Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ai Cập ngày 28 và 29-4-2017

Filled under:

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017 tới đây.
pope.jpg

Trong thông cáo hôm 18-3-2017, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, thông báo:

 ”Nhận lời mời của Tổng Thống, các Giám Mục Công Giáo và Đức Thượng Phụ Tawadros II và Đại Iman Đền thờ Hồi giáo Al Azhar, Cheik Ahmed Mohamed el-Tayyib, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông Đu tại Cộng hòa Arập Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017, viếng thăm thành phố Cairo. Chương trình sẽ được công bố trong thời gian tới đây.”

 Đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại nước ngoài trong năm nay.

 Ai Cập rộng 1 triệu 10 ngàn cây số vuông với 83 triệu dân cư, đa số là tín hữu Hồi giáo Sunnit, và Giáo Hội Chính Thống Copte do Đức Thượng Phụ Tawadros II làm Ciáo chủ chiếm 10% dân số. Các tín hữu Công Giáo Copte có 200 ngàn tín hữu.

 Đền thờ và Đại học Al Azhar được coi là có uy tín nhất đối với Hồi giáo Sunnit trên thế giới (SD 18-3-2017)





Ông tân tòng dạy giáo lý

Đã ngoài 70, cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu nhưng ông Phêrô Nguyễn Ngọc Minh, giáo dân họ Nhị Quý (họ nhánh của xứ Cai Lậy, GP Mỹ Tho) vẫn còn cần mẫn trong vai trò giáo lý viên, phục vụ cho giáo họ - một công việc mà ông gắn bó đã nhiều năm.
Ông tân tòng dạy giáo lý
Ông tân tòng dạy giáo lý
Lập gia đình năm 1973 với người vợ đạo Công giáo, nhưng lúc bấy giờ ông Minh chưa nhập đạo. Nhớ lại ngày ấy, ông giải thích: “Chừng nào mình tin thì mình mới vô, chớ còn theo mà chưa rành rẽ giáo lý, chưa hiểu, lòng tin chưa có thì cũng như không”.
 
Khi rời Nhị Quý về sống tại quê vợ ở vùng xứ đạo Rạch Lọp (GP Vĩnh Long), nhìn thấy sự tận tâm từ các linh mục, nữ tu lo việc nhà thờ, lo cho đời sống của dân, ông Minh bắt đầu có thiện cảm với đạo. Cứ thế, hạt mầm đức tin gieo vào lòng ông và âm thầm lớn lên từng ngày. Một bữa đi hớt tóc, ông Minh tình cờ gặp ông trùm xứ Rạch Lọp - lúc ấy dân trong vùng hay gọi là ông Tư. Biết đây là người phục vụ nhà thờ, ông Minh mở lời nhờ ông Tư kể cho nghe những câu chuyện Kinh Thánh. Trong hơn một tiếng đồng hồ ở tiệm hớt tóc, chuyện Thiên Chúa tạo dựng trời đất, Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Chúa phục sinh... mở ra sự kỳ diệu trong lòng ông Minh và ngày hôm sau, ông Minh quyết định đăng ký xin học đạo.
Khoảng năm 1985, gia đình ông trở về Nhị Quý sinh sống. Thời điểm này, ông bắt đầu năng tới lui nhà thờ, phụ giúp các công việc mục vụ. Đối với một người tân tòng, bước tìm hiểu đầu tiên về đạo có không ít bỡ ngỡ, thế mà ông vẫn chăm chỉ tìm tòi, làm quen. Những lần thu dọn áo lễ, chuẩn bị bài đọc, châm nến..., ông không khỏi lóng ngóng, sai sót. Nhưng rồi nhờ tính chịu khó, tiếp thu ý kiến từ người đi trước, ông dần thành thục hơn.
Năm 2000, nhận thấy ông hăng say việc đạo, linh mục chánh xứ Cai Lậy bấy giờ là cha Phêrô Nguyễn Phước Tường đã chỉ định ông đi học lớp đào tạo giáo lý viên tại giáo phận Mỹ Tho. Đến năm 2005, dưới thời cha Anphongsô Khuất Đăng Tôn làm cha sở Cai Lậy, ông Minh lại được chỉ định tham gia một khóa đào tạo giáo lý viên ở giáo phận Vĩnh Long. Mỗi khóa học kéo dài 3 năm. Sau đó, ông bắt đầu đứng dạy các lớp giáo lý của nhà thờ. Vì khuôn viên nhà thờ chật hẹp, cơ sở vật chất lại không có nên giáo dân phải học giáo lý trong phòng thánh. Tuy điều kiện thiếu thốn là vậy nhưng các buổi học đều sinh động và diễn ra trôi chảy, nhờ sự nhiệt tình của ông thầy đạo mới.
Cũng vì lòng nhiệt thành ấy, các lớp học của ông Minh không chỉ cố định ở một điểm là phòng thánh nhà thờ mà còn “lưu động” ở nhiều địa điểm khác. Nhiều trường hợp cần học trong thời gian gấp rút, ông đem về nhà dạy xuyên suốt để họ có thể theo kịp. Cũng có những người đau yếu, không thể đến nhà thờ, ông tới tận nơi. Người giáo lý viên già này có lúc phải lọc cọc đạp xe đi gần chục cây số để truyền ngọn lửa đức tin, bất kể trời nắng hay mưa.
Bươn chải kiếm sống nuôi gia đình nhưng ông vẫn khéo léo sắp xếp thời gian lo việc nhà thờ, ban ngày dạy học, ban đêm đi kéo lưới, ngày nào không dạy thì làm ruộng, vườn tược. Mải miết với công việc dạy giáo lý gần 20 năm, ông Minh đã có không ít học trò, trong số đó có cả con cháu của ông. “Tui cố gắng làm sao cho tụi nhỏ đừng tách rời nhà thờ, phải khuyên, phải nhắc nhở hoài để mấy đứa siêng đi lễ, phụ giúp nhà thờ việc này việc kia vì sợ tụi nó không gắn bó rồi từ từ lạc lòng” - ông kể và tự hào khoe thêm Tết vừa rồi trong nhà có ba đứa cháu được rước lễ lần đầu.
Trong gia đình, ông Minh luôn ý thức làm gương để con cháu noi theo, sống đạo đức. Ngoài giúp cha xứ dạy giáo lý, ông còn là người chăm sóc phần mộ của ông Ba Binh, một chứng nhân tử đạo tại địa phương. Dù “biết Chúa muộn”, như lời ông tự nhận, nhưng đức tin trong ông Minh vẫn luôn vững vàng. Chính lòng tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh để ông kiên trì phục vụ và sống có ích cho đời.

Thiên Lý