Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Cậu bé khờ khạo cùng đồng 5 cent và bài học quý giá về cái ngốc của người thông minh

Filled under:

Câu chuyện về một trong những nhân vật vĩ đại và bài học quý giá khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Nếu may mắn được sử hữu trí thông minh, chắc chắn ai trong chúng ta cũng rất đỗi tự hào. Ông bà ta ngày xưa có câu “cần cù bù thông minh” nhưng đối với những người sở hữu trí thông minh hơn người, họ chưa bao giờ công nhận điều này.
Tự tin và luôn cho mình là đúng được xem là điểm chung của những người thông minh. Thế nhưng, đây cũng chính là nhược điểm mà chính bản thân họ cũng chẳng mảy may nhận ra. Câu chuyện dưới đây chính là minh chứng rõ nhất cho điều này:
Ngày đó có một cậu bé người Mĩ tên Wilson hiền lành và trông có vẻ khờ khạo. Nhiều người trong thị trấn thường mang cậu ra làm trò mua vui và bạn bè cùng lớp cũng vậy.
Một ngày nọ, những người bạn cùng lớp cầm trên tay tờ 1 đô và đồng 5 cent đến trước mặt Wilson và yêu cầu cậu chọn một trong hai.
Không một giây suy nghĩ, Wilson nhanh chóng đưa ra câu trả lời: “Tớ chọn đồng 5 cent.” khiến những người xung quanh cười phá lên. Sau đó, câu chuyện này được lan truyền và cậu bé bị cả trường cười nhạo.
Nhiều người không tin và tò mò trước quyết định ngốc nghếch của Wilson. Họ kéo nhau đến gặp cậu để kiểm nghiệm và lần nào cũng nhận về cùng một kết quả. Mỗi lần như vậy, mọi người đều được một phen hả hê và rời đi cùng với nụ cười hài lòng trên môi.
Câu chuyện đến tai của thầy giáo. Ông bèn gọi Wilson đến văn phòng và hỏi: “Chẳng lẽ em không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của tờ 1 đô la và 5 cent sao?”.
Cậu học trò với đôi mắt sáng trong nhẹ nhàng đáp: “Đương nhiên là em biết rõ ạ. Nếu như em chọn tờ 1 đô thì sẽ không có nhiều người mang tiền đến để thử, như vậy em cũng không thu được lợi nhuận từ đồng 5 cent.”.
Cậu bé khờ khạo cùng đồng 5 cent và bài học quý giá về cái ngốc của người thông minh - Ảnh 1.
Cái ngốc của người thông minh đã mang về cho Wilson món hời (Ảnh: Internet)
Nếu là thầy giáo và nhận được câu trả lời như thế này, liệu bạn có còn dùng suy nghĩ được cho là của người thông minh để đánh giá Wilson nữa không?
Cậu bé ấy không dùng đầu óc thông minh của mình đặt lên những món lợi nhỏ mà chỉ đơn giản lợi dụng cái ngốc của người thông minh để “trả đũa” họ. Đó mới thật sự là trí thông minh của cậu bé Wilson, người 45 năm sau đó đã trở thành Tổng thống thứ 28 của Mĩ.
Đây có thể là một câu chuyện bịa đặt và hoàn toàn không có tính xác thực nhưng nó dạy cho chúng ta rất nhiều bài học hữu ích. Khi đó, Wilson không chứng tỏ bản thân mình, chấp nhận bị các bạn cười chê để rồi sau đó, họ tự nhận ra sự ngu ngốc của bản thân.
Đấy chính là cách sống khôn ngoan. Đừng bao giờ thể hiện mình là người thông minh, am hiểu mọi thứ. Điều ấy chắc chắn giúp bạn được mọi người ngưỡng mộ nhưng bạn sẽ trở thành chỗ dựa để họ ỷ lại và bàn giao tất cả mọi công việc.
Vô tình bạn lại rơi vào cái bẫy “Thông minh quá sẽ bị thông minh hại” bởi sự tự tin thái quá sẽ khiến bạn mất đi phòng vệ và dễ bị tấn công nhất.
Ngược lại, hãy tận dụng điểm yếu của người thông minh bằng cách tỏ ra ngốc nghếch. Nghe có vẻ buồn cười những đây chẳng phải là cách Wilson “lừa” mọi người xung quanh vô cùng ngoạn mục đó sao?
Sự tự tin và luôn cho mình là đúng là hai trong những sai lầm ngu ngốc của những người thông minh trong câu chuyện trên.
Doanh nhân Lee Semel từng nói: “Những người thông minh thường dùng sự thông minh là thước đo toàn thể một con người. Họ không thấy được giá trị bên trong của mọi người hoặc nhìn nhận hoàn toàn sai về những người khác.”.
Các bạn cùng lớp đã tin vào phán đoán của mình, cho rằng Wilson mãi là kẻ ngốc và tất nhiên sự lựa chọn không nằm ngoài dự đoán của cậu bé khiến chúng vô cùng hài lòng.
Người thông minh thường rất quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, đặc biệt là trong lĩnh vực mà họ làm chuyên gia. Họ bỏ qua cảm nhận chung và cơ bản về một thứ gì đó mà chỉ tập trung phân tích tiểu tiết.
Câu nói của Semel sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này: “Khi iPod mới ra mắt, những người trong giới công nghệ phàn nàn rằng nó thiếu các tính năng và giá quá cao. Trong khi đó, sản phẩm này rất tuyệt vời và dễ sử dụng nên những người bình thường đổ xô đi mua nó."
Chưa bao giờ sản phẩm điện tử của Apple làm hài lòng giới công nghệ nhưng hầu hết người mua đều đánh giá cao thiết kế sang trọng và tính thẩm mĩ của “nhà táo”. Và đó là điểm mấu chốt giúp họ vươn lên nắm gần một nửa thị trường công nghệ hiện nay.
Thế nên, bài học rút ra ở đây có nghĩa là đừng cố chứng tỏ bản thân thông minh mà hãy cứ ngốc nghếch đi. Người thông minh thật sự sẽ không bao giờ để người khác lợi dụng sự ngu ngốc của mình.
(Nguồn: Tổng hợp)

Posted By Đỗ Lộc Sơn11:19

Những Nhát Búa Cuộc Đời

Filled under:

Đời tặng con một nhát búa Đột nhiên giáng xuống lạnh lùng Thả con mặc tình giãy giụa Bao mảnh đời vụn vỡ tung
Những nhát búa đời nện xuống Phù lên những vết dập bầm Những vệt roi hằn oan uổng Giữa dòng đời chảy vô tâm
Những nhát búa đời nện xuống Trên thân phận rất mỏng dòn Cuộn xoay như dòng nước cuốn Thản nhiên vùi dập đời con…
Khi nhát búa đời nện xuống Xé tan mộng điệp phù sinh Vỡ toang những gì mục ruỗng Trả lại đời con nguyên trinh
Khi nhát búa đời nện xuống Thêm bao vết sẹo lăn tròn Như dấu ấn đời nhào nặn Làm nên trọn vẹn đời con
Đời con là thanh sắt nguội Tình Ngài hun nóng từng giây Những nhát búa đời nện xuống Luyện con nên mới mỗi ngày



Những Cánh Cửa Cuộc Đời

Khi cánh cửa đường đời con sập đóng bao rộn ràng háo hức bỗng tiêu tan tương lai là chuỗi hoang mang con tự hỏi : Ngài ở đâu ? Lạy Chúa !
Tuổi đời con Ngài phủ bằng nhung lụa con say sưa mê mải dệt mộng đời rong ruổi đường xa, mịt mùng vó ngựa con đi tìm hạnh phúc xa khơi.
Con ngỡ mình tìm Chúa trong hoang đàng mộng mị xa xôi trong hăng say với lý tưởng cuộc đời trong hùng hục thi hành công ý… Như người thợ đang mải dệt đời mình con bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.
Khi cánh cửa đường đời con sập đóng con một mình, và bóng tối vây quanh giấc mơ con vụn vỡ tan tành. Ngài muốn con làm gì, lạy Chúa ..?
Khi cánh cửa đường đời con sập đóng xin dạy con biết kham nhẫn đợi chờ vì cuộc đời đâu như là mơ khi chỉ một mình con chèo chống. Một mình con mơ chân trời sao đủ rộng cho cánh chim bạt gió băng ngàn…
Khi con tưởng cửa đời con sập đóng Ngài mở ra bao lối nẻo huy hoàng Ngài đặt con vào chính lộ thênh thang Ngài dắt con đi giữa muôn vàn bỡ ngỡ
Những cánh cửa cuộc đời đóng mở Con bước đi theo lối bước của Ngài.
Cao Gia An, S.J.




Lời Nguyện Hoán Cải

Xin cho con được một lần quỵ ngã Từ đỉnh cao hiển hách oai hùng Bao toan tính mộng đời vụt tan rã Như bụi trần dưới vó ngựa mù tung…
Xin cho con được một lần chạm đất Lê lết bò càng trên sỏi đá cằn khô Xin dạy con biết một lần sấp mặt Ôm đau thương trong dấu lệ mờ.
Xin cho con được một lần chới với Khi lý tưởng cuộc đời bỗng sụp đổ tàn phai Xin dẫn con về miền ăn năn thống hối Con thì thầm: “Lạy Chúa, Ngài là ai?…
Xin cho con được một lần mù tối Trước hào quang lấp lóa bủa vây Xin cho con được một lần yếu đuối Để được người dẫn lối cầm tay.
Xin một lần đẩy con vào đêm tối Con chạm dần vào vụn vỡ phù hoa Tước khỏi con bao hào nhoáng nhạt nhòa Con về giữa miền đơn côi quạnh vắng.
Xin một lần dẫn con vào cõi lặng Con một mình, và trống rỗng vây quanh… Xin ánh sáng tự trời cao chiếu thẳng Ôm phủ đời con trong ơn tái tạo thành.
Xin cho tim con được một lần hoán cải Để thế gian lịm chết trong con Khi mọi sự là phân tro rác rưởi Con chỉ còn Ngài là Chúa của đời con.
Monte Cucco– Roma

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:54

HỘI CHỢ XUÂN ĐINH DẬU 2017

Filled under:


Hinh anh



































Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

Tại sao Chúa không hiện ra hay làm nhiều dấu lạ để khiến nhiều người tin vào Ngài?

Filled under:

Xã hội bây giờ là xã hội vô thần rồi, họ cứng lòng tin lắm. Với lại hồi đó nếu Chúa không hiện ra với các tông đồ thì các Ngài cũng không tin Chúa đâu. Vậy chăng bây giờ Chúa cũng cho tổ tiên họ về nói với họ về Chúa thì chắc chắn họ sẽ quay về bên Chúa. Chứ giờ các Linh Mục có giảng giải bao nhiêu họ cũng chẳng tin. Xin cho mình biết thêm ạ!
Chào bạn,
Chúng tôi xin cảm ơn bạn về câu hỏi và bận tâm của bạn liên quan đến việc làm sao để nhiều người tin vào Chúa. Quả thật, còn có rất nhiều người trên thế giới này chưa biết đến Chúa, chưa tin vào Chúa, thậm chí còn chối bỏ Chúa. Trước khi về Trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các môn đệ “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ”, kèm theo đó là lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,19). Thầy Giêsu sẽ luôn ở cùng chúng ta trên hành trình truyền giáo, và cụm từ “mọi ngày cho đến tận thế” làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng hành trình này sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nó chỉ kết thúc vào “ngày tận thế”.
Người môn đệ chân chính nào cũng khao khát mang Chúa đến cho người khác. Chính Chúa cũng muốn muôn dân nhận biết Danh Ngài, để họ được cứu độ. Nhưng liệu bằng cách “cho tổ tiên họ về nói với họ về Chúa” như bạn nói có phải là một cách hay và khả thi không? Có thật là nếu tổ tiên họ về nói thì “họ sẽ quay về bên Chúa” không?
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến dụ ngôn về người giàu có và anh Lazaro nghèo khó được nói đến trong Lc 16,19-31. Sau một đời sung sướng, hưởng thụ những tiện nghi vật chất mà không biết san sẻ với người khác, một người giàu “bị đưa vào nơi âm phủ” sau khi chết. Ngước mắt lên, ông thấy Lazaro, người ăn xin hằng vất vưởng trước cửa nhà ông mà ông thường bỏ mặc, đang hạnh phúc nơi cung lòng Abraham. Người giàu có xin Abraham sai Lazaro hiện về, răn dạy năm anh em của ông đang còn sống, để họ không phải rơi vào chốn cực hình giống ông. Abraham trả lời rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Nhưng ông nhà giàu cứ khăng khăng rằng, họ sẽ chẳng tin vào những người ấy đâu, nhưng nếu có nều từ cõi chết trở về nói với họ, họ sẽ tin. Abraham bình thản nói rằng “nếu họ không nghe Môsê và các tiên tri, thì dẫu cho có ai sống lại từ cõi chết, họ cũng chẳng tin đâu.” Bạn nghĩ sao về dụ ngôn này?
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng dân Do Thái đã nhiều lần xin Đức Giêsu những dấu lạ từ trời. Họ bảo rằng nếu Đức Giêsu làm được thì họ sẽ tin (x. Mt 12,38). Khi bị treo trên cây thập giá, Đức Giêsu cũng còn phải hứng chịu nhiều lời thách thức của đám dân đi qua đi lại, rằng nếu Ngài có thể xuống khỏi cây thập giá, họ sẽ tin Ngài đến từ Thiên Chúa (x. Mt 27,40). Tại sao khi còn sống, Đức Giêsu không làm phép lạ nhiều thật nhiều, bay từ châu lục này đến châu lúc khác thi triển những điều lạ lẫm? Tại sao từ trên cây thập giá, Ngài không dùng quyền năng của mình, uy hùng hô phong hoán vũ, bước xuống khỏi cây thập giá? Tại sao khi sống lại, Ngài không hiện ra với từng người đã từng hùa nhau đóng đinh Ngài để khiến họ phải kinh khiếp mà tin vào Ngài? Tại sao Đức Giêsu phục sinh không hiện ra ngay với các tông đồ, mà phải hiện ra với người này người kia trước rồi bảo họ về thuật lại với các ông? Tại sao trong lần hiện ra thứ nhất với các tông đồ, Toma vì mắt mặt nên đã không tin lời chứng của những người khác, Đức Giêsu không hiện ra ngay lúc đó luôn để chứng tỏ cho Toma thấy mà phải đợi đến “tám ngày sau” mới hiện ra lần nữa (x.Ga 19,31)? Và cuối cùng, tại sao khi đã phục sinh rồi, có toàn quyền trên trời dưới đất rồi, Đức Giêsu không làm cái gì đó thật lẫm liệt vang lừng để tất cả mọi người ở mọi nơi biết Ngài mà tin Ngài, nhưng lại âm thầm, chỉ đôi lần hiện ra để củng cố đức tin, dạy dỗ các môn đệ, sau đó về Trời cách nhẹ nhàng, chẳng ai biết, rồi lại sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho người ta?
Dĩ nhiên là Chúa có thể làm được tất cả những điều này chứ. Tôi tin rằng nếu thật sự Thiên Chúa tỏ bày uy quyền của Ngài theo cách đó, sẽ chẳng có ai dưới gầm trời này dám huênh hoang tự đắc, không thần phục Ngài. Cách này dĩ nhiên là hơn hẳn cách “cho người chết hiện về nói với người sống” như suy nghĩ của bạn rồi, phải không? Tuy nhiên, liệu như thế có phải là một điều hay?
Thiên Chúa muốn người ta đến với mình, nhưng không phải bằng sức mạnh, bằng quyền uy, bằng sự cưỡng ép. Thiên Chúa là tình yêu, mà trong tình yêu thì chỉ có sự tự nguyện, sự chân thành, sự thấu cảm. Nếu Đức Giêsu vì bị khiêu khích mà làm phép lạ hay xuống khỏi cây thập giá, Ngài đã không phải là Thiên Chúa rồi, vì Thiên Chúa thì không bao giờ lệ thuộc vào những lời lẽ tầm thường như thế. Mãi muôn đời muôn kiếp, Thiên Chúa vẫn đến với nhân loại qua hình ảnh một con người bị đóng đinh và bị treo trên cây thập giá như thế, để cho chúng ta nhìn lên và chiêm ngắm một tình yêu tuyệt hảo của Ngài dành cho mình. Chúa muốn người ta đến với Ngài bằng sự tự nguyện của con tim khi họ đụng chạm được chính Thiên Chúa đang thỏ thẻ lời yêu trong lòng mình.
Với những ai đã gặp được Ngài rồi, họ tự nhiên thấy mình được thôi thúc để chia sẻ những điều mình thấy, nghe và chứng kiến cho người khác, để chính người khác cũng được nghiệm thấy. “Tám ngày” chính là khoảng thời gian đủ để các tông đồ kia làm chứng việc Thầy Giêsu đã phục sinh cho Toma (x.Ga 19,31). Tin vui phục sinh không phải là một tin vui chỉ để biết và hưởng thụ, nhưng còn là để chia sẻ, qua lời nói và đặc biệt là qua đời sống của mình. Bạn nói rằng “các linh mục có giảng thế nào họ cũng chẳng tin”. Điều này có thể đúng, nếu vị linh mục đó chỉ biết nói lý thuyết và không sống những gì mình dạy. Bạn hãy nhìn xem, người ta đã tin vào Chúa biết bao nhiêu khi thấy gương sống của Mẹ Tesera Calcutta, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 hay Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Phanxico, cũng như bao vị anh hùng khác. Người thời nay sẽ chất vấn chúng ta: bạn tin vào Chúa ư, hãy chứng minh cho tôi thấy bạn tin vào Chúa thế nào đi!
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã không tự mình làm rạng Danh mình bằng các phép lạ và những điều phi thường, vì nếu Ngài làm như thế, Ngài chẳng khác gì các diễn viên, người mẫu tầm thường, sống lệ thuộc vào sự thừa nhận của người khác, tự tìm cách quảng bá về mình. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được thông phần vào sứ mạng cứu độ thế giới của Ngài qua công cuộc truyền giáo. Tạ ơn Chúa vì lời mời gọi sống tốt để làm chứng cho Ngài trước mặt người đời mà Ngài dành cho chúng ta, dù chúng ta vẫn còn nhiều thiết sót và lầm lỗi.
Thế giới vẫn sẽ còn người những người không tin. Cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát. Chúa sẽ có cách định liệu cho những bông hạt nằm ở xa chưa có người tới gặt. Còn chúng ta, chúng ta hãy cứ hăng say làm bổn phận của mình trong khả năng có thể để trở thành một Ki-tô hữu mẫu mực. Chúng tôi nghĩ rằng người ta sẽ tự tìm đến với Chúa theo cách này, nhiều hơn và hiệu quả hơn cách “hiện hồn về” rất nhiều!
Trên đây là một vài suy nghĩ nhỏ nhoi của chúng tôi, xin chia sẻ cùng bạn!
Thân ái,


Xác loài người ngày sau sống lại” – Là xác nào sống lại?

 Xin cho con hỏi trong kinh Tin Kính, có tín điều “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Cha xứ dạy chúng con rằng chúng ta sẽ không sống lại với thân xác hiện nay vì nó đã bị hoen ố bởi tội lỗi rồi nhưng thân xác sẽ phục sinh là một thân xác khác đang do chính Chúa Thánh Thần cất giữ. Xin cho con biết có đúng như thế không ạ?
Chào bạn,
Nhiều người trong chúng ta cho rằng chỉ có linh hồn ta là được về trời, còn thân xác là thứ nhơ nhuốc, đầy những xấu xa, nên không thể được cứu. Vào những thế kỷ đầu, có rất nhiều trường phái triết học cho rằng thân xác chính là tù ngục của linh hồn, là cái đã giam hãm linh hồn con người. Hồn lìa khỏi xác cũng hệt như một cuộc giải thoát. Bởi thế, việc phải trở lại kết hiệp với xác chẳng khác nào đưa hồn vào tù ngục. Chính vì lý do này mà thánh Phaolo đã thất bại khi rao giảng về việc người chết sống lại tại Aten, một thành phố đậm mùi triết coi thường thân xác và chỉ tin vào sự bất tử của linh hồn (x.Cv 17,16-34). Ngoài ra, thật khó để có thể tưởng tượng được là khi thân xác phục sinh thì nó sẽ thế nào. Thân xác phục sinh của tôi sẽ là thân xác lúc tôi bao nhiêu tuổi? Những người đã chết từ hàng ngàn năm trước, xương cốt đã thành tro, họ sẽ sống lại thế nào? Thậm chí, có những người đã chết không toàn thây, bị thú dữ ăn thịt, xé xác… thì phục sinh ra sao? Còn nữa, chẳng lẽ những người có thân hình xấu xí, bị thương tật, bị khiếm khuyết gì đó lại phải sống thân xác tồi tệ này khi phục sinh? Nếu thế thì thà chẳng phục sinh còn hơn!
Vậy tại sao Giáo Hội lại tin rằng thân xác cũng phải phục sinh? Là bởi vì chúng ta chỉ có thể là con người trọn vẹn khi có cả hồn (phần linh thiêng) và xác (phần vật chất). Nếu chỉ có hồn hoặc chỉ có xác thôi thì không phải là ta. Thân xác là một phần của ta, hay thậm chí có thể nói, nó chính là ta. Ta sẽ không thể nhận ra, tiếp xúc, đụng chạm với ai nếu người đó không có thân xác, và ngược lại. Trong khi đó, Đức Giêsu đến thế gian này là để cứu con người của ta một cách trọn vẹn, chứ không chỉ cứu linh hồn ta mà thôi. Nếu Ngài chỉ cứu linh hồn ta thì Ngài đang cứu “cái gì đó”, chứ không phải là ta. Đấng Cứu Thế đã muốn mặc lấy xác phàm và trở thành một con người thực thụ chính là muốn cứu lấy cả “xác phàm”, phần vật chất của con người, chứ không chỉ là phần thiêng liêng. Bởi thế, nếu thân xác không được phục sinh thì việc xuống thế làm người của Đấng Cứu Thế trở nên vô nghĩa. Tin vào sự phục sinh của thân xác chính là tin vào phẩm giá cao quý của thân xác và tin vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người xét như một tổng thể đầy đủ của hồn và xác.
Nhưng phải làm sao để giải quyết những vấn đề khúc mắc ở trên liên quan đến thân xác? Hay nói cách khác, chúng ta cần phải hiểu như thế nào về sự phục sinh của thân xác? Dựa vào mặc khải của Kinh Thánh và dựa vào lý trí, chúng ta có thể tìm được câu trả lời dù rằng trong chúng ta, chưa ai trải nghiệm được điều này. Hơn hết, chúng ta có một mẫu gương rõ ràng và khả tín nhất là chính Đức Giêsu phục sinh. Căn cứ vào những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu sau khi Ngài đã phục sinh, chúng ta có thể biết chắc hai điều:
Thứ nhất, thân xác được phục sinh phải là một thân xác đã chết vì nếu không chết thì cũng sẽ không có chuyện phục sinh. Đó cũng phải là thân xác mà ta đang sở hữu đây vì nếu hồn của ta kết hợp với một thân xác khác thì sẽ trở thành người khác, chứ không phải là ta. Nếu Thiên Chúa làm nên một cái xác khác hoặc sử dụng cái xác của ai đó để kết hợp với hồn của ta thì càng không phải là ta. Quả vậy, khi Đức Giêsu phục sinh, thân xác phục sinh của Ngài là chính thân xác Ngài đã sống trước đó, với tất cả những dấu đinh, vết sẹo (x. Lc 24,39). Thân xác Ngài phải như trước thì các môn đệ mới nhận ra Ngài được. Nếu Đức Giêsu phục sinh với một thân xác khác thì hẳn là xác chết của Ngài vẫn còn trong mộ. Nhưng thực tế là từ sau ngày phục sinh, không ai – kể cả những kẻ thù của Ngài – có thể tìm thấy xác Ngài. Ngoài ra, thân xác được phục sinh phải là thân xác mà ta có thể đụng chạm được cách cụ thể, chứ không phải là một cái bóng mờ mờ ảo ảo. Đức Giêsu cũng khẳng định với các môn đệ rằng Ngài vẫn “có xương có thịt”, chứ không phải ma (x.Lc 24,39). Chính Tôma là người đã được Đức Kitô phục sinh cho đụng chạm vào cạnh sườn mình (x. Ga 20,27).
Thế nhưng – điều thứ hai và điều rất quan trọng – thân xác phục sinh là một thân xác được biến đổi theo một cách thức mà thánh Phaolo gọi là “mầu nhiệm” (1Cr 15,51), bởi vì “xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (1Cr 15,50). Ngài còn nói thêm: “…tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát… Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,52-53). Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolo nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,31). Ở đây, ta thấy thánh nhân nói rằng Đức Giêsu sẽ biến đổi “thân xác chúng ta” (chứ không phải một thân xác lạ lẫm nào khác), và thân xác được biến đổi ấy sẽ giống như “thân xác vinh hiển của Người”, nghĩa là thân xác phục sinh của Đức Giêsu thế nào thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng sẽ giống như vậy.
Như thế, thân xác phục sinh của chúng ta sẽ là một thân xác không còn bị huỷ hoại, không còn vết tích của sự dữ, không còn lệ thuộc vào thời gian không gian, không phải chịu một giới hạn nào, không bị lão hoá, không bệnh tật…Thân xác ấy sẽ như thân xác của Đấng Phục Sinh. Chúa sẽ thanh tẩy thân xác hư nát này của chúng ta thành một thân xác thanh thiết và ngập tràn ân sủng. Thân xác ấy trông như thế nào, chẳng ai trong chúng ta biết được, nhưng với mạch suy tư này, ta có quyền đi đến kết luận rằng vào lúc phục sinh, người khác nhìn vào ta thì sẽ thấy ta và nhận ra ta (vì ta có thân xác) và sẽ nhìn thấy nơi ta một sự sáng láng tuyệt đẹp, thanh khiết đến lạ kỳ (vì những hậu quả xấu xa của sự dữ và tội lỗi làm cho thân xác của chúng ta bị huỷ hoại và xấu đi đã bị ơn cứu độ của Đức Giêsu gỡ bỏ).
Nhưng với những trường hợp như bị phanh thây, bị chặt đầu, tùng xẻo, hay thậm chí có rất nhiều các nhà truyền giáo đã bị thú dữ hoặc các bộ tộc hoang dã ăn thịt, họ sẽ phục sinh như thế nào? Họ đâu còn thân xác nữa mà phục sinh! Chúng ta biết rằng ngay cả những người chết với một thân xác bình thường, thì sau một thời gian bị chôn vào lòng đất , thân xác họ cũng không còn được nguyên vẹn. Thân xác của chúng ta, dù chết cách nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị mục nát và không còn hình hài. Cơ thể của chúng ta sẽ tan ra, bị chia nhỏ, trở về với các nguyên tố hoá học. Thật khó để chúng ta tưởng tượng là khi phục sinh, các nguyên tố này sẽ kết hợp lại với nhau ra sao để làm nên con người ta trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể biến từ không ra có tất cả mọi sự thì chuyện làm cho một cái xác bị thối rữa được sống lại và biến đổi chẳng có gì là khó với Ngài. Bạn có thể đọc trong sách Tiên Tri Ezekiel, chương 37,1-14, nói về thị kiến mà Thiên Chúa ban cho vị Tiên Tri này để hiểu hơn về quyền năng của Thiên Chúa. Trong đoạn này, Ezekial đã thấy Thiên Chúa ban Thần Khí nối các xương người chết, lắp thịt gân… ban hơi thở để làm cho người chết sống lại. Những hình ảnh giúp chúng ta nghĩ đến ngày chính mỗi người chúng ta cũng được cho sống lại trong quyền năng của Thần Khí Đấng Phục Sinh.
Thánh Phaolo cũng lấy hình ảnh hạt giống gieo vào đất và nảy mầm thành một cây mới để minh hoạ cho sự phục sinh này. Khi chẻ đôi một hạt lúa, ta không hề thấy trong đó có cây lúa nào. Vậy mà khi gieo xuống đất, tưới nước, bón phân, ta lại thấy chính tại nơi ta gieo hạt lúa nảy sinh một cây lúa. Cây lúa này chính là hạt lúa lúc trước chứ không phải từ một hạt gì khác, hay thậm chí là hạt lúa khác. Ta biết chắc rằng cây lúa này từ hạt lúa kia mà ra, nhưng ta không biết được là tại sao hạt lúa lại trở thành cái cây như vậy. Hạt lúa trước kia chính là cái cây mà ta đang thấy lúc này đây. Hạt lúc không còn nữa, chỉ còn lại cây lúa. Nói cách khác, hạt lúa ấy đã được biến đổi để trở nên một cái gì đó khác đi, hoàn hảo hơn, tràn đầy sức sống hơn.
Hình ảnh minh hoạ này giúp chúng ta hiểu về sự biến đổi thân xác diệu kỳ mà ơn phục sinh của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta. Chúng ta chỉ đang ở trong giai đoạn “hạt lúa”, cần phải chết đi trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để Đấng ấy làm nơi ta một sự biến đổi lạ thường chỉ “trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên.” (1Cr 15,52).
Đề tài này vẫn còn nhiều chi tiết cần bàn đến nhưng hy vọng một vài gợi mở nhỏ bé này đã đủ để giải đáp thắc mắc của bạn cũng như khơi lên niềm hy vọng trong lòng bạn.
Thân ái,

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:33

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/01/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mác-cô (Mc 5: 21-43)
 
21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống."24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi? "31 Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: " Ai đã sờ vào tôi? "32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi."37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! "40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! "42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
 

SUY NIỆM 1

 
Tuổi trẻ hôm nay, đang biểu lộ một lối sống làm tòan thể xã hội lo âu: Hưởng thụ; Tệ nạn; Vô tâm. Không nghĩa sống. Người lớn thì cuống cuồng. Lớp trẻ thì bất mãn. Thế hệ đi trước nản lòng, vì lớp trẻ chỉ biết yêu cuồng sống vội. Lớp trẻ thì không còn tin vào những lý thuyết giả dối, mị dân của những người cầm cân công lý. Thảm trạng này được viên đại đội trưởng diễn tả “Con bé nhà tôi gần chết”. Ai có thể đưa con người tới ánh sáng chân lý, đến bờ hạnh phúc của sự sống, yêu thương? Không có ai trong thế gian này.

Người lớn muốn canh tân lớp trẻ, bằng cách nhồi nhét những lý thuyết mục rỗng, những lối sống giả hình. Ngôn hành trái ngược. Người lớn hôm nay, thay vì theo gương một người cha đạo đức, đến xin Chúa Giêsu cứu chữa, lại cậy dựa vào cái khôn ngoan phàm trần của mình để cứu con mình. Thật sai lầm. Chúng ta hãy cầu xin cho những bậc làm cha mẹ, biết khôn ngoan, đạo đức, để biết đem con mình đến với Chúa Giêsu, để con cái được cứu chữa mà sống tốt lành.

Con người không là chân lý để cứu con người. Bà bệnh nhân trong Phúc Âm, đã nhọc công tìm thầy chạy thuốc lâu năm, tàn gia bại sản mà không hết. Đây cũng chính là tình cảnh của xã hội, gia đình hôm nay. Tìm hết cách cứu đất nước, gia đình khỏi những bệnh trầm kha của thói sống duy vật hiện tại, mà không  thuyên giảm, lại còn tồi tệ hơn. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất cứu chữa mỗi người và mọi người. Chúng ta hãy khiêm tốn, theo gương ông trưởng hội đường, “quì gối dưới chân Chúa, khẩn khỏan nài xin”. Và theo gương bà bệnh nhân, tìm cách lách qua đám đông, tiến lên phía trước mà chạm vào Chúa. Vì chỉ nơi Chúa, phát xuất mọi quyền năng và tình thương để cứu những ai bệnh họan tật nguyền và sự chết đe dọa. Hãy tìm đến Chúa, không bao giờ chúng ta thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tình thương, là Đấng cứu Độ. Xin cho những người có trách nhiệm trên quê hương đất nước, trên mỗi gia đình, biết khôn ngoan tìm đến với Chúa mà đưa đất nước, gia đình đạt tới sự thiện hảo. Hầu mỗi người được sống trong sự thật, an lành, hạnh phúc. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
 
 
 

SUY NIỆM 2

  1. Thân phận con người
Đức Giêsu thực hiện hai phép lạ: phép lạ chữa bệnh và phép lạ làm cho sống lại. Hai phép lạ này liên quan đến hai nghịch cảnh của đời sống con người, trong đó có những người thân yêu của chúng ta và có khi, có cả chúng ta nữa.
  • Người cha có đứa con gái mới 12 tuổi đã chết. Sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là nỗi đau của bố, của mẹ, của cả nhà. Theo thánh sử Mát-thêu, em bé đã chết rồi (x. Mt 9, 18), còn theo thánh sử Mác-cô và thánh sử Luca, lúc người bố đến kêu xin Đức Giêsu, thì em bé chưa chết, nhưng lúc Ngài đang trên đường tới nhà, cháu bé mới chết (Mc 5, 35; Lc 8, 49). Chi tiết này làm bật lên nỗi đau của người bố và của cả gia đình là một nỗi đau kéo dài.
  • Người phụ nữ, có lẽ đã lớn tuổi, mang một thứ bệnh kín đáo trong người đã 12 năm. Có những thứ bệnh ai cũng biết, nhưng cũng có những thứ bệnh chỉ có một mình biết, kéo dài, nỗi đau triền miên.
Hai nghịch cảnh của hai lứa tuổi nói cho chúng ta thật nhiều về thân phận và những vấn đề muôn thủa của con người: bệnh tật và cuối cùng là cái chết, có thể xẩy ra ở bất cứ lứa tuổi nào; bệnh tật và sự chết làm bật lên sự liên đới của nhiều người; bệnh tật và sự chết tất yếu đặt ra con con người vấn đề Thiên Chúa và buộc phải lựa chọn tin hay không tin.
Và Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta biết cách Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu-Ki-tô, liên đới với đau khổ và cả sự chết thuộc về thân phận con người như thế nào.

  1. Lòng tin
  2. Để được chữa lành, Chúa cần lòng tin và chỉ cần lòng tin mà thôi. Lòng tin của người phụ nữ thật đơn sơ, nhưng mạnh mẽ:
Tôi chỉ cần đụng được vào áo của Người thôi,
là sẽ được cứu.
Ở những nơi hành hương, người ta vẫn thể hiện lòng tin bằng cách đụng vào các bức tượng hay thánh tích. Nhưng để được chữa lành thực sự, nghĩa là trọn vẹn, chúng ta được mời gọi đi vào tương quan mãi mãi với một ngôi vị, Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa.
Và đó chính là điều mà người phụ nữ được ban tặng, vượt xa nhu cầu chữa bệnh của bà. Được khỏe là một nhu cầu quan trọng, nhưng điều này vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề liên quan đến “sự sống” của một con người. Đời sống con người cần sức khỏe, nhưng khỏe thôi vẫn chưa đủ. Hơn nữa, xét cho cùng, người ta đâu có khỏe được mãi, và có rất nhiều phận người, sinh ra đã tật nguyền. Hơn nữa, Đức Giêsu còn nói: “lòng tin của con đã cứu con”. “Cứu” ở đây vượt xa vô hạn phép lạ hết bệnh.
  1. Cái chết của đứa con, nhưng lòng tin lại là lòng tin của người cha:
Con gái tôi mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu, là nó sẽ sống.
Lòng tin của bố cứu được con mình. Điều kì diệu này được ghi lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người sống và kẻ chết. Vì Chúa cũng yêu thương những người chúng ta thương yêu trong Chúa.
Đức Giê-su không quan tâm đến tiếng tăm của mình, nhưng quan tâm đến sức khỏe và sự sống của em bé: “Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm” (c. 40). Sau này trong cuộc Thương Khó, Ngài sẵn sàng mang vào mình cái chết đau đớn và sỉ nhục tận cùng, để hiện diện, cảm thông với mọi đau khổ và mọi cách chết của con người, để bày tỏ lòng thương xót và dẫn chúng ta vào niềm Hi Vọng. Phép lạ cứu sống em bé thật cá biệt, nhưng đem lại cho nhân loại chúng ta niềm hi vọng thật lớn: tất cả người chết sẽ sống lại, nếu được Đấng Phục Sinh “cầm lấy tay”.

  1. Niềm hi vọng
Cách Đức Giêsu đến với mỗi người mỗi khác. Với người phụ nữ, bà cố để đụng được vào gấu áo của Đức Giêsu; nhưng với em bé, Ngài đến tận nơi: “Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền trỗi dậy”. Đó chính cũng là cách Chúa ban ơn cứu độ cho từng người, luôn luôn đích thân và duy nhất. Bởi lẽ người ta không thể công thức hóa ơn cứu độ, lề luật hóa lòng tốt của Thiên Chúa được.
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của mỗi người, của cả loài người. Những gì Ngài làm, thật lạ lùng, nhưng cũng thật giới hạn. Vì người phụ nữ cũng sẽ bệnh lại và chết; em bé lớn lên và cũng qua đi. Nhưng đó là những dấu chỉ làm cho chúng ta hướng tới và đặt hi vọng nơi ơn huệ còn lạ lùng hơn: đó ơn huệ sự sống vô hạn trong Chúa và cùng nhau, mà Đức Giê-su Ki-tô chết và phục sinh hứa ban cho chúng ta.
Chính niềm hi vọng đặt nơi ngôi vị của Đức Kitô phục sinh, làm cho chúng ta bình an và can đảm đảm nhận hôm nay phận người của mình và thân phận của cả những người khác nữa, nhất là những người thân yêu của chúng ta trong gia đình và trong ơn gọi dâng hiến.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:22

Giá trị của việc Chầu Thánh Thể

Filled under:


Chương Trình TVASTM Ngày 29-1-2017


ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN 29/1/2017

"Người ta bắt đầu từ một thân phận khốn khổ đến chỗ hướng bản thân về tặng ân Chúa ban và tiến vào một thế giới mới, đó là 'Vương Quốc' được Chúa Giêsu loan báo ... Người ta không được phúc đức nếu họ không hoán cải, để có thể nhờ đó cảm nhận được và sống các tặng ân Chúa ban"
Xin chào anh chị em thân mến!
Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay giúp chúng ta suy niệm về Các Mối Phúc Đức (xem Mathêu 5:1-12a), những mối phúc đức mở đầu một bài giảng quan trọng được gọi là "bài giảng trên núi", một Đại Hiến Chương (the Magna Carta) của Tân Ước. Chúa Giêsu bày tỏ ý của Thiên Chúa muốn dẫn con người đến hạnh phúc. Sứ điệp này đã được trình bày trong việc rao giảng của các vị tiên tri, đó là Thiên Chúa là Đấng gần gũi với những người nghèo khổ và bị áp bức, và Ngài giải phóng họ khỏi những ai ngược đãi họ. Tuy nhiên, trong bài giảng này, Chúa Giêsu theo một đường lối đặc biệt: Người bắt đầu bằng chứ "Phúc thay" (blessed), hạnh phúc thay (happy). Người tiếp tục bằng cách nêu lên thứ thân phận được như vậy, và Người bằng cách đưa ra một hứa hẹn. Cái động lực để có phúc đức, tức là để được hạnh phúc, không phải là ở nơi chính thân phần cần phải như thế - chẳng hạn cần phải "tinh thần nghèo khó", "than khóc", "đói khát sự công chính", "bị bách hại" ..., nhưng là ở cái hứa hẹn sau đó, thứ hứa hẹn được tin tưởng chấp nhận như tặng ân Chúa ban. Người ta bắt đầu từ một thân phận khốn khổ đến chỗ hướng bản thân về tặng ân Chúa ban và tiến vào một thế giới mới, đó là "Vương Quốc" được Chúa Giêsu loan báo. Đây không phải là một cơ cấu tự động mà là một lối sống theo Chúa, nhờ đó cái thực tại gian nan khốn khổ được nhận định bằng một nhãn quan mới và được cảm nghiệm tùy theo việc hoán cải xẩy ra. Người ta không được phúc đức nếu họ không hoán cải, để có thể nhờ đó cảm nhận được và sống các tặng ân Chúa ban.
Tôi muốn dừng lại ở mối phúc đúc thứ nhất: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì chưng Nước Trời là của họ" (câu 4). Người có tinh thần nghèo khó là người có cảm nhận và thái độ của những người nghèo khổ không nổi loạn vì thân phận của mình, mà là khiêm tốn, ngoan hiền, hướng về ân sủng của Thiên Chúa. Cái hạnh phúc của người nghèo khó - của người sống tinh thần nghèo khó - có hai khía cạnh: khía cạnh liên hệ với các của cải sản vật và khía cạnh liên hệ với Thiên Chúa. Về khía cạnh liên hệ với các của cải sản vật, với những của cải vật chất, thì tinh thần nghèo khó là ở chỗ điều độ, không cần phải từ bỏ, mà là khả năng hoan hưởng những gì là thiết yếu, là chia sẻ; là khả năng lập lại hằng ngày việc nghĩ đến sự thiện hảo của các sự vật, mà không bị rơi vào tình trạng mù quáng của việc ngấu nghiến hưởng thụ. Tôi càng có thì lại càng muốn; tôi càng có thì lại càng muốn: đó là thứ ngấu nghiến hưởng thụ. Và đó là những gì sát hại linh hồn. Con người nam nữ nào làm như thế, thành phần có thái độ "tôi càng có thì càng muốn" ấy thì không được hạnh phúc và sẽ không đạt được hạnh phúc. Còn về khía cạnh liên hệ với Thiên Chúa thì đó là việc ngợi khen và cảm tạ vì thế giới này là một phúc lành và theo nguồn gốc của mình thì nó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Thế nhưng, nó cũng là việc cởi mở đối với Ngài, ngoan hiền trước vai trò làm chủ của Ngài: Ngài là Chúa; Ngài là Đấng Cao Cả. Tôi không phải là kẻ cao cả là vì tôi có nhiều thứ! Nhưng Ngài là thế: Ngài là Đấng muốn dựng nên thế giới này cho tất cả mọi người và muốn dựng nên nó cho hạnh phúc của con người.
Một con người có tinh thần nghèo khó là một Kitô hữu không tin tưởng vào bản thân mình, vào những thứ giầu sang phú quí về vật chất của mình, người không cố chấp với những ý nghĩ của mình mà là trân trọng lắng nghe cùng sẵn sàng theo quyết định của người khác. Nếu có nhiều người nghèo hơn nữa trong các cộng đồng của chúng ta thì sẽ ít xẩy ra chia rẽ, chống đối và tranh cãi! Đức khiêm nhượng, như đức bác ái, là một nhân đức thiết yếu cho việc chung sống trong các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Thành phần ngheo khó theo nghĩa của Phúc Âm đây trở thành như những con người gìn giữ cho đích điểm của Nước Trời sống động, làm cho người ta thấy rằng Nước Trời được trông đợi ở nơi cái mầm của một cộng đồng huynh đệ yêu thích chia sẻ hơn là sở hữu. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: yêu thích chia sẻ hơn là sở hữu. Luôn có một tấm lòng và đôi tay mở ra chứ không đóng lại (nói đến những chỗ "mở ra" và "đóng lại" này ĐTC còn kèm theo cử chỉ của ngài nữa, câu sau đó ngài cũng tiếp tục làm thế khi nói đến "đóng lại" và "cởi mở"). Khi con tim đóng lại thì nó là một con tim hẹp hòi: nó chẳng biết yêu thương là gì. Khi con tim cởi mở thì nó tiếp tục con đường yêu thương.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương và là hoa trái đầu mùa của người có tinh thần nghèo khó vì Người đã hoàn toàn tỏ ra ngoan ngoãn với ý muốn của Chúa, giúp chúng ta biết trao phó bản thân của chúng ta cho Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, để Ngài làm cho chúng ta tràn đầy các tặng ân của Ngài, nhất là tràn đầy ơn tha thứ của Ngài.
(Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp về Ngày Thế Giới Người Cùi ... rồi ngỏ lời chào các phái đoàn hành hương đến tham dự buổi Nguyện Kinh Truyền Tin, và cuối cùng với thành phần trẻ em nam nữ thuộc Phong Trào Tông Đồ Giáo Dân của các giáo xứ và học đường ở Roma, trong đó có hai em đại diện lên với ĐTC và một em đọc sứ điệp các em muốn gửi đến mọi người bấy giờ, ngài nói rằng:)
Giờ đây tôi hướng đến các con, những em trai em gái thuộc Phong Trào Tông Đồ Giáo Dân của các giáo xứ và học đường ở Roma. Năm nay, được Đức Hồng Y Đại Diện GP Roma đồng hành, các em đã đi đến chỗ kết thúc "Cuộc Bộ Hành của Hòa Bình", với khẩu hiệu Được bao bọc bởi Hòa Bình, một khẩu hiệu đẹp đẽ. Cám ơn các em về sự hiện diện của các em hôm nay và về việc các em dấn thân xây dựng một xã hội hòa bình. Giờ đây tất cả chúng tôi sẽ lắng nghe sứ điệp được bạn hữu của các em ở bên cạnh tôi đây sẽ đọc cho chúng tôi nghe ..... (sau sứ điệp này, ĐTC cho biết:)
Bây giờ là việc thả bong bóng, biểu hiệu của hòa bình, tiêu biểu cho hòa bình ...                                                               
https://zenit.org/articles/an gelus-address-on-the-beatitude s/


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:16

5 Phút cho Lời Chúa 31/01/2017

Filled under:

VỚI NIỀM TIN, MỌI SỰ THAY ĐỔI
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,34)
Suy niệm: Bánh mì xăng uých gồm có hai miếng bánh mì kẹp bên ngoài, bên trong có nhân là rau, thịt hay cá. Khi ta thưởng thức bánh xăng uých, ta thường không phân biệt miếng này là bánh mì, miếng kia là nhân thịt, nhân cá. Tất cả tạo thành một hương vị riêng của loại thức ăn nhanh phổ biến hiện nay. Bài Tin Mừng hôm nay cũng được sắp xếp tựa như kiểu bánh xăng uých. Khởi đầu là câu chuyện con gái ông trưởng hội đường Giai-rô bị đau nặng, “nhân” ở giữa là câu chuyện người đàn bà bị bệnh loạn huyết được chữa lành, rồi tiếp đến câu chuyện cô con gái ấy được Đức Giê-su cho chỗi dậy từ cõi chết. Toàn bộ bài Tin Mừng cho ta thấy những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc sống phát xuất từ niềm tin của con người cùng với quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Cả hai bệnh nhân này đều trong tình cảnh hầu như tuyệt vọng: bé gái đã chết, người đàn bà bị bệnh 12 năm chữa trị mãi không khỏi. Thế nhưng, đụng chạm đến con người Chúa Giê-su với lòng tin, mọi sự đã thay đổi. Cũng vậy, hãy để Thánh Thể Chúa, Lời Chúa “đụng chạm” đến bạn mỗi ngày để giúp linh hồn bạn mạnh khỏe hơn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ điều chỉnh lại việc rước lễ của mình: chuẩn bị trước kỹ lưỡng hơn, cám ơn Chúa sốt sắng hơn khi Chúa đang ngự trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa Chúa là nguồn sống và là chủ của sự sống. Con xác tín rằng hễ khi nào được tiếp xúc, gần gũi Chúa là con nhận được sự sống thần linh của Chúa. Xin giúp con siêng năng đến với Chúa, “đụng chạm” đến Mình Thánh Chúa và Lời hằng sống của Chúa. Amen.


 THÁNH GIOAN BOSCO HIỂN TU
(1815-1888)
Ngày lễ Đức Mẹ lên trời năm 1815 cũng là ngày thánh Gioan Bosco ra đời. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó, lại mồ côi cha từ lúc lên hai, Bosco không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ cùng tuổi. Mẹ cậu là bà Margarita phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền nuôi con. Bà rất tiết kiệm, yêu việc lao động và ham thích cầu nguyện. Cậu Bosco có nhiều đức tính cao quý, một trí tuệ thông minh sắc sảo, một trí nhớ như nhựa. Cậu rất ham thích học hỏi, nhưng không có đủ tiền học, cậu đến nhà cha sở để học. Nhưng rủi thay ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Đã đến lúc phải chọn hướng đi cho cuộc đời, Bosco tỏ ý muốn làm linh mục. Từ trước Bosco vẫn có ý định muốn vào tu
dòng thánh Phanxicô, nhưng đến sau, theo lời chỉ dẫn của cha linh hướng, Bosco đã bỏ ý định trên.

Thiên Chúa quan phòng muốn tuyển trạch chàng để sau này sáng lập dòng mới theo ý hướng của Chúa.
Ngày 30-10-1835 Gioan Bosco vào đại chủng viện Turinô. Thầy Bosco học hành rất chăm chỉ và rất giỏi. Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày mong ước đã tới: ngày 5-6-1841, Gioan Bosco được chịu chức linh mục. Trong ngày Gioan Bosco thụ phong linh mục, mẹ ngài đã nói một câu mà ngài ghi nhớ và suy niệm suốt đời: "Con ơi, ngày nào con bắt đầu uống Máu Thánh, là ngày con bắt đầu đau khổ". Làm linh mục rồi, ngoài việc coi xứ, ngày ngày linh mục Bosco đi thăm viếng các người nghèo khó và các bệnh nhân trong bệnh viện và cả các tù nhân trong các đề cao ở Turinô.
Từ ngày 08-12-1841, linh mục Bosco dồn hết tâm lực vào việc lựa nhân viên để thiết lập dòng Salêdiêng tương lai. Ngài nhận một em bé vô thừa nhận bị người coi nhà thờ đánh đập thậm tệ và xua đuổi đi rất tàn nhẫn: cậu bé đó tên là Carelli. Vì chưa xây được nhà, thánh nhân đành cho cậu trú ngụ trong nhà mặc áo nhà thờ thánh Phanxicô. Ngài cho cậu học chữ và giáo lý để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Dần dà không những ngoài Carelli trong nhà ngài còn rất nhiều trẻ em khác.
Ngày 2-2-1842, trong nhà mặc áo thánh đường Phanxicô, người ta thấy có đến hai mươi em bé mồ côi. Rồi dần dà con
số đó tăng lên tới 100 em. Năm 1844, cha Gioan Bosco được cử làm Giám đốc viện dưỡng lão Phônêma, đồng thời ngài
kiêm thêm việc quản trị một cô nhi viện do bà hầu tước Barôlô sáng lập.

Không bao lâu, cô nhi viện không còn chỗ dung nạp thêm. Số các em đã tăng lên với con số 300.
Được sự chấp thuận của Đức cha Franxoni, Tổng Giám mục thành Turinô, cha Bosco sử dụng ngôi nhà thờ thánh Martinô
cũ kỹ với năm chữ vàng khắc trên cửa nhà thờ: "Tu viện thánh Phanxicô Salê" Nhưng vì các em nô đùa nghịch ngợm làm
huyên náo cả một khu phố, thánh nhân buộc lòng phải di cư cô nhi viện đến nhà thờ thánh Phêro do bà bá tước Cavua (Cavour) nhường lại, nhưng rồi sau cùng lại phải di cư đi chỗ khác. Lần này không kiếm đâu ra nhà nữa, thánh nhân đành phải dẫn dắt đoàn con côi cút đến sống ngay giữa cánh đồng cỏ. Gặp thời mưa sa, gió rét, lại phải chạy vào trú ẩn ở những lẫm lúa miền Vanđôccô, ngài dốc toàn lực lượng để xây cất một ngôi nhà cho con cái ngài có chỗ nương thân. Lo cho có chỗ ở, ngài còn phải tần tảo để kiếm cơm ăn, áo mặc và có chỗ học tập cho bầy con côi cút.

Vì quá lao lực, tháng 7 năm 1846, thánh nhân bị bệnh sưng màng phổi. Các bác sĩ đều thất vọng. Nhưng có lẽ Chúa chưa muốn để bầy trẻ phải vất vưởng không người săn sóc. Mùa đông năm đó thánh nhân được bình phục, lại trở về Turinô tiếp tục công việc ngài đã vất vả xây dựng. Vì hiếm người, thánh nhân mời mẹ tới lo việc bếp nước và may vá cho đoàn trẻ. Thánh nhân thuê được hai gian nhà ở gần lẫm Vanđôccôâ: gian trước dùng làm nhà bếp và nhà ở cho mẹ ngài; gian sau dùng làm bàn giấy và phòng ngủ của ngài. Lẫm Vanđôccôâ được dùng làm nhà nguyện. Thánh nhân cũng cấp tốc mở các lớp học tối.
Ngài nhận thấy muốn cho công việc giáo dục có kết quả, cần áp dụng chính sách "có mặt", nghĩa là ngài phải để mắt coi sóc các con cái ngài suốt ngày đêm. Thánh nhân dự định mở một ký túc xá. Để đạt ý định đó, lần hồi ngài đã thuê được cả toà nhà thuộc khu trại Vanđôccôâ. Tuy nhiên, ngài vẫn cảm thấy chật chội. Chủ trại bán cho ngài cả toà nhà ông đang ở với giá 30.000 quan. Nhờ lòng hào hiệp của các vị ân nhân, ngày 19-2-1851, ngài đã kiếm được đủ số tiền để trả. Sau đó ngài lại kiếm thêm được tiền để xây cất một ngôi nhà thờ đồ sộ. Ít lâu sau lại sừng sững mọc lên một toà nhà lộng lẫy, đội tên là nhà thờ của thánh Phanxicô Salê.
Bí quyết của thánh Bosco trong công cuộc giáo dục trẻ em đơn sơ nhưng rất kỳ diệu. Với một tình yêu người mẹ hiền và với lòng nhân hậu của người cha, thánh nhân đã gây trong lòng những người con yêu dấu của ngài một lòng tín nhiệm sâu xa và một lòng kính yêu chân thành, và chỉ có thế đã đủ để công cuộc giáo dục của thánh nhân được kết quả mỹ mãn.
Thánh nhân không chỉ nguyên lo việc phát triển thể xác của con cái ngài, nhưng ngài còn lo lắng mở mang trí tuệ và nhất là lo huấn luyện tâm hồn các em. Thánh nhân khích lệ con cái ngài năng xưng tội, rước lễ và nhất là lo tập cho các em thói quen xem lễ hằng ngày.
Trẻ em được thánh nhân huấn luyện đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ. Mọi hành động của các em đều quy về mục đích là
mến Chúa và làm đẹp lòng Người.

Mẹ thánh nhân từ trần vào mùa đông năm 1856. Chính thánh nhân đã làm các phép bí tích sau cùng cho mẹ. Cùng với cái tang đau đớn đó, thánh nhân còn phải đương đầu với những trở ngại, những khó dễ do chính phủ Ý gây nên.
Đứng trước tình thế nguy ngập trên, thánh Bosco phải đi tìm thêm một số linh mục khác cộng tác với ngài để thực hiện xong những ý định của ngài. Một số linh mục ở Turinô nhận hợp tác với ngài.
Qua năm 1857, thánh nhân chiêu mộ được một con số chừng 15 linh mục và một số giáo lý viên để thành lập một dòng tu với mục đích lo giáo dục các trẻ mồ côi nghèo khổ. Dòng mới này được mệnh danh là dòng Salêdiêng. (Đức Thánh Cha Piô IX châu phê luật dòng của thánh nhân năm 1874).
Qua năm 1872, hai hội dòng khác được thánh nhân sáng lập để củng cố và phát triển công cuộc của ngài: hội Đức Mẹ phù hộ giáo hữu. Hội này được thành lập với mục đích phát triển và nâng đỡ ơn thánh triệu linh mục.
Nhờ hội trên, thánh Bosco đã cống hiến cho Giáo hội hơn mười ngàn linh mục; thánh nhân lập thêm một dòng nữ mệnh danh là dòng Các Bà Phước Đức Mẹ Phù hộ, tức dòng nữ Salêdiêng. Dòng nữ này được thành lập với mục đích cứu trợ và giáo dục các em cô nhi.
Công cuộc vĩ đại của thánh Bosco đã mang đến cho thời đại ngài nhiều lợi ích và tiến bộ đáng kể. Thánh nhân đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn lao và nan giải của thời đại ngài trong lúc hàng vạn con trẻ Ý lang thang vất vưởng trên các nẻo phố; thánh nhân đã huấn luyện cho nhiều thanh thiếu niên có nghề nghiệp sinh sống. Ngài hành động để xoa dịu một phần nào những đau thương của xã hội. Nhưng công việc đáng kể là thánh nhân đã tuyển mộ cho Giáo hội được một số linh mục đạo đức. Ngay từ thời thánh nhân còn sống, dòng của ngài đã mọc lên như nấm khắp nước Ý.
Năm 1863, thánh Gioan Bosco mở một trường trung học vĩ đại ở Marabel và một trường khác ở Lanso. Người ta đã tặng
cho ngài danh hiệu "thánh Vinhsơn Phaolô" của nước Ý.

Thánh nhân làm nhiều phép lạ trong khi ngài thực hiện công việc bác ái. Người ta thuật lại rằng một lần kia Đức Thánh Cha Piô IX đã nói với một bệnh nhân đến xin Đức Thánh Cha chữa bệnh cho ông như sau: "Nếu con muốn khỏi bệnh, con hãy đến với cha Gioan Bosco, cha sở Turinô, ngài sẽ chữa con khỏi bệnh".
Thực ra, thánh Bosco là một vị thánh đã thực hiện đức bác ái một cách hoàn hảo. Hơn ai hết, thánh nhân đáng tự hào về những lời đáng kính của Thầy Chí Thánh: "Trước hết các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ".
Công cuộc vĩ đại của thánh nhân, ngay từ khi còn sống đã lan rộng tới các hang cùng ngõ hẻm trong khắp nước Ý, sang Pháp và cả Châu Mỹ. Nhiều lần ngài đi công cán bên Pháp, đi đến đâu dân chúng cũng kéo đến vây quanh ngài với một lòng thành kính đặc biệt. Mọi người đều cảm phục trước vẻ oai nghiêm, vui vẻ đơn sơ và nhân hậu của thánh nhân. Là người nổi danh ở Turinô thánh nhân giảng thuyết với những lời lẽ đơn sơ dễ hiểu và êm dịu. Ngài giảng thuyết rất nhiều về trẻ em và hình như ngài chỉ nói vấn đề đó, một vấn đề ngài đã đem hết tâm lực để phụng sự.
Vì quá lao lực, năm 1884, cha ngã bệnh nạêng, lúc đó ngài đã ngoài 60 tuổi. Nhưng nhờ lời cầu nguyện của đại gia đình Salêdiêng, ngài lại được bình phục.
Mặc dầu tuổi đã cao, thánh nhân vẫn còn hoạt động cách sáng suốt và hiệu lực. Thể theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Lêô XIII, thánh nhân khởi công xây cất một ngôi thánh đường đồ sộ trên đồi Esquilinộ Để thực hiện công cuộc vĩ đại đó, thánh Bosco rảo khắp nước Ý, Pháp và Tây Ban Nha để quyên tiền và vật liệu…
Nhưng vì tuổi cao sức yếu, và vì lao lực quá, ngài lại ngã bệnh. Ngày 08-12-1887, thánh nhân còn thảo một bức thư gửi đại gia đình Salêdiêng. Bao lâu còn gượng được thánh nhân vẫn cố gắng giải tội lâu giờ. Ngày 01- 01-1888 tình trạng sức khoẻ của thánh nhân có vẻ khả quan hơn. Đức Giám mục Lie (Liège) xin thánh nhân thiết lập tu viện Salêdiêng ở giáo phận ngài. Thánh nhân đồng ý và đây là ngôi nhà dòng Salêdiêng cuối cùng do thánh nhân thiết lập.
Ít lâu sau, bệnh cũ lại trở lại, và nguy kịch hơn, Đức Hồng Y Hisơn (Hicherd) đích thân đến thăm viếng thánh Bosco và thánh nhân đã khẩn khoản xin Đức Hồng Y ban phép lành. Sau khi đã ban phép lành cho thánh Bosco, Đức Hồng Y cũng quỳ gối xin thánh nhân ban phép lành cho mình.
Thứ ba ngày 30 tháng giêng, bệnh tình thánh nhân càng ngày càng trầm trọng. Vào khoảng hai giờ sáng, Đức Thánh Cha từ đền thánh Phêrô ban phép lành Toà Thánh cho thánh nhân, khoảng bốn giờ ba khắc, sau khi đã chịu các phép bí tích, thánh nhân thở hơi cuối cùng giữa đoàn con yêu quý đứng vây quanh giường ngài, mắt rướm lệ.
Cả thành phố Turinô đau đớn chịu tang vị đại ân nhân. Họ buồn vì mất một người cha, nhưng lại vui mừng vì được một vị thánh như lời Đức Thánh Cha Lêô đã nói khi hay tin thánh nhân từ trần: "Don Bosco là một vị Thánh!".
Tuy chết đi nhưng hình ảnh của người cha hiền đó sẽ còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ.


Kỳ Quan Của Thế Kỷ 19
 
Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Boscọ 
Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italiạ Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con". 
Don Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèọ Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ. 
Nếu mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã tranh đấu cho giới công nhân rồị 
Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt rạ Thánh nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngsày nay. 
Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy rạ Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco. 
Hiền lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Boscọ Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsụ Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: "Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã lòng". 
Ði đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là: Phụng sự Chúa trong vui tươị Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng tạ Niềm vui của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên Chúa là Tình Yêụ Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn thảm được. 
Sứ điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng tạ Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảọ Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng. 
Giữa một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúạ Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:08