Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/3/2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/3/2019
Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" (Lc 15,31).
Chuyện người con hoang đàng có lẽ thời buổi nào và ở đâu cũng có. Tại Anh quốc; có cậu thanh niên được gia đình nuông chiều từ nhỏ. Một hôm cậu bị cha la rầy; cậu nghĩ: "cha cậu hết thương cậu rồi", và được tác động của các bạn xấu, cậu đã bỏ nhà ra đi. Sau nhiều năm, cậu đã nhận ra sự sai trái của mình, cậu quyết trở về, về với gia đình có cha, có mẹ, nơi mà cậu đã được yêu thương từ thời thơ ấu.
Cậu đăng báo xin lỗi cha mẹ và nếu cha mẹ tha thứ thì hãy đến sân ga xe lửa vào chiều chúa nhật tới, đưa cậu về. Chiều hôm ấy, có đến 10 người cha trông mong gặp được đứa con mình, vì ai cũng cho rằng con mình đăng báo xin lỗi và mình đến đây để đưa nó về, sẵn sàng tha cho đứa con biết quay trở về.
Người cha trong tin mừng hôm nay đã tha thứ cho con ông, không la mắng, cũng chẳng trách móc. Ông như quên đi tất cả quá khứ của con. Yêu thương luôn bao gồm tha thứ và quên đi tất cả.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình thương của người cha là dùng tình yêu để mở lối thoát cho chúng con. Xin cho chúng con biết hồi tâm thực sự bằng việc thực hành các điều phúc đức, tha thứ và yêu thương những người chung quanh. Amen.



THÁNH TURIBIÔ MONGRÔVEJÔ
GIÁM MỤC 

(1536-1606)
Có những trẻ em như đã biết Chúa làm gì, trong khi những người khác phải lo tìm kiếm. Những trẻ này biết an ủi và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn dân Mayorga nước Tây Ban Nha, ngày kia, được thấy một em bé đến bên một phụ nữ đang giận dữ. Bà này mất một vật mà không mong tìm lại được. Đứa trẻ nhã nhặn giải thích cho bà rằng: đừng nên làm như vậy, bởi vì điều đó làm phiền lòng Chúa. Đứa trẻ tốt lành và tế nhị này tên là Turibiô, con thứ của lãnh Chúa Mongrovejo. Ở trường Valladolid, rồi ở Salamanca ngài thường nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo. Ngài còn muốn thống hối thay cho các tội nhân đến nỗi ngài bị buộc phải bớt các hy sinh. Người ta có thể tiên đoán là ngài sẽ thành một tông đồ bởi ngài đã biết sống đứng đắn.
Khi đã lớn đủ, cùng với sự khôn ngoan, thông hiểu khá vững chãi, ngài được vua Philipphê II đặt làm chánh án toà án Granada. Khi giáo phận Lima trống ngôi năm 1578, thật ngạc nhiên khi người được chỉ định làm Giám Mục lại là Turibiô một giáo dân. Nghe tin này Turibiô khóc ròng, ngài quì dưới chân thánh giá viết thư cho nhà vua, trong đó ngài tự diễn tả như một kẻ thù tồi tệ của vua vì những bất xứng của mình. Nhưng các lý lẽ ấy đã không lay chuyển được ai. Ngài thụ phong linh mục rồi giám mục, và nhận giáo phận năm 1581.
Địa phận dành cho Turibiô có những khó khăn đến nỗi có thể ngăn chặn ngài lại nếu ngài không phải là một vị thánh. Giáo phận có chu vi là sáu trăm dặm, gồm nhiều thành phố và làng mạc rải rác trên hai dãy núi Andes. Người Tây Ban Nha khai phá Tân thế giới, ức hiếp dân chúng cách man rợ. Muốn cải hóa bằng roi, họ bắt dân làm nô lệ và muốn khai hóa dân thì họ lại chỉ thông cho dân những tật xấu của mình. Nhìn dân da đỏ say sưa liên lỉ, Turibiô không thể cầm được nước mắt. Ngài quở trách những người chinh phục vì những lạm dụng cướp bóc của họ và tuyên cáo rằng: Những cớ vấp phạm ấy phải dừng lại cho chân lý và tình thương ngự trị. Vị mục tử đi tìm kiếm mọi con chiên của mình. Sa mạc nóng cháy, núi cao tuyết phủ, thú rừng hung tợn, tất cả đều không làm ngài nản chí. Những người Tây Ban Nha quyền thế trở thành Phó vương và cả đến vua Philipphê II do những báo cáo sai lầm đã trách cứ ngài. Nhưng tất cả những luật lệ nghiêm khắc đã không làm cho ngài tháo lui. Ngài biện hộ rằng chính Chúa Kitô chứ không phải thế gian phán xét ngài.
Turibiô học ngôn ngữ dân Pêru. Ngài dạy dỗ dân da đỏ như một người cha nhân từ. Lòng bác ái nhân từ của ngài đối với họ không có giới hạn. Khi ngài tới một làng hẻo lánh, dân chúng đổ xô đến với ngài. Trước hết ngài thăm hỏi những người đau yếu, và khi không chữa chạy cho họ được, ngài dạy cho họ biết chết lành. Khi phân phát tình yêu Chúa Kitô, ngài cũng tái lập sự công bình. Dần dần các thành phố và cả những nơi cô quạnh có người Kitô hữu cư ngụ đông đảo. Thánh Turibiô thiết lập các chủng viện, các viện cứu tế. Trong 25 năm, ngài đi thăm viếng giáo phận rộng lớn và hoang dã của mình ba lần, mỗi lần phải mất tới bảy năm. Ngài kiên trì ngồi toà mỗi sáng. Người ta nói rằng: khi cầu nguyện, ngài tỏa chiếu từ khuôn mặt một tia sáng siêu nhiên. Mệt nhọc đã là một việc sám hối rồi, ngài còn hy sinh và ăn chay thêm nữa. Khi có cơn dịch trong giáo phận, ngài tăng gấp đôi lời cầu nguyện hãm mình. Ngài cũng tổ chức nhiều cuộc rước, khi tham dự chính ngài rơi lệ ướt cả thánh giá cầm trong tay.
Trong khi bắt đầu cuộc kinh lý mới, ngài đã ngã bệnh tại Santa, ngài chỉ biết lập lại lời thánh Phaolô:
- Tôi ao ước thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để kết hợp với Chúa Giêsu Kitô.
Gần chết, ngài xin những người chung quanh hát lời kinh:
- Tôi vui mừng khi nghe nói cùng tôi: chúng ta đi về nhà Thiên Chúa.
Thế là cái chết của ngài được coi như một cuộc lễ. Lời cuối cùng của ngài là lời vua thánh tiên tri:
- Lạy Chúa, con phó thác linh hồn con trong tay Chúa.
Tự đi tới thánh đường Santa để lãnh của ăn đường, ngài qua đời năm 1606.