Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Những chia sẻ dành cho các Giáo Lý Viên

Filled under:

Lần đầu tiên nhận được lời mời gọi trở thành một Giáo lý viên, nhiều người trong số các bạn đã phản ứng khác nhau nhưng có lẽ với cùng một nội dung tương tự ”Tôi chưa bao giờ làm điều đó. Tôi không biết phải dạy học ra sao. Thậm chí tôi còn chưa hiểu biết đủ về niềm tin của mình thì làm sao có thể dạy người khác được”.
nguoi-anh-ca-giesu.jpg 
Các giáo lý viên với nhiều năm kinh nghiệm hơn sẽ nói cho các bạn biết rằng việc đào tạo chính thức là rất hữu ích nhưng một trong những bài học quan trọng nhất mà người giáo lý viên cần phải biết lại đến từ kinh nghiệm cá nhân.

Nhanh chóng xác định vai trò của bạn như một người lớn trong những vấn đề liên quan đến tổ chức và kỷ luật là cần thiết. Nhưng đồng thời, hãy dành nhiều hơn thời gian để trở nên bạn của trẻ. Trẻ em và thanh thiếu niên luôn cần đến sự đồng hành và hướng dẫn của bạn.

Hiểu biết bằng cõi long

Bạn không cần phải được đào tạo về thần học mới có thể trở thành Giáo lý viên nhưng điều cần thiết hơn cả là bạn phải rất quen thuộc với những gì mà bạn phải chuyển tải và cưu mang nó trong lòng trước khi trình bày điều đó cho người khác. Tốt hơn cả là bạn nên dành thời gian để chia sẻ và thảo luận về nội dung giảng dạy của bạn với các Giáo lý viên khác hoặc với người đồng hành của bạn.

Chứng tá có sức thuyết phục hơn lời nói.

Cách thức mà bạn cư xử với các em gây ấn tượng với chúng hơn là bất kì cách thức nào khác. Tôn trọng, lòng tốt, sự công bằng, cảm thông và tha thứ sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho những sứ điệp đức tin mà bạn muốn chuyển trao đến các em. Sự cứng cỏi, và thô lỗ sẽ phá hỏng sứ điệp Tin mừng mà bạn muốn loan báo.

Chúng ta học bằng nhiều cách thức khác nhau

Việc dạy Giáo lý thường gắn liền với việc cung cấp một loạt các thông tin đa dạng mà trẻ cần làm quen. Thế nhưng, chúng ta có thể học biết về đức tin bằng nhiều cách thức khác nhau ngang qua các câu chuyện, các biểu tượng, nghi lễ, bài hát, kinh nguyện và cả những việc phục vụ khác nữa. Bạn hãy sử dụng chúng bằng một cách thức thật linh hoạt khi trình bày bài giáo lý của bạn.

Hãy tạo điều kiện để thao luyện trí tưởng tượng về tôn giáo của trẻ

Trẻ em mang trong mình khuynh hướng tôn giáo rất tự nhiên. Các em hiếm khi cảm thấy thất vọng. Chúng mơ ước và tưởng tượng về mọi thứ dưới bầu trời này. Hãy tạo ra những cơ hội kích thích tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng của chúng khi bạn gợi ra cho các em những gì liên quan đến đề tài mà bạn muốn trình bày với chúng.

Đừng chỉ nói nhưng hãy cho các em chạm đến

Một khía cạnh quan trọng trong việc đào luyện tôn giáo đó là chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Các Giáo lý viên không chỉ trình bày những yếu tố nền tảng về đức tin nhưng còn cần phải chia sẻ về tầm quan trọng của nó trong chính đời sống của các bạn. “Đức tin không được dạy nhưng là để cho mình được bắt chộp” như một Giáo lý viên đã nói. Hãy nghĩ về một người nào đó đã ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của bạn và khiến cho bạn phải noi gương bắt chước

Làm cho giờ Giáo lý trở nên một kinh nghiệm tích cực

Bạn đang đứng trước các em, mầm non và tương lai của Giáo hội. Ấn tượng của các em về giờ Giáo lý sẽ góp phần hình thành nên ánh nhìn và cách hiểu về Giáo hội của chúng. Nếu các em cảm thấy khoảng thời gian này thật sống động, hào hứng và bổ ích, các em sẽ liên kết chúng với những gì mà đời sống đức tin đòi hỏi. Vì thế, hãy để cho các em được tiếp chạm với những gì đem lại hứng thú cho đời sống đức tin của chính bạn và để cho những điều ấy tiếp tục dẫn dắt và tỏa sáng từng giờ Giáo lý với bạn.

***
Lời nguyện của Giáo lý viên

Lạy Thiên Chúa rất đáng mến yêu, Đấng đã tạo dựng nên muôn loài, muôn vật. Ngài đã chọn con để con sống tình bạn nghĩa thiết với Ngài và với anh chị em con.

Tạ ơn Chúa đã gọi con trở thành một người Giáo lý viên. Nhờ đó con có cơ hội để chia sẻ cho người khác những món quà mà Ngài đã tặng ban cho con.

Con đã chia sẻ với các em món quà thật quý giá là đức tin và cùng nhau chúng con học biết khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong mọi tạo vật và biến cố.

Để các em cũng có thể nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất và chân thật và Đức Giêsu Kitô, là Đấng Ngài đã sai đến.

Nguyện xin Thánh Thần hướng dẫn cõi lòng và môi miệng con để con có thể ở lại liên lỉ trong tình yêu Ngài và ca tụng Ngài luôn mãi.

Xin cho con trở nên chứng nhân của Tin mừng để mọi lời con nói và mọi việc con làm đều phản chiếu Tin mừng tình thương của Chúa. Amen

Sr. Phương Thùy FMA chuyển ngữ





Năm lời khuyên để tĩnh tâm tại gia!


Bạn dành ra mỗi tháng một ngày (hoặc vài giờ!) để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình
Praying-father-child.jpg 
«Tôi nói với tâm hồn mình, hãy bình yên»– T.S. Eliot

Khi bạn đọc những hàng này thì đây là ngày tĩnh tâm thinh lặng thứ tám hàng năm của tôi.

Mỗi lần tôi nói với bạn bè, mỗi năm, tôi được ưu đãi có tám ngày thinh lặng với Chúa Giêsu, họ thường nhìn tôi với vẻ ganh tị. Đặc biệt các bà mẹ có đông con. Tôi rất thông cảm. Nhưng các bạn đừng lý tưởng hóa đời sống của tôi, các bạn biết là mỗi ơn gọi đều có cái được cái mất của nó.

Dù sao đa số các người nhìn tôi như thế, họ không nghĩ các ngày tĩnh tâm này cũng ở trong tầm tay của họ. Thật sự là vậy. Bạn chỉ cần dành ra mỗi tháng một ngày (hoặc chỉ vài giờ!) để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình. Chắc chắn các bạn sẽ nghĩ: «Một ngày mà thấm gì so với tám ngày?». Nhưng Chúa có nhìn đến những chuyện này đâu.

Chúa đâu có giới hạn ơn của Chúa với lý do bạn bận bịu thay tã lót cho con mà không có thì giờ thinh lặng một mình với Chúa đâu. Thánh I-Nhã, người viết ra Bài tập Linh thao cho rất nhiều người đi tĩnh tâm đã nói, một giờ cầu nguyện ở trong hầm Manresa đã dạy cho ngài biết về nhiều huyền nhiệm của Chúa hơn bất cứ bài học nào. Một giờ!

Như thế thật đáng công để bạn dành thì giờ làm một cuộc «tĩnh tâm nhỏ» tháng này. Dù chỉ là một buổi sáng. Nếu bạn có thì giờ xem phim trên Netflix nhiều lần mỗi tuần, nếu bạn tính tổng số thì giờ bấm điện thoại, thì khi đến giờ chết, có lẽ số giờ này lên đến hàng năm, vậy thì bạn có thì giờ để làm loại tĩnh tâm này!

Đây là năm lời khuyên cho việc đi tĩnh tâm này:

1. Tắt điện thoại

Đúng. Trừ ra bạn là bác sĩ giải phẫu trực hay thật sự có một việc khẩn cấp, thì chúng ta có thể tắt điện thoại ít nhất nửa ngày. Bạn để điện thoại ngoài xe hay ở nhà. Cũng trong tinh thần này, bạn đừng dùng e-mail, máy tính hay máy truyền thanh truyền hình. Cố gắng tối đa giữ thinh lặng với Chúa. Chính trong thinh lặng mà Ngài nói với chúng ta.

2. Bắt đầu ngày bằng cách đi lễ

Một bước đầu tốt đẹp cho bất cứ một cuộc tĩnh tâm nào. Nếu được, bạn nên đi sớm để đọc Phúc Âm của ngày hôm đó và cầu nguyện trước thánh lễ. Vì bạn đã dành ra một buổi sáng, cố gắng dự thánh lễ một cách chiêm niệm. Đừng nghĩ đến tương lai và những chuyện mình phải làm. Hãy xin thiên thần hộ thủ của mình giúp mình tập trung. Khi cha dâng Mình Thánh, bạn xin Chúa Giêsu ban ơn để có một ngày tĩnh tâm tốt đẹp.

3. Chầu Mình Thánh Chúa

Nếu bạn đi lễ có chầu Mình Thánh Chúa ở nhà nguyện, đó là nơi lý tưởng để bạn đến cầu nguyện sau thánh lễ. Có thể bạn ít có dịp cầu nguyện như vậy, vậy đừng để mất thì giờ. Bạn xin Chúa Giêsu thấm nhập vào tâm hồn mình. Bạn xin Ngài ban ơn và sự sáng suốt cần thiết để bạn cảm thấy mình được tái sinh, trở lại và biến đổi sau ngày tĩnh tâm này.

4. Đi dạo với tràng chuỗi của mình

Tôi rất thích đi dạo với tràng chuỗi. Sau khi cầu nguyện buổi sáng, bạn đi dạo nơi yên tỉnh, vừa đi vừa lần hạt. Ngắm cảnh đẹp chung quanh mình và cám ơn Chúa; để thiên nhiên nói chuyện với bạn. Nếu bạn thích chụp hình, bạn dừng lại để chụp cảnh đẹp, hoặc bạn viết một bài thơ. Rồi bạn tiếp tục cầu nguyện với tràng chuỗi.

5. Thử cầu nguyện qua ba giai đoạn

Nếu bạn tĩnh tâm nửa ngày, bạn hãy làm trọn vẹn. Bạn dành trọn thì giờ để cầu nguyện. Nó không khó khăn như bạn nghĩ đâu. Bạn có thể chia buổi sáng làm ba giai đoạn cầu nguyện. Giữa các giai đoạn này, bạn có thể đọc các bài đọc thiêng liêng hoặc chỉ cần nhìn ra cửa sổ. Nếu bạn không đi lễ được, bạn tìm một nơi yên tỉnh và thanh vắng. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi có một góc cầu nguyện nhỏ trong nhà và khi bà cầu nguyện, tôi biết, tôi không được làm phiền bà.

Cũng có nhiều chuyện khác để làm trong nửa ngày tĩnh tâm này, đây chỉ là những đề nghị nhỏ. Bạn đừng suy nghĩ gì nhiều, cứ việc bắt tay vào làm! Điều quan trọng là thì giờ thinh lặng với Chúa.

Nếu bạn dám dành ra một ít thì giờ, bạn sẽ không hối tiếc. Bạn lên lịch và dành một ngày nhé!

Chúc bạn thành công!

«Ngôn ngữ Chúa thích là tình yêu thinh lặng»– Thánh Gioan Thánh Giá

(Marta An Nguyễn chuyển dịch