Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Chúa nhật XXXI Thường Niên Năm C (30.10.2016)

Filled under:

“Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót” (Tv 145,8)
Trong buổi yết kiến chung ngày 13 tháng giêng năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng:
“Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã được trình bày như một ‘Thiên Chúa thương xót’. Đây là tên của Ngài, qua đó Ngài vén mở bức màn để biểu lộ khuôn mặt và trái tim của Ngài cho chúng ta. Như Sách Xuất Hành kể lại, về việc mạc khải chính mình cho Mô sê Ngài đã xác định chính Ngài theo cách này: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín’ (Xh 34,6)…”
 “Thiên Chúa ‘xót thương’: từ này gợi lên một sự gần gũi nhẹ nhàng như sự gần gũi của một người mẹ đối với đứa con của bà … Đó là hình của một Thiên Chúa trắc ẩn và cảm thương chúng ta như một người mẹ ấp ủ đứa con trong cánh tay mình, bà chỉ muốn yêu thương, bảo vệ và sẵn sàng cho con mọi sự, kể cả sự sống của bà …
“Thiên Chúa xót thương này cũng được diễn tả là Đấng ‘chậm giận’… Thiên Chúa biết phải chờ đợi thế nào, thời gian của Ngài không phải là sự thiếu kiên nhẫn của một con người; Ngài giống như người nông dân khôn ngoan biết phải đợi chờ ra sao, Ngài cho phép thời gian diễn tiến để hạt giống tốt lớn lên, thay vì cỏ lùng (x. Mt 13,24-30)
“Sau cùng, Thiên Chúa công bố chính mình là Đấng ‘giàu nhân nghĩa và thành tín’’. Sự xác định này về Thiên Chúa thật tuyệt vời biết bao! … Từ ‘yêu, yêu thương’, được sử dụng ở đây, biểu lộ tình yêu thương, ân sủng, sự tốt lành. Nó không phải là một thứ tình yêu quảng cáo. Đó là tình yêu nguyên tuyền, không tùy thuộc vào sự xứng đáng của con người nhưng dựa trên sự nhưng không vô bờ bến. Đó là mới ưu tư của Thiên Chúa … có khả năng vượt qua cả tội lỗi, để chiến thắng sự xấu và để tha thứ.
 “Giàu nhân nghĩa và thành tín’: đây là từ cuối cùng trong sự mạc khải của Thiên Chúa cho Môsê … Sự thành tín nơi lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa, Vì lý do này Thiên Chúa hoàn toàn và luôn luôn đáng tin cậy … Đây là sự bảo đảm cho đức tin của chúng ta. Như thế, trong ngày lễ của Lòng Thương Xót, chúng ta hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, hãy cảm nghiệm niềm vui được yêu thương bởi “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”.
Lạy Thiên Chúa, Cha của con, cảm ơn Cha vì tình yêu và lòng thương xót của Cha đã dành cho con”.
Theo the Word Among us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

QUYẾT TÂM
(Chúa Nhật XXXI TN, năm C)
Quyết định là điều khó khăn nhất để có thể bắt đầu hành động, phần còn lại là có kiên trì hay không. Cần phải mạnh mẽ và dứt khoát để có thể quyết tâm mau chóng, nhưng cần phải nhận thức tinh tế mới khả dĩ quyết tâm đúng đắn.
Edward Bulwer-Lytton (1803-1873, thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và chính khách người Anh) nhận xét: “Ai thận trọng quan sát và kiên quyết vững vàng sẽ tự nhiên dần trở thành bậc anh tài”. Còn William Arthur Ward (1921-1994, nhà giáo dục người Mỹ) nhận định: “Sự kiên nhẫn của ngày hôm nay có thể biến những nản lòng của ngày hôm qua thành khám phá của ngày mai. Những mục đích của ngày hôm nay có thể biến những thất bại của ngày hôm qua thành quyết tâm của ngày mai”.
Càng về cuối năm Phụng Vụ, Lời Chúa càng “xoáy sâu” vào tâm hồn chúng ta – rõ ràng hơn, thẳng thắn hơn, mạnh mẽ hơn, và cũng… “gay gắt” hơn. Cuối năm là thời điểm cần thiết để xem lại chính mình, luôn có nhiều điều cần quyết tâm hoặc tái quyết tâm – cả về đời thường và tâm linh.
Vì yếu đuối, phàm nhân luôn cần phải cố gắng quyết tâm và tái quyết tâm. Thật hạnh phúc vì chúng ta có một Vị Thiên Chúa vô cùng nhân từ và kiên nhẫn: “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11:23). Chắc chắn không có thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta. Trong St 18:20-32, Tổ phụ Abraham đối diện Thiên Chúa với mối quan ngại về điều sẽ xảy ra cho thành Xô-đôm. Tổ phụ Abraham đã “mặc cả” với Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng tha thứ cho Xô-đôm nếu thành này có được 10 người công chính.
Kinh Thánh xác định: “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11:24-26). Thật vậy, Thiên Chúa là ĐẤNG HẰNG SINH (Đnl 5:26; Gs 3:10; Tl 8:19; R 3:13; 1 Sm 14:39 & 45; 1 Sm 17:26 & 36; 1 Sm 19:6; 1 Sm 20:3 & 21; 1 Sm 25:26 & 34; 1 Sm 26:10 & 16; 1 Sm 28:10; 1 Sm 29:6; 2 Sm 2:27; 2 Sm 4:9; 2 Sm 12:5; Tv 42:3; Tv 84:3; Mt 16:6; Mt 26:63; Ga 6:57; Cv 14:15; 2 Cr 3:3; 2 Cr 6:16; 1 Tx 1:9; 1 Tm 3:15; 1 Tm 4:10; Dt 7:24-25) và là ĐẤNG CẦM QUYỀN SINH TỬ (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), nhưng Ngài lại luôn GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT và RẤT MỰC YÊU MẾN chúng ta (Ep 2:4).
Quả vậy, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật. Vì thế, “những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ; Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12:1-2). Nếu Thiên Chúa không đại lượng như vậy thì chúng ta chết từ lâu rồi. Chỉ riêng một điều là chúng ta còn hít thở không khí ngày hôm nay cũng đủ cả đời để chúng ta cảm tạ Ngài – dù chúng ta còn khỏe hay đau yếu!
Là thụ tạo, chúng ta không chỉ có bổn phận tôn thờ ngài, mà còn có bổn phận chúc tụng và tôn vinh Ngài. Bức tượng không có quyền đòi hỏi gì ở nhà điêu khắc. Cầu nguyện không chỉ là cầu xin, hãy noi gương tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:1-2).
Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết và tôn thờ là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng trắc ẩn, của lòng thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145:8-11).
Vì bản chất của Ngài là yêu thương, Ngài không thể đứng nhìn các thụ tạo của Ngài chịu đau khổ. Ngài sẽ ra tay kịp thời để bảo vệ chúng ta: “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên” (Tv 145:13cd-14). Mặc dù giờ của Ngài chưa đến, nhưng lời cầu nguyện chân thành của chúng ta có thể thay đổi số phận, càng hiệu quả hơn nếu chúng ta biết cầu xin Đức Maria. Sự việc đã xảy ra ở tiệc cưới Cana, miền Galilê, là một ví dụ điển hình (x. Ga 2:1-12).
Lời cầu nguyện thành tâm không chỉ có hiệu quả đối với chính mình mà còn đối với người khác – những người chúng ta cầu nguyện cho, đồng thời còn sinh ích lợi cho chính mình: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Francis Assisi). Thánh Phaolô đã áp dụng cách cầu nguyện “hai chiều” đó: “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (2 Tx 1:11).
Đức tin sinh ra yêu thương, yêu thương sinh ra hành động, và hành động vì đức tin. Đức tin của chúng ta không mơ hồ, không hão huyền, mà chính xác: “Tin xác loài người ta sẽ sống lại” (Kinh Tin Kính). Vả lại, chính Chúa Giêsu đã phục sinh, điều này giúp chúng ta thêm xác tín.
Thánh Phaolô nói: “Về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2 Tx 2:1-2). “Ngày ấy” có thật và sẽ xảy ra, nhưng chúng ta không tin những kẻ lợi dụng thời cơ để gây náo động. Tin phải có cơ sở đúng đắn, cần có lý trí lành mạnh. Tin để sống tốt hơn chứ không theo kiểu “phong trào”. Quyết tâm canh tân đời sống luôn là điều cấp bách.
Không ai biết ngày giờ tận thế, và cũng không biết chúng ta có được chứng kiến “ngày ấy” hay không, nhưng chắc chắn ai cũng chứng kiến ngày tận thế của cuộc đời mình: Chết. Vì thế mà luôn phải sẵn sàng – thay đổi và dứt khoát. Đó là quyết tâm vô cùng cần thiết, càng sớm càng tốt!
Trình thuật Lc 19:1-10 cho biết về một nhân vật đặc biệt: trưởng trạm thuế vụ Da-kêu. Ông là người có dáng dấp thấp bé, ngắn ngủn, lùn tịt, nhưng đức tin của ông lại cao vòi vọi. Ông là người thông minh, can đảm, dứt khoát, có quyết định mau mắn và chính xác.
Một hôm, Chúa Giêsu vào thành Giê-ri-khô. Ở đó có một trưởng trạm thuế vụ giàu có là Da-kêu. Nghe người ta nói về Chúa Giêsu, ông tìm cách để xem cho biết Ngài Giêsu là ai, nhưng ông không thể nhìn thấy Chúa Giêsu vì ông lùn quá, trong khi dân chúng chen chúc đông như kiến. Vốn thông minh và nhanh trí, ông chạy tới phía trước và leo lên một cây sung, vì Chúa Giêsu sắp đi qua đó.
Tới chỗ cây sung, Chúa Giêsu nhìn lên và nói: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Lạ nhỉ, chưa gặp mà Ngài đã biết tên ông ta là Da-kêu. Có lẽ cũng vì thế mà ông Da-kêu càng tâm phục khẩu phục. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, ông vội vàng tụt xuốngmừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Ghen ăn, tức ở, những con người như thế thật là xấu xa. Trong chúng ta cũng vẫn có những con người nhỏ nhen và hèn hạ như thế, có vẻ biết rõ người khác nhưng lại mù lòa về chính mình!
Chúa Giêsu biết người ta xì xầm, bàn ra tán vào, nhưng Ngài không nói gì vì chưa cần thiết, chưa đến lúc. Cũng có thể chính ông Da-kêu cũng biết người ta ghét và nói xấu mình, nhưng ông cứ mặc kệ, việc mình thì mình làm, cứ là chính mình, ai nói sao thì nói.
Hãy quyết tâm điều này: “Đừng bận tâm về những điều người ta nói xấu sau lưng bạn, vì họ là những người chỉ bới móc sai lầm trong đời bạn thay vì lo sửa sai lỗi lầm của chính mình” – kiểu giống như ông Pharisêu tự tôn nên chê trách ông thu thuế (x. Lc 18:9-14). Kể cũng lạ, có những kẻ chuyên gièm pha, ưa thọc gậy bánh xe, khoái ngậm máu phun người, thấy mình không ăn được thì phá cho hôi,... Họ là dạng “siêu nhân” thế nào? Văn sĩ Dale Carnegie (1888-1955, tác giả cuốn “Đắc Nhân Tâm” nổi tiếng) nhận định: “Bất cứ kẻ ngu nào cũng có thể chỉ trích, chê trách và phàn nàn – và phần lớn những kẻ ngu xuẩn đều làm như vậy” (Any fool can criticize, condemn and complain – and most fools do).
Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ông này nhanh trí nên quyết tâm được ngay, nhanh mà chính xác chứ không liều lĩnh hoặc bốc đồng. Đức Giêsu nói về ông Da-kêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để TÌM và CỨU những gì ĐÃ MẤT”. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, chắc chắn những kẻ lẻo mép kia vuốt mặt không kịp, đành phải câm họng mà thôi. Biết mắc cở mà sám hối thì tốt, nhưng khốn thay có những kẻ vẫn cố chấp, không phục thiện, chỉ tỏ ra bằng mặt mà không bằng lòng!
Biết mình, biết người mới có thể quyết tâm đúng đắn. Kẻ thù lớn nhất là chính mình, chiến thắng chính mình mới thực sự là dũng cảm. Không mặc kệ lời người ta nói về mình, nhưng đừng sợ vì người ta ghét mình, cần xét xem mình có sai như họ nói hay không để tự chấn chỉnh. Đa số chưa chắc hơn thiểu số. Có một nhận xét rất hay: “Nếu có bất cứ ai làm bạn tổn thương, bạn hãy coi họ như TỜ GIẤY NHÁM. Giấy nhám CHÀ XÁT và làm bạn ĐAU ĐỚN, nhưng bạn sẽ trở nên SÁNG BÓNG, còn họ thành miếng giấy VÔ DỤNG, chỉ BỎ ĐI thôi”.
Trong cuốn “Tự Thuật” (Confessions III, 6, 11), Thánh GM TS Augustinô (354-430) đã chia sẻ kinh nghiệm tâm linh: “Deus intimior intimo meo – Chúa còn thân mật với tôi hơn chính tôi thân mật với tôi”. Cuối cùng chỉ còn Chúa, chính Ngài mới là người mà chúng ta phải sợ, vì Ngài là Đấng “thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6).
Quyết tâm đúng thì phát ngôn đúng và hành động đúng, quyết tâm sai thì phát ngôn sai và hành động sai. Đó là điều tất yếu. Trong những ngày trung tuần tháng 10-2016, cơn bão dữ Sarika đã làm cho dân miền Trung điêu đứng – đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Trong khi đó, người ta lại cho xả đập để “nhận chìm” dân lành, rồi còn nói rằng làm vậy chỉ tính “đúng quy trình” chứ chưa tính đến hậu quả. Thật tồi tệ!
Có người còn phát ngôn “vô tư” rằng mong cho bão lụt nữa để tẩy rửa chất độc của Formosa thải ra. Không hề có chút yêu thương nào! Chưa hết, khi người ta xót xa đồng bào mà làm từ thiện thì lại bị cấm, chỉ có nhà nước mới có “quyền” đó – tức là để có dịp “chia chác” chăng? Một cán bộ của “trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng” đã tuyên bố bất nhân thế này: “Làm từ thiện là làm mất bản sắc dân tộc”. Khốn thay, vì người ta dám cấm người khác thể hiện lòng yêu thương!
Tiền nhân đã dạy rằng: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thế nhưng lời dạy này không được người ta coi trọng. Buồn thay, vì còn đâu là tình nhân loại và nghĩa đồng bào! Một danh nhân đã nói: “Chỉ có những ai có lòng yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Thật đúng như vậy!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận biết chính con và người khác, đặc biệt là xin cho con nhận biết Ngài. Xin giúp con luôn có quyết tâm đúng đắn, dứt khoát và chính xác theo Thánh Ý của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU