Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13: 22-30)
22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? " Người bảo họ:24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính! 28 "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
SUY NIỆM
Dễ dàng – đơn giản - nhanh chóng, là ba từ trong nhóm 12 từ được các nhà khoa học tâm lý trong Đại học Yale của Mỹ nghiên cứu và đưa ra 12 từ này có tác động mạnh nhất vào tiềm thức của con người. Cho nên, những người làm quảng cáo, những người làm nghề bán hàng, nếu họ giỏi, họ sử dụng 12 từ này vô cùng linh hoạt. Từ nằm ở số đầu tiên trong nhóm 12 từ là: DỄ DÀNG. Con người ta yêu thích từ này vô cùng.
Nhưng Chúa Giêsu nói: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp. “Đi qua”: Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua”, là thay đồi cách sống thì mới vào nhà được.
- “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều, là chấp nhận khó khăn, hy sinh, trung thành bỏ ý riêng muốn dễ dãi, để theo ý Chúa mới vào được Nước Trời. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải ngồi thoải mái, ngồi ngoài Nhà thờ dự lễ, cha phải giảng ngắn... Những lời nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng về hôn nhân bất khả ly, về luật cấm phá thai, v.v. bị coi thường và không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải dã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. Biết và tin
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, có người hỏi Đức Giê-su, khi Người đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem:
Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? (c. 23)
Chắc chắn đây là câu hỏi mà người này thao thức và có lẽ đây cũng chính là câu hỏi của chúng ta, cùng với những vấn đề thuộc thân phận con người mà chúng ta còn muốn biết: tại sao thân phận con người là sinh lão bệnh tử, và có nhiều thử thách và đau khổ? Chúa có thương con thiệt không, có bao dung con thiệt không? Trong số những người được cứu, có con không? Và nếu là rất ít, thì phải chăng nỗ lực sống đức tin của con là vô ích? Sự sống đời sau sẽ như thế nào?
Chúng ta thường cho rằng phải biết nhiều và biết hết thì mới tin và dấn thân. Nhưng làm sao chúng ta có thể biết hết và biết đúng về mọi sự, về một người được, về chính Chúa và những gì thuộc về Người? Về đời sau? Chẳng hạn, đối với một người cụ thể:
- Giả như có biết được hết về quá khứ của một người, người này vẫn có tự do và có thể ra khác trong tương lai.
- Nhưng, biết và nhớ quá nhiều điều, nhất là những điều tiêu cực, về một người, lại không tốt cho tương quan của chúng ta với nhau, vì làm chúng ta quên đi biết bao nhiều điều tốt đẹp của người ấy.
- Và những ai chuyên tìm biết và nhớ những điều xấu của người khác, sẽ không thể dừng lại và như thế, sẽ tự làm khổ mình trước; hơn nữa, họ hành động giống như Satan, mà mình không nhận ra!
Giống như Hội Dòng và một người trẻ tìm hiểu nhau, hay như hai anh chị yêu thương, tìm hiểu để đi đến giao ước hôn nhân, cả hai phía, đến một lúc nào đó, phải ngưng tìm hiểu để trao ban lòng tin, để can đảm liều mình đặt cuộc đời của mình vào tay người kia như một quà tặng nhưng không.
Với Thiên Chúa và Ngôi Hai Nhập Thể là Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta càng được mời gọi trao ban lòng tin mà không cần biết nhiều và biết hết. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao Đức Giê-su không những không trả lời câu hỏi: phải chăng những người được cứu thoát thì ít, nhưng còn tuyên tố những lời mạnh mẽ và gay gắt:
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến.
Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng! (c. 24. 25 và 28)
2. Cửa hẹp và sự sống
Thay vì đòi biết rồi mới lựa chọn và dấn thân, Đức Giê-su mời gọi chúng ta tin vô điều kiện vào Ngôi Vị, vào Lời của Người và nhất là vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, được bày tỏ trọn vẹn và tuyệt đối nơi Người, để lựa chọn và dấn thân đi vào cửa hẹp ngay bây giờ; cửa “hẹp” nhưng lại dẫn đến sự sống. Trong khi cửa rộng và đường thêng thang thì đưa đến diệt vong (x. Mt 7, 13).
Cửa hẹp dẫn đến sự sống; nhưng là sự sống nào? Hẳn là sự sống đời sau; nhưng cũng là sự sống đời này nữa, bởi lẽ để sống hạnh phúc ở cuộc đời này thì khó biết bao. Đó là bởi vì, ngay trong cuộc đời này, chúng ta không chỉ sống bằng việc thỏa mãn các nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan với người khác và bằng tương quan với Thiên Chúa nữa. Vì thế, cho dù đầy đủ về vật chất và có cả sức khỏe nữa, chúng ta cũng không thể sống hạnh phúc và sống hạnh phúc mãi mãi, nếu không được yêu thương và bao dung bởi Thiên Chúa và bởi người khác nhất là những người trong gia đình, trong cùng một cộng đoàn.
Cửa dẫn đến sự sống bao giờ cũng hẹp, vì phải hi sinh từ bỏ nhiều điều, và đôi khi phải từ bỏ chính mình. Giống như hạt lúa mì, phải chết đi để tái sinh và đem lại nhiều hoa trái; giống như người mẹ, để sinh con, mẹ đã cho đi xương thịt, nghĩa là chính sự sống của mình. Và Đức Giê-su, Ngôi Hai xuống thế làm người, để trao ban cho chúng ta sự sống viên mãn của Thiên Chúa, Ngài cũng không đi con đường nào khác, ngoài con đường hẹp của hạt lúa mì (x. Ga 12, 24). Thực vậy, Đức Giê-su hằng ngày vẫn nói với chúng ta cách thân tình trong Thánh Lễ:
Này là mình thầy, sẽ bị nộp vì các con.
Này là chén máu thầy, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.
3. Ít hay nhiều?
Với câu hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Câu trả lời của Đức Giê-su xem ra là ít, vì Ngài dùng hình ảnh “cửa hẹp”:
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. (c. 24)
Nhưng, theo Đức Giê-su, vấn đề không phải là biết có ít hay có nhiều, nhưng mỗi người chúng ta được mời gọi hãy sống công chính. Thực vậy, trung tâm lời giáo huấn của Đức Giê-su là dụ ngôn, nói về những người muốn vào nhà và nói với ông chủ:
Chúng tôi từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.(c. 26)
Nhưng thực ra, dưới mắt ông chủ, họ là những người làm điều bất chính, nghĩa là làm hại người khác, làm hại sự sống:
Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!(c. 27)
* * *
Nhưng Đức Giê-su lại kết thúc lời giáo huấn của mình với một viễn tượng muôn người:
Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (c. 29)
Hơn nữa, Đức Giê-su còn nói:
Kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót. (c. 30)
Vậy “những người đứng chót” là những ai? Phải chăng đó là vô số người trong chúng ta nam cũng như nữ, là chính chúng ta?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc