Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 1-10-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 17-24)
 
17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: "Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con."18 Đức Giê-su bảo các ông: "Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."21Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

SUY NIỆM

Ngày lễ thánh Têrêsa, Hội Thánh muốn ta suy niệm lời dạy của Chúa Giêsu về đời sống khiêm nhường, biết nhìn nhận sự nhỏ bé của mình, để luôn rèn luyện bản thân sống tự hạ. Bởi nhờ biết tự hạ, từng người sẽ trở thành người lớn trong Nước Trời.

Lời Chúa trở thành linh đạo của thánh Têrêsa. Đó là linh đạo Thơ ấu Thiêng Liêng mà thánh nhân để lại cho chúng ta: Những ai“ tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, là người lớn nhất Nước Trời”.

Vậy để nên như trẻ thơ, hay để sống con đường thơ ấu thiên liêng mà thánh Têrêsa đã vạch ra, chúng ta cần phải:

- Bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường. 

Chướng ngại lớn nhất của sự thánh thiện là tính kiêu ngạo. Kẻ thù mạnh nhất của chính ta là cái tôi của mình. Vì thế, như trẻ thơ hồn nhiên, dễ mến, vô tư, ta cần loại bỏ tính kiêu ngạo, loại bỏ thói xem mình là trọng tâm, là trên, là nhất, là hơn mọi người.

Ta cần tập tành nhân đức khiêm nhường, đơn sơ hằng ngày trong mọi công tác, mọi lời nói, mọi hành động, mọi suy nghĩ. Như trẻ thơ, ta hoàn toàn phó thác và nép mình vào vòng tay Chúa, để mặc Chúa dẫn dắt đời mình.

- Hiền lành.

Trẻ thơ không biết giận, không biết trả thù, không mưu toan, không mánh mung… Sự hiền lành của trẻ thơ vừa cho thấy tính thật thà, tin tưởng đối với người khác, vừa cho thấy sự trong sáng của tâm hồn không lây nhiễm bất cứ một bóng dáng nào của xảo quyệt, dù là tư tưởng, lời nói hay hành động.

- Từ bỏ mình.

Như thánh Têrêsa quên mình để phụng sự Chúa và tận lực tận tình phục vụ con người, chúng ta cần học tập sự từ bỏ ấy, để luôn có nơi tâm tư mình sự nhẹ nhàng thanh thoát. Chỉ có từ bỏ, ta mới theo Chúa dễ dàng. Chỉ có từ bỏ, tâm hồn ta mới không có bất cứ vướng bận nào, nhưng luôn suy nghĩ và hành động có lợi vì danh Chúa, vì anh chị em của mình.

- Chấp nhận trong vui tươi.

Trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, cũng như trong mọi tương quan khi sống cùng mọi người, ta luôn thể hiện tinh thần vui tươi và chấp nhận chính những hoàn cảnh, biến cố và con người đang hiện diện với ta.

Có hai thứ chấp nhận: Chấp nhận miễn cưởng và chấp nhận vui tươi. Chỉ có chấp nhận cách vui tươi, tự nguyện, ta mới thấy hạnh phúc trong đời mình. Khi đã có hạnh phúc, ta sẽ dễ dàng hướng về Chúa, hiến dâng lên Người tất cả những gì ta đang phải mang, phải gánh.

Thánh Têrêsa đã sống trong Chúa bằng sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù đau thương nhất. Thánh nhân luôn vui tươi hiến dâng lên Chúa tất cả mọi chiều kích của cuộc đời đang xảy ra cho mình, và hiến dâng chính mình như hiến lễ trong vui tươi và tràn ngập niềm hạnh phúc thiêng liêng sâu xa của cõi tâm hồn.

Sống con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng cùng thánh Têrêsa, đó là con đường nhỏ nhặt trong từng nhịp thở của đời ta, diễn ra từng phút giây, nhưng không dễ dàng.

Ta hãy tập cho mình nên thánh từng giây phút thật nhỏ nhặt, thật đời thường, nhưng cũng thật to lớn, thật phi thường. Hãy thánh hóa mỗi giây phút đi qua đời ta bắng cách thánh hóa chính phút giây hiện tại này. Nhờ sự thánh hóa liên lỷ ấy, đời ta sẽ là một chuỗi của sự thánh thiện, đẹp lòng Chúa.

Đó là con đường thơ ấu thiêng liêng diễn ra trong từng giây phút sống đời ta. Con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng vừa nhỏ nhặt, lại vừa to lớn; vừa đời thườn, lại vừa phi thường sẽ đưa ta đi lên mãi, trở thành “người lớn nhất trong Nước Trời”.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Têrêsa, xin cho chúng con luôn sống trong tin yêu, tín thác đời mình trong tay Chúa như đứa bé nép mình vào lòng mẹ, theo cách mà thánh Têrêsa đã nêu gương cho chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



Lễ kính thánh Têrêxa, Hài Đồng Giê-su
 LỜI CHÚA: Mt 18, 1-5
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “
2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

 SUY NIỆM
1. “Ai là người lớn nhất?”
Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận này và đặt ngay sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó mà Ngài sẽ trải qua. Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng » (x. Lc 9, 47), và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (x. Lc 22, 24). Thánh sử Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giê-su để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị  nhau, loại trừ nhau (x. Mt 20, 17-28); ngoài ra, đó không chỉ là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng còn là căn bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường! Vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.
2. Trở nên như trẻ nhỏ
Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giê-su giải quyết ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :
  • Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca) ; hãy thay đổi và trở nên như trẻ nhỏ (theo Tin Mừng Mát-thêu) ; hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
  • Để các môn đệ đừng hiểu lung tung những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ nhỏ », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ.
  • Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giê-su đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”:
“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (c. 3)
Bản dịch Bible de Jérusalem dịch là “thay đổi” (change), thay vì “trở lại” trong bản dịch CGKPV. Nhưng phải làm thế nào để trở nên  như « trẻ nhỏ » ? Chúng ta không thể lùi thời gian lại được ; vì thế, ai muốn quay trở lại với thời ấu nhi để có được sự ngây thơ trong trắng trẻ bình diện luân lý, thì đó là « ngây thơ cụ ». Trở nên như “trẻ nhỏ” là một ơn gọi, luôn ở phía trước.
  • Trở nên như trẻ nhỏ là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì trẻ nhỏ không thể sống một mình.
  • Trở nên « trẻ nhỏ » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa Cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một trẻ nhỏ, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?”
  • Trở nên như trẻ nhỏ, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi:
Phúc thay những người hiền lành,
Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp. 
(Mt 5, 4)
3. “Con đường thơ ấu thiêng liêng”
Ngang qua việc chuyên cần đọc và cầu nguyện với các Tin Mừng, Thánh Tê-rê-xa đã khám phá con đường “con đường thơ ấu thiêng liêng” của Đức Giê-su và đã sống đến cùng theo cách của mình, theo ơn gọi của mình và theo những ơn huệ cùng với thử thách của mình. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé:
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 36-37)
Và Người sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Thánh nữ Tê-rê-xa cũng đã sống như thế đó, trong tình yêu con thảo với Cha, trên Thập Giá bệnh tật của đời mình.
Như thế, Đức Giê-su chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá. Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. Tv 8)
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. 
(Tv 8, 3)
Và Giáo Hội đã nhận ra “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thiên Chúa nơi “con đường thơ ấu thiêng liêng”, khi tôn phong thánh nữ Tê-rê-xa là Thầy Dạy của Giáo Hội, nghĩa là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc