Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Thành công để hạnh phúc hay hạnh phúc để thành công?

Filled under:

Thành công để hạnh phúc. Hạnh phúc trở thành mục đích, điểm tới cuối cùng. Thành công trở thành phương tiện. Người ta cố gắng đạt được thành công để nhờ đó có hạnh phúc
Hạnh phúc để thành công. Thành công được trở nên đích điểm, mục đích, hay điểm tới. Hạnh phúc trở nên một thứ phương tiện để có được thành công.
Có người định nghĩa, thành công đối với họ là: sống vượt lên chính mình, sống vì ước mơ, cống hiến cho xã hội.
Vậy, phải chăng họ nghĩ rằng, tự bản thân họ có thể sống vượt lên được chính mình, nếu không nhờ sự giúp đỡ của ai khác?
Nếu có một ước mơ tốt, liệu họ sẽ dùng mọi cách để đạt được ước mơ? Và khi không đạt được ước mơ của mình thì lúc đó phải chăng, họ đã thất bại?
Khi không thể nào cống hiến cho xã hội, chẳng hạn như bị bại liệt do tai nạn, họ trở thành gánh nặng cho xã hội, và thế là họ thất vọng vì như thế là không thành công?
Hạnh phúc đối với họ là gì? Nếu cứ cười vui là hạnh phúc, thì giải thích như thế nào về những nụ cười giả tạo? Nếu hạnh phúc là ngọt ngào, thì giải thích làm sao niềm vui của những con người sẵn sàng hy sinh cho sứ mạng, đặc biệt là: những vị thánh công giáo?
Nhiều người lầm tưởng, hạnh phúc là cái họ có thể tự tạo ra, mà quên đi những yếu đuối của chính bản thân mình: bệnh tật, đau khổ, những phân rẽ trong cuộc đời: có những cái mình muốn nhưng mình lại không thể làm được vì nhiều lý do, có những cái mình không muốn nhưng mình lại làm…
Trong niềm tin của một người Công giáo, hơn bao giờ hết, ta cần đến ơn của Chúa ban. Từ ơn ban, ta được mời gọi cộng tác qua những công việc cụ thể của mình. Thế nên, thành quả của ta đạt được không phải là do ta, nhưng chính là nỗ lực cộng tác của chính ta và ơn của Thiên Chúa. Xét trong phương diện đức tin, thành công đối với người Kitô hữu như thể là sự cộng tác với ơn Chúa bằng những việc làm cụ thể.

“Ơn ta đủ cho con”. Trong đức tin, điều ấy như một lời hứa với người xin ơn để làm một điều gì đó. Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho những ai cầu xin Người. Nhưng điều quan trọng, ơn mà ta xin có thực sự là để vinh danh Chúa hay là tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình.
Vì vậy, ý hướng ban đầu nơi người Kitô hữu, cùng đích của mỗi công việc là “vinh danh Chúa” thực sự quan trọng. Nếu mọi việc ta làm, không quy hướng về cùng đích ấy thì vẫn chưa phải là một ý ngay lành thật sự. Vì khi chưa đặt ý hướng “vinh danh Chúa” trong công việc, ta còn để ý hướng của ta bị chi phối bởi một “ý hướng khác”. Dù “ý hướng khác” có tốt đẹp như: giúp đỡ người khác, thỏa mãn những đam mê… thì vẫn là quy về “chính tôi”. Vì quy về “chính tôi”, cuối cùng dẫn đến tôi là tất cả. Khi tôi là tất cả, sẽ có lúc, tôi trở thành nguyên nhân cho mọi thất bại. Cuộc đời kết thúc trong những buồn rầu, chán nản.
Như vậy, trong đức tin, nếu hiểu rằng, hạnh phúc là thấy được ý Chúa trong công việc, và thành công là khi ta cộng tác với ơn Chúa ban để hoàn thành công việc, thì có lẽ “hạnh phúc là để thành công” hay “thành công để hạnh phúc” đều được. Bởi lẽ, thấy được ý Chúa thì sẽ cộng tác với ơn Chúa ban, và cộng tác với ơn Chúa ban cũng là để thấy được ý Chúa. Như vậy, dù đích điểm có là thành công hay hạnh phúc, thì người Kitô hữu đang thực sự sống trong đức tin Kitô giáo.
Nhờ hiểu như trên, ta mới có thể hiểu được niềm vui của các vị thánh khi làm chứng cho Chúa. Dù họ gặp nhiều đau khổ, thất bại, chán trường, thậm chí là bắt bớ, tử đạo, nhưng họ luôn có được niềm vui vì thấy được ý Chúa muốn nơi cuộc đời và cộng tác với ơn của Chúa ban.
Nhưng làm thế nào để có thể thấy được ý Chúa? Tiêu chuẩn nào để biết rằng ta cộng tác với ơn Chúa một cách đầy đủ rồi?
“Lạy Chúa! Xin cho con thấy được ý Chúa
Xin cho con biết quảng đại cộng tác với ơn Chúa ban nơi công việc mà con đang thực hiện. Amen!”
BĐT SJ.