Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - 29/10/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14: 1.7-11)

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

SUY NIỆM 1

Sống trong cuộc đời, ai cũng mến chuộng người khiêm tốn. Nhưng trong thực tế cũng không thiếu những người khiêm tốn chỉ là hình thức để che đậy bộ mặt kiêu căng và ích kỷ của họ. Vì thế, người ta mới có câu ngạn ngữ rằng: “Một lần khiêm tốn là bốn lần tự kiêu”.

Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ để dạy con người sống niềm tin vào Thiên Chúa, mà còn dạy cho người ta biết cần phải sống nhân bản với nhau. Chúa dạy rằng:“Khi dự tiệc, hãy tìm chỗ cuối, để ông chủ đến mời lên chỗ cao trọng”. Chắc chắn là Chúa không dạy chúng ta giả khiêm tốn để rồi được người ta mời. Ở đây, Chúa dạy phải có một thái độ khiêm nhường thực sự. Trong thực tế, không có hình ảnh nào minh hoạ giáo huấn này cách cụ thể và sống động cho bằng hình ảnh chính Chúa Giêsu trong bàn Tiệc Ly, Ngài đã trở nên người hầu hạ cho các môn đệ, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các ông. (Ga 13).

Trong thư gửi giáo đoàn Philiphê, thánh Phaolô cũng viết về thái độ khiêm nhường phục vụ của Chúa Giêsu như sau:“Ngài phận là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã huỷ mình là không, và mặc lấy thân phận tôi đòi. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và chết trên Thập Giá! (Pl.2,6-11)

Vậy chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, luôn phục vụ theo cách Chúa đã sống và phục vụ để làm gương cho chúng ta.
Vấn đề này, chúng ta lại thấy Chúa đưa ra thêm hai điểm về lòng khiêm nhường: khiêm nhưòng là phục vụ không trông mong ngưòi ta báo đền.

Đức khiêm nhường không chỉ là một thái độ sống lịch sự mang giá trị nhân bản mà thôi, nhưng nhất là đức khiêm nhường còn là một cung cách sống khôn ngoan của người môn đệ Chúa Giêsu, để quy tụ dân cho Thiên Chúa, làm cho tha nhân được ơn  Chúa cứu độ, và như thế là làm vinh quang cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa dạy chúng con bài học khiêm nhường: khiêm nhường trong cuộc đời phục vụ; khiêm nhường trong lối sống nhân bản, và nhất là khiêm nhường theo gương Chúa đã thực hiện vâng theo thánh ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con luôn biết sống khiêm nhường để đưa mọi người về với Chúa, và nhờ đó chúng con được góp phần làm vinh danh Chúa. Amen 
 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


 SUY NIỆM 2
1. Một lời khuyên bình thường ?
Theo phong tục của người Do Thái, trong một bữa tiệc lớn, người chủ tiệc không dành riêng một số ghế cho các vị khách quan trọng hay các bậc vị vọng, và cũng không đích thân hay ngang qua ban tiếp tân, mời từng người khách vào chỗ ngồi, như chúng ta vẫn làm khi tổ chức những tiệc mừng lớn.
Chính vì thế, mỗi người khi đến dự tiệc, phải căn cứ vào địa vị của mình mà tự chọn một chỗ ngồi thích hợp, so với những người khác. Do đó, tốt hơn là đừng ngồi vào những chỗ quan trọng nhất ; nếu không, chẳng may có vị khách quan trọng hơn mình đến trễ, lúc ấy thật là xấu hổ vì phải nhường chỗ cho vị này. Một khả thể khác là, đến lúc khai mạc bữa tiệc, những chỗ quan trọng nhất vẫn chưa có ai ngồi ; lúc ấy, thật là vinh dự khi có những người được mời công khai trước mặt toàn thể quan khách ngồi vào những chỗ nhất này.
Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, lời dạy của Đức Giê-su chẳng có gì đặc biệt. Thực vậy, Ngài nói trong dụ ngôn tiệc cưới : « Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn ». Lời khuyên này, không những không có gì đặc biệt, vì ai cũng có thể tự rút ra bài học này, từ kinh nghiệm sống của mình hay của người khác. Ngoài ra, dường như Đức Giê-su dạy chúng ta tính toán, thậm chí giả bộ khiêm tốn, để được tôn vinh !
2. Bữa tiệc Nước Trời
Chúng ta nhận xét như thế về lời dạy của Đức Giê-su, đó là vì chúng ta hiểu ở mức độ khôn khéo bình thường trong cung cách ứng xử. Nhưng nếu chú ý kĩ khi nghe Tin Mừng, thì chúng ta nhận ra rằng đây là một dụ ngôn : « Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này ». Vì thế, điều Chúa muốn dạy chúng ta, không phải là cung cách ứng xử trong những bữa tiệc lớn, nhưng là giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời. 
Thật vậy, trong bữa tiệc Nước Trời, ai trong chúng ta dám tự cho mình là cao trọng, là vị vọng, là xứng đáng, để tự ngồi vào « cỗ nhất » ? Bởi lẽ trong bữa tiệc Nước Trời, trước mặt Chúa, chúng ta đều như nhau hết : đều nghèo nàn, bệnh tật, khuyết tật và tội lỗi. Như Thánh Phao-lô nói : trong Đức Ki-tô không có phân biệt giữa nam và nữ, giữa Do Thái và Dân Ngoại, giữa người tự do và người nô lệ.
Trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên giống nhau trong thân phận, và vì thế, chúng ta cũng được trở nên giống nhau trong ân sủng. Chính Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính, trở nên giàu có, và đặt chúng ta ngồi vào « cỗ nhất », nghĩa là đặt chúng ta làm con Thiên Chúa, giống như Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa ; và như thế, chúng ta trở thành anh chị em của nhau trong Đức Ki-tô.
3. Thiên Chúa là Nhưng Không
Hơn nữa, trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su còn đưa ra lời khuyên thứ hai :
Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. (c. 12-14)
Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện, nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ?
Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực dụng hay thực hành, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày Sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.
Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su vẫn chất vấn cách sống, cách làm việc và nhất là cách thi hành sứ vụ của chúng ta. Thật vậy, ngang qua vấn đề đãi tiệc, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trong mọi sự, hãy hành động cách nhưng không, bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không. Ở đâu có sự nhưng không, ở đó Nước Thiên Chúa hiện diện. Và chúng ta được mời gọi sống với mọi người trong tâm tình nhưng không, đó còn là vì, như Đức Giê-su nói khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng Nước Trời: « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy ». Như thế, Nước Trời gắn liền với cung cách sống và làm việc cách nhưng không, và đặc biệt với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, trong gia đình hay cộng đoàn, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này.
* * *
Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống. Lý do tận cùng, đó là bởi vì
THIÊN CHÚA LÀ NHƯNG KHÔNG.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc