Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 TN C

Filled under:

ĐỨC KITÔ NIỀM VUI CỦA NHÂN LOẠI


Tin Mừng Lc 19: 1-10

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! "6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! "8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

SUY NIỆM 1

Chắc chắn ông Giakêu đã không cảm nhận được hạnh phúc của cuộc đời, cho dẫu, xét về mặt vật chất, ông là người dư của thừa tiền, và lắm người hầu kẻ hạ, bởi xét cho cùng, ông cũng chỉ là thành phần bị khinh bỉ trong xã hội Do Thái, một hạng người thu thuế được xếp ngang hàng với người tội lỗi.

Sống trong nhung lụa nhưng ông vẫn cảm thấy cuộc đời sao trống rỗng, và vô vị. Những bữa tiệc không làm ông no thoả, những chén rượu nồng không làm ông thoả mãn. Ông vẫn khắc khoải về một niềm vui đích thật. Và ở đâu ông có thể tìm thấy niềm vui đó? Ông nghe nói về một con người Giêsu với những điều mà Người thực hiện và lời giảng dạy Người đã rao truyền. Có lẽ ông đã từng nghe loan truyền rằng, những ai gặp được Giêsu, là gặp được một kho tàng vô giá, bởi nơi Người toát ra một niềm vui khôn tả, điều mà ông đang khao khát. Có lẽ, ông đã nghe nói về niềm vui của người bất toại, của người bị quỉ ám, của những người đui mù, què qặt, của người phong cùi đã gặp được Chúa và được Người chữa lành; niềm vui của những ngừoi thu thuế và tội lỗi nhận được từ nơi Giêsu, khi Người đón nhận để cùng đồng bàn với họ, niềm vui của người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt gặp quả tang, nhưng Người cương quyết không kết án, và ra tay chở che cho chị khỏi bị ném đá.

Giakêu khao khát gặp Người, có thể ban đầu vì tò mò để xem Người là ai, nhưng sự tò mò đó lại là cần thiết để khởi đầu cho một biến cố trọng đại. Ông gặp được Chúa, và ông đã nhận được niềm vui đích thật, điều ông hằng ước mong.  

Câu chuyện về Giakêu là một lời thách đố cho những ai đang lấy tiền bạc làm Chúa của mình để tôn thờ. Quả thật, người thời đại hôm nay đang tạo ra những thần tượng mới, điều mà Đức Phanxicô đã nhận định:  “Việc thờ phượng con bò vàng ngày xưa đã tìm thấy một hình tượng mới và tàn nhẫn vô tâm trong sự sùng bái tiền bạc”. Thật vậy, khi con người bước vào một nền văn minh hiện đại, cứ tưởng rằng, cuộc sống sẽ an vui hơn, hạnh phúc hơn, nhưng mọi chuỵen xảy ra đều trái ngược với ước mong. Chưa bao giờ cuộc sống của con người đối diện với nhiều bất an như hôm nay, chỉ vì con người đối xử với nhau càng ngày càng xa lạ, và mối quan hệ chỉ còn được xây dựng trên nền tảng tiền bạc. Điều mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa xót xa: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”, nay đã trở thành một chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ tạo nên một nền văn hoá vô cảm, nền văn hoá này đang huỷ diệt mối tương giao huynh đệ giữa cộng đồng xã hội.

Thất vọng với sự giàu sang của mình, Giakêu quyết đi tìm cho được một con đường dẫn tới niềm vui đích thật, ông phải gặp Đức Kitô. Bất chấp mọi dị nghị ông đã tìm cách leo lên cây sung để giải quyết vấn đề thấp bé của mình để thấy cho được Đức Kitô. Vâng, Thiên Chúa đã trao ban muôn ngàn phương thế để con người có thể gặp gỡ được ơn cứu độ. Chỉ tiếc, con người đầy kiêu hãnh, cao ngạo với cái tôi ích kỷ của mình, không nhận ra sự giới hạn và mỏng dòn của mình, cho nên chẳng bao giờ khiêm cung để tìm hiểu, để khước từ ý riêng, đón nhận sự trợ giúp của người khác, hoặc lắng nghe ý kiến khôn ngoan của các bạc thánh hiền.  Để rồi, cuộc đời họ mãi lầm lũi trong bất an, và khổ não. Nếu không mạnh dạn tìm gặp cho được Chúa, nếu không sẵn sàng cởi bỏ đôi dép sang trọng để trèo lên cây sung, có lẽ Giakêu vẫn mãi là một chàng thu thuế đáng nguyền rủa. Thế nhưng mọi sự đã đổi thay sau khi gặp được Đức Kitô, Giakêu đã trở thành một con người mới, con người được cứu độ và được Đức Kitô dẫn vào hội nhập với cộng đoàn thuộc con cái Abraham, cộng đoàn được Chúa yêu thương. Và quả thật, Giakêu đã tìm thấy niềm vui mà ông hằng khao khát, giờ thì ông mãn nguyện, niềm vui được biểu tỏ qua việc ông sãn sàng chia sẻ của ông cho người nghèo, và đền bù những bất công ông gây ra. Có nghĩa là niềm vui không  nẩy sinh từ sự giàu có tiền bạc, nhưng bắt nguồn từ chỗ biết cho đi, biết yêu thương, biết kết nối với tha nhân, hay nói cách kahsc niềm vui không ở tropng những trái tim chai cưng, nhưng được tuôn trào từ những nhịp đập yêu thương của trái tim.

Lm. Antôn Hà Văn Minh


SUY NIỆM 2
  1. « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này »
Cuối bài Tin Mừng theo thánh Luca trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói về ông Gia-kêu rằng :
Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này.
(c. 9)
Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu. Đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng trong tháng cầu cho các linh hồn. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho gia đình chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng : « Ơn cứu độ đã đến cho nhà của chúng ta ». Bởi vì ơn cứu độ là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.
Tuy nhiên, trong lời công bố ơn cứu độ, ban cho nhà ông Gia-kêu, có một từ ngữ phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là từ « hôm nay ». Thực vậy, Chúa nói : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Như thế, ơn cứu độ mà Đức Giê-su ban cho chúng ta không chỉ là ơn giải thoát khỏi sự chết ở đời sau, nhưng còn là ơn giải thoát khỏi tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc trong gia đình của chúng ta ngay ở đời này và ngay hôm nay. Như mỗi người chúng ta đã nghe nói hay đích thân có kinh nghiệm, những điều thuộc về Sự Dữ, gây ra bầu khí chết chóc, đó là vô ơn, ích kỉ, áp đặt, ghen tương, nghi ngờ, dò xét, xét đoán, cố chấp, bạo lực, tham lam, chiều theo lòng ham muốn và dục vọng. Nhưng điều này không làm cho chết ngay, nhưng tạo ra bầu khí tang thương không kém. Ơn cứu độ mà Chúa muốn ban cho gia đình chúng ta không chỉ giải thoát chúng ta khỏi sự chết đời đời, nhưng còn giải thoát chúng ta ngay hôm nay khỏi những khuynh hướng xấu gây ra bầu khí chết chóc, nghĩa là làm cho sự chết hiện diện ngay trong lòng sự sống !

  1. Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia
Nhưng câu chuyện về gia đình của ông Gia-kêu còn mang lại cho chúng ta một tin vui khác nữa, đó là ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình hoán cải của một mình ông Gia-kêu. Thật vậy, một mình ông đã có lòng ước ao xem cho biết Đức Giê-su là ai, bằng cách leo lên cây ; và Đức Giê-su đã không chỉ dừng lại dưới gốc cây cho ông xem thấy, nhưng còn muốn ở lại nhà của ông :
Này ông Da-kêu, xuống mau đi,
vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!
(c. 5)
Đó là điều vượt quá những gì mà ông đã mong ước. Và như chúng ta thấy, ông không chỉ vui mừng đón rước Đức Giê-su, nhưng còn thay đổi đời sống của mình một cách cụ thể và tận căn, qua việc bố thí và đền bù.
Như thế, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến. Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người kiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường.
Vậy, chúng ta hãy bắt đầu hành trình hoán cải từ chính bản thân chúng ta, để qua chúng ta Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà chúng ta, cả cộng đoàn chúng ta ngay hôm nay. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu ?

  1. Xem cho biết Đức Giê-su
Chúng ta hãy trở lại một lần nữa với hành trình hoán cải của ông Gia-kêu, để tìm ra ánh sáng cho hành trình hoán cải của chính chúng ta. Như chúng ta đã có thể nhận ra, tất cả hành trình hoán cải của ông Gia-kêu đã bắt đầu từ lòng ước ao biết Đức Giê-su là ai.
Có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai.
(c. 2-3)
Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy có lòng ước lòng ước ao hiểu biết Đức Giêsu sâu xa hơn, và nếu chúng ta chưa có lòng ước ao này, thì chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta. Bởi vì sự biết Đức Ki-tô rất quí báu và rất ngọt ngào, như kinh nghiệm của ông Gia-kêu, kinh nghiệm của các tông đồ, và như thánh Phao-lô đã kinh nghiệm và đã nói : « Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi » (Phil 3, 8). Và để gặp gỡ và hiểu biết Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi đến với Thánh Lễ và các bí tích. Và ngoài Thánh Lễ và các bí tích ra, chúng ta không còn cách nào khác để hiểu biết Chúa ; vì ở đó Lời Chúa được công bố và giải thích, và ở đó Mình Máu Thánh của Chúa, ơn tha thứ và những ơn huệ khác được trao ban cho chúng ta.
Và trong trường hợp của ông Gia-kêu, để thực hiện lòng ước ao biết Đức Giê-su là ai, ông đã phải vượt qua nhiều trở ngại : ông đã phải leo lên cây chờ cho Đức Giê-su đi ngang qua, bởi vì người thì đông, còn ông thì không được cao. Nhưng đó chỉ là khó khăn về thể lí ; cũng là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng một khó khăn khác, đó là dư luận ; bởi vì ông bị mọi người khinh chê, xa lánh và bị coi là quân tội lỗi, như bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta : « Nhà người tội lỗi mà ông ấy (tức là Đức Giê-su) cũng vào trọ ». Cũng như Gia-kêu, chính chúng ta cũng phải vượt qua nhiều trở ngại của bản thân và của dư luận nữa để đến với Chúa. Xin Chúa thêm sức, lôi cuốn chúng ta và ban cho chúng ta lòng mến Chúa.
Vì vậy, chúng ta hãy quan sát thật kĩ hành trình tìm cách xem thấy Đức Giê-su của ông Gia-kêu ; hành trình gồm 3 bước :
  • Trèo lên cây. Đoán biết đường đi của Đức Giê-su, ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung !
  • Đức Giê-su dừng lại và ngước nhìn lên cây. Người đi tới chỗ đó, dừng lại, ngước mắt nhìn lên và nói với ông : « Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
  • Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người.
Ông Gia-kêu chạy tới phía trước, chỉ để xem Đức Giê-su , nhưng chính Đức Giê-su ngỏ lời trước. Chúng ta hãy dừng lại để đo lường sự khác biệt : một đàng là xem từ trên cao, nghĩa là từ xa, đàng khác là sự ngỏ lời để thiết lập tương quan, bất chấp sự bất xứng. Ông Gia-kêu chỉ muốn xem thấy Đức Giê-su thôi, và ông đã chọn một chỗ thích hợp : ở trên cao và kín đáo, không ai thấy. Nhưng Ngài đã gọi ông ra khỏi chỗ ông ẩn nấp. Đức Giê-su chọn ở lại với ông một cách nhưng không, khi ông còn đầy bất toàn, khi ông vẫn còn là chính ông, chưa được biến đổi. Đức Giê-su đặt lòng tin trọn vẹn nơi ông.
Chúng ta dường như cũng có nhiều chỗ ẩn nấp, những khu vực an toàn, những phần giữ lại để lỡ ra còn đường mà rút lui…Vậy, tôi có nghe được lời này của Chúa nói với tôi không : « Này con, xuống mau đi (chú ý chữ « mau »), vì hôm nay Thầy phải ở lại nhà con » ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc