Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới "Truyền hình lời vĩnh cửu" của mẹ Angelica

Filled under:

Dubai (CNA 15-09-2016; Vat. 29-09-2016) - Ông bà Arne và Barbara Sahlstrom đều sinh trưởng trong các gia đình Tin Lành Luther người Thụy điển, nhưng họ không thực hành đạo. Trước khi trở thành bác sĩ, Arne Sahlstrom đã học văn chương Anh và Pháp. Còn Barbara học về giọng hát tại nhiều thành phố khác nhau của Thụy điển. Khi đến học ở thành phố Upsala, cô đã gặp Arne và hai người đã thành hôn với nhau. Sau đó, Arne đã tiếp tục học chuyên về kỹ thuật giải phẫu còn Barbara trở thành giáo sư về giọng hát và là một thành viên trong dàn hợp xướng.
Năm 1989, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thụy điển. Cả hai ông bà đều bị ngạc nhiên ấn tượng về nhân vật này, về con người của ngài. Không lâu sau cuộc viếng thăm này, mẹ của Barbara bị ung thư. Chính lúc đó, Barbara bắt đầu cầu nguyện và cô đã tìm thấy một cuốn Kinh thánh. Dù cho khi còn là một bé gái, từ lúc lên 5 cho đến khi lên 8, Barbara thường đến trường ở nhà thờ Tin lành mỗi Chúa nhật và được nghe đọc Kinh thánh, nhưng vì khi lớn lên, tự cô không bao giờ đọc Kinh thánh, nên cô không thể phân biệt sự khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.
Tháng 7 năm 2001, ông Arne được bổ nhiệm đến làm việc ở Saudi Ả rập, một đất nước hầu hết là dân theo Hồi giáo và được coi là quốc gia của Hồi giáo, nơi các tôn giáo khác không được phép có các sinh hoạt tôn giáo, ngay cả các sách Kinh thánh cũng bị cấm ở nước này. Nhưng chính ở đây, bà Barbara bắt đầu tìm hiểu trên mạng internet về các chương trình tôn giáo. Nhờ đó bà biết được mạng lưới "Truyền hình lời vĩnh cửu" do mẹ Angelica thành lập tại Hoa kỳ. Ðây là một mạng lưới truyền hình Công giáo toàn cầu được truyền qua các kênh truyền hình của các Giáo phận của nhiều nước trên thế giới. Mạng lưới truyền hình này truyền chiếu Thánh lễ mỗi ngày, còn có Ðàng thánh giá, lần hạt Mân Côi, các sự kiên Công giáo quan trọng tại giáo triều Roma và trên toàn thế giới. Chương trình của mạng lưới truyền hình cũng gồm có chương trình giáo lý dành cho người lớn và trẻ em.
Ngày qua ngày, bà Barbara xem các chương trình nói về đạo Công giáo mà mẹ của bà rất thích và bà cũng xem lại với ông Arne chồng của bà. Khám phá Công giáo là một sự ngạc nhiên lớn lao đối với bà Barbara. Bà chia sẻ: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, chưa bao giờ được biết tình yêu của một Thiên Chúa, Ðấng vô cùng gần gũi với chúng ta: Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Ðấng cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Cho đến lúc đó,Thiên Chúa được trình bày cho chúng tôi mà chúng tôi biết đến là một Thiên Chúa thật là xa xôi. Giờ đây chúng tôi cũng biết giáo lý về luyện ngục.
Sau đó ông bà Sahlstrom đã quyết định chuyển đến sinh sống ở Bahrain và Dubai. Ở đó họ đã tìm thấy giáo xứ Công giáo thánh Phanxicô, nơi có Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ sáu thay vì ngày Chúa nhật, vì thứ sáu là ngày cầu nguyện của người Hồi giáo còn Chúa nhật lại là ngày lao động ở quốc gia này. Cha Eugene Mattioli đã giúp hai vợ chồng học hỏi về Công giáo và đào sâu lịch sử của Giáo hội. Bà Barbara giải thích: "Ðây thật là một hành trình thật vui. Mọi thứ thu hút chúng tôi. Ðiều chúng tôi đặc biệt thích chính là tầm quan trọng Giáo hội Công giáo dành cho mối liên hệ giữa đức tin và lý trí. Khi Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2005, ông bà Arne và Barbara đặc biệt vui mừng, vì đối với họ, đây là một chúc lành thật sự. Họ thấy trong kiến thức thần học, phụng vụ, thánh nhạc và nhạc phụng vụ của ngài, cách thức ngài diễn tả, sự khiêm nhường vô cùng và sự đơn giản của ngài, các cuốn sách tuyệt vời của ngài, vv. bàn tay của Thiên Chúa.
Trong năm 2005, ông bà Sahlstrom đã đào sâu kiến thức đức tin và phụng vụ, và cuối cùng họ đã tiến đến bước cuối cùng là hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Chính Ðức giám mục Anders Arborelius và một số linh mục Opus Dei là những người đã giữ vai trò chính trong việc giúp ông bà tìm thấy con đường của họ.
Sau những tìm tòi khám phá để đến với Giáo hội, ông bà nói rằng Thiên Chúa đã đến gần với họ qua nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Ông bà chia sẻ: Khi thăm một vài nhà thờ, "dù cho chúng tôi hầu như không hiểu gì, chúng tôi đã dành một thời gian dài để chiêm ngắm các pho tượng, nơi Ðức Trinh nữ Maria mỉm cười nhìn bạn. Nhiều lần chúng tôi ngồi xuống cầu nguyện giữa sự thanh vắng và im lặng đó". (CNA 15/09/2016)

Hồng Thủy
(Radio Vatican)


Xem thêm:
Sao mỗi con người sanh ra lại khác nhau đến thế?
Có kẻ đẹp kẻ xấu. Có người khôn người ngu. Có đứa sang đứa hèn. Nhưng xấu-đẹp, khôn-ngu, sang-hèn ... là do bạn nhìn nó như vậy. Chứ bản thân mỗi người đều là mỗi tuyệt tác đấy thôi.
Máu ai cũng đỏ. Nước mắt ai cũng trong. Trái tim ai cũng đập. Sự phân biệt đến do bạn nhìn như vậy.

Cần đời sau để làm gì?
Để thấy người sống thiện được đền đáp, người tội lỗi bị dầu sôi, người tu đạo được giải thoát.
Bạn có bao giờ nhìn sâu vào cuộc sống. Người có lòng Từ Bi thì khuôn mặt sẽ dịu nhẹ bao dung, vòng tay sẽ ân cần rộng mở. Kẻ thủ ác, trong tim chứa đầy lửa dữ. Tự đốt mình, đâu cần địa ngục xa xôi. Đôi mắt láo liên, hằn những đường gân máu. Luôn cau mày, luôn nhức nhối thân tâm.
Ai xức nước hoa, người sẽ thoang thoảng hương thơm.
Trái tim ai đẹp sẽ lung linh như vầng trăng ấy.
Phút giây này hạnh phúc, được mỉm cười, được chiêm ngắm đổi thay. Tìm cầu chi nữa quá khứ vị lai.
Chẳng nơi nào đẹp như bây giờ hiện tại.
Cành sen trắng đang rưng rưng trong nắng.
Bụt mỉm cười lấp lánh đoá Vô Ưu.

"Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi!"

Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này, và nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Hiện nay tôi đọc sách nhiều hơn trước và bớt dọn dẹp nhà cửa.
Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh chứ không buồn để ý đến cỏ dại mọc trong vườn.
Tôi dành nhiều thì giờ cho gia đình và bạn hữu hơn là cho công việc.
Tôi hiểu rằng cuộc đời là những cảm nghiệm mình cần phải nếm.
Từ ngày ấy, tôi không còn cất giữ một cái gì nữa.
Tôi đem bộ ly pha lê ra sử dụng mỗi ngày; tôi mặc áo mới để đi siêu thị, nếu mình bỗng thấy thích.
Tôi không cần dành nước hoa hảo hạng cho những ngày đại lễ, tôi xức nước hoa khi nào mình thấy thích.
Những cụm từ như “một ngày gần đây” và “hôm nào” đang bị loại khỏi vốn từ vựng của tôi
Điều gì đáng bỏ công, thì tôi muốn xem, muốn nghe, muốn làm ngay bây giờ.  
Tôi không biết chắc là tôi sẽ làm gì nếu tôi biết trước rằng mai đây mình không còn sống nữa. (một ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường)

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ mời mọi người trong gia đình, mời bạn bè thân thích đến. Có thể tôi sẽ gọi điện cho vài người bạn cũ và làm hòa hay xin lỗi về một chuyện bất hòa trước đây. Tôi đoán rằng tôi sẽ đi ăn các món ăn.
Chính những chuyện vặt vãnh mà tôi chưa làm khiến cho tôi áy náy, nếu tôi biết rằng thì giờ tôi còn rất có hạn.
Tôi sẽ rất áy náy vì không đi thăm một vài người bạn mình cần phải gặp mà cứ hẹn lần hồi.
Áy náy vì không nói thường hơn với những người thân của mình rằng mình yêu thương họ.
Áy náy vì chưa viết những lá thư mà mình dự định ‘hôm nào’ sẽ viết.
Giờ đây, tôi không chần chờ gì nữa, tôi không hẹn lại và không cất giữ điều gì có thể đem lại niềm vui và nụ cười cho cuộc sống chúng tôi.
Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều đặc biệt cả.  

Nếu bạn nhận được thư này, ấy là vì có một ai muốn điều hay cho bạn, và vì bạn cũng có quanh mình những người bạn quý yêu.

Nếu bạn quá bận đến độ không thể dành ra vài phút gửi đến cho ai khác và tự nhủ: “ mai mốt tôi sẽ gửi” thì mai mốt đó có thể là một ngày thật xa hoặc là bạn không bao giờ gửi được.