Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Cho con xin một vé vào thiên đàng!

Filled under:

Lạy Thiên Chúa toàn năng. 

Là con người, ai trong chúng con cũng sợ chết. Trước cái chết, chúng con không chỉ run sợ vì cơn đau đớn tột cùng, nhưng còn hoang mang sợ mình sẽ hóa ra không. Đàng sau kiếp nhân sinh này là gì vậy Chúa? Nó là hư vô hay là một thế giới siêu việt, nó là kết thúc hay là một tiếp nối sự sống vĩnh hằng? Đó là nỗi băn khoăn hiện sinh mà chúng con cứ mãi ưu tư trong kiếp làm người.

Con lật lại vài tư tưởng triết gia, nhưng họ không cho con câu trả lời thỏa đáng về vấn nạn trên. Ông Platô cho rằng cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác. Bác J. Sartre thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy. Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, cần chi phải xao xuyến, cứ thản nhiên ra vào cuộc đời. Còn thánh Augustin thì có vẻ thú vị hơn khi vì “tâm hồn chúng con khắc khoải khôn nguôi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.” Nếu triết gia ưu tư tra vấn mọi ngóc ngách của kiếp người, thì họ vẫn không thể giải đáp được vấn đề đời sau, bởi họ chưa có kinh nghiệm gì về bên kia thế giới! Họ chỉ dừng lại ở đời này để cố gắng tìm ra ý nghĩa của hiện hữu con người. Nhưng nếu chết là chấm dứt mọi sự, thì đâu là ý nghĩa làm người, đâu là giá trị cao quý của nhân sinh?

Chúng con chạy đến với Chúa Giêsu Phục sinh để mong tìm được câu trả lời. Nhớ lại ngày xưa chính Con Thiên Chúa từ trời xuống thế để chung chia phận người với chúng con. Chính Ngài đã trải qua đau khổ và cái chết để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi trên. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại để minh chứng về một thực tại Nước Trời, nơi chứa chan hạnh phúc trường sinh. Nhờ biến cố phục sinh ấy, chúng con được mở ra một hy vọng lớn lao khi đối diện với cái chết. Nhưng niềm hy vọng ấy chỉ thành toàn khi chúng con tin vào Chúa là sự sống lại và là sự sống. Vâng, chúng con tin Chúa đã sống lại và chiến thắng sự chết, như lời thánh Phaolô quả quyết: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).

Khi phục sinh, Chúa Giêsu đã mở cửa Thiên Đàng cho nhân loại bước vào sau khi chết. Chắc chắn Chúa muốn con người được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Về phía con người, chúng con khát khao xin một vé vào Thiên Đàng để không phải hư mất ở đời sau. Tấm vé ấy là thái độ sống của lòng Tin-Cậy-Mến. Tin để chúng con sống tín thác vào Chúa, không hoài nghi về sự hiện diện yêu thương của Ngài, để chúng con không phải chết bao giờ (Ga 11, 26). Cậy để chúng con hướng về một tương lai mai hậu, nơi đó, Chúa hằng mở rộng vòng tay để đón chúng con vào chung hưởng hạnh phúc muôn đời. Và Mến để chúng con sống yêu Chúa thật nhiều và yêu tha nhân như chính mình.

Cầm tấm vé ấy trên tay giúp chúng con vui sống ở đời này. Rồi tới khoảnh khắc sinh tử, chúng con an lòng ra đi vì “đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). Mối lợi tuyệt vời là sau cái chết chúng con không bị hư mất. Vả lại, nhờ tấm vé mà Chúa ưu ái ban cho, chúng con được sống muôn đời. Chúa ơi! Xin cho chúng con tấm vé vào Thiên Đàng để trong một giây lát, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, chúng con sẽ được biến đổi (1Cr 15,52).

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, tuy chúng con sợ chết nhưng nhờ ơn Chúa và sức mạnh phục sinh của Ngài, chúng con có quyền hy vọng vào cuộc sống đời sau. Nơi đó, sự chết không đe doạ được chúng con nữa. Tháng năm còn lại trên dương gian, xin Chúa ban cho chúng con biết chuẩn bị tấm vé vào Thiên Đàng, giúp chúng con sống tin cậy mến nơi Ngài. Được như thế, cái chết quả là một mối lợi dành cho những ai sở hữu tấm vé thần kỳ này! Amen.




Đừng đọc lá số tử vi của bạn, nhưng hãy nhìn vào Chúa Giêsu!

Khi cảm thấy cấp thiết phải kiểm tra lá số tử vi của mình, bạn hãy chuyển ánh mắt vào Chúa Giêsu. Đây là lời khuyên nhủ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đảm bảo rằng một ánh mắt hướng về Chúa “sẽ giúp ích cho chúng ta tốt hơn nhiều” so với ông thầy bói.

Đức Giáo Hoàng nói điều này trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa với những người quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày Chúa nhật gần cuối cùng của năm phụng vụ.
Các bài đọc phụng vụ của mùa thường niên này tập trung vào thời kỳ cánh chung, như bài Tin mừng trong chương 13 của thánh sử Mác-cô.
Mặc dù có những “yếu tố khải huyền” trong bài đọc, nhưng Đức Thánh Cha đã giải thích rằng “những đoạn này không phải là phần thiết yếu của sứ điệp.”
“Điểm cốt lõi xung quanh chúng là lời của Chúa Giêsu xoay quanh chính Người, mầu nhiệm con người của Người, và cái chết và sự phục sinh của Người, và ngày Người lại đến trong thời cánh chung. Mục tiêu tối hậu của chúng ta là lần gặp gỡ với Chúa Phục Sinh.”
Đức Giáo Hoàng đề nghị rằng, chúng ta thường thấy một thực tế là: “Sẽ có một ngày mà tôi đối diện với Thiên Chúa”. Ngài nói rằng điều quan trọng không phải là biết khi nào hoặc làm thế nào thời cánh chung sẽ đến, nhưng tốt hơn là “chính chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng.”
Bài học từ cây vả mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, dạy chúng ta phải “nhìn về những ngày hiện tại của chúng ta với một viễn cảnh của niềm hy vọng.”
Hy vọng là một nhân đức thật khó khăn để sống. Đức Thánh Cha ý thức khi đề cập đến nó như là “những nhân đức nhỏ nhất, nhưng lại mạnh nhất”. Nhưng “hy vọng của chúng ra có diện mạo của Đấng Kitô Phục Sinh đầy quyền uy và vinh quang lớn lao”. Và điều này sẽ thể hiện tình yêu của Người vốn chịu đóng đinh và hiển dung trong sự Phục sinh.”

Điểm then chốt
Đức Thánh Cha nói rằng chiến thắng của Chúa Giêsu vào thời cánh chung “sẽ là vinh thắng của thập giá.” Và ngài nói chỉ có một sức mạnh chiến thắng: “Hy sinh chính mình vì tình yêu của tha nhân, trong việc noi gương Chúa Kitô”. Điều này “là điểm mấu then chốt giữa muôn vàn biến động của thế giới.”
Chúa Giêsu chính là “điểm đến của cuộc lữ hành trên dương thế của chúng ta”, nhưng Người cũng là “sự hiện diện liên lỉ trong cuộc sống của chúng ta”. Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng “Chúa đang ở bên cạnh chúng ta; Người cùng đi với chúng ta; Người yêu thương chúng ta vô ngần.”
“Người muốn hướng dẫn các môn đệ trong mọi thời đại ra khỏi sự hiếu kỳ về ngày tháng, dự đoán, xem tử vi, và hãy chú tâm vào ngày hôm nay của lịch sử.”
Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng hỏi: có bao nhiêu người trong chúng ta đọc lá số tử vi của mình mỗi ngày?
Đức Thánh Cha nói rằng “Khi chúng con cảm thấy thích đọc tử vi của mình, thì hãy nhìn vào Chúa Giêsu đang ở với chúng ta là ai. Đó quả là tốt hơn và sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều hơn.”
“Chúa nhắc chúng ta là mọi thứ rồi cũng qua đi. Chỉ Lời Người mới là ánh sáng soi dẫn vững chắc cho hành trình của chúng ta. Người luôn tha thứ cho chúng ta vì Người ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Người và Người biến đổi trái tim của chúng ta. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu vốn là nền tảng vững chắc cho cuộc sống chúng ta, và hãy kiên tâm với niềm vui trong tình yêu của Người.”

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.