Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 18/10/2016

Filled under:

NGƯỜI TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

“Anh em hãy ra đi, này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép... Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho này.” (Lc 10,3-5)
Suy niệm: H.Y Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận đã cảm nghiệm sâu xa thân phận của người môn đệ Đức Ki-tô được sai đi đơn côi “như chiên đi vào giữa bầy sói”, không thể bám víu vào bất cứ một sự hỗ trợ thông thường nào người ta có thể có: không “túi tiền, bao bị, giày dép…” Thế nhưng lời nói đầu tiên và luôn luôn ở trên môi miệng người môn đệ bao giờ cũng là lời nói đem lại bình an. Chính vì thế, Ngài đã chia sẻ: “Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy. Họ đối xử với Thầy thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với các con như vậy’’ (Đường Hy Vọng).
Mời Bạn: Không phải chỉ các linh mục, tu sĩ, mà mọi tín hữu, qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đều là môn đệ và được sai đi với sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống đơn sơ, khó nghèo và yêu thương, tha thứ. Bạn thử nhìn lại mình xem đã thể hiện được đến mức nào hình ảnh người môn đệ “không túi tiền, bao bị, giày dép” mà miệng luôn tươi cười nói lời chúc bình an?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút suy niệm câu: “Phúc thay anh em vì Thầy mà bị người ta sỉ vả bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hơn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao’’ (Mt 5,12).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết yêu mến và thực hành đức đơn sơ vì nhân đức này giúp con sống khiêm nhường đưa con lại gần tinh thần Chúa hơn để con lôi kéo cứu vớt các linh hồn. 
(Th. Gioan XXIII)

Thánh Luca
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Đức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Đức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).

Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.

Đặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh: (1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Đức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Đức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Đavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. (3) Phúc Âm của Người Nghèo: "Người bé mọn" thường nổi bật -- ông Zecharia và bà Elizabeth, Đức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là "sự nghèo khó phúc âm." (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Đối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Đức Kitộ (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo. (6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.

Lời Trích
Đoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: "Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (Luca 24:50-53).

Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra

Người ta thường bảo: "Lòng đầy miệng mới nói ra" hay "Văn tức là người". Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.
Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: "Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng tôõ.". Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt hiệu sau đây:
1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.
Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.
2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi ngườị Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêụ Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.
3.Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon và bà góa Anna.
4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: "Chúa Giêsu đang cầu nguyện" và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.
5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.
Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: "Ðoạn Chúa dẫn các môn đệ đi về phía làng Bêtaniạ Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trờị Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa".
Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.