NGỌN LỬA GIÊ-SU
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)
Suy niệm: Cứ mỗi mùa Olympic, ngọn đuốc Olympic lại được thắp lên từ quê hương của nó là Olympia và được rước xuyên qua nhiều đất nước, nhiều thành phố, để cuối cùng đến với nước chủ nhà đăng cai. Suốt mấy tháng trời đi qua hàng chục ngàn cây số, ngọn đuốc luôn được giữ cháy sáng liên tục. Đặc biệt, tại lễ khai mạc của chính Đại Hội Olympic, ngọn đuốc được rước lên chỗ trang trọng nhất của sân vận động trung tâm, được làm cho cháy bùng lên và được tiếp tục giữ cháy sáng như thế nhiều tuần lễ, cho đến khi bế mạc. Hình ảnh đó thật đẹp giúp ta hình dung ngọn lửa mà Thầy Giê-su đã đem đến, ném vào mặt đất. Và nhất là, hình ảnh ấy giúp ta đồng cảm với nỗi khát khao cháy bỏng của Thầy Giê-su: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.”
Mời Bạn: Ngọn lửa mang tên Giê-su là lửa yêu thương, lửa hoà bình. Thế nhưng, cuộc sống này còn quá nhiều ghét ghen, đố kỵ. Người ta vẫn còn tranh chấp, loại trừ nhau – đôi khi ngay trong một cộng đoàn, một gia đình. Hôm nay, Thầy Giê-su vẫn cháy bỏng nỗi khát khao “phải chi lửa ấy đã bùng lên” trong Giáo Hội và trong thế giới này.
Chia sẻ: Ngọn lửa Giê-su nơi bạn hiện nay thế nào? Ngọn lửa ấy đang bùng cháy mãnh liệt? Hay đang chập chờn, lắt leo trước gió? Hay đã tắt ngúm rồi?
Sống Lời Chúa: Ta cố gắng sống yêu thương mỗi ngày, đó là cách ta khơi lên và làm toả lan ngọn lửa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, Thầy đem lửa yêu thương đến trần gian. Xin đốt nóng con, cho con được tan chảy trong ngọn lửa yêu thương của Thầy.
Chân Phước James ở Strepar
(c. 1409?)
Chân Phước James sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô từ khi còn nhỏ, giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận. Ngài rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên. Được sai đến miền tây nước Nga, ngài giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây, ngài rao giảng phúc âm và hoạt động để giữ vững đức tin của người tín hữu.Khoảng năm 1360, ngài giữ một vai trò trong nhóm truyền giáo đặc biệt, có tên là Lữ Khách Vì Đức Kitô, gồm các tu sĩ Phanxicô và Đaminh. Công việc rao giảng và tổ chức của Chân Phước James được coi là thành công. Sau đó ngài giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich, xây dựng một vài nhà thờ mới ở những nơi hẻo lánh và bổ nhiệm các linh mục kinh nghiệm từ Ba Lan đến hoạt động; ngài cũng thành lập các dòng tu, xây cất trường học, và bệnh viện. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan; bởi đó ngài có tước vị là "người bảo vệ vương quốc."
Ngài là tổng giám mục nhưng không giống như các giám mục khác trong thời ấy. Ngài thích mang y phục dòng Phanxicô hơn là phô trương bề ngoài và đi chân đất.
Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt. Ảnh của Đức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Đức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.
Sau 19 năm làm giám mục, Chân Phước James đã được phần thưởng nước trời. Ngài được chôn cất trong nhà thờ Phanxicô ở Lvov.