Có một người bạn Công Giáo rất ghét xưng tội. Anh ấy ghét việc xưng tội đến độ đã 10 năm anh không đi xưng tội. Có nhiều lý do anh đưa ra để nói rằng: tại sao anh không đi đến với bí tích hòa giải. Anh sợ rằng, tội của anh quá nhiều đến độ xưng một lần thì không xuể. Anh sợ những gì vị linh mục sẽ nói trong tòa giải tội (anh đã có vài kinh nghiệm xấu, vài ấn tượng xấu về vị linh mục trong tòa giải tội). Anh cũng nói rằng, anh quá bận rộn.
Anh ấy không phải là người duy nhất có trải nghiệm và cảm nhận như thế về việc xưng tội. Vài năm trước, khi giúp linh hướng cho khóa tĩnh tâm, tôi gặp một người phụ nữ đã 20 năm không xưng tội. Lý do của chị ấy là vì đã có kinh nghiệm rất khó chịu với vị linh mục trong tòa giải tội.
Để trả lời cho người phụ nữ ấy, tôi nói: “Nếu bạn đã có một ấn tượng khó chịu với một bác sĩ, chẳng lẽ bạn không bao giờ gặp lại bác sĩ?” Tuy nhiên, ngay cả sau khi chúng tôi nói về những kinh nghiệm của chị, chị vẫn do dự cho việc trở lại bí tích hòa giải. Thời gian cho buổi gặp gỡ linh hướng khá ngắn, chỉ là 20 phút, vì còn phải dành thời gian cho những người kế tiếp. Tôi không nghĩ là chị ấy sẽ trở lại tòa giải tội.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy dường như cứng lưỡi trong những tình huống như thế. Không phải vì tôi xét đoán rằng, những người ấy là người Công Giáo tồi. Cũng không phải vì tôi không biết cách phản ứng trước những rào cản trong các tình huống ấy. Đúng hơn, đó là vì tôi thường xuyên đi xưng tội. Rất thường xuyên. Và tôi thích thế.
Thừa nhận rằng, tôi có thể dễ dàng xưng tội, vì tôi sống trong một nhà với nhiều linh mục, và cha linh hướng của tôi là một thành viên trong cộng đoàn. Mỗi khi tôi cảm thấy gánh nặng của tội lỗi, hoặc thậm chí là tội lỗi, tất cả những gì tôi cần làm là gõ cửa ai đó và hỏi.
Mặt khác, có chút khó khăn, vì tôi xưng tội với chính những người sống cùng nhà, và nhiều khi, những người ấy cũng là đồng nghiệp trong công việc. Ví dụ, sau khi tôi xưng tội với một vị linh mục trong cộng đoàn, rồi gặp lại người ấy trong bữa ăn sáng hôm sau, hoặc gặp lại nhau trong buổi họp báo. Thế nhưng, những điều ấy không làm tôi phiền lòng, bởi lẽ tôi nghĩ rằng, bất cứ ai sống cùng nhà với tôi hoặc làm việc cùng tôi, đều biết là tôi không hoàn hảo.
Tôi luôn nhớ lời của một giáo sư thần học của chúng tôi. Ngài nói với lớp tôi rằng: “Việc xưng tội không phải là để cho thấy bạn tệ hại tới mức nào, mà là để cho thấy Chúa tốt lành dường bao!”.
Cha James Martin SJ chia sẻ
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ
Tha thứ – mấu chốt của bình an!
Sống trên đời này, làm sao chúng ta có thể tránh được những lúc đụng chạm, làm tổn thương nhau. Thế gian này, tuy có rất nhiều điều tuyệt đẹp đấy, nhưng không phải là một thiên đường như ta đọc thấy nơi những câu chuyện cổ tích. Cái hữu hạn mà con người sở hữu ngay từ lúc được dựng nên đã tiên báo về những đau khổ mà họ sẽ gây ra cho nhau trên con đường tại thế này rồi. Những tổn thương, những thất vọng, những mất mát mà người khác gây ra cho mình… dường như cũng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nó xảy đến với ta, bất chấp ta có cố gắng hoàn thiện mình đến đâu, bất chấp ta có sống tốt đến cỡ nào đi nữa. Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, ta được mời gọi hãy lan tỏa tình yêu, hãy trải rộng con tim, hãy buông bỏ những gì cản vướng. Như một hệ lụy kèm theo, “tha thứ” cũng trở thành một bài học mà ta phải cố gắng thủ đắc, để chữa lành vết thương, để bỏ lại đằng sau những chuyện buồn không đáng và để vươn đến một cảnh giới cao của sự tự do hoàn mỹ, vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định hạnh phúc của mình và cho người chung quanh.
Mỗi
khi có ai đó gây cho ta một vết thương, vết thương ấy cứ hăm hăm rỉ máu
mãi. Nó làm ta khó chịu. Nó làm ta đau. Nó khiến ta hậm hực bức bối
không ngừng. Nhiều lần ta cố quên đi, ta cố gắng làm đủ cách để xoa dịu
vết thương, khiến cho nó mau được lành, nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến là bao
lửa hận trong ta cứ bừng bừng như muốn đốt cháy cả tâm can. Khi niềm
tin của ta bị phản bội, khi tình yêu của ta bị coi thường, khi những hy
sinh của ta bị xem như cỏ rác, ta thấy con tim mình như đang bị xé làm
đôi. Người khác mang đến cho ta nỗi đau, gây cho ta những thiệt thòi,
tước đi của ta những gì quý giá, để lại trong ta một khoảng trống to
lớn, rồi đẩy ta xuống đến cái cùng tận của bùn lấy nhớt nhơ. Thử hỏi,
làm sao ta có thể tha thứ?
Đúng vậy,
chẳng dễ gì để tha thứ. Nhưng nếu ta không tha thứ, người chịu thiệt đầu
tiên và nặng nề nhất chính là ta. Không gì làm cho tâm trí ta trở nên
điên dại cho bằng nỗi thù hằn cứ dồn nén mãi trong tâm trí. Sự thù hằn
chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cho ta. Nó không phải là liều thuốc tốt
để chữa lành vết thương. Nó chỉ làm cho vết thương thêm nặng và thêm
đau! Ngày đêm ta tính toán kế trả thù. Giấc ngủ của ta cũng không được
trọn vẹn. Môi miệng ta buông ra những lời độc địa, đôi mắt ta cũng trở
thành vũ khí gây sát thương. Ra đường gặp nhau, ta cũng cố gắng tìm một
lối đi khác để khỏi chạm mặt. Cuộc vui của ta cũng tiêu tan nếu vô tình
có sự hiện diện của người ấy. Ta hả hê nói những chuyện xấu của người ấy
cho người khác. Ta dường như có một động lực mạnh để rêu rao mọi điều
tồi tệ của người ấy, rồi có khi trí tưởng tượng cũng hùa theo, phóng đại
thêm vài thứ cho thỏa nỗi lòng đang bức bối không yên. Ta cứ nuôi mãi
mối thù ấy trong lòng trong khi người bị ta thù ghét kia chưa chắc biết
điều này. Có đôi khi họ cũng chẳng quan tâm đến việc ta đang yêu thương
hay ghét họ. Họ cứ sống cuộc sống của họ cách vui tươi. Chỉ có ta là bị
những cảm xúc thù hằn kia dày xéo đến khô héo mỏi mòn.
Nếu
như thù hằn là cái trói buộc ta với những tư tưởng xấu khiến ta không
yên, thì tha thứ chính là cái giải thoát ta, khiến ta được tự do mà vươn
đến những điều tốt. Một sự tha thứ thực sự không phải chỉ là một thái
độ “cười cho qua chuyện”. Nó càng không phải là việc ta cố gắng xem như
chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi có ai đó xúc phạm đến ta cách vô cớ, ta
cảm thấy đau. Và đây là một nỗi đau có thực, chứ không phải là cái ta tự
bịa ra. Sự phớt lờ của ta không thể nào phủ nhận được nỗi đau ấy. Bởi
lẽ, nếu như ta không cảm thấy đau, ta chẳng cần phải nghĩ đến chuyện tha
thứ.
Tha thứ không khiến cho vết
thương biến mất, nhưng nó làm cho vết thương được mau lành hơn. Tha thứ
không giúp thay đổi quá khứ, nhưng sẽ giúp xây dựng một trang vở mới cho
tương lai. Tha thứ được ví như luồng sáng, giúp xua tan đi bóng tối
đang vây kín tâm hồn ủ rũ của ta.
Mỗi
một biến cố xảy đến với ta đều mang đến cho ta một bài học nào đó, giúp
ta lớn lên và thêm cứng cáp hơn giữa dòng đời. Nỗi đau mà người khác
mang đến cho ta cũng là một trong số đó. Sự phản bội của họ dạy ta hiểu
về giá trị của lòng trung thành. Sự bội tín của họ cho ta hiểu giá trị
về lòng tin. Những dối trá của họ giúp ta biết hơn về ý nghĩa của sự
chân thực. Những mất mát ta phải gánh chịu có đôi khi không phải là điều
thiệt thòi, nhưng lại là dịp may để ta thụ hưởng một điều gì đó mới mẻ.
Thế nên, xét cho cùng, người làm ta đau, trong một số trường hợp, là vị
“ân nhân” của ta. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ được, nếu ta không
đặt hành vi này trên nền tảng của tình yêu, với một cái nhìn tích cực
về những gì mình đã trải qua. Những gì ta “đã trải qua” là những gì đã
thuộc về quá khứ. Nó đã trở thành một phần của cuộc đời ta bất chấp ta
nhìn về nó với thái độ nào. Vậy tại sao ta không tự mở trói cho mình,
dùng lòng vị tha của mình để làm lại cuộc sống, thay vì cứ nuôi thù hận
làm héo mòn tâm tư ta?
Suốt một đời hy
sinh cho người khác, làm biết bao dấu lạ nuôi sống và chữa lành, giảng
dạy những lời lẽ khôn ngoan, phần thưởng mà cuộc đời dành cho Giêsu là
những đòn roi, nhục mạ, chửi bới, phản bội, những mũi đinh, vòng gai,
cây thập giá. Nhưng chưa bao giờ Giêsu lưu giữ trong lòng mình nỗi thù
hận. Ngay giữa tâm điểm cái đau đớn thể xác đang hành hạ mình, khi dòng
hơi trong người chỉ còn để gượng thở cách khó khăn, Giêsu vẫn cố gắng
thốt lên lời tha thứ, xin Cha bỏ qua cho những con người này, bởi vì
“chúng không biết việc chúng làm.” Khi yêu, người ta luôn tìm ra được lý
do để tha thứ. Giêsu đã từng nói về tha thứ và Ngài đã thực hành bài
học này như một chứng tá hùng hồn về những gì Ngài đã giảng dạy. Giêsu
dạy chúng ta phải tha thứ, là vì chỉ có tha thứ mới giúp ta được bình
an, nhưng trên hết, ta phải tha thứ vì trước đó, ta đã được thứ tha rất
nhiều lần rồi.
Chúng ta hãy cầu xin
Chúa mở rộng con tim chúng ta, để chúng ta có thể yêu như Ngài yêu, tha
thứ như Ngài tha thứ, ngỏ hầu đời sống của chúng ta được ngập tràn hương
hoa của bình an và hạnh phúc.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ