Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 14/3/2017

Filled under:

ĐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI THẦY ĐÍCH THỰC VÀ DUY NHẤT
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy.” (Mt 23,8)
Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lắm thầy thối ma.” Khi mà ai cũng đòi làm “thầy,” ắt là sẽ xảy ra tình trạng thông tin nhiễu loạn, chỉ dẫn rối rắm, mọi hoạt động bị đình trệ; và hậu quả tệ hại không khác gì một thây ma bất động đến hồi phân huỷ chỉ vì có quá nhiều “thầy,” năm người mười ý, tang gia không thể thống nhất phải mai táng như thế nào. Sống trong thời của công nghệ thông tin, không thiếu những học sinh, sinh viên sao chép những bài mẫu, luận văn từ những “thầy ảo” trên mạng internet. Trên phương diện thiêng liêng cũng có những “thầy” giả hiệu mà Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta phải đề phòng và xa tránh. Chỉ có một thầy đích thực và duy nhất, người thầy khiêm nhường và hiền lành, hiến thân phục vụ anh em: “Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” Đức Giê-su chính là vị Thầy đích thực đó.
Mời Bạn: Cuộc đời của bạn đã học với nhiều vị thầy. Bạn đã học với Thầy Giê-su chưa? Ngài mời bạn đến học với Ngài vì Ngài “hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11,29); vì Ngài “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa, để luôn sống và hành động dưới ánh sáng của Lời Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, là Người Thầy duy nhất và đích thực của con, xin Chúa soi sáng và hướng dẫn con để con biết sống theo mẫu gương khiêm nhường và hiền lành của Chúa, và hiến thân phục vụ anh em như Chúa đã tự hiến thân mình trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc chúng con. Amen.


 THÁNH LUBINÔ GIÁM MỤC
(+ 575)
Khoảng thế kỷ thứ VI, thành Canutô nổi danh là một thành phố tươi đẹp duyên dáng và phồn thịnh vào bậc nhất. Hơn nữa Carnutô còn được coi như trung tâm văn hoá của đế quốc Rôma thời đó. Sở dĩ thành Carnutô có bộ mặt tươi đẹp về mọi phương diện là nhờ ở bàn tay khéo léo, óc tổ chức tài tình và đời sống thánh thiện của Đức Giám mục. Trong số các vị đại ân nhân đã đem hết tài lực để tô điểm thành Carnutô nên tốt đẹp chúng ta không thể không nhắc tới quí danh thánh Lubinô (Lubin).
Thánh Lubinô chào đời tại thành Phôpictara trong một gia đình quí tộc. Cha mẹ Lubinô giầu có phú quí vào bậc nhất trong vùng. Tuy giàu có, nhưng không ỷ thế ức hiếp hay khinh miệt người nghèo khó.
Hai ông bà sống một đời sống công giáo gương mẫu: ăn ở lương thiện, rộng lượng bố thí cho những người túng quẫn, đặt Chúa và tha nhân trên tiền bạc. Lubinô thừa hưởng nơi cha mẹ một di sản tinh thần quí giá.
Ngay từ bé, Lubinô đã rất ham học, luôn nuôi chí hướng trở thành một vị thánh, một vĩ nhân của nhân loại. Vì ham học, Lubinô mượn người viết các mẫu tự vào giấy cứng, cắt từng chữ, treo lủng lẳng chung quanh giây lưng để lúc nào cũng có thể học, và học được nhanh chóng. Cậu chăm chỉ theo các lớp học, không bỏ một giờ nào. Mọi người đều ngạc nhiên, trước những tiến bộ kỳ lạ của cậu.
Tới tuổi trưởng thành, Lubinô xin gia nhập hàng giáo sĩ. Để có thể chu toàn sứ mệnh mới, Lubinô vào tu trong một nhà dòng. Nơi đây, thầy Lubinô đem hết tâm trí vào việc học hành, nghiên cứu sách vở, chăm chú làm các việc mộ đạo. Thầy làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo. Yêu sống nội tâm, không khoe khoang tự phụ, thánh hoá mình bằng cách chu toàn nhiệm vụ hằng ngày và những hy sinh thường nhật. Thầy lợi dụng mọi cơ hội để có thể thánh hoá đời sống tu sĩ.
Dần dà Lubinô thâm tín rằng muốn nên hoàn thiện, điều cần thiết là phải bỏ mình hoàn toàn. Hoàn cảnh thuận tiện nhất giúp mình là cuộc sống nơi rừng vắng. Nghe biết cuộc sống tu hành thánh thiện của thánh Avít trong rừng vắng, Lubinô xin đến làm môn đệ thánh nhân với hy vọng nhờ gương sáng của đời sống thánh thiện và nhờ chính sự huấn luyện của thánh nhân mình sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Sau một thời gian ngắn tu luyện trong rừng vắng, Lubinô đã sớm nhận thấy cuộc sống nơi rừng vắng là khó khăn, nhưng giúp ích nhiều cho việc thánh hoá bản thân. Lubinô tuyệt đối vâng lời thánh Avít. Hai thầy trò đêm ngày chuyên lo đọc kinh, cầu nguyện.
Các ngài ăn uống rất kham khổ, ăn chay đánh tội hằng ngày. Thời gian sống chung êm ấm đó không bao lâu đã phải nhường chỗ cho ngày biệt ly buồn thảm. Tuổi cao, sức yếu, thánh Avít không chịu nổi cảnh rừng thiêng nước độc, nên lâm bệnh và phải nằm liệt giường không đi lại được nữa. Lubinô tận tụy săn sóc người cha già khả kính. Nhưng vì thiếu thuốc, bệnh tình thánh nhân vẫn không thuyên giảm, thế rồi vào một đêm cuối thu, thánh nhân êm ái trút hơi thở cuối cùng bên cạnh người con quí yêu.
Sau cái chết của người cha già đáng kính, Lubinô đi sâu vào rừng thẳm, tới một nơi hoang vắng. Nơi đây ngài sống suốt năm năm trời trong trầm lặng hoàn toàn. Ngài sống khắc khổ hơn trước. Của ăn của ngài dùng chỉ là bánh khô với nước lã. Chính nơi đây Thiên Chúa đã ban cho ngài đặc ân làm phép lạ. Lần kia, cơn lốc nổi lên lôi cuốn nhiều vật theo, gây thiệt hại lớn lao. Cứ theo đường cơn lốc đi, nó sẽ đi qua nhà ngài ở và dĩ nhiên là sẽ cuốn cả chiếc nhà thô sơ của ngài. Ngài ngước mắt lên trời cầu xin Chúa xua đuổi cơn lốc đi. Lạ lùng thay, sức gió đang thổi rất mạnh tự nhiên im bặt, thế là túp lều tranh nhỏ bé của ngài được bình an vô sự.
Tiếng nhân đức của ngài đồn thổi khắp nơi, nhiều người tuôn đến xin ngài chữa bệnh hoặc cứu khỏi hoạn nạn. Gần chỗ thánh nhân ở có một tu viện thường bị tàn lửa bay tới gây nên nhiều vụ hoả hoạn ghê gớm. Các thầy dùng đủ cách để chạy chữa nhưng đều vô hiệu. Bề trên tu viện đích thân đến xin thánh nhân cầu nguyện cho nhà dòng thoát tai nạn khủng khiếp đó. Lần kia, gặp ngày gió to, tu viện phát hoả dữ dội. Cha bề trên tu viện cho người cấp tốc đến mời thánh nhân tới. Ngài vừa tới nơi, lửa bốc cháy ngùn ngụt liền tắt ngay. Cũng hôm đó thánh nhân chữa khỏi hai người bị quỷ ám. Cảm phục tài đức thánh Lubinô, thánh Êutêriô Giám mục thành Carnutô, thường tới thăm viếng thánh nhân. Tuổi cao, sức yếu, thêm nhiều lo âu, Đức Giám mục Êutê đã sớm tạ thế để lại một đoàn chiên bơ vơ không người coi sóc. Toàn dân hướng mắt về thánh Lubinô, yêu cầu ngài lên làm Giám mục thành Carnutô kế vị Đức Giám mục Êutêriô mới qua đời.
Thể theo lời đề nghị của các Đức Giám mục, Đức Giáo Hoàng công khai cất nhắc thánh nhân lên chức vị Giám mục thành Carnutô. Với chức vụ nặng nề đó lẽ ra thánh nhân phải đổi cách sống để có đủ sức chèo lái con thuyền giáo hội Carnutô. Nhưng trái lại, thánh nhân vẫn tiếp tục cuộc sống khổ tu nhiệm nhặt. Với đời sống trong sạch, thánh thiện, khiêm tốn, nhu mì, thánh nhân đã cảm hóa được nhiều người tội lỗi. Lời ngài giảng có một sức mạnh phi thường. Dù ai tội lỗi mấy đi nữa, nếu được hân hạnh nghe thánh nhân giảng một lần, họ cũng mềm lòng và cải thiện đời sống. Toàn dân yêu mến ngài. Họ coi ngài như một thiên thần giáng thế.
Thiên Chúa thưởng công nhân đức thánh nhân ngay ở trần thế và cho phép ngài làm nhiều phép lạ. Nhiều bệnh nhân tới xin thánh nhân chữa bệnh và đã được như ý. Một thiếu nữ kia bị quỉ ám, ngày ngày lang thang ở các nghĩa địa. Ăn hang ở hốc, mặt võ mình gầy trông thật thảm hại. Cha mẹ thiếu nữ đến rứt trộm nơi áo thánh nhân một sợi chỉ đưa về cho con đeo vào cổ. Lạ thay, chỉ một sợi chỉ nhỏ ở áo thánh nhân đã có đủ mãnh lực để xua đuổi quỉ thần. Thực ra nếu có đọc sách Tông Đồ công vụ, hẳn chúng ta sẽ hết kinh ngạc, vì chúng ta thấy các bệnh nhân chỉ chạm tới bóng thánh Phêrô thôi cũng đã đủ để được khỏi bệnh.
Hồi đó, thánh Calétriciô, người được thánh nhân tiên đoán sẽ làm vị Giám mục kế vị ngài, bị bệnh rất nặng. Các lang y đều nói thế nào Calêtriciô cũng chết. Không thầy lang nào chịu cắt thuốc cho ngài. Nhờ lời cầu nguyện của thánh Lubinô bệnh tình ngài thuyên giảm dần và không bao lâu được bình phục hoàn toàn.
Thánh Lubinô xin Chúa chữa đã đủ mọi tật bệnh: mù què, câm điếc, quỷ ám… Nhưng có điều lạ, chính bệnh ngài, ngài không bao giờ xin Chúa cho khỏi. Ngài mang bệnh suốt bảy năm trời không hề than vãn một lời. Tuy mang bệnh, ngài vẫn ăn chay đánh tội, sống đời sống khắc khổ cho tới hơi thở cuối cùng.
Mùa đông năm 575, bệnh tình thánh nhân đột nhiên trở nên nặng khác thường. Thế rồi vào một đêm mùa đông, giữa đoàn chiên yêu quý vây quanh giường, thánh nhân êm ái trút hơi thở cuối cùng để lại thương nhớ cho bao người.
Xác ngài được an táng tại tu viện thánh Máctinô ở ngoại ô thành Carnutô. 


Tôi Muốn Con Tôi Sống
"Tôi muốn con tôi sống" đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa.... Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".
Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu".
Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúạ
Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá... Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn... Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúạ