Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 8-12)
8 "Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.11 "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói."
SUY NIỆM 1
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có bị bách hại cũng phải giữ vững đức tin và trung thành với Chúa để tuyên xưng về Chúa. Muốn thế, chúng ta cần trông cậy vào ơn trợ giúp và những hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy để trong những cơn bách hại, chúng ta biết nói gì và nói như thế nào.
Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn soi sáng, nâng đỡ chúng ta khi bị bách hại vì Danh Chúa, bởi Thiên Chúa “không để những ai tin Chúa bị thử thách quá sức” (1Cr 10, 13).
Chúa Thánh Thần cũng ban sự khôn ngoan cho những ai bị bách hại để họ có thể đối phó với chính những kẻ bách hại mình (Lc 21, 15).
Vậy trong ánh sáng của Chúa, chúng hãy thành tâm kiểm điểm lại đời sống của mình. Chúng ta chưa thực sự chối Chúa nhưng đôi khi chúng ta đã có những suy nghĩ, những thái độ, những việc làm trai ngược với giáo huấn Tin mừng và làm mất phẩm giá người tín hữu.
Có thể nói chúng ta chưa phạm đến Thánh Thần, nhưng chúng ta đã lơ là, không quan tâm, không quý trọng ơn Người, không biết kết hiệp mật thiết với người qua tâm tình Tin, Cậy, Mến… chúng ta đã làm mọi sự theo ý mình, đã tự phụ ỷ vào sức riêng mình, nên đời sống đức tin của chúng ta mất phương hướng, lầm lạc và chai cứng.
Có khi chúng ta cũng đã không chối đạo trước mặt những người bách hại, nhưng chúng ta đã toa rập với đời, với thế gian theo sự mời mọc duy lợi: hám danh, ham lợi, ham sắc, ham tài… khiến cuộc đời và con người chúng ta bị biến chất, mất phẩm giá là người con của Chúa. Xin thánh Têrêsa Avila mà chúng ta nhớ đến hôm nay, người đã biết cải tổ chính mình để “sống một mình với Đấng Độc Nhất” mà đem lại ơn ích thiệng liêng cho mọi người, phù hộ chúng ta sống cuộc đời ngay chính với niềm tin tinh tuyền hầu làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi nhiều linh hồn.
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần để Ngài đổi mới và thánh hóa chúng con. Amen
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. Thiên Chúa, Thánh Thần và Con Người
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng liên quan đến ba vấn đề xem ra rời rạc: nhìn nhận hay từ chối Con Người cách công khai (c. 8-9); nói phạm đến Con Người và nói phạm đến Thánh Thần (c. 10); và trường hợp người môn đệ bị đưa ra xét xử công khai (c. 11-12).
Nhưng, nếu biết lắng nghe, chúng ta vẫn nhận ra sự hài hòa hiện diện ở bên dưới những lời của Đức Giê-su, được tường thuật lại trong bản văn Tin Mừng này: cả ba phần của bài Tin Mừng đều liên quan đến thái độ của con người đối với Đức Giê-su: công khai từ chối Người (phần 1); người ta xét xử môn đệ của Người (phần 3); những lựa chọn như thế, có thể được tha thứ hay không (phần 2, nghĩa là trung tâm). Hơn nữa, sự hài hòa trong những lời này của Đức Giê-su, còn được duy trì bởi sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực vậy:
- Đức Giê-su với tư cách là Con Người, nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài được người môn đệ công khai nhìn nhận, dù phải chịu thiệt thòi, thậm chí chịu bách hại; và Ngài cũng sẽ công khai nhìn nhận người môn đệ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa Cha.
- Người ta có thể nói phạm đến Thánh Thần không? Và trong trường hợp người môn đệ bị đưa ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền,Thánh Thần sẽ dạy cho người môn đệ điều phải nói.
2. “Nhận Thầy trước mặt thiên hạ”
Như thế, người môn đệ khi “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su, sẽ có nguy cơ bị người đời loại trừ, nhưng lại được vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: được Ngôi Hai Thiên Chúa được vào tương quan phụ tử với Thiên Chúa Cha và được tràn đầy Thánh Thần hôm nay và ngay trong hoàn cảnh bị bách hại.
Xin cho chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong lòng chúng ta và trong cách sống của chúng ta. Sự phản kháng chắc chắn sẽ xẩy ra, không chỉ bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Nhưng làm sao sánh được với niềm vui khôn tả, được tháp nhập vào trong sự sống viên mãn và vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, được tháp nhập vào trong Gia Đình mới của Đức Giê-su nay hôm nay (x. Lc 8, 19-21)? Chúng ta có thể dừng lại để suy gẫm về cách thức chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong sống thường ngày của chúng ta.
Nhưng thực ra Ngài đã công khai nhìn nhận chúng ta trước rồi, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, ngang qua mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Vượt Qua, được diễn tả nơi mầu nhiệm sáng thứ nhất. Như thánh Phaolo nói: “Đức Ki-tô chết cho chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân”. Và sự nhìn nhận, thậm chí tuyển chọn yêu thương của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, vẫn được làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi.
3. “Nói phạm đến Thánh Thần”
Một trong những điều khó hiểu nhất trong bài Tin Mừng, và có lẽ trong các Tin Mừng, đó là lời này của Đức Giê-su: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha”. Lời này không chỉ khó hiểu, những con làm cho chúng ta lo sợ, khi tự hỏi: “tôi có bao giờ nói phạm đến Thánh Thần chưa?” Nhưng nếu chúng ta hiểu ra, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và tạ ơn Chúa vô cùng. Bởi lẽ, Lời Chúa luôn luôn là Lời ban sự sống, Lời làm cho sống và duy trì sự sống.
- Người ta có thể dễ dàng nói phạm đến Con Người, bởi vì Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng nhập thể nơi con người Đức Giê-su Na-da-rét. Người Do Thái đã nói phạm đến Người và còn rất nhiều người hôm qua và hôm nay nữa.
- Nhưng Thánh Thần là Đấng hoàn toàn vô hình, vì Người là Thần Khí, là năng động, là tương quan, nên người ta không thể phạm đến Thánh Thần được. Hơn nữa, Thánh Thần là tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, giữa con người với con người. Nói phạm đến Thánh Thần, là tự hủy diệt chính mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc