Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Nhiều thiếu nữ Kitô và Ấn giáo Pakistan bị bắt cóc và buộc theo Hồi giáo.

Filled under:

Nhiều thiếu nữ Kitô và Ấn giáo Pakistan bị bắt cóc và buộc theo Hồi giáo.
Hồng Thủy
Pakistan (Vat. 23-03-2019) - Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên thuộc các nhóm thiểu số ở Pakistan, ông Anjum James Paul, kêu gọi chính phủ Pakistan đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt và hiệu quả để bảo vệ các thiếu nữ Kitô giáo và Ấn độ giáo trước những nguy hiểm đe dọa cả về thể lý và luân lý.
Nguy hiểm đe dọa các thiếu nữ thiểu số Pakistan: bắt cóc, cải đạo, cưỡng ép hôn nhân
Ông Anjum James Paul, một tín hữu Công giáo, cũng là giáo viên tại một trường công lập. Ông cho biết là ngày Hội Holi đã trở thành ngày đau buồn đối với các tín đồ Ấn giáo vì 2 chị em, Ravina 13 tuổi và Rina 15 tuổi, sống tại thành phố Sindh, đã bị bắt cóc hôm 20.03 và bị ép buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Ông Paul lưu ý rằng đây cũng chính là cách thế mà Sadaf Khan, một thiếu nữ Kitô giáo 13 tuổi, ở Punjab, bị bắt cóc, bị ép theo đạo Hồi và buộc kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo hồi tháng 2 năm 2019.
Chính quyền cần đưa ra biện pháp bảo vệ
Ông Paul nhận định rằng những hành động này không thể được khoan dung và đây là lúc cần quyết định xem các thiếu nữ Kitô giáo và Ấn giáo có quyền sống tự do, hoặc là họ phải sống ẩn nấp vì là nạn nhân của những tội ác nguy hiểm mà chính quyền không trừng phạt. Ông Paul kêu gọi chính quyền bảo đảm cuộc sống cho các thiếu nữ Kitô giáo và Ấn giáo Pakistan và có những biện pháp ngăn chặn nạn bắt cóc, cưỡng bức cải đạo và hôn nhân ép buộc, đối phó với sự vi phạm quyền lợi của các nhóm thiểu số ở Pakistan.
Ông Paul cũng nhắc thủ tướng Imran Khan của Pakistan nhớ lời hứa khi tranh cử vào năm 2018. Ông nói: "Chống lại hiện tượng kinh khủng chà đạp các quyền căn bản về sự sống, tự do, lương tâm và tôn giáo, cần có một chương trình hành động ở mức độ quốc gia, ngăn chặn các cuộc bắt cóc, cải đạo sang Hồi giáo và cưỡng ép hôn nhân ."
Vì họ là phụ nữ và không phải là phụ nữ Hồi giáo
Theo thông tin hãng tin Fides nhân được, tại Pakistan, mỗi năm có khoảng một ngàn thiếu nữ thuộc các giáo hội Kitô và Ấn giáo bị bắt cóc. Nhiều trường hợp khác thậm chí không được tố cáo, do sự đồng lõa của cảnh sát hoặc của cơ quan tư pháp, khiến những nhóm thiểu số nản chí trong việc tiến hành các hành động pháp lý.
Các phụ nữ thuộc các cộng đồng thiểu số ở Pakistan sống trong điều kiên "dễ tổn thương gấp đôi", dễ bị lạm dụng và bị phân biệt, vì họ là phụ nữ và không phải là phụ nữ Hồi giáo.


Tín hữu Công giáo Mỹ ý thức hơn về cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn cầu.
Hồng Thủy
Washington (Vat. 22-03-2019) - Gần một nửa số tín hữu Công giáo Mỹ nhận rằng cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn cầu "rất khốc liệt".
Theo một khảo sát mới được thực hiện bởi tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ", con số này tăng 16% so với cuộc điều tra được thực hiện một năm trước.
Ông George Marlin, phụ trách phân bộ Hoa kỳ của tổ chức "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ", nói: "Thật là xúc động khi thấy người Công giáo Hoa Kỳ ngày càng gia tăng sự nhận thức và mối quan tâm đối với sự bách hại Kitô hữu".
Giáo hội Công giáo cần quan tâm hơn đến vấn đề Kitô hữu bị bách hại
Tuy thế, ông Marlin cũng cho biết là tín hữu Công giáo Hoa kỳ quan tâm đến các tệ nạn buôn người, nghèo khổ và khủng hoảng nhập cư hơn là đến sự bách hại Kitô hữu. Theo ông, cuộc khảo sát "đề nghị cách mạnh mẽ rằng Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, cả ở cấp giáo xứ và giáo phận, nên quan tâm nhiều hơn đến sự bách hại Kitô giáo trên toàn cầu".
Cuộc khảo sát đã xem xét mức độ mà người Công giáo Mỹ nhận thức về sự bách hại Kitô hữu trên khắp thế giới; các quốc gia và khu vực nơi họ xem là nơi Kitô hữu bị đàn áp nặng nề nhất; các biện pháp và chính sách cụ thể mà họ muốn Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác theo đuổi để giúp đỡ và bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại; mức độ mà họ cảm thấy rằng Ðức Giáo Hoàng, các giám mục và giáo xứ của họ đang ưu tiên dành cho sự bách hại các Kitô hữu; và những hoạt động họ tin rằng họ có thể và nên tham gia.
Theo kết quả khảo sát, chỉ 19% người được hỏi nói rằng giáo xứ của họ rất quan tâm đến vấn đề bách hại Kitô giáo trên toàn cầu. Hoạt động đầu tiên mà tín hữu Công giáo nghĩ là nên làm để giúp các tín hữu bị bách hại là cầu nguyện, tiếp đến là nâng cao ý thức, đóng góp cho các tổ chức để trợ giúp họ. Tuy nhiên báo cáo cho thấy là trong năm vừa qua, gần một nửa số tín hữu Công giáo Hoa kỳ đã không đóng góp cho một tổ chức trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại.
Theo báo cáo hồi tháng 11 năm 2018 của tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ", Kitô hữu bị bách hại khốc liệt tại 38 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Hàn, Saudi Arập, Yemen và Eritrea.