THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, GIÁO HOÀNG
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 7-16
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô,
Anh em thân mến, mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Vì thế có lời rằng: "Người lên nơi cao điệu tù nhân về, Người đã ban ân huệ cho mọi người". Nói rằng "Người lên" nghĩa là gì nếu không phải là trước Người đã xuống những miền hạ tầng trái đất sao? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã vượt lên trên mọi tầng trời, để làm viên mãn vạn vật.
Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Ðức Kitô viên mãn, để chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm.
Nhưng chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến. Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: TV 121, 1-2. 3-4A. 4B-5
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Tin Mừng Lc 13: 1-9
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
TÍNH HIỆN THỰC CỦA TIN MỪNG
Phương tiện truyền thông đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Với tính cập hật hoá 24/24, người ta dễ hơn trong việc tra cứu tư liệu, năm bắt thông tin, nhất là học và làm tại chỗ. Công nghệ hoá mọi nhu cầu, vật chất hoá mọi lãnh vực kèm theo cá nhân hoá chủ nghĩa khiến mối tương quan trên bình diện nhân bản với nhau bị cho là thứ yếu. Bởi vì, người ta không còn xem việc diện đối diện trực tiếp là cần thiết, thay vào đó, họ ngồi tại chỗ bật màn hình với những chương trình trò truyện hoặc làm việc trực tuyến, người ta bàn bạc, tổng kết, lên kế hoạch cho công việc giữa hai người cắt nhau nửa vòng trái đất. Quá tiện lợi, đúng không? Và đây là mối nguy hay rủi ro đúng không?
Theo sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng cảm nhận rằng việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên mọi phương diện của đất nước tuy cần, nhưng cũng đối diện với những nguy cơ. Trước hết, tiềm tàng những khả năng bệnh tật do chất hoá học thải ra. Thứ hai, đối diện với thảm hoạ phóng xạ và ô nhiễm môi trường nặng nề nhất. Thứ ba, khai thác lâm sản, thuỷ hải sản bừa bãi dẫn đến ô nhiêm nguồn nước và bảo lụt triền miên. Thứ tư, y tế, giáo dục và an sinh xã hội chưa được chú trọng thì chẳng có cơ sở nền tảng nào để có nền kinh tế vững mạnh, bởi con người làm chủ nhưng chưa được đặt lên hàng đầu. Kèm theo, những cái được và mất quá sức của con người càng khiến ý thức về tài sản chung, về sự thăng tiến tập thể không được chú trọng mà chỉ có tính cá nhân chủ nghĩa. Đương nhiên, sự tồn tại của những bất cập, những ánh sáng, bóng tối, những thật, giả lẫn lộn càng ngày càng trở nên là vấn nạn thật sự với mỗi con người, nhất là cho người công giáo. Càng cố chạy theo xu hướng chung, chân lý số đông hay chủ nghĩa thời thượng, chúng ta lại càng khó nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự nội tâm và là nguyên nhân đổ vỡ các mối tương quan. Sau hết, tội lỗi chính là kết quả của lối sống đạo đức xuống cấp, cách thực hành đạo nửa vời và tương đối hoá niềm tin. Tội lỗi còn để lại những hậu hoạ và nguy cơ giết chết lương tâm con người theo chiều hướng thoả mãn ngày càng tăng, chưa xác định được điểm dừng, nghĩa là khi con người có khả năng đạt đến trình độ công nghệ, kỹ thuật và sự khôn ngoan bao nhiêu thì cũng phải đối diện với sự phá huỷ nhanh chóng về chuẩn mực đạo đức cộng đồng và những chân lý vĩnh cửu hơn bấy nhiêu? Ai cũng hiểu rõ về hậu quả của tội, nhưng lại chẳng mấy ai can đảm từ chối nó, tại sao? Phải chăng khi con người hết khả năng tự quyết định vận mệnh của mình thì mới có chỗ dành cho Thiên Chúa?
CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU NƠI CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc rồi, nên nhân loại không còn có nguy cơ bị huỷ diệt do tội lỗi và sự chết mang lại. Tuy nhiên, đó là tinh thần của Chúa Giêsu dành cho những kẻ tin, còn những người vô tín và bất tín thì sao?
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định chỉ nơi Chúa Giêsu Kitô, nhân loại mới tìm thấy ơn cứu độ mà thôi. Cho nên, thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu thành Êphêsô cũng tái khẳng định giá trị này là: “Chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến”. Như vậy, nhân loại có đấng cứu độ ở với mình cho đến tận thế, nhưng họ biến Ngài trở nên Đấng bảo thủ, Người lạc hậu và vô tâm trước những nỗi yếu hèn của nhân loại. Chỉ nơi Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, chúng ta tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình.
Thay lời kết
Trồng cây thì dễ, nhưng chăm sóc, bảo dưỡng và suy trì sự phát triển cho cây lâu dài là không đơn giản. Trong cộng đồng xã hội cũng vậy. Việc xây dựng và thành lập không khó, nhưng việc duy trì hoạt động và phát triển ổn định là không dễ dàng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh là chú ý đến gốc chứ không phải cái ngọn, cái nền tảng chứ không phải cái phụ thuộc. Xin cho mỗi Kitô hữu biết tôn trọng, bảo vệ và phấn đấu cho viêc vun trồng nền tảng đức tin và đạo đức Kitô giáo mỗi ngày tốt hơn, nhờ đó, góp phần chia sẻ những gánh nặng tinh thần của những người có trách nhiệm trong Giáo hội và xã hội.
Lm. Vinh Sơn Kiều Duy Tân
Thứ Bảy, sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên
I. LỜI CHÚA: Lc 13, 1-9
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
Hằng ngày khi đọc báo hay xem thời sự qua máy truyền hình, điều thu hút chúng ta nhất, hẳn là những tai họa: tai họa con người gây ra cho con người (cướp của, giết người, hãm hại…), tai họa do tai nạn hay thiên tai (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, lũ lụt…). Và vào thời của Đức Giê-su, cũng có những chuyện thời sự tương tự:
Những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
Mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết! (c. 1 và 4)
Khi được thông tin về những tai họa như thế, chúng ta thường hướng về người khác: phê phán và đôi khi lên án những người gây ra tai họa; và đồng thời thương cảm những người bị nạn và có nhiều lúc bày tỏ tình liên đới với họ nữa. Những phản ứng như thế là bình thường và đúng đắn nữa. Vào thời của Đức Giê-su, người ta còn coi những người bị nạn, là những người tội lỗi bị Trời phạt:
Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?
Trong một hoàn cảnh khác, khi thấy một người mù bẩm sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Kết nối tai họa với tội lỗi, nghĩa là coi tai họa như hình phạt đối với người có tội, tuy không còn được phát biểu một cách công khai, nhưng vẫn còn tồn tại trong thâm tâm của nhiều người, và có khi của chính chúng ta nữa.
* * *
Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi “những người đọc hay xem thời sự” thời xưa cũng như thời nay hướng về chính bản thân mình:
Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.(c. 3)
Nếu không sám hối, chính chúng ta cũng tự rước tai họa vào mình, hay gây tai họa cho người khác. Không phải vì Thiên Chúa đánh phạt, nhưng những hành vi xấu tự nó có những hệ quả tai hại, mà không cần ai xử phạt. Và như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm hay chứng kiến, một cuộc sống bị sự dữ chi phối hay làm chủ, tự nó là một tai họa cho mình và cho người khác.
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật mạnh mẽ và đáng sợ. Tuy nhiên, dụ ngôn về “cây vả trong vườn nho” mà Người kể ngay sau đó, lại làm cho chúng ta bình an hơn. Thật vậy, trong dụ ngôn, ông chủ vườn tỏ ra đòi hỏi và mất kiên nhẫn đối với cây vả chậm ra hoa ra trái:
Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (c. 7)
Nhưng bên cạnh ông, lại có “Người Làm Vườn” lạ lùng; người này lại tỏ ra kiên nhẫn và bày tỏ lòng thương cảm đối với cây vả, vì thế đã tìm cách bảo vệ nó:
Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.
(c. 8-9)
Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.
(c. 8-9)
Chúng ta có thể tự hỏi, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, “Người Làm Vườn” trong dụ ngôn của Đức Giê-su, muốn nói về là ai vậy?
* * *
Thánh Phao-lô, trong thư gởi tín hữu Roma, sẽ cho chúng ta biết « Người Làm Vườn » kia là ai :
Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình. (Rm 8, 3)
Đức Ki-tô chính là « Người Làm Vườn » ; và Người không chỉ kiên nhẫn, thương cảm và bảo vệ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, nhưng Người con tình nguyện chịu chết vì chúng ta. Chính vì thế, « giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1).
Vậy mỗi ngày, chúng ta được mời gọi mở lòng và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận Lời và Sự Sống của Người, để chính Người là Hạt Giống bất diệt sinh hoa kết quả gấp trăm trong đời sống của chúng ta, hôm nay và mãi mãi.
Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc