Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

“Đức Phanxicô xem những người trẻ như người lớn có trách nhiệm”

Filled under:

Đức Phanxicô và linh mục Benoist de Sinéty trong ngày JMJ ở Panama
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2019-01-29
Trở về sau ngày JMJ Panama, linh mục Benoist de Sinéty, tổng đại diện giáo phận Paris trả lời phỏng vấn báo La Vie, cha đã rất ngạc nhiên khi nghe Đức Phanxicô trích sách của mình trong buổi nói chuyện của ngài với các giám mục Trung Mỹ. 
Xin cha cho biết, cha đã sống các ngày JMJ ở Panama như thế nào?
Tôi như được đi nghỉ hè giữa đông khi hoàn cảnh hơi ảm đạm và chán nản ở Pháp. Thật tuyệt vời khi được sống tháng mùa đông ở nơi có bầu khí lễ hội, đức tin và hiệp thông.
Khi nói chuyện với các giám mục Trung Mỹ, Đức Phanxicô đã trích dẫn sách của cha về việc đón nhận người di dân “Phải có các tiếng nói nói lên” (Il faut que des voix s’élèvent, Flammarion). Cha phản ứng như thế nào?
Tôi rất ngạc nhiên! Dĩ nhiên là rất bất ngờ và ngoài mong chờ. Mới đầu khi người ta kể cho tôi nghe, tôi nghĩ đó là chuyện đùa; và rồi khi tôi xem video, tôi thấy đúng thật. Tôi rất cảm động ngài đã dành thì giờ để đọc. Tôi đã gởi sách cho ngài… nhưng ngài cũng nhận rất nhiều sách, nên tôi không nghĩ ngài có thì giờ để đọc hay xem kỹ hơn.
Khi người ta kể cho tôi nghe Đức Giáo hoàng trích dẫn sách của tôi, tôi nghĩ đó là chuyện đùa; và rồi khi tôi xem video, tôi thấy đúng thật.
Sự việc này làm cho cha hiểu như thế nào về Đức Phanxicô?
Điều này xác nhận vấn đề di dân là vấn đề quan trọng đối với ngài. Dĩ nhiên khi ngài đứng trước các giám mục Trung Mỹ thì vấn đề này là vấn đề không tránh khỏi. Ở đó vấn đề di dân vô cùng quan trọng hơn ở Âu châu nhiều, và với một tình trạng khẩn cấp không chối cãi được. Panama là một nước nhỏ về dân số nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn của vấn đề di dân, nhất là với những người từ Venezuela đến. Đức Giáo hoàng thấy đây là một thách thức lớn cho Giáo hội và cho nhân loại. Ngài chuẩn bị để tín hữu kitô có thể sống và loan báo Tin Mừng, không hãi sợ trước thực tế, tìm mọi phương tiện để đồng hành và đồng hành với những người là nạn nhân. 
Trên video đăng trên các mạng xã hội, người xem thấy Đức Giáo hoàng xuống xe để chào cha. Xin cha cho biết chuyện gì xảy ra?
Sau khi trích dẫn sách của tôi trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô hỏi tôi có đến gặp ngài ở nhà thờ chính tòa Panama sáng thứ bảy trong thánh lễ ngài cử hành để cung hiến bàn thờ mới với sự hiện diện của các linh mục và nam nữ tu sĩ được không. Tôi nói tôi rất xúc động trước lời mời của ngài, nhưng tôi cũng mong được giới thiệu các nhóm hành hương Paris với ngài. Và 200 giáo dân hành hương Paris được ngồi phía trước nhà thờ chính tòa trước khi ngài đến. Và tôi cùng với các giáo dân hành hương được mời để chào ngài. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về quyển sách. Đó là sự nâng đỡ cho những ai làm việc với người di dân và muốn công việc của mình được tiếp tục làm.
Ngài đã nói gì với các bạn trẻ hiện diện?
Ngài chính xác xin họ cầu nguyện cho ngài và cho biết ngài cần lời cầu nguyện của họ. Ngài nói với họ bằng tiếng Pháp trong vòng 5 đến 7 phút. Ngài ban phép lành cho một vài người mới vào đạo. Ngài cũng nói chuyện với một phụ nữ trẻ, bà xin ngài cầu nguyện cho một em bé bị đau trong gia đình. Các bạn trẻ thật sự cảm nhận sự hiện diện của ngài.
Đức Phanxicô mời gọi chúng tôi sống thanh đạm trong cách tiêu thụ của mình để không làm áp lực lên dân chúng ở Nam bán cầu… 
Các bạn trẻ đi theo cha đã phản ứng như thế nào về quyển sách của cha?
Đây cũng là dịp để tôi nói với các bạn trẻ hơn hai giờ về vấn đề mà các người di dân đã đặt cho chúng tôi ở Âu châu, ở Pháp và đặc biệt ở Paris. Các bạn trẻ hiểu rất rõ vấn đề, không thể giải quyết vấn đề bằng các câu khẩu hiệu, các bài diễn văn rút gọn. Họ hiểu có hai chuyện khẩn cấp. Một mặt là khẩn cấp ngay lập tức, cách đối xử với những người di dân đến Pháp… điều này đòi hỏi phải sẵn sàng để đến gặp họ, để họ được đối xử đúng phẩm cách dù các hệ quả quản trị theo đơn xin của họ như thế nào. Mặt khác, có một khẩn cấp từ trên cao, là không để trách nhiệm cho một mình nước Mỹ, chúng ta tín hữu kitô phải có hành động ngôn sứ để cung cấp cho mọi người đủ lý do và hy vọng để họ không phải ra đi; đó là phải suy nghĩ về lối sống của chúng ta tạo cho người nghèo ở các nước nghèo không thể ở lại xứ của họ: làm thế nào mà lối sống tiêu thụ của chúng ta làm cho những người này mong muốn đi lên phía Bắc bán cầu (tránh các nội chiến, các việc khai thác đất đai…)
Đức Phanxicô luôn nói với chúng tôi ngài không có câu trả lời cho các vấn đề này, nhưng ngài mời gọi chúng ta có câu trả lời cụ thể. Chẳng hạn, thanh đạm trong lối sống tiêu dùng, không tạo áp lực trên các người dân này…  Thông điệp Chúc tụng Chúa “Laudato Si’” là tiếng kêu của quả đất, của người anh em, của người nghèo… và tôi nghe tiếng kêu này như thế nào, tôi có thể đáp trả theo cách của mình. Các người trẻ không một mình trước các thách đố này. Nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và Giáo hội, các bạn trẻ được nâng đỡ để bước theo con đường của Chúa Kitô.
Xin cha cho biết các điểm nổi bật trong các ngày JMJ này?
Đối với giáo dân Paris chúng tôi thì một cách rất ích kỷ, đó là giây phút gặp cá nhân với Đức Thánh Cha. Đối với giáo dân hành hương Pháp thì buổi lễ sáng thứ ba ở nhà thờ thánh Don Bosco, tại đây họ được khuyến khích đừng sợ trở thành các người thánh.
Buổi canh thức với Đức Phanxicô cũng là giây phút đẹp với giờ chầu Thánh Thể rất sốt sắng. Và thánh lễ sáng chúa nhật với bài giảng tuyệt vời của Đức Phanxicô. Và cũng như việc đón tiếp trong các ngày JMJ khác, nhưng ở Panama thì rất đặc biệt, các bạn trẻ rất xúc động khi được các gia đình Panama đón tiếp, nhất là khi họ ở trong các khu vực rất nghèo. Họ xúc động trước tấm lòng quảng đại và tình anh em khi được đón tiếp.
Đức Phanxicô muốn mình như người phục vụ cho một sự hiện diện ở giữa dân tộc, với ưu tiên hàng đầu là lo cho các người thấp bé như tù nhân, như các người bị bệnh sida khi ngài viếng thăm họ trong những ngày JMJ. 
Mỗi giáo hoàng có cách nối kết với người trẻ riêng… Cha giữ lại gì trong phong cách của Đức Phanxicô?
Một tình cảm rất sâu đậm, đậm tình phụ tử. Ngài vừa mong muốn nói chuyện với người trẻ, vừa xem họ như người trưởng thành có trách nhiệm. Trong buổi canh thức thứ bảy, ngài thinh lặng ra đi, không bài hát, không nói một lời. Ngài hướng dẫn người trẻ cầu nguyện và ngài ra đi để họ lại với Chúa Kitô. Điều này rất có ý nghĩa: ngài muốn mình như người phục vụ cho một sự hiện diện ở giữa dân tộc, với ưu tiên hàng đầu là lo cho các người thấp bé như tù nhân, như các người bị bệnh sida khi ngài viếng thăm họ trong những ngày JMJ. Tôi rất xúc động về việc này. Ngài thật kín đáo và thật khiêm nhường. Chúng ta thấy rõ trong câu trả lời của ngài với các ký giả trên máy bay về vấn đề độc thân của các linh mục. “Tôi phải suy nghĩ nhiều hơn”, câu trả lời thật đẹp và thật khiêm nhường.
Ngày Thế giới Trẻ sắp tới sẽ tổ chức ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 2022. Cha nghĩ gì về địa điểm này?
Đó là địa điểm của người trẻ Âu châu, nhất là các bạn trẻ Pháp, họ sẽ đi rất đông. Đó là quốc gia láng giềng của Pháp và Lisbon là thành phố du lịch nổi tiếng rất được ưa chuộng. Rồi còn Fatima sẽ thu hút mọi người…
Lisbon là cảng vào châu Mỹ. Và không phải tình cờ mà thành phố này được chọn sau Panama. Cũng vui cho những người càu nhàu Đức Phanxicô không biết và không đánh giá cao Âu châu. Ngài biết rõ lịch sử Âu châu. Chọn Lisbon có thể là một cách để suy nghĩ theo kiểu một đức tin sống động – hay không – trong các giáo hội của châu lục cổ này, đức tin mà chúng ta hiệp thông với toàn thế giới, và bây giờ trên bốn châu lục được thấy một cách rõ ràng và vui vẻ hơn châu lục chúng ta. Điều này phù với bài diễn văn của Đức Giáo hoàng đọc ở Âu châu trong lần ngài được trao giải thưởng Charlemagne hay lần ngài đến Nghị viện Âu châu ở Strasbourg: lời kêu gọi thức tỉnh đức tin ở Âu châu. Không phải một đức tin hãi sợ, bệnh hoạn về nỗi ám ảnh hay ma quỷ nhưng một đức tin hạnh phúc. Âu châu là một châu lục hãi sợ. Trung Mỹ trong bối cảnh rất căng thẳng nhất là ở Venezuela, nhưng điều đáng kinh ngạc là tín hữu ở các nước này là những người đứng vững, sống Tin Mừng như cuộc chiến đấu cho đức ái với một năng lực phi thường. Ở Âu châu, chúng ta thường bị tê liệt bởi lo âu, bởi nỗi sợ mất các chuyện chúng ta có.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch