Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Xử Lý Cơn Giận Trong Mùa Chay

Filled under:

Cơn giận luôn ở xung quanh chúng ta, nhất là trong Mùa Chay. Cơn giận tự nó không là điều xấu. Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô nói rằng không phản ứng điều gì đó bằng cơn giận có thể là thói xấu, bởi vì đôi khi lý lẽ đòi hỏi sự giận dữ trước bất công và tội lỗi.
Nhưng cơn giận là cảm xúc bất định và nguy hiểm, các Kitô hữu phải lưu ý điều khiển nó theo hướng tốt. Thánh tiến sĩ Augustinô cảnh báo rằng “cơn giận thường trái ngược với bất cứ điều gì trở nên sự thù hận” và “chúng ta phải coi chừng kẻo sự thù hận đầy ở trong lòng”. Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô viết rằng cơn giận có thể là tội trọng nếu “cơn giận đó xa rời tình yêu Thiên Chúa và người lân cận”.
Điều phiền toái là nhiều Kitô hữu dễ dàng thể hiện cơn giận dữ bằng cách dẫn chứng gương Chúa Giêsu khi Ngài nổi giận và đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ và việc GM Nicholas đấm GM Arius tại Công đồng Nicê. Thật nguy hiểm, bởi vì trong tất cả các tội trọng, sự phẫn nộ có vẻ là những tội “được” người ta coi là ít nghiêm trọng nhất.
Trong thế giới ngày nay, nếu bạn có xu hướng dễ nổi nóng, bạn cần phải phân biệt điều gì cho phép bạn nhìn và suy nghĩ. Mùa Chay là thời gian quan trọng để bổ sung các cách thực hành là lánh xa cơn giận, đồng thời hướng đến sự bình an và bác ái của Đức Kitô.
Đây là vài cách bạn có thể “đè nén” cơn giận, đặc biệt là trong Mùa Chay này.
1. ĐỪNG ĐẮM MÌNH TRONG CƠN GIẬN CỦA NGƯỜI KHÁC
Người ta nói: “Cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng thù hận người khác”. Câu này thật chí lý. Một số người bị thu hút vào những cuộc tranh cãi, như vậy cũng được nếu nó không dẫn tới tội lỗi. Nhưng cứ gây chia rẽ thì không thể chấp nhận, và chắc chắn chúng ta không thể nên thánh. Thật tốt lành khi giao tiếp với mọi người, nhưng nên tránh những người hay gây sự và những nguồn tin kích động chúng ta (chẳng hạn, trên facebook có một số người comment những lời thiếu yêu thương, thô lỗ hoặc gây chia rẽ – chú thích của người dịch). Tốt nhất nên lưu ý các nguồn đáng tin cậy, nghe người ta nói cũng phải kiểm chứng, hoặc cứ bỏ qua cho “rảnh nợ”. Thực sự chúng ta không cần biết tất cả các tin tức – nhất là các tin xấu.
2. KIỀM CHẾ CƠN GIẬN ĐỂ TÁI ĐỊNH HÌNH CHÍNH MÌNH
Clement (người Rôma) viết: “Cơn giận chính đáng là khi cơn giận đó bực tức với chính mình và kết án chính mình vì những sai lầm của mình”. Nói cách khác, nên tức giận với tội lỗi! Hãy để cơn giận của bạn là động lực để bạn kiểm soát những gì bạn có thể kiểm soát bằng hồng ân của Thiên Chúa, đó là cách cư xử của chính bạn. Chân phước James Alberione, vị sáng lập Gia đình Phaolô (Pauline Family), nói: “Hãy tránh những người thay đổi để bắt đầu từ những cái khác. Sự canh tân đích thực bắt đầu bằng cách quyết tâm thay đổi”. Hãy tìm những người có lòng khiêm nhường thực sự chứ không chỉ tay vào người khác.
3. GIẢM BỚT THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
Nói chung, các phương tiện truyền thông đại chúng có thể là dịp cho những cơn giận không lành mạnh. Mùa Chay này, hãy giảm thời gian lướt web, lên facebook, … để có nhiều thời gian dành cho Thiên Chúa. Ngài có thể làm cho bạn giận nhưng Ngài cũng chữa lành! Đó cũng là một cách ăn chay hữu hiệu, và bạn có thể trở nên điều độ hơn trong việc sử dụng internet. Thường thì khi “nhịn” internet, người ta thanh thản đầu óc và và không dễ “dính” vào các cuộc tranh luận, tán gẫu, tiêu cực.
4. ĐỪNG PHẢN ỨNG NGAY LẬP TỨC
Kinh Thánh cho biết: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ, người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu” (Cn 12:16). Khi bạn tức giận, bạn cảm thấy cần trả lời ngay qua email, chat, hoặc gặp trực tiếp. Chớ nên! Dừng lại ngay, và hãy cầu nguyện nhiều! Theo Thánh Ephrem (người Syria), “nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện” và “cầu nguyện đè nén cơn giận”. Nói cách khác, cầu nguyện giúp chúng ta trở nên kiên nhẫn hơn và vượt qua cơn giận trước khi nó trở thành tội lỗi. Nên lưu ý: Khi xưng tội thì xưng tội mình chứ đừng đổ lỗi cho người khác.
5. TRIỆT HẠ CƠN GIẬN
Những người hay tức giận thường có các vấn đề lưỡng lự trong cuộc sống. Đối với chúng ta, dù hiền lành hoặc nóng tính, sự giận dữ vẫn là cách phản ứng ngay lập tức, nhưng thường liên quan điều gì đó sâu xa hơn. Khi cảm thấy tức giận, hãy thân thưa vói Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con không hiểu sao con lại tức giận như vậy!”. “Một câu nhịn, chín câu lành” và “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, tiền nhân Việt Nam thật chí lý biết bao! Và rồi chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy “hạ hỏa”. Hãy cầu xin Ngài giúp bạn “khai quật” gốc rễ của cơn giận. Khi chúng ta không cảm thấy an lòng về điều gì đó, đó là có điều gì đó khác mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta phó thác cho Ngài để Ngài chữa lành vết thương lòng của chúng ta.
Mùa Chay này, nếu chúng ta quyết tâm điều chỉnh cơn giận theo cách lành mạnh thì gia đình, Giáo Hội và thế giới cũng sẽ trở nên tốt hơn.
Nữ tu THERESA ALETHEIA NOBLE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)


 ****************************************************************************
Buộc xưng tội trong mùa Chay không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Chúng ta đang sống mùa Chay thánh, mới đây con nghe nói rằng ai không xưng tội trong mùa Chay thì mắc tội trọng. Thưa cha, điều này có đúng không? – J. B., Ocala, Florida, Mỹ.
Đáp: Câu trả lời nhanh cho câu hỏi này là không. Tuy nhiên, câu trả lời nhanh là không hề đơn giản, vì có một số điểm cần lưu ý.
Theo Giáo luật:
“Điều 987
Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.
“Điều 988
§1. Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần xưng tội riêng.
§2. Khuyên các Kitô hữu cũng xưng cả những tội nhẹ nữa (CIS 901-902).
“Điều 989
Mọi tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, buộc phải xưng các tội trọng của mình một cách trung thực, một năm ít là một lần (CIS 906 ; CIO 719) (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Tuy nhiên, Giáo Luật cũng nói như sau về việc Rước lễ:
“Điều 920
§l. Sau khi đã rước lễ lần đầu, tất cả mọi tín hữu buộc phải rước lễ mỗi năm ít là một lần.
§2. Phải chu toàn mệnh lệnh này trong mùa Phục Sinh, trừ khi phải chu toàn vào một thời gian khác trong năm vì một lý do chính đáng (CIS 859 ; CIS 860 ; CIO 708)” (Bản dịch, như trên).
Các luật này bắt nguồn từ Hiến chế 21 của Công đồng Latêranô thứ IV năm 1215. Xin đọc:
“Tất cả các tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, phải xưng tất cả tội lỗi của mình một cách chân thành với linh mục của mình ít nhất một năm một lần, và chăm chỉ làm việc đền tội do linh mục đưa ra cho mình. Họ hãy cung kính Rước Thánh Thể ít nhất vào lễ Phục sinh, trừ khi họ nghĩ rằng, vì một lý do chính đáng và theo lời khuyên của vị linh mục, họ nên tránh rước lễ trong một thời gian. Nếu không, họ sẽ bị cấm không được bước vào một nhà thờ trong suốt cuộc đời của họ, và họ sẽ bị từ chối chôn cất theo nghi thức Công Giáo sau khi qua đời. Xin công bố thường xuyên sắc lệnh cứu độ này trong các nhà thờ, để không ai có thể tìm ra cái cớ cho việc không hiểu biết của mình. Nếu bất kỳ người nào muốn, vì các lý do tốt, xưng tội với một linh mục khác, người ấy phải hỏi ý kiến của linh mục của mình và xin phép ngài; nếu không, linh mục ấy sẽ không có quyền tha hoặc ràng buộc họ. Linh mục cần phải sáng suốt và thận trọng, để cho giống như một bác sĩ lành nghề, ngài có thể đổ rượu và dầu trên các vết thương của người bị thương. Linh mục cần cẩn thận hỏi về hoàn cảnh của hối nhân và tội, để ngài thận trọng phân định lời khuyên cần thiết và nên áp dụng sự chữa trị nào, sử dụng các phương thế khác nhau để chữa lành người bệnh. Tuy nhiên, linh mục cần chăm sóc tối đa, không phản bội tội nhân bằng lời nói, cử chỉ, hoặc bất kỳ cách nào khác. Nếu linh mục cần lời khuyên khôn ngoan, ngài cứ thận trọng tìm kiếm, nhưng không đề cập đến người có liên quan. Vì nếu ai giả định tiết lộ một tội lỗi mà mình đã biết khi ngồi tòa giải tội, chúng tôi tuyên sắc rằng ngài không chỉ bị đình chỉ tác vụ linh mục của mình, mà còn phải ở trong một tu viện kín để làm việc đền tội vĩnh viễn nữa”.
Các nguyên tắc này cũng được nêu ra trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo:
“1389. Giáo Hội buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng (x. OE 15) rước lễ mỗi năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (x. CIC, khoản 920), trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Giao Hòa. Giáo Hội hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hay thường xuyên hơn nữa, rước lễ hằng ngày” (Bản dịch Việt ngữ của Ban giáo lý, Tổng Giáo phận Sài Gòn).
Và sau đó:
“Các điều răn của Giáo Hội
“2041. Các điều răn Giáo Hội nhằm nâng đỡ một đời sống luân lý gắn liền với đời sống phụng vụ và được đời sống này nuôi dưỡng. Tính cách bó buộc của các luật thiết định do các mục tử ban hành này có mục đích bảo đảm cho các tín hữu mức cần thiết phải có trong tinh thần cầu nguyện, trong cố gắng sống hợp với luân lý, trong sự gia tăng lòng mến Chúa yêu người.
“2042. Ðiều răn thứ nhất (vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và không làm những công việc nô dịch) đòi các tín hữu thánh hóa ngày mừng Chúa Phục Sinh, cũng như những lễ phụng vụ chính để tôn kính các mầu nhiệm của Chúa, của Ðức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, của các thánh, trước hết bằng việc tham dự cử hành Bí Tích Thánh Thể, là bí tích qui tụ cộng đoàn, và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy (x. CIC, 1246-1248; CCEO 880, 3; 881).
“Ðiều răn thứ hai: (mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần) bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy (x. CIC, 989, CCEO, 719)
“Ðiều răn thứ ba: (mọi tín hữu buộc phải rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh) bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình Máu Chúa Giêsu. Ðiều răn này phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, vì lễ Phục Sinh là nguồn gốc và là trung tâm của phụng vụ Ki-tô giáo (x. CIC, 920, CCEO, 708-881).
“2043. Ðiều răn thứ tư: (vào những ngày sám hối do Hội Thánh ấn định, các tín hữu buộc phải kiêng thịt và giữ chay) bảo đảm thời gian tu luyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ phụng vụ. Chay tịnh và hãm mình góp phần giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới tự do nội tâm (x. CIC, 1246, CCEO, 881,1,4; 880,3)).
“Ðiều răn thứ năm (các tín hữu buộc phải đóng góp cho các nhu cầu của Giáo Hội) dạy các tín hữu có bổn phận chu cấp cho những nhu cầu vật chất của Giáo Hội, tùy theo khả năng mỗi người (x. CIC, 222; CCEO 25)” (Bản dịch, như trên).
Từ các tài liệu này, chúng ta có thể suy luận rằng nghĩa vụ trước tiên là Rước lễ ít nhất một năm một lần, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh. Nghĩa vụ phải đi xưng tội trước khi Rước lễ là liên quan đến nghĩa vụ Rước lễ vào mùa Phục Sinh, để chắc chắn rằng người ấy ở trong tình trạng ân sủng. Mặc dù đây là một suy luận theo luận lý học từ quan điểm thiêng liêng, nhưng phải nhận xét rằng Giáo luật điều 920 §2 qui định xưng tội mỗi năm một lần và không nói về mùa nào cả.
Bộ Giáo luật hiện tại tạo điều kiện dễ dàng cho việc xưng tội, so với Bộ Giáo luật cũ, chẳng hạn loại bỏ yêu cầu phải xưng tội với chính cha xứ của mình để chu toàn nghĩa vụ.
Thời gian để hoàn thành nghĩa vụ mùa Phục Sinh, như đôi khi nó được gọi, có thể khác nhau giữa các nước. Tại Mỹ, thời gian này là từ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay đến hết ngày Lễ Chúa Ba Ngôi; ở các nước khác, mùa có thể bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên.
Tất nhiên, nghĩa vụ mùa Phục Sinh là một yêu cầu tối thiểu để động viên mọi người nhận lãnh các bí tích. Lý tưởng nhất, một người Công Giáo Rước lễ mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Một người Công Giáo cũng nên đi xưng tội bất cứ khi nào mình nhận thức đã phạm tội trọng, và việc xưng tội thường xuyên là rất được khuyến khích, thậm chí nếu chỉ có tội nhẹ. Như Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta, điều răn này nói: “bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy”.
Nếu các đề nghị này được tuân theo, mặc dù nghĩa vụ rước lễ trong mùa Phục Sinh vẫn còn, việc một người ta cần đi xưng tội trong Mùa Chay, hoặc ít nhất vào thời điểm nào đó trước khi Rước lễ vào mùa Phục sinh, sẽ không còn tồn tại, trừ khi người ấy có tội trọng.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 23-2-2016)