Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 29/3/2017

Filled under:

LÀM THEO Ý CHÚA CHA
“Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 5,30)
Suy niệm: Đức Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến. Cả cuộc đời Người, Người chuyên chăm thực hiện thánh ý Cha, cho đến mức chấp nhận cái chết thập giá. Thánh ý Cha là lương thực hằng ngày của Đức Giê-su, là lý do hiện hữu và của sứ mạng của Ngài. Điều này không hề có nghĩa rằng Đức Giê-su không có ý riêng mình. Người vẫn có ý riêng, như bất cứ ai – nhưng Người hoàn toàn khép ý riêng mình vào trong ý Chúa Cha: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Tất cả mối quan tâm của Đức Giê-su là làm cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Vì thế, Chúa Cha gọi Người là “Con Yêu Dấu.”
Mời Bạn: Chúng ta không bác bỏ ý riêng, nhất là khi nó giúp ích trong việc xây dựng cộng đoàn. Tuy nhiên phải chăng chúng ta thường quá coi trọng ý kiến của mình mà quên đi ý Chúa muốn mình phải làm gì? Mời bạn làm chứng cho sự vâng phục thánh ý Chúa bằng những chọn lựa và hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng sự đồng ý suông của lý trí. Và đừng quên rằng “trăm nghe không bằng một thấy,” và “lời nói bay đi gương bày lôi kéo” - hay như nhận định của chân phước giáo hoàng Phao-lô VI: “Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy thì cũng bởi vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân!”
Sống Lời Chúa: Tập không bao giờ quyết định, chọn lựa bất cứ gì chỉ vì đó là ý của mình. Chỉ theo ý mình khi xác tín rằng đó cũng là điều Chúa muốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe thuộc cấp và biết vâng phục thượng cấp theo như thánh ý Chúa muốn.


 THÁNH GIONA VÀ BARACHISÊ
CÙNG CÁC BẠN TỬ ĐẠO
Năm 327, ở nước Ba tư có vua tên là Sapor, một ngày vua nổi tiếng trong việc bách hại Giáo hội, phá hủy các đền thờ, thiêu đốt các tu viện và cưỡng ép các giáo hữu chối bỏ Thiên Chúa để thờ các ngẫu thần nhà nước: thần mặt trời, thần lửa và thần nước.
Tại tỉnh Beth Asa có hai anh em Giona và Barachisê là những người sống rất lương thiện và có đức tin mạnh mẽ. Khi nghe tin các giáo hữu bị bắt bớ giam cầm ở Habaham, vì lòng mến Chúa yêu người, hai anh em đã can đảm chẳng quản đường sá xa xôi, tìm đến tận nhà giam xin phép vào thăm và khuyến khích các giáo hữu giữ đức tin vững vàng và trông cậy Chúa. Nhờ vậy mà các giáo hữu kiên gan bền chi cho đến phút cuối cùng.
Thấy việc táo bạo của hai anh em, nhân viên chính phủ liền bắt hai người đem nộp cho toà án xét xử. Khi phải điệu ra trước toà án, quan toà thấy hai anh em can trường vững chí và tuổi còn thanh xuân, liền lấy lời ngon ngọt dụ dỗ các đấng bỏ đạo, vâng lệnh vua mà tế thần nhà nước. Nhưng vô ích, các ngài vẫn một mực xưng đức tin mạnh bạo. Quan toà thấy khó lòng khuyên được hai anh em bỏ đạo, liền truyền giam mỗi người một nơi.
Sau đó, quan toà truyền đem Giona ra tra khảo. Vừa thấy Giona, quan đã ngọt ngào dụ dỗ người bỏ đạo thờ các thần nhà nước, cùng hứa ban thưởng cho người. Nhưng Giona vẫn một mực tuyên xưng đức tin, bằng lời lẽ rất rắn rỏi: "Đội ơn quan, không bao giờ tôi chối Chúa Kitô Đấng muôn đời phải tôn kính, và là nơi cậy trông của mọi giáo hữu, vì có lời Kinh Thánh rằng: "Ai chối bỏ Ta trước mặt người trần, thì Ta cũng chối bỏ nó trước mặt Cha Ta trên trời" (Mat 11, 33).
Thấy Người vẫn cương quyết không chịu bỏ đạo, quan truyền trói người vào cột, lấy cành gai nhọn đánh người, da thịt tơi bời, máu me lai láng. Mặc dầu da thịt tan nát bắn ra từng mảng, nhiều chỗ xem thấy xương, thánh Gioan không chút buồn rầu ta thán, trái lại vẫn giữ nét mặt tươi sáng, và miệng không ngớt ngợi khen Thiên Chúa: "Sáng danh Thiên Chúa là Cha đã ban cho con đức tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng, và tình mến chứa chan. Xin Chúa thương ban cho con phúc tử đạo, con hằng mong ước". Quan toà thấy không kết quả, khó làm cho người nao núng, một lần nữa hạ lệnh trói chân tay ngài lại và thả xuống hồ nước đông suốt đêm, cho chết rét. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ ngài không hề nao qua một đêm gian khổ.
Ngày hôm sau đến lượt Barachisê phải điệu ra toà tra hỏi.
Quan toà giả vờ dụ dỗ rằng: "Anh người hôm qua đã bỏ đạo, đã chịu thờ lạy các thần nhà nước. Nay đến lượt người, người hãy bắt chước như vậy, ta sẽ tha cho về nhà".
Barachisê mạnh bạo đáp: "Nếu anh tôi đã trót lỗi phạm mà nghe lời quan, thì tôi đây tôi lại càng phải xưng đạo ra cho mạnh bạo, để làm sáng danh Thiên Chúa. Nhưng việc đó đâu có thể xẩy ra được. Không dại gì người ta lại thờ lạy tà thần là những tượng do tay người trần làm nên. Không đời nào anh tôi lại làm một việc khờ dại như thế."
Thấy người mạnh bạo xưng danh Thiên Chúa và đồng thời còn thoá mạ các thần nhà nước trước mặt toàn dân, các thầy sãi có mặt tại đó lo lắng, vì sợ những lời ngài nói làm cho dân chúng hoang mang, họ đề nghị với toà án xin xét xử và tra khảo ngài ban đêm.
Đêm sau, họ bí mật hội lại, không cho dân chúng biết, cắt đặt lính gác canh phòng cẩn thận, không cho dân đến tham dự. Họ truyền điệu Barachisê ra toà án để tra khảo và khuyên dụ ngài thờ các thần; nhưng vô ích, Barachisê càng mạnh mẽ hăng hái hơn để minh chứng đạo Thiên Chúa và bài bác các tà thần. Đêm đã khuya, họ mệt mỏi mà vẫn không làm cho Barachisê nao núng; họ truyền nung những thanh sắt đỏ, đem đặt trên cánh tay ngài và nói: "Nếu ngươi đánh rơi một thanh sắt nào, là dấu chỉ chắc chắn ngươi đã ưng thuận chối Thiên Chúa để thờ lạy các thần.
Barachisê mạnh bạo trách mắng họ: "Các ngươi là đầy tớ satan, nô lệ của chúa hung ác, ta không sợ lửa thế gian hay tắt, các ngươi hãy coi không một thanh sắt nào phải rơi đâu. Các ngươi cứ việc tìm những hình khổ dữ tợn nữa mà tra tấn làm khổ ta đi; ta sẵn sàng chịu vì danh Thiên Chúa hằng sống".
Nghe vậy, họ liền nổi giận, truyền đổ chì sôi vào mắt mũi, miệng và tai ngài, cùng truyền tống ngài vào ngục, cùm chân xích tay lại và treo lên cho đến sáng.
Hôm sau, lại đến lượt Giona phải ra hầu toà. Các quan toà bảo người: "Này ngươi có thấy không? Ngươi mới chịu khổ một chút dưới ao đêm qua thôi, còn rất nhiều cực hình khác đang chờ đợi ngươi; ngươi hãy mau mau vâng lệnh vua mà thờ lạy các thần nhà nước quen thờ đi".
Giona trả lời: "Các ông lầm to, trong đời tôi chưa có bao giờ được hưởng một đêm cực lạc như đêm qua, vì trong khi đó tôi nhớ đến các sự Thương khó Chúa Kitô đã chịu, tôi cảm thấy vui mừng và được yên ủi để thêm hăng hái can trường".
Các quan toà lại tiếp: "Barachisê em ngươi đã bỏ đạo chê chối Thiên Chúa và thờ lạy các thần nhà nước rồi. Ngươi hãy bắt chước em ngươi, chúng ta sẽ khoan hồng cho ngươi".
Vâng! tôi đã biết em tôi từ bỏ ma quỷ và các thủ hạ nó từ lâu rồi.
Giona! Ngươi xưng danh Thiên Chúa ngươi ra nào có ích gì cho ngươi; nhất là ngươi phải mất sự sống?
Các ông thật mù quáng và ngu dốt; các ông vẫn tự hào là những bậc khôn ngoan. Tôi xin hỏi các ông: một người cất giấu lúa thóc mình trong kho lẫm kín đáo cho khỏi mối mọt mưa gió làm hư hỏng, hay là đem gieo rắc ra để hy vọng thu hoạch mùa gặt dồi dao, đàng nào khôn ngoan hơn? Lúa cũng ví như sự sống, như lời Sách Thánh đã chép: "Ai mất sự sống vì danh Chúa Kitô và tin cậy nơi Ngài, một ngày kia, khi Chúa Giêsu hiện ra trong vinh quang, họ sẽ được gấp trăm ngàn. Còn những bọn gian tà, những quan độc ác, đã khinh chê các giới răn, không tuân giữ luật sẽ phải lửa thiêu muôn đời".
Giona, hãy coi chừng. Sách thánh bịa đặt lừa dối ngươi cũng như nhiều người".
Sách Thánh rất chân thật vì ghi chép những lời chúa hằng sống. Nhờ sách đó mà nhiều người tìm thấy nguồn mạch chân lý dẫn đưa con người đến đường cứu rỗi. Khác hẳn với những triết lý trần tục, có thể sai lầm và lừa dối nhân loại. Các quan toà thấy Giona vẫn một mực can đảm minh chứng đạo Thiên Chúa với những lời lẽ đanh thép, không trông dụ dỗ được. Họ truyền chặt chân tay Ngài ra từng đốt rồi tung ra và nhạo: theo lời ngươi nói, chúng ta tung gieo các đốt chân tay này, ngươi hãy hy vọng mùa gặt tới thu lại đầy đủ và nhiều hơn.
Ngài liền thưa: "Tôi không cần chi nhiều đốt chân tay, ngày Phục sinh, Thiên Chúa sẽ cho tôi một thân xác hoàn toàn đầy đủ và vinh quang sáng chói". Nhưng lý hình vẫn chưa thôi những cực hình dã man họ truyền lột da, cắt lưỡi, bỏ thân xác Ngài vào vạc dầu sôi. Nhưng Chúa làm phép lạ để tỏ ra oai quyền của Chúa: khi vừa bỏ Giona vào vạc dầu sôi liền trào ra hết, còn thân xác người thánh không phải hư hại. Thấy các hình khổ không làm chi được Ngài, cuối cùng họ truyền nghiền nát thân thể Giona, rồi chặt ra từng mảnh ném xuống hồ khô cạn.
Khi đã xử Giona xong, hôm sau họ lại truyền đem Barachisê ra. Các quan toà cũng lấy lời ngọt ngào dụ dỗ người thờ lạy các thần, để cứu thân xác mình cho khỏi chết uổng. Họ nói: "Này Barachisê hãy vâng lệnh vua, rồi về nhà tha hồ mà giữ đạo, không ai làm chi".
Barachisê vẫn một lòng cương quyết thà chết chẳng thà lỗi nghĩa cùng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất mà mọi người phải thờ lạy và hy sinh mạng sống vì Ngài.
Rồi Barachisê đáp lại với các quan toà: "Tôi không tiếc gì cái thân xác này nữa thế mà các ông còn khuyên tôi gìn giữ nó, thân xác tôi là của Thiên Chúa. Người tạo dựng nên nó, nếu các ông tiêu diệt hủy hoại nó, Thiên Chúa quyền phép vô cùng sẽ ban cho tôi một thân xác hoàn hảo hơn trong ngày phục sinh".
Thấy mất công không còn cách nào dụ dỗ cho Barachisê xiêu lòng đổi dạ, họ liền nói với nhau: "Chẳng trông gì bọn cứng đầu này hối cải, chúng ta có trì hoãn cũng mất công vô ích, và nếu đức vua có hay tin, lại càng thêm thịnh nộ. Thôi chúng ta hãy cứ lệnh mà sử tử chúng đi cho rồi".
Bấy giờ lại một loạt hình khổ độc ác được trình bày. Họ truyền lột áo Barachisê và ném vào bụi gai nhọn, rồi lấy cung nỏ bắn tên nhọn vào như mưa. Sau đó họ cho vào máy nghiền nát thân xác ngài ra, trông rất thảm thương, chỉ còn thoi thóp thở, họ truyền đổ nhựa sôi vào miệng ngài để kết liễu đời sống con người mà họ cho là điên dạị  Bỗng nhiên một luồng sáng xuất hiện bao phủ xác thánh nhân khiến bọn lý hình hoảng sợ và nhiều người xin nhận Đức tin.
Cùng với hai đấng, có Lagiarô và một số anh em khác cũng được phúc tử đạo.
Sau khi các đấng đã xử tử, có một người tên là Apdissotas đem 5000 đồng đến xin chuộc xác thánh và đem về mai táng. Lòng can đảm và trung thành với Chúa Kitô của các thánh quả là gương mẫu sáng lạn cho chúng ta noi theo và nó nhắc nhở chúng ta rằng dù phải cực hình, dù phải đau khổ đến đâu đi nữa, nếu ta biết can đảm chịu đựng và trung thành với đạo Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban thưởng bội hậu trên trời. Để lưu truyền gương mẫu ấy cho con cái khắp hoàn cầu, Giáo Hội đã ghi các đấng ấy vào sổ các thánh tử đạo và mừng lễ các ngài vào ngày 29 tháng 03.


Khúc Nhạc Tuyệt Vời

Một đêm kia, ông Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng vào thế kỷ 19 bước ra sân khấu và chỉ khám phá nhạc khí ông đang cầm trên tay có cái gì bất bình thường sau khi những tràng pháo tay của khán giả ngưỡng mộ ông nổi lên vang dậy và chấm dứt. Nhìn kỹ lại chiếc đàn lần thứ hai, nhạc sĩ Paganini mới nhận thấy đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc đã đưa ông lên đài danh vọng.
Ông đứng bất động trong giây phút, rồi bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khán giả đang nóng lòng chờ đợi nghe những điệu nhạc tuyệt diệu của ông. Paganini giải thích: "Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây phút vì tôi đã lấy lộn cây đàn". Cáo lỗi xong, Paganini lách mình sau bức màn sân khấu và yên trí là cây đàn bất hủ của mình vẫn nằm nơi ông đã đặt nó. Nhưng ông không khỏi bàng hoàng khi nhận ra là có người đã đánh cắp nhạc khí quý giá của ông khỏi thùng đàn và đã đặt một cây đàn rẻ tiền khác thay thế vào. Nhạc sĩ Paganini đứng yên như bức tượng một hồi lâu rồi như một ý nghĩ gì lóe lên trong trí óc, ông cương quyết cầm cây đàn tầm thường bị đánh tráo trở lại sân khấu và lớn tiếng tuyên bố:
"Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này, tôi muốn chứng minh cùng quý vị là: vẻ đẹp và cái tinh túy của nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng nằm trong tâm hồn của nhạc sĩ".
Nói xong, nhạc sĩ tài ba bắt đầu dạo nhạc và từ cây vĩ đàn tầm thường ông đã say sưa trình diễn những khúc nhạc tuyệt vời tưởng chừng như bất tận, cho đến khi khán giả say mê ngây ngất, đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy vì ông Paganini đã thật sự chứng minh với họ là: Tinh thần nhạc không tùy thuộc ở trong nhạc khí nhưng hàm ẩn trong tâm hồn của nhạc sĩ.
Ðây cũng là sứ mệnh của các tín hữu Kitô: Hằng ngày sau một giấc ngủ yên, họ bừng chỗi dậy để ra sân khấu cuộc đời trình diễn khúc nhạc: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Gặp thời kỳ thuận tiện hay bất lợi, gặp môi trường sinh sống xứng hợp với khúc nhạc hay không, gặp những người chung sống có chấp nhận hay từ chối, cuộc sống của người Kitô hữu phải chứng minh rằng: Khúc nhạc "Thiên Chúa là Tình Yêu" không thể bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh, vào những môi trường sinh sống bên ngoài, nhưng phải là khúc nhạc xuất phát từ tâm hồn như những điệu nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ Paganini không bị lệ thuộc vào nhạc khí, nhưng đã xuất phát từ tâm hồn điêu luyện say mê âm nhạc của ông.