Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Giáo hội Phnom Penh và Tháng Truyền giáo Ngoại thường

Filled under:

Giáo hội Phnom Penh và Tháng Truyền giáo Ngoại thường.
Ngọc Yến
Phnom Penh (Vat. 8-01-2019) - Giáo hội Phnom Penh và Tháng Truyền giáo Ngoại thường: Gia đình, dấu chỉ tình yêu cho xã hội.
Ðức cha Olivier Schmitthaeusler, Ðại diện Tông Tòa Phnom Penh nói với Hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo: "Chúng tôi tự hỏi trong năm 2019 chúng tôi sẽ làm gì để có thể thấy được những điều mới mẻ và tốt đẹp ?" Và chính Ðức cha cho biết Giáo hội tại đây sẽ bước vào Năm dành riêng cho Gia đình. Vào tháng 6 năm 2019 sẽ có một cuộc gặp gỡ lớn dành cho các gia đình trong toàn Phnom Penh. Tháng 10 năm 2019, Tháng Truyền giáo Ngoại thường được Ðức Thánh Cha Phanxicô ấn định sẽ có một "sứ vụ đặc biệt", trong thời gian đó mọi người sẽ suy tư học hỏi về chủ đề gia đình; như làm thế nào để gia đình có thể trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho mọi người trong xã hội.
Trong thư Mục vụ cũng được Ðức cha gửi cho Fides, Ðức Cha cho biết những trải nghiệm mà Ngài đã sống trong cộng đoàn và những dự kiến mục vụ trong năm nay: "Vào đêm Giáng sinh chúng tôi cử hành bí tích Thanh tẩy cho một số người; dấu hiệu đẹp có thể đặt một hài nhi vào trong máng cỏ. Gia đình là một cộng đoàn và một Giáo hội nhỏ. Chúng tôi được mời gọi lớn lên trong gia đình này theo mẫu gương của Thánh Gia". Những từ chủ yếu được Ðức cha viết trong Thư Mục vụ để mô tả cuộc sống của cộng đoàn kitô hữu là: trung tín, tình yêu trao ban và nhận lãnh, hy vọng, cuộc sống, phẩm giá. Ðức cha trích dẫn: "Các trẻ mồ côi bị bỏ rơi trên vỉa hè, không có gia đình, không có tình yêu, nhờ các Nhà truyền giáo Bác ái đã tìm được một ngôi nhà ấm áp và tình yêu thương. Ðây là Giáo Hội của chúng ta: một đại gia đình".
Ðức Cha cũng cho biết mặt khác có một điểm đáng ghi nhớ: "Ngày Giáng sinh, nhiều gia đình đã quy tụ những người già để chia sẻ niềm vui và trao ban cho họ một chút bình an và thanh thản. Thật là một điều đáng khích lệ khi thấy những người trẻ phục vụ những người già và ngồi xuống bên họ để lắng nghe họ. Trong Năm dành riêng cho Gia đình, cần phải trao ban cho người già một vị trí quan trọng để cội rễ của chúng ta, phần của lịch sử chúng ta và các thế hệ biết lắng nghe và hiểu nhau".
Ðức cha cũng cho biết: "Trong dịp lễ Giáng sinh người Hồi giáo và Phật giáo đến thăm và mừng lễ Giáng sinh cộng đoàn chúng tôi. Ðiều này cho thấy không thiếu một hạt giống và một ước muốn bình an. Giáng sinh là một lời mời gọi bình an: chúng ta hãy ra khỏi cuộc sống của chúng ta và thế giới chắc chắn sẽ thay đổi".

Logo chính thức của chuyến viếng thăm Ma-rốc của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Hồng Thủy

Logo chính thức của chuyến viếng thăm Ma-rốc của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Vatican (Vat. 8-01-2019) - Ngày 08 tháng 01 năm 2019, logo chính thức của chuyến viếng thăm Ma-rốc của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã được Tòa Thánh giới thiệu.
Nhận lời mời của quốc vương Mohammed VI và của các Giám mục Ma-rốc, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm quốc gia này từ ngày 30 đến 31 tháng 03 năm 2019. Trong chuyến viếng thăm ngắn này, Ðức Thánh Cha sẽ thăm thành phố Rabat và Casablanca.
Chuyến viếng thăm Ma-rốc, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, là chuyến viếng thăm quốc tế thứ 26 của Ðức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài được chọn làm Giáo hoàng, kế vị thánh Phêrô tông đồ.
Cơ hội đối thoại liên tôn
Ðây là cuộc viếng thăm được Ðức Thánh Cha đánh giá là quan trọng. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm ngày 07 tháng 01 năm 2019, Ðức Thánh Cha nói đến hai cơ hội quan trọng, chuyến thăm các Tiểu Vương quốc A-rập từ ngày 03-05/02 và chuyến thăm Ma-rốc, để phát triển thêm cuộc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các tín đồ của hai tôn giáo.
Logo chuyến viếng thăm Ma-rốc
Logo được chọn nằm trong số 50 mẫu được các họa sĩ gửi tham dự một cuộc thi. Logo có những hình ảnh biểu tượng là Thánh giá và nửa vầng trăng. Những biểu tượng Kitô giáo và Hồi giáo này nêu bật đặc tính liên tôn của chuyến viếng thăm. Thực tế là Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp vị đứng đầu Hồi giáo Ma-rốc, 800 năm sau khi thánh Phanxicô Assisi gặp quốc vương al-Malik al-Kamil.
Logo có màu cờ của hai quốc gia: màu xanh và đỏ của Ma-rốc; vàng và trắng của Vatican. Dưới tên của Ðức Thánh Cha có khẩu hiệu chuyến viếng thăm: "Tôi tớ của Hy vọng" bởi vì Ðức Thánh Cha là Tôi tớ của các Tôi tớ của Chúa, nhưng nó cũng là tựa đề của thư mục vụ của Hội đồng Giám mục vùng Bắc Phi. Thư này được các Giám mục Bắc Phi tặng cho Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Ad limina của các ngài vào năm 2015. Tên của nước Ma-rốc được viết bằng tiếng A-rập để vinh danh quốc gia đón tiếp Ðức Thánh Cha.

Cộng đoàn các nữ tu truyền giáo Comboni ở Bangui bị tấn công và cướp phá.
Hồng Thủy
Bangui (Vat. 8-01-2019) - Vào ngày 5 tháng 1 năm 2019, Cộng đoàn của các Nữ tu Truyền giáo Comboni ở Bangui, Trung Phi, đã bị một nhóm khoảng 8 đến 9 người tấn công và cướp phá.
Sơ Luigia Coccia, tổng phụ trách dòng các Nữ tu Truyền giáo Comboni đã cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo biết tin về vụ tấn công cộng đoàn của Dòng ở Bangui.
Theo sơ Coccia, cộng đoàn này có ba nữ tu. Các chị bị tấn công vào khoảng 7 giờ tối, sau khi đọc Kinh Chiều; các chị phải ở im một chỗ và bị đe dọa trong khoảng ba giờ. Những tên trộm đã tìm kiếm khắp nơi và cướp đi mọi thứ mà chúng có thể. Ba nữ tu đã bị hoảng sợ và các chị tạm thời rời cơ sở truyền giáo, đến lánh nạn tại nhà giám tỉnh, cũng ở Bangui.
Cách đây không lâu, cha Federico Trinchero, một thừa sai dòng Cát minh của dòng Cát minh ở Bangui, đã viết cho hãng tin Fides: "Hiện nay Trung Phi dường như đã bị vướng vào một mớ rắc rối không thể thoát ra được, do sự can thiệp của nước ngoài, sự bất lực của cộng đồng quốc tế và chính quyền địa phương". Cha nhấn mạnh rằng "yếu tố tôn giáo chỉ làm cho ly cocktail trở nên nguy hiểm hơn".
Ðã có rất nhiều cuộc tấn công vào các cộng đoàn Công giáo, các giáo xứ, trại tị nạn, nhà cửa và nhà thờ bị thiêu rụi, thường dân bị giết hại dã man. Năm linh mục đã bị giết tại Cộng hòa Trung Phi vào năm 2018.