không có sự
phân biệt nào cả. Bản tính Thiên Chúa thấm đẫm vào từng thớ thịt và dòng
máu của Ngài. Chính điều đó làm cho Ngài trở nên phi thường và cái chết
của Ngài có khả năng cứu độ mọi loài mà không một ai khác dưới gầm trời
này có thể làm được.
Các bậc thầy
khác có thể sống một đời sống tốt lành nhờ ngộ ra con đường chân lý. Họ
trở nên thanh thoát và chỉ vẽ cho người khác cách thức tìm đến bình an.
Nhưng tự cổ chí kim cho đến nay, không một ai trong số họ tuyên bố cách
mạnh mẽ và cương quyết rằng họ là con của Vị Thiên Chúa Tối Cao. Chẳng
ai khẳng định với người khác rằng họ là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Chẳng ai khuyên người khác hãy ăn thịt và uống máu mình để có sự sống
đời đời. Chẳng ai dám hứa với người khác là sẽ cho họ được vào Nước Trời
với mình. Chẳng ai dám gọi Đấng Tuyệt Đối là Cha. Chẳng ai có thể tự
mình thực thi vô số dấu lạ, rồi có khả năng truyền cho các môn đệ của
mình những quyền năng như thế. Cũng không ai dám nói với người khác là
mình có toàn quyền trên trời dưới đất, mọi tà thần khác cũng phải quy
phục. Và đặc biệt hơn cả, chẳng ai trong số các bậc hiền triết sống lại
từ cõi chết.
Người ta có điêu ngoa hay
dùng thủ thuật lừa dối người khác để làm cho mình trở nên phi thường.
Nhưng việc sống lại từ cõi chết thì điều xưa nay chưa người nào làm nỗi.
Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, không phải là một kiểu sống lại như
Lazarô (x. Ga 11,1-44) hay như con trai bà góa thành Nain (x. Lc
7,11-17), nhưng Ngài đã đi vào trong sự sống thần linh của Thiên Chúa,
một sự sống vượt trên cái chết nên sẽ không bao giờ chết nữa. Câu chuyện
phục sinh của Ngài đã làm cho bao người kinh hoàng và điều đó chứng
minh cho người ta thấy thân phận Thiên Chúa của Ngài, vốn đã “ẩn mình”
trong suốt những năm qua. Thật khó có thể nghĩ rằng chính các tông đồ đã
“bịa” ra câu chuyện Phục Sinh. Các ông lúc đấy đang sợ hãi, phải trốn
chui trốn nhũi. Các ông cũng không phải là những người mưu mẹo và tinh
khôn để có thể nghĩ ra câu chuyện phục sinh với những tình tiết hết sức
logic, thu hút và thuyết phục người ta. Cũng chẳng ai “bịa” ra câu
chuyện hoang đường rồi hân hoan vui mừng chịu chết vì nó. Tất cả các ông
đều sẵn sàng lấy giá máu để làm chứng cho điều này, chứ không phải chỉ
một hay hai người. Giới cầm quyền thời ấy hẳn là cũng muốn đối đầu với
các ông, chứng minh câu chuyện phục sinh mà các ông loan truyền trong
dân chúng là sai, nhưng họ không hiểu tại sao không tìm thấy xác Đức
Giêsu. Và trước bao dấu lạ cùng sự biến đổi khác thường của các ông, họ
không thể làm gì hơn.
Hẳn là sẽ có rất
nhiều người cho rằng chuyện Đức Giêsu phục sinh là một chuyện ngớ ngẩn.
Cũng chẳng thể trách họ được vì có ai trong chúng ta tự mình trải
nghiệm hay chứng kiến kinh nghiệm có một không hai này đâu. Nhưng gom
hết tất cả những gì ta biết về cuộc đời của Đức Giêsu, cộng với những gì
Ngài truyền dạy và tiên báo, rồi cả những phép lạ Ngài làm, ta được mời
gọi để tin vào một vị Thiên Chúa từ trời cao đã hạ giới xuống thế, sống
một kiếp con người, và ở giữa chúng ta. Ta cảm phục vị Thiên Chúa ấy vì
sự khiêm nhường của Ngài khi nhìn đến khoảng thời gian Ngài âm thầm
sống trong một gia đình nhỏ bé, bình thường và giản dị như một con
người, không có gì khác thường, không có gì nổi trội. Ta càng thấy cảm
phục Ngài hơn khi chiêm ngắm lại cuộc thương khó đầy thương đau của
Ngài. Vào khoảnh khắc bị bao kẻ thù tấn công tứ phía, vào lúc dường như
bị tất cả mọi sự xấu bủa vây, Ngài – vị Thiên Chúa Tối Cao – vẫn lặng im
cho người ta hành hạ, để mặc người ta muốn làm gì mình thì làm, không
một lời chửi bới, không một phản ứng chống cự. Chính nơi cây thập tự ấy,
ta thấy Thiên Chúa như ẩn đi tất cả những vinh quang và quyền năng vô
biên của mình, để cùng im lặng với con người, cùng chịu đau nỗi đau của
nhân thế.
Thiên Chúa luôn thích sự ẩn
mình. Ngài vẫn còn ẩn mình rất nhiều trong thế giới này, đặc biệt nơi
những biến cố đau thương, nơi những tình huống mà “chúng ta không tài
nào hiểu nỗi”. Thiên Chúa ở đâu, trong những trận động đất, sóng thần
cướp đi mạng sống của bao người vô tội? Thiên Chúa ở đâu ở, trong những
cuộc chiến đấu tranh giành quyền lực, đất đai, tài nguyên? Thiên Chúa ở
đâu, trong những trận dịch bệnh khủng khiếp? Thiên Chúa ở đâu, trong
những vụ mưu sát, những cuộc khủng bố, những vụ đánh bom mang danh chính
nghĩa và công lý? Thiên Chúa ở đâu, khi người lành thì chết thảm, còn
kẻ ác cứ ung dung tự tại, ngông nghênh làm điều dữ? … Lý trí chẳng thể
nào trả lời cho chúng ta biết được. Còn đức tin thì nói với chúng ta
rằng Thiên Chúa ở ngay đó, ngay nơi tâm điểm của những điều tai ác đó,
đang bị người ta lôi đi, bị người ta hành hạ, bị người ta chặt đầu, bị
người ta giết chết. Thiên Chúa chẳng “trốn” ở đâu cả, và cũng chẳng phải
Ngài cố tình không thấy gì cả, càng không phải vì Ngài chẳng thể làm
được gì nên mới lặng im. Ngài không thể lấy đi tự do của kẻ ác, vì kẻ ác
cũng là con cái Ngài, nhưng điều quan trọng hơn cả, là Ngài muốn ở kề
bên những ai đang gặp cảnh bần cùng, khốn khổ và chịu nhiều thiệt thòi.
Ngài ở đấy, chịu đau với họ và chịu chết cùng với họ.
Khi
thập giá qua đi, chỉ sau một khoảnh khắc nhỏ, Thiên Chúa sẽ phô bày
vinh quang bất diệt của mình cho những ai có lòng tin. Ai dính chặt cuộc
đời mình với Đức Giêsu, cùng đi với Ngài và để cho Ngài đi cùng mình
lên đồi Canvê, người ấy cũng sẽ cùng Ngài sống sự phục sinh của Thiên
Chúa. Ngài sẽ kéo người ấy lên với mình, Ngài sẽ nâng người ấy dậy và
đưa về cõi vinh phúc thiên thu. Thiên Chúa ẩn mình, không phải vì Thiên
Chúa bất lực, nhưng vì Ngài quá nhân từ và quá quyền năng. Người nào có
thể im lặng được khi chịu thiệt thòi, người ấy phải rất mạnh mẽ và đầy
lòng từ bi. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa như thế. Bởi vậy,
khi chiêm ngắm Đức Giêsu, ta tìm thấy con đường khôn ngoan và những tư
tưởng thanh tẩy tâm hồn, nhưng ta cũng được mời gọi để chiêm ngắm hình
ảnh một Thiên Chúa ẩn mình nơi chính con người Ngài. Đi vào sâu trong
Giêsu, ta sẽ bắt gặp được điểm hội tụ của trời và đất, của thiên đàng và
thế gian, của Thiên Chúa và con người. Tất cả đều có nơi ấy, một cái
tên thôi: Giêsu.
Làm sao biết chắc là Đức Giêsu đã sống lại?
Niềm tin Kitô giáo xuất phát từ một con người tên là Giêsu. Kinh Thánh thuật lại rằng Ngài đã bị quân Rôma hành hình bằng cách đóng đinh vào thập giá. Ngài đã chết. Cái chết của Ngài đã mang đến nỗi đau buồn cũng như thất vọng cho nhiều người vì họ không thể tin rằng một con người vừa tốt lành, vừa quyền năng như Ngài lại phải chết theo một cách thức nhục nhã như thế. Tuy nhiên, chính Kinh Thánh cũng cho biết là Ngài đã phục sinh từ cõi chết. Sự phục sinh của Ngài đã làm dấy lên không biết bao nhiêu điều lạ lẫm, mà cho đến nay, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, người ta vẫn còn đặt câu hỏi về nó.
Phục
sinh là gì? Chẳng ai trong chúng ta có kinh nghiệm phục sinh giống như
Đức Giêsu cả. Có thể có nhiều người chết lâm sàng, rồi sống lại. Cũng có
những người đã chết thật rồi sống lại (như Ladaro hay con trai bà goá
thành Nain mà Tin Mừng nói đến). Nhưng việc sống lại này không phải là
phục sinh, vì chính những người này sẽ phải chết thật một lần nữa, thân
xác họ sẽ bị chôn vùi và mục rửa, khi tuổi đời chấm dứt. Còn với Đức
Giêsu, Ngài đã đi vào một sự sống mới, không bao giờ phải chết nữa, thân
xác Ngài cũng không bị huỷ hoại. Ngài vẫn là Ngài nhưng Ngài không còn
giống như Ngài trước kia. Chính sự phục sinh này của Ngài đã là niềm hy
vọng lớn lao của con người, và niềm hy vọng này đã giúp khai sinh Ki-tô
giáo.
Tạm thời không bàn đến chuyện
đức tin, nhiều người đã đặt vấn đề là liệu Đức Giêsu có phục sinh theo
kiểu mà chúng ta vừa nói thật không. Một bằng chứng rõ ràng và thuyết
phục nhất (dù chưa đầy đủ) chứng minh cho chuyện Ngài đã sống lại là
việc người ta không thể tìm thấy được xác của Ngài. Tất cả mọi vĩ nhân
trên thế giới này đều đã chết và thân xác của họ vẫn còn được xác định.
Còn Đức Giêsu thì không. Các môn đệ sẽ không thể bịa chuyện rằng Đức
Giêsu đã phục sinh và hiện ra với mình vì chỉ cần lính Rôma trưng dẫn
cái xác là mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Nhưng
biết đâu các môn đệ đã đánh cắp cái xác thì sao? Điều này càng khó có
thể xảy ra hơn nữa. Khi Đức Giêsu bị bắt và hành hình, ai trong các ông
cũng sợ đến nỗi bỏ chạy. Phêrô còn không dám thừa nhận rằng mình có quan
hệ với ông Giêsu. Ngay cả sau đó, các ông vẫn còn nhốt mình trong phòng
vì sợ thì làm sao dám cả gan đi đánh cắp xác Thầy tại một ngôi mộ có
lính La Mã được trang bị vũ khí canh giữ. Ngoài ra, chúng ta cũng không
tìm thấy lý do gì để các ông phải liều mạng làm chuyện này. Các ông
không thể tự dưng đi đánh cắp cái xác, giấu một nơi không ai biết, rồi
bịa chuyện Thầy Giêsu sống lại, sau đó chịu chết vì câu chuyện tưởng
tượng ấy: người thì bị chặt đầu, người thì bị đóng đi, người thì bị tùng
xẻo… Hơn nữa, nếu đây là một âm mưu tập thể thì chỉ cần một người trong
số họ khai ra sự thật thì kế hoạch sẽ vỡ tan tành. Các ông lại là những
ngư phủ thất học, làm sao có thể nghĩ đến và bịa ra một câu chuyện về
sự phục sinh mà đến nay chúng ta còn không biết nó là cái gì. Vả lại,
nếu các ông bịa chuyện thì không nên đưa phụ nữ vào vì thời đó chẳng ai
tin lời một phụ nữ. Ngoài ra, các ông cũng không thể bịa chuyện Đức
Giêsu hiện ra với mình vì Đức Giêsu không chỉ hiện ra với các ông mà còn
với nhiều người khác, trong đó có một người rất thù ghét Kitô giáo là
Phaolo. Chính Phaolo đã dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm chứng
về sự phục sinh của Đức Giêsu. Thậm chí, ông đã chết vì sự thật ấy.
Những bằng chứng này cho thấy, các môn đệ không thể đánh cắp xác chết
của Đức Giêsu rồi bịa chuyện được.
Có
thể có trường hợp Đức Giêsu đã không chết, ngài chỉ ngất đi, hoặc chết
lâm sàng thôi, rồi sau khi được đưa xuống thập giá vào đem vào mộ, Ngài
đã tỉnh lại và bỏ trốn? Nghĩ như vậy có được không? Giả thuyết này cũng
không vững, vì có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giêsu đã chết thật. Theo
luật, lính La Mã phải kiểm tra rất kỹ rằng tử tù phải chết rồi thì mới
cho tháo xuống khỏi thập giá, còn không thì phải đập dập ống chân tử tù
để hắn ta không thể bỏ trốn. Việc Đức Giêsu không bị đập dập ống chân
(Ga 19,31-33) cho thấy lính La Mã xác nhận rằng Ngài đã chết. Lính La Mã
sẽ phải lãnh cái chết nếu không kiểm tra cẩn thận. Như thế, hẳn là anh
lính này phải rất cẩn trọng. Gioan cũng thấy máu và nước chảy ra từ cạnh
sườn (Ga 19,34-35), điều này cho thấy phổi của Ngài đã bị ép và không
thể hoạt động được nữa. Giả như đến đây Ngài vẫn chưa chết thì Ngài cũng
không thể thở được khi bị những tấm vải liệm quấn lấy từ đầu đến chân
và bị đặt trong một khe đá kín (Ga 19,38-42). Hơn nữa, một thân xác tàn
tạ sau khi bị đánh đập và đóng đinh như thế thì sao có thể đẩy nỗi tảng
đá lớn lấp mộ mà không bị lính La Mã đứng canh phát hiện. Giả như Ngài
có làm được thì Ngài đã đi đâu, làm gì? Tại sao không ai thấy? Và quan
trọng hơn nữa, một con người sống dở chết dở, thân bại danh liệt như
thế, vốn dĩ đã làm cho các môn đệ thất vọng tràn trề, làm sao có thể
khiến bao nhiêu người sẵn sàng bịa chuyện rồi chết vì mình với một sự
can đảm và khảng khái như vậy. Bởi vậy, giả thuyết cho rằng Đức Giêsu
không chết hoặc chỉ chết lâm sàng không đáng tin.
Một
chứng cứ rất hùng hồn để chứng minh cho sự phục sinh của Đức Giêsu
chính là những lần Ngài hiện ra, cùng ăn uống, trò chuyện, chia sẻ,
giảng dạy và ban thêm sức mạnh cho các ông. Chỉ có thể là Đấng Phục Sinh
mới khiến cho các ông mở toang cánh cửa sợ sệt để hiên ngang ra ngoài
trước đám đông mà giảng dạy. Chỉ có thể là sức mạnh của Đấng Phục Sinh
mới có thể giúp các ông được biến đổi từ trong ra ngoài: các ông có thể
nói được nhiều ngôn ngữ, có thể làm các phép lạ, có thể mạnh dạn đối
chất với các nhà cầm quyền, có thể có những lời nói làm say mê lòng
người, cuốn hút họ và trao ban cho họ niềm tin. Trải qua hơn hai ngàn
năm, đức tin này ngày càng được chứng thực bởi nhiều vị thánh, những
người được ơn đụng chạm và cảm nghiệm nó trong một tương quan sâu sắc
với Chúa. Và nhờ đó, nó vẫn trường tồn và thêm vững mạnh. Tất cả những
điều tuyệt vời này không thể đến từ một câu chuyện huyền hoặc do một số
người thất học bịa ra hay từ một cái xác không còn hình thù nằm trong
nấm mồ hay một người giả vờ chết rồi sau đó trốn chui trốn nhũi. Nó chỉ
có thể đến từ một Đấng đã phục sinh thật sự, đã đi vào trong sự sống
vĩnh cữu của Thiên Chúa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ