Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Thiên Chúa khóc thương khi chúng ta quay lưng lại tình yêu của Ngài

Filled under:

Chúng ta thử nghĩ mà xem, khi chúng ta theo đuổi những thần tượng giả dối, thì chỉ có Thiên Chúa là Cha yêu thương và chờ đợi chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
PopeFrancis-30Mar2017-01.jpg

Con người luôn bị cám dỗ sống bất trung

Trong bài đọc trích sách Xuất Hành, khi Mose lên núi để gặp Thiên Chúa, dân chúng không đủ kiên nhẫn. 40 ngày là quá lâu đối với họ. Khi Mose xuống núi, dân chúng đã đúc một con bê vàng để thờ. Dân chúng lãng quên Thiên Chúa, Đấng cứu họ. Bởi thế, ngôn sứ Baruc có nói: Chúng đã lãng quên Đấng dẫn đưa chúng.

Quên đi Thiên Chúa, Đấng tạo nên đất trời, Đấng làm cho muôn vật sinh trưởng, Đấng đồng hành trong cuộc sống chúng ta. Khi quên đi như thế, chúng ta rơi vào ảo tưởng. Nhiều lần trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu kể về người chủ giao vườn nho cho người làm công chăm sóc, nhưng rồi thất bại, vì các tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho. Trong trái tim con người luôn có cám dỗ ấy, luôn có sự bất an ấy. Con người không hài lòng với tình yêu trung thành đặt nơi Thiên Chúa. Trái tim con người luôn có xu hướng bị đưa đẩy tới chỗ không chung thủy.

Thiên Chúa buồn lòng khi con người bất trung

Có ngôn sứ đã trách rằng: đây là một dân không biết kiên trì, không thể chờ đợi, một dân đã ra hư hỏng, vì chúng rời xa Thiên Chúa chân thật mà chạy theo các thần tượng giả dối.

Và như thế, đứng trước sự bất trung của dân, Thiên Chúa buồn lòng và thất vọng… Chúng ta hôm nay cũng là dân của Chúa. Chúng ta biết rất rõ điều gì đang diễn ra trong trái tim mình. Và chúng ta phải lên đường trở về; để không bị trượt dài, không bị lôi cuốn, không chạy theo các thần tượng giả trá của thế gian, không bị lún dần vào con đường bất trung. Hôm nay thật là tốt để nghĩ về sự nỗi buồn của Thiên Chúa. Bản thân mỗi người thử hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin nói cho con biết, Chúa có buồn về con không, có thất vọng về con không?”. Trong chừng mừng nào đó, có thể Chúa sẽ nói là có. Nhưng hãy cứ nghĩ và hỏi Chúa câu hỏi ấy.

Con có đang xa cách Chúa không?

Thiên Chúa là người Cha nhân hiền với trái tim nhân hậu. Chúng ta hãy nhớ về cảnh Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Và chúng ta tự hỏi: Chúa có đang khóc vì tôi không? Chúa có đang buồn vì tôi không? Tôi có đang chạy theo các thần tượng giả mà sống xa cách Chúa không? Nếu chúng ta đang làm nô lệ cho các ngẫu tượng giả dối, thì Thiên Chúa đang khóc thương cho ta.

Hôm nay chúng ta nghĩ về nỗi buồn của Thiên Chúa. Ngài buồn, vì dù Ngài yêu mến chúng ta, dù Ngài kiếm tìm tình yêu, mà chúng ta không đáp lại, mà chúng ta không yêu mến Ngài. Chúng ta chạy xa Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta. Chúng ta nên nghĩ về điều ấy trong Mùa Chay này. Điều ấy giúp ích cho chúng ta. Đó là điều chúng ta nên làm hằng ngày khi xét mình hồi tâm. Chúng ta thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã có rất nhiều ước mơ dành cho con, nhưng con lại rời xa Ngài, xin nói cho con biết ở đâu và cách nào để con bắt đầu con đường trở về…” Điều luôn làm cho ta ngạc nhiên, là Ngài luôn đợi chờ chúng ta, như người cha nhân hậu đợi chờ đứa con hoang đàng trở về. Khi đứa con trở về, người cha đã đợi chờ anh từ lâu và nhìn thấy anh ngay từ đàng xa.





 ĐGH nói rằng hãy từ bỏ “ánh sáng giả tạo”dẫn đến con đường sai lầm.

(EWTN News/CNA) Trong Thánh Lễ Chúa Nhật 26 thánh Ba, ĐGH Phanxicô đã nói với khách hành hương rằng Mùa Chay là thời gian quan trọng để mở lòng đón nhận ánh sánh của Chúa Kitô và dứt bỏ “ ánh sáng giả tạo” làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, dẫn chúng ta vào con đường tăm tối bắt nguồn từ tính ích kỷ của chính mình.

ĐGH xin mọi người hãy tự trả lời trong thinh lặng những câu hỏi mà ngài đặt ra hôm ấy như “Con có tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không? Có tin rằng Chúa có thể biến đổi con tim của con không? Có nghĩ rằng con có thể nhìn thấy thực tế như Chúa thấy, không phải như người khác không? Con có tin Chúa là ánh sáng và ngài ban cho chúng ta ánh sáng thật không?

Đi theo ánh sáng của Chúa Kitô nghĩa là biến đổi và việc biến đổi này có nghĩa là “từ bỏ ánh sáng giả tạo.”

ĐGH nói rằng một trong những ánh sáng giả là thành kiến kỳ quặc và lạnh lùng đối với người khác, bởi vì định kiến như thế bóp méo sự thật và tạo nên lòng hận thù đối với những ai mà chúng ta xét đoán không chút xót thương và lên án mà không hề xét xử.

Ngồi lê mách lẻo cũng là loại tật này, nói xấu người khác làm ta lạc xa ánh sáng và dẫn ta vào con đường tối tăm.

Một loại ánh sáng giả khác nữa là “quyến rũ và mơ hồ vì lợi ích cá nhân.”

Nếu chúng ta đánh giá một người dựa trên những tiêu chuẩn vì lợi ích của mình, vì niềm vui, vì uy tín thì chúng ta không sống ánh sáng thật trong các mối liên hệ và trong các tình huống. Nếu chúng ta bước xuống con đường này để tìm lợi ích cá nhân thì chúng ta sẽ chìm sâu vào trong bóng tối.

Trong buổi đọc kinh truyền tin tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào hôm Chúa Nhật, ĐGH đã nhắc đến đoạn Phúa Âm của Thánh Gioan kể lại việc Chúa chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh. Sau khi được nhìn thấy, người này đã nhận ra Giêsu là Con Thiên Chúa và thờ lạy Ngài.

Với phép lạ này Chúa Giêsu đã tỏ mình là ánh sáng thế gian. Người mù là hình ảnh của chúng ta, bị mù bởi tội lỗi “cần ánh sáng mới, ánh sáng đức tin, ánh sáng thật mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chính việc “mở ra mầu nhiệm về Chúa Kitô” mà người mù được nhìn thấy.

ĐGH nhấn mạnh đến đoạn Chúa Giêsu hỏi người mù “Anh có tin vào Con Người không? và rằng “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.”

Thế là người mù liền sấp mình và thờ lạy Chúa Giêsu. Câu chuyện này là lời mời gọi phản ánh niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô và nhớ lại giây phút chúng ta được lãnh phép Rửa Tội.

Rửa tội là “bí tích đầu tiên của đức tin, dẫn chúng ta “đến với ánh sáng” qua việc tái sinh trong nước và trong Chúa Thánh Thần. Cũng thế, tin theo lời dạy của Chúa Giêsu, mắt người mù được mở ra sau khi đi rửa tại hồ Si-lô-ắc.

Nhu cầu chữa lành và tái sinh là một dấu hiệu của mọi thời đại một khi chúng ta không nhận ra rằng “Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian” khi chúng ta lạc lối trong tối tăm chúng ta sẽ tìm kiếm và bước theo nguồn sáng dù rất nhỏ.

Vấn đề ở đây là người mù không có tên, điều ấy giúp chúng ta sẽ tìm thấy chính mình, khuôn mặt mình và tên của mình trong lịch sự của thời đại ấy.

Chúng ta cũng được chiếu sáng bởi Chúa Kitô qua phép Rửa Tội, giống như người mù, chúng ta được kêu gọi để sống như “con cái của ánh sáng.”

Nhưng để làm được như thế đòi hỏi một sư thay đổi căn bản về tinh thần, về khả năng xét đoán tha nhân và về nhiều thứ theo một tiêu chuẩn giá trị mới đến từ Thiên Chúa. Chính Phép Rửa Tội đòi hỏi một “sự chọn lựa vững chắc và quyết tâm” loại bỏ ánh sáng giả và sống như con cái ánh sáng thật của Chúa Kitô.

Kết thúc buổi cầu nguyện ĐGH đã cầu xin cùng Mẹ Maria, người đã đón nhận Chúa Giêsu là “ ánh sáng thế gian”. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta để được ơn đón nhận “ánh sáng đức tin” vào trong đời sống, nhất là trong Mùa Chay này.

“Xin cho ánh sáng mới này biến đổi chúng con trong thái độ và hành động, để chúng con, dù trong cảnh khốn nghèo, cũng có thể trở thành những tia sáng của Chúa Kitô”.

Giuse Thẩm Nguyễn
   (Tứ quyết SJ,  RadioVaticana 30.03.2017)