Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17-2-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17-2-2020
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12).
Trên các trang thông tin mạng, người ta vẫn thấy hình ảnh cùng nhưng bài viết đề cập đến các dấu lạ trên trời. Các dấu lạ ấy có thể là những đám mây nhiều màu sắc, hay đám mây có hình giống Đức Maria, Thánh giá hoặc của một vị thánh nào đó. Kết luận là: đó là những bức hình giả tạo.
Những người biệt phái không tin Đức Giêsu, vậy mà họ đòi Đức Giêsu phải làm cho họ thấy một dấu lạ từ trời, không phải để họ tin nhưng là để thử Ngài. Ngài biết tâm trí họ, nên đã không làm phép lạ nào để chiều theo ý của họ. Ngài chỉ sống trọn vẹn sứ mạng của mình, là thi hành ý Chúa Cha.
Đức tin phải đặt trên nền tảng là tin vào danh Đức Giêsu, nhờ vào danh đó, mọi ngươi có được sự sống đời đời, chứ không phải nhờ vào dấu lạ. Vả lại, Ngài không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.
Cảm nhận Lời Chúa. Hôm nay Chúa muốn chúng con hãy thôi đòi hỏi dấu lạ, thay vào đó hãy sống đức tin dựa vào Lời Chúa và các bí tích trong Giáo Hội.
Lạy Chúa, Chúng con cũng có những tư tưởng giống như người biệt phái xưa là đòi điều kiện này nọ, chúng con muốn Chúa phải tỏ những dấu lạ theo ý chúng con. Xin Chúa chỉnh sửa lại và ban cho chúng con tin tưởng vào Chúa một cách trọn vẹn. Amen.


Bảy Thánh Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ 

(thế kỷ 13)

Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Đốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Điều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật.
Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Đức Giêsu chỉ là một thiên thần). Đời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến môt nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Đa Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Đức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.
Lời Bàn
Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Đó là “thời gian tốt nhất và xấu nhất.” Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả trong tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Đức Kitô.
Lời Trích
“Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Đức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào vinh hiển tương lai? Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà ‘cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,’ các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ” (Sắc Lệnh về Đời Sống Tu Trì, 25).