Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng chúa nhật 9-2-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng chúa nhật 9-2-2020
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14).
Đầu thế kỷ thứ 19, muối vẫn là mặt hàng đắt đỏ. Hưng Hóa là quê hương bố mẹ tôi, nhiều năm ông bà đã phải ăn lạt vì không có muối. Ngày nay, muối vẫn là (hàng nhu yếu phẩm). Việt nam vẫn phải nhập cảng muối. Ánh sáng có liên quan đến dầu hỏa và khí đốt. Ngày nay, điện năng đã giải quyết được nhiều khó khăn về ánh sáng.
Muối và ánh sáng là những thành phần quan trọng của cuộc sống. Muối và ánh sáng có giá trị khi nó còn là chính nó, nghĩa là giữ được bản chất của mình. Đức Giêsu muốn dùng muối và ánh sáng để mời gọi mỗi người hãy sống có trách nhiệm của mình là "Muối cho đời" và là "Ánh sáng cho trần gian".
Muối đã lạt, ánh sáng không được chiếu giãi thì nào có ích gì?.
Trần gian còn đó biết bao tăm tối của lòng ghen tương thù oán, của ích kỷ; sự tối tăm của con người thiếu lương tâm, lọc lừa và chiếm đoạt...! Muối là tình yêu của Chúa đã cho đời vị mặn mà, của lòng thương xót. Thiếu muối mọi người không có tình yêu.
Cảm nhận tin mừng: Chúa mời gọi chúng con hãy là ánh sáng của lòng thánh thiện đạo đức, ánh sáng của sự thật, lòng hy sinh, để chiếu vào mọi ngóc ngách của trần gian, để giãi vào mọi tâm hồn, xua tan và diệt trừ mọi bóng tối.
Lạy Chúa, xin Tình Yêu Chúa biến đổi chúng con trở nên Muối và Ánh Sáng. Xin cho mỗi người chúng con trở nên ánh sáng soi chiếu cho những người xung quanh, để qua đó họ nhận biết Chúa là ánh sáng thật, là ánh sáng dẫn đến nguồn ơn cứu độ. Amen.


Thánh Josephine Bakhita (1868-1947)

Thánh Josephine Bakhita sinh ở Sudan, được coi là người nô lệ Phi Châu đầu tiên được Giáo Hội phong thánh. Vào lúc 10 tuổi, ngài bị bắt cóc bởi bọn buôn nô lệ và được đặt tên là “Bakhita,” hoặc “đứa may mắn.” Bị buôn đi bán lại ở các thị trường El Obeid và Khartoum, Bakhita phải trải qua đủ loại đau khổ về tinh thần, tâm lý và thể xác vì thân phận nô lệ. Khi lần sau cùng cô được bán cho ông Callisto Legnani, vị lãnh sự Ý thực tâm muốn giải thoát cô, thì cuộc đời cô mới thực sự thay đổi.
Khi vị lãnh sự trở về Ý vì lý do chính trị thì Bakhita cũng xin tháp tùng gia đình ông. Mặc dù sau đó cô tiếp tục làm công cho một gia đình khác, cuộc đời Bakhita ở Ý là một cuộc đời hạnh phúc. Cô được đối xử tử tế và được tôn trọng.
Cô cũng làm quen với các nữ tu dòng Bác Ái Canossa ở Venice; chính họ là những người đã nói với cô về Thiên Chúa là Ðấng mà tự nhiên cô bị thu hút đến với Người. Sau nhiều tháng học hỏi, cô được tháp nhập vào Giáo Hội qua các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Rước Lễ. Cô lấy tên mới là Josephine để đánh dấu một cuộc đời mới trong Ðức Kitô.
Vài năm sau Josephine gia nhập tu viện Bác Ái Canossa ở Venice. Trong 50 năm tiếp đó, cô là một nữ tu nổi tiếng về đạo đức và công việc bác ái. Trong suốt cuộc đời tu trì, sơ Josephine đảm trách các công việc rất tầm thường nhưng cần thiết cho nhà dòng — nấu ăn, may vá, giữ cửa tu viện ở Schio, gần Padua. Thái độ hiền lành, hòa nhã và giọng nói êm ả của sơ là sự an ủi cho những người nghèo và người đau khổ thường đến với nhà dòng xin giúp đỡ.
Mặc dù tuổi tác đem lại sức khỏe yếu kém, sơ Josephine vẫn là một nhân chứng của hy vọng và thiện tâm. Trong những giờ phút cuối đời, dường như sơ sống lại những ngày kinh hoàng của đời nô lệ. Người ta nghe sơ rên rỉ nói người y tá rằng “Làm ơn nới lỏng cái xích sắt ấy một chút… nó nặng quá!”
Sơ được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1992. Vào năm kế đó, khi Ðức Thánh Cha thực hiện cuộc tông du sang Phi Châu, mẹ bề trên dòng Canossa đã dâng lên ngài các di tích của Chân Phước Josephine. Trong bài giảng, đức giáo hoàng nói: “Hãy vui lên, hỡi tất cả Phi Châu! Bakhita đã trở lại với ngươi: ngài là con gái của Sudan, bị bán làm nô lệ như một món hàng, tuy thế ngài vẫn tự do: tự do của các thánh.”
Vào tháng Mười 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Trích ”Khi nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú, tôi tự nhủ, ‘Ai có thể là Chủ Nhân của những vật mỹ miều ấy?’ Tôi vô cùng khát khao để thấy Người, để biết Người và để thần phục Người.” (Josephine Bakhita).