Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 14/10/2016

Filled under:

MÌNH  CÒN “CÓ  GIÁ”
“Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Lc 12,5.7)
Suy niệm: Với tinh thần lạc quan hài hước, cha ông ta thường “chế” những người hay “lo bò trắng răng” rằng: “Một mình lo bảy lo ba, Lo cau trổ muộn lo già kém duyên.” Thế nhưng vẫn phải thú nhận rằng trong cuộc sống có biết bao điều không lo không được. Có những nỗi lo không biết hôm nay ăn gì mặc gì, và và rồi ngày mai sẽ ra sao! Vì thế, để tìm sự an toàn và tồn tại cho bản thân và gia đình, người ta dễ dàng phóng mình vào trong lối sống thỏa hiệp với sự ác: gian dối, chà đạp lên quyền lợi và cả sự sống của người khác… Thực ra, lo lắng như vậy là vì chúng ta còn “sợ những kẻ giết được thân xác” mình, như thể họ có thể bảo đảm được cho cuộc sống của ta. Chúa dạy ta vượt trên nỗi lo bằng cách nhận ra rằng trước ánh mắt nhân từ thương xót của Chúa ta không chỉ là con số vô danh, mất hút trong số hơn 7 tỷ người trên hành tinh này, nhưng là một cá nhân độc đáo, được Chúa biết đến, quan tâm và yêu thương vô vàn. “Mình còn có giá” lắm chứ! Những tạo vật bé nhỏ, những con chim bé bỏng… còn được Chúa chăm sóc, huống chi là ta!
Mời Bạn: Chỉ với lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa, ta mới có thể vượt qua mọi thử thách: cuộc sống gian khổ, không làm ta lạc đường; tha nhân chê cười đe dọa, không làm ta nản chí nao núng. 
Sống Lời Chúa: Một lần nữa, chúng ta được kêu gọi “nhìn ngắm Lòng Thương Xót của Chúa cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Thiên Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con trông cậy, con tín thác vào Chúa, vì ngoài Lòng Chúa xót thương, không còn niềm hy vọng nào khác cho chúng con.

Thánh Giáo Hoàng Callistus I
(c. 223?)
Chúng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.

Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Được giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.
Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Đức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.
Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.

Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.

Đức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.

Lời Bàn
Đời sống của thánh nhân cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính, không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Đức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng -- đúng hơn mỗi một Kitô Hữu -- phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng "hợp lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải ".

Lời Trích
Đức Giê-su nói về những người thời ấy, "giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, 'Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không than khóc'. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì chúng bảo: 'Ông ta bị quỷ ám'. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng lại bảo: 'Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.'" (Matthew 11:16b-19a ).

Lời Trăn Trối Của Người Mẹ

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hộị Sau đó ông đã thú nhận: "Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết".
Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng tạ Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: "Dạy con từ thuở còn thơ...".
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng tạ Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.