HỌC SỐNG YÊU THƯƠNG
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)
Suy niệm: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), vì thế khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Ngài đã ban cho họ khả năng biết yêu thương để họ yêu mến Ngài và thương yêu nhau như anh em con cùng một Cha trên trời. Khi con người phạm tội chống lại tình yêu, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài giáng trần để dạy dỗ và đưa con người trở lại cuộc sống yêu thương. Chúa Ki-tô không ngừng thúc giục nhân loại chúng ta “hãy có lòng nhân từ như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.” Ngài còn chỉ ra những điểm thực hành: đừng xét đoán, đừng lên án, hãy tha thứ cho nhau, hãy quảng đại cho đi. Chúa Giê-su không chỉ giảng dạy bằng lời nói; cái chết trên thập giá để minh chứng một tình yêu lớn lao nhất: yêu đến mức thí mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13).
Mời Bạn: ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI nhận định rằng con người đang “hiểu sai hay làm cho mất hết ý nghĩa của tình yêu; từ đó đưa đến nguy cơ là họ cắt nghĩa sai lệch tình yêu, tách rời tình yêu ra khỏi đời sống luân lý và trong mọi trường hợp, họ coi thường tình yêu” (Bác Ái trong Chân Lý, 2). Tôi hiểu thế nào về ý nghĩa của tình yêu và cách hiểu đó có phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su không? Tôi có ý thức rằng mỗi người đều phải được giáo dục về tình yêu chân chính và phải tự luyện để làm cho khả năng yêu thương nơi mình mỗi ngày một tăng thêm?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm sống bác ái trong lời nói: biết “lấy lời lành mà khuyên người.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết dùng lời nói hoà nhã, tích cực để đem lại niềm vui, bình an và hy vọng cho anh chị em.
THÁNH NỮ EUPHRASIA ĐỒNG TRINH
(350-410)
(350-410)
Dưới thời Hoàng đế Têôđôsiô Cả, mọi người đều biết tiếng một gia đình quý phái vào bậc nhất thành Côntantinôpôli, đó là gia đình ông Antigôna, một nghị viên có uy tín, một chiến sĩ yêu tự do, và một đại ân nhân của dân nghèo. Bạn ông là bà Euphrasia cũng không kém phần trí thức, lại sáng ngời những đức tính của một bà mẹ có đức tin công giáo. Cả hai hằng kính sợ Thiên Chúa và làm việc lành, giúp nhau tiến bước trên đường nhân đức. Năm 380 Chúa ban cho hai ông bà một trưởng nữ mang tên Euphrasia. Theo nguyên ngữ Hi lạp Euphrasia có nghĩa "Niềm hân hoan". Quả thế, sinh hạ Euphrasia, hai ông bà không ước gì hơn, một coi con như "bông hoa đẹp" của mối tình nồng thắm trong sạch và thánh thiện.
Nhưng ngắn ngủi thay cảnh gia đình đoàn tụ! Euphrasia ra đời vừa được năm tháng, Chúa đã cất ông Antigôna về. Tấm khăn tang đẫm lệ phủ lên đầu hai mẹ con bà Euphrasia. Ông Antigôna sau được Giáo hội tôn bậc hiển thánh và kính nhớ vào ngày 04 tháng 03.
"Cây lành sinh quả tốt!" Euphrasia lớn lên mỗi ngày một ngoan và nhân đức. Số phận mồ côi cha không làm héo hon tâm hồn cô. Trái lại còn giúp cô thêm ngoan ngoãn và yêu mẹ hơn. Sau này khi đã lớn, cô thường nói với chị em bạn rằng: "Tôi thấy nơi người mẹ góa bụa của tôi cả đức tính của người cha ". Vì thế không bao giờ cô dám sống phụ bạc với mẹ cho dẫu trong việc nhỏ mọn. Cô cố gắng sống ngoan ngoãn tuổi thiếu niên để yên ủi và làm vui lòng mẹ. Luôn luôn cô làm cho mẹ hãnh diện trước mặt mọi người. Một việc cô quen làm để tỏ lòng yêu mẹ là hằng ngày chăm chỉ cắp sách đi học. Cô rất sáng trí lại cần mẫn nên mỗi chiều khi ở trường về, cô nhí nhảnh đến hôn và đặt lên tay mẹ tấm giấy ban khen của bà giáo. Cô không quên thuật lại cho mẹ nghe những việc làm ở nhà trường, nhất là những câu truyện cô đã nói với Chúa trước Thánh Thể và với Mẹ Maria trong giờ chơi giải trí ... Thấy con khôn ngoan và có nhiều dấu thánh thiện bà Euphrasia càng thâm tín hơn vào lòng từ bi của Thiên Chúa và tình yêu của người chồng đã quá cố. Lòng thâm tín giúp bà phát triển đức tin và chu toàn nhiệm vụ người mẹ góa nuôi con. Bà đã từ chối mọi lời khuyên tái giá, kể cả ý kiến của Hoàng đế Têôđôsiộ Để được sống tự do hơn, năm 386, bà đem con sang Ai Cập xin trọ trong một nhà dòng nữ thuộc tỉnh Têbaiđa.
Như cây hoa gặp vườn đất tốt, cô Euphrasia sung sướng sống qua những ngày niên thiếu trong nhà dòng. Cô ngoan ngoãn noi gương mọi người. Cô bộc lộ dần tinh thần cầu nguyện và suy ngắm. Lúc này cô không còn cắp sách đến trường học nữa, nhưng bộ truyện các thánh, mấy quyển Phúc âm là những món quà tinh thần làm cô say mê hơn cả. Cô chăm chú học và đọc từng trang.
Thời gian lặng lẽ trôi, cho tới một chiều kia Euphrasia lúc ấy vừa chẵn bảy tuổi, cùng với bà bề trên đi dạo. Hai tay già trẻ nắm chặt lấy nhau biểu lộ niềm thông cảm của hai tâm hồn. Bà bề trên thân mật hỏi cô:
- Con có thích các chị dòng không?
- Dạ, con thích các chị, các chị sống thánh thiện và bác ái quá.
Đôi mắt mở rộng bà bề trên khẽ cười hỏi:
- Thế con có muốn ở đây với chúng tôi không?
- Thưa bà, con muốn lắm miễn là mẹ con bằng lòng ...
Tiếng chuông chiều trong trẻo vang lên làm rung động cả bầu không khí ... câu chuyện chấm dứt, hai người lặng nhìn theo đoàn người bước vào nhà nguyện ... Sau nhiều lần dò hỏi, bà bề trên nhận rõ ơn kêu gọi tu dòng của Euphrasia, bà nhận cô vào nhà tập và sau cùng gọi cô mặc áo dòng.
Khấn dòng vừa được ba năm thì mẹ Euphrasia qua đời, năm 390. Mặc dầu được yên ủi vì cái chết thánh thiện của mẹ, Euphrasia không khỏi mủi lòng .... Thánh goá phụ được Giáo hội kính nhớ vào cùng một ngày với thánh Antigôna để nêu cao tấm gương hôn nhân trọn hảo cho mọi gia đình. Từ đây Euphrasia càng khép mình vào đời sống kỷ luật dòng hơn. Chị như ngôi sao sáng Chúa đặt giữa chị em... Cuốn lưu bút của nhà dòng hiện nay còn giữ lại nhiều dòng chữ của chị em viết về thánh nữ. Có chị ca tụng đức khiêm tốn của Euphrasia, có chị coi đức trinh khiết là nền móng đời thánh thiện của ngài. Chị khác lại quyết đoán nhân đức trổi vượt trong đời Euphrasia phải là đức vâng lời. Riêng bà mẹ Maria, bà không ngớt khen ngợi tinh thần chay tịnh và đời sống cầu nguyện của thánh nữ. Bà thường nói với chị em: "Đời sống chay tịnh giúp Euphrasia kìm hãm thú tính, còn đời sống cầu nguyện lại nâng tâm hồn lên kết hợp với Thiên Chúa ". Quả vậy, thánh nữ hãm mình, thắt xiềng sắt, nhịn đói ba ngày không ăn. Giờ chị em ăn cơm, thánh nữ xin đi cầu nguyện. Dầu vậy chị không bỏ sót một bổn phận nhỏ hay xin chuẩn một luật nào.
Nói đến nhân đức của Euphrasia, chúng ta không thể quên những đêm tối mà linh hồn chị phải trải qua. Chúa như lãng quên, để mặc chị mò mẫm tranh đấu với Satan. Biết sức chị, ma quỷ tìm bày mọi mưu chước để có thể dằn vật linh hồn chị. Hai điểm chúng nhằm tấn công hơn cả là lòng kiêu ngạo muốn cậy mình chống đối bề trên và tình dục đê hèn với tất cả những hình ảnh khêu gợi lạc thú ... Phần Euphrasia, chị lấy phương pháp chống trả hiệu nghiệm hơn hết là chân thành cởi mở tâm hồn cho bà mẹ và cha linh hướng, đồng thời tăng gia việc cầu nguyện và đời sống chay tịnh. Nhờ thế Chúa vẫn ở với chị, Chúa luôn dành sự thắng lợi cho chị, như người ta kể: Lần kia khi chị đang kín nước về làm bếp, ma quỷ xuất hiện và sau mấy câu nói hài hước, chúng dìm đầu chị xuống giếng. Chị liền kêu lên: "Lạy Chúa Kitô xin đến giúp con". Nghe tiếng kêu nhiều chị em trong nhà chạy ra cứu chị. Thoát nạn, Euphrasia hớn hở nói to như để tung hô quyền phép Chúa: "Hoan hô Chúa Kitô; Đấng đã dùng tay các chị để cứu em".
Hơn thế, Chúa còn cho Euphrasia được quyền trừ quỷ. Lần kia sau khi đi thăm các gia đình, chị em trong dòng mang về một em bé ốm nặng để xin Euphrasia cứu chữa. Thánh nữ xin các chị em vào nhà thờ để hợp ý cầu nguyện với mình. Sau một giờ chìm trong hương kinh nguyện của nhà dòng, em bé đổi sắc mặt lấy lại sinh lực. Chị Euphrasia tiến đến sốt sắng làm dấu thánh giá trên trán em và nguyện: "Chớ gì Đấng đã dựng nên em chữa em lành đã ". Vừa dứt lời em bé hoàn toàn bình phục như không có bêïnh gì. Lập tức một hồi chuông nhịp nhàng ngân vang trên tháp, mỗi tiếng chuông đều gợi sâu lòng biết ơn của đoàn người đang lần lượt cúi mình và tạ ơn theo lời kinh ngợi khen của Đức Mẹ.
Lần khác người ta dẫn đến tận nhà dòng một goá phụ bị quỷ ám. Nhìn thân hình gầy đét chỉ còn da bọc xương, mớ tóc rối buông xoã trên khuôn mặt xanh nhợt với hai hố mắt và cửa miệng méo xệch, ai cũng rùng mình không dám lại gần mụ. Nhưng vừa nom thấy mụ già xấu kiếp này, Euphrasia đã xin phép bà mẹ tay cầm thánh giá đến quỳ dưới chân mụ. Thấy chị, mụ không dám la lối, nhưng đứng yên không nhìn, dáng điệu căm hờn như muốn hành hung, Phải chăng là thái độ một tên quỷ sắp bị trục xuất! Thực vậy, sau hồi cầu nguyện Euphrasia đứng dậy làm dấu Thánh giá và đọc: "Chớ gì Đấng đã dựng nên bà giải thoát bà khỏi tay quỷ ". Lập tức quỷ bỏ mụ già với một tiếng la khủng khiếp.
Sau đó mấy năm, trong một thị kiến, Chúa cho bà mẹ nhà dòng biết ngày về trời của Euphrasia đã gần tới. Bà vui mừng đưa tin cho chị thánh. Với đức khiêm nhường cố hữu, chị xin bà cầu nguyện để nếu đẹp ý Chúa, Người cho chị sống thêm một năm nữa để ăn chay đền tội. Nhưng dưới mắt Chúa chị như hoa nở vừa độ, quả chín đã vừa tầm! Cuối thu năm 410 giữa niềm mến thương của gia đình tu viện, chị trút hơi thở vĩnh biệt mọi người. Xác chị được mai táng bên cạnh xác mẹ hiền của chị. Nơi đây Chúa làm nhiều phép lạ để tán thưởng nhân đức chị.
Chị thực là một bông hoa tươi đẹp trong vườn Giáo hội và là một gương mẫu sáng ngời cho các thiếu nữ công giáo.
Thánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến mà các linh mục dòng Tên dành cho ngài.
Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách (1559 - 1829), mà nhiều đạo luật đã được ban hành để trừng phạt người Công Giáo vì sống đức tin.
Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc. Công trình của ngài -- được thiết kế và dàn dựng bởi chính tay ngài -- quá kín đáo đến nỗi biết bao lần lục soát mà quan quân không thể nào tìm thấy các linh mục ẩn nấp trong đó. Ngài có tài tìm kiếm, và thiết lập những nơi an toàn như địa đạo ngầm dưới đất, khoảng cách giữa hai bức tường, và các ngõ ngách không cách chi vào được. Ngay cả có lần ngài sắp đặt kế hoạch để cứu thoát hai linh mục dòng Tên khỏi nhà tù ở Luân Đôn.
Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa, và trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Sau nhiều năm phục vụ với công việc khác thường ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên với tư cách thầy trợ sĩ, tuy nhiên sự liên hệ này đã được giữ bí mật với những lý do chính đáng.
Sau nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị tra tấn dã man, ngài vẫn không tiết lộ danh tính của các người Công Giáo. Sau khi được thả tự do với một số tiền hối lộ, "Tiểu Gioan" lại trở về với công việc cũ. Ngài bị bắt lại vào năm 1606. Lần này ngài bị tra tấn quá dã man và đã chết vì đau đớn. Quân cai ngục cố tuyên truyền rằng ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.
Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1970 như một trong 40 vị Tử Đạo của Anh Quốc và Wales.
Nếu Tôi Biết Tha thứ
Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.
Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này". Nói rồi anh bật khóc: "Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con". Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria....
Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người.... Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: "Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời". Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: "Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưả".
Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.
Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúạ