Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - 16-10-2016 CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18: 1-8)

1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc." 6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "
SUY NIỆM 1

Chắc hẳn, chúng ta quá quen với những câu ca dao tục ngữ như: “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “Nước chảy đá mòn” hoặc là kiến tha lâu đầy tổ. Đây là những kinh nghiệm của người xưa đã truyền lại, để dạy cho hậu thế biết kiên trì, biết nhẫn nại trong mọi công việc.

Với những đoạn sách thánh trong phụng vụ Lời Chúa của Chủ Nhật này càng cho chúng ta thấy rõ hơn bài học quý giá này, nhất là trong đời sống đức tin, một đời sống mà rất cần đến sự kiên trì trong cầu nguyện. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

Bài đọc I được trích trong sách Xuất hành đã nói đến việc chiến thắng của Dân Do Thái trước quân xâm lăng hùng mạnh. Họ chiến thắng không phải nhờ sức mạnh của vũ khí hay chiến thuật của họ, nhưng là nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Môsê.

Còn đoạn Tin Mừng thì thuật lại dụ ngôn về một tên quan tòa không hề biết kiên nể ai, không hề bị khống chế bởi áp lực nào. Thế mà cuối cùng ông bị khuất phục bởi một hành động xem ra không đáng là gì. Đó là sự kiên trì của một bà goá. Đó chính là nhờ vào sự kiên trì, và không nản lòng.

Khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn này, Người không có ý coi Thiên Chúa như tên quan tòa như được nói ở trên, nhưng Chúa Giêsu chỉ mượn hình ảnh của tên quan tòa này để giải thích rằng: một tên quan toà bất nhân như thế mà còn phải nhúng nhường thực hiện trước sự năng nỉ của bà góa, thì Thiên Chúa nhân từ không lẽ làm ngơ trước lời kêu xin tha thiết của con người sao?

Kiên nhẫn cầu nguyện không phải là sự đeo bám dai dẳng
, hay trêu gan buộc Chúa phải hành động theo ý của mình, nhưng là bình tâm khiêm tốn, và chấp nhận chờ đợi để Chúa quyết định cho mình.

Bởi vì, Chúa hết lòng yêu thương và sẵn sàng chờ đợi để ban cho chúng ta những nhu cầu cần thiết. Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta có biết chạy đến với Ngài hay không? Chúng ta có đủ kiên nhẩn để chờ đợi những ơn lành Ngài ban cho hay không?

Trong đời sống niềm tin, chúng ta đã từng cầu xin và cầu xin rất nhiều. Chúng ta cũng đã đón nhận được nhiều ơn lành mà Chúa ban cho, kể cả những gì không cầu xin cũng được lãnh nhận. Nhưng cũng rất nhiều khi, chúng ta vẫn cầu xin nhiều mà cũng không thấy gì. Những lúc đó thật là thử thách lớn cho lòng kiên nhẫn của chúng ta. Nhưng cám dỗ đáng sợ hơn hết là lời hối thúc: vậy thì thôi đừng cầu nguyện nữa.

Nhưng có khi nào chúng ta nhìn lại lời cầu xin của mình hay không?

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay như một lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại đời sống đã qua của mình, nhìn lại cách mà chúng ta đã hành động với Thiên Chúa.

Thử hỏi xem, được bao nhiêu lần chúng ta cầu nguyện với tất cả lòng yêu thương và chân thành, với tâm tình phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa? Và hiện tại giờ đây, tâm tình đó còn kéo dài, còn đọng lại nơi con người của chúng ta ở mức độ nào? Chúng ta có đủ kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn trở ngại mà kiên trì cầu nguyện hay không?

Trong quyển sách Đường Hy Vọng (41), Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Đừng nản lòng vì thất bại nếu tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công”. Cái khó sẽ ló cái khôn, chắc chắn không thành công về đường đời, đường vật chất mà mình thấy được thì cũng sẽ thêm kinh nghiệm, thêm hiểu biết và sự sống siêu nhiên cho ta. Quả thật, không có điều gì trở nên vô ích cho những người biết yêu mến.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết yêu mến Chúa, để chúng ta tin Chúa đủ mà kiên trì trong cầu nguyện. Và hơn thế nữa, đó là cách để chúng con tập lắng nghe và sống Lời Chúa dạy. Amen.

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



SUY NIỆM 2

Kiên nhẫn trong lời cầu

Cầu nguyện là sức sống của đời sống Kitô hữu, bởi cầu nguyện là một hồng ân lớn lao mà Chúa tặng ban, nhờ đó người tín hữu nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để gặp gỡ,  hiệp thông với Ngài trong tình yêu, và để cầu xin những ơn cần thiết. Qủa thật, Cầu nguyện, “là cuộc gặp gỡ giữa sự khao khát của Thiên Chúa với sự khao khát của chúng ta. Thiên Chúa khát khao chúng ta và chúng ta khao khát Ngài”.

Vì thế, cầu nguyện như là con đường dẫn chúng ta tới chỗ hiệp thông với Thiên Chúa, và trong sự hiệp thông này chúng ta có cơ hội tỏ bày cho Ngài những nhu cầu khẩn thiết của chúng ta. Và như Đức Kitô đã khẳng định: chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Do đó, chúng ta không có lý do gì để thất vọng về những lời khẩn cầu của chúng ta dâng lên trước Thiên Nhan, trai lại chúng ta phải luôn vững tin, bởi Chúa sẽ mau chóng minh xét cho chúng ta.

Nhưng một thực tế đối với ngừi tín hữu là dễ nản chí trong lời cầu vì hình như không cảm nhận được hiệu quả của lời cầu, hoặc là hay chia trí trong khi cầu nguyện vì tình yêu dành cho Chúa thì quá yếu kếm, còn đối với thực tại trần thế thì lòng quá quyến luyến. Ngoài ra, người tín hữu cũng thường đối diện với cơn cám dỗ kín đáo nhất chính là thiếu đức tin. “Đây không phải là việc tuyên bố rõ ràng không tin Chúa, cho bằng một chọn lựa ưu tiên trong thực tế. Khi chúng ta khởi sự cầu nguyện, hàng ngàn công việc và lo toan, được coi là cấp bách, xuất hiện như những điều đòi được ưu tiên: một lần nữa, đây là lúc chúng ta thấy rõ lòng mình và tình cảm ưu tiên của nó. Có khi chúng ta quay về với Chúa như chỗ cậy dựa cuối cùng, nhưng liệu chúng ta có thật sự tin điều đó không? Có khi chúng ta nhận Chúa làm đồng minh, nhưng lòng vẫn còn tự cao tự đại. Trong mọi trường hợp, sự thiếu đức tin của chúng ta cho thấy rằng chúng ta chưa có một tâm hồn khiêm tốn: Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5)” (Sách GLHTCG số 273).

Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta một sự kiên tâm trong sự tín thác khi cầu nguyện. Để có thể được như thế, chúng ta phải chiến đấu loại trừ ra khỏi chúng ta “cái tôi”, môt cái tôi ích kỷ chỉ đòi hỏi chiều theo ý mình, hoặc là một thái độ kiêu căng trong khi cầu nguyện, coi đó như là một việc làm để đổ đầy cho tâm trí đang trống rỗng, hay xem đó chỉ là một nghi thức mang tính nghi lễ để làm đẹp mối tương giao xã hội. Chiến đấu loại trừ những cám dỗ đó để nhận rằng, cầu nguyện là một hồng ân, một hành động phát xuất từ Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta luôn kiên trì, tin tưởng và không bao giờ nản chí trong lời khẩn cầu.

Vâng,  Chúa sẽ nhận lời nguyện cầu của chúng ta, nếu chúng ta cầu nguyện với một “con tim không chia xẻ”, có nghĩa là với một con tim trọn vẹn yêu mến Chúa. Quả thật, Chúa không bao giờ làm cho người Chúa yêu thương thất vọng. Thánh Êvagriô Ponticô đã nhắc nhở: “Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin; vì Ngài muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nữa, nhờ bạn kiên trì trong cầu nguyện”, bởi “Ngài muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Ngài sẵn lòng ban” (Augustinô).
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con để chúng con kiên vững trong lời cầu, và để chúng con luôn xác tín rằng, Chúa không bao giờ bỏ quên lời nguyện cầu của chúng con, nếu chúng con thực tâm tín thác vào Chúa. Amen

Lm. Antôn Hà Văn Minh



Suy niem 3

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, phải cầu nguyện luôn.
Hiểu dụ ngôn của Đức Giê-su với hai nhân vật chính bà góa và ông quan tòa, trong tương quan với việc cầu nguyện kiên trì, phải làm cho cho chúng ta ngạc nhiên.

  1. Bà góa bị ăn hiếp
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa bị ăn hiếp. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa! Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!
Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu khác hay khó khăn khác.
Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.
(c. 3)
Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng trách phạt.
Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được minh xét, để được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỉ và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.

  1. Ông quan tòa bất chính
Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất chính:
Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.
(c. 2)
Nhất là thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su (c. 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!
Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?
(c. 6-7)
Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:
  • Một bên là vị quan tòa bất chính, còn bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và thương xót.
  • Một bên là bà góa xa lạ đối với vị quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn”, là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời trong Đức Ki-tô.
  • Một bên vị quan tòa minh xét cho bà góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình thương và lòng thương xót.
Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.

  1. Đức Ki-tô chịu đóng đinh
Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã  minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói:
Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô.
(Rm 8, 39)
Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.
*  *  *
Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng:
Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?
(c. 8)
Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai? Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Thánh về Đức Tin và Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để cho Chúa và Lòng Thương Xót của Người đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn, và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.
Bởi vì lòng tin nơi lòng thương xót của Chúa có sức mạnh cứu độ, như chính Đức Giê-su đã nói:
Lòng tin của con đã cứu con.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc