Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/01/2019

Filled under:

I. LỜI CHÚA: Mc 3, 31-35
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”
33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM 1
Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn: (A) Mẹ của Người (c. 31-32); (B) “Ai là mẹ tôi?” (c. 33); và (A’) Gia Đình mới (c. 34-35). Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’ để tìm ra những tương đồng và khác biệt. Vì đó chính là các yếu tố giúp trả lời cho câu hỏi của Đức Giê-su : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
(A) Mẹ của Người (c. 31-32)
(B) “Ai là mẹ tôi?” (c. 33)
(A’) Gia Đình mới (c. 34-35)
Thật vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra năng động thiêng liêng Lời Chúa trong bài Tin Mừng: từ tương quan thân thuộc với Đức Giê-su do máu huyết: “Mẹ và anh em Đức Giê-su (c.31) trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (c. 35).
Tuy nhiên, tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa ; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac. Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên “Gia Đình Mới” dành cho tất cả mọi người, mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất tương quan huyết thống và mọi tương quan khác.
Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh emchị em tôi, là mẹ tôi.”[1]
 1. Mẹ của Người
Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : « Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ». Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân; và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình:
Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (c. 33)
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (x. Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27).
Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời này của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng và đã hiểu, nên Mẹ đã đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình Mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su « cách duy nhất » đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.
2. “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo: « Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! », Đức Giê-su đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một « Gia Đình Mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa » (Lc 8, 21). Thực vậy, khi đó Người rảo mắt nhìn những người đang vây quanh lắng nghe Lời Thiên Chúa, nói ra từ miệng của Người, và nói:
Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi. (c. 34-35)
Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong Gia Đình Mới mà Đức Giê-su đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.
Giáo xứ và nhất là cộng đoàn tu trì, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh Gia Đình Mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên Gia Đình Mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Đức Giê-su.
 3. Gia Đình Mới
Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng có đầy những khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn có nguồn sự sống làm cho chúng ta tái sinh, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ bởi lòng thương xót của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình Mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Lời bài hát « Như hơi thở mong manh » (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob diễn tả rất hay ơn tái sinh bởi Lời Chúa:
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Một số bản văn Hi-lạp không có chữ “chị” trong lời của người đến báo với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy…”, giống như lời tường thuật của thánh Mát-thêu và thánh Luca (x. Mc 3, 32; Mt 12, 47 và Lc 8, 20).

Suy niệm 2

“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”. Nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận mối liên hệ “mẫu tử” với Mẹ Maria; trái lại Chúa muốn nới rộng tình gia đình đến với hết những ai muốn gắn kết cuộc sống mình với Chúa.

Quả thế, khi đón nhận lời truyền tin của sứ thần Gabriel, Mẹ Maria đã đón nhận sự hạ cố của Ngôi Lời Thiên Chúa nơi cung lòng mình, và cưu mang chăm sóc giữ gìn để sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa trong sự nhập thể làm người. Mẹ đã trở nên Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa. Cũng vậy, Thiên Chúa vẫn muốn và không ngừng ngỏ lời với con người hôm nay, để mời gọi con người đón nhận và làm cho Lời của Thiên Chúa được sinh hạ nơi dương thế này ngang qua cuộc đời của chúng ta. Cách cụ thể, khi mỗi người chúng ta sống thực thi lời dạy của Chúa như yêu thương và san sẻ vật chất hay tinh thần cho nhau, nhất là cho những anh chị em túng nghèo là chúng ta đang kết nối với nhau trong tình gia đình của Chúa. Chúng ta trở nên người thân cận của Chúa: “là mẹ là anh chị em của Chúa” và của nhau.

Chúng ta hãy nhớ lại gương sống thực thi Lời Chúa của bảy đan sỹ dòng Trap (một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam) vừa được Đức Thánh Cha Phanxico nâng lên bậc chân phước ngày 08/12/2018. Bảy đan sĩ này đã không ngừng để cho Lời Chúa luôn là kim chỉ nam soi dọi cuộc đời mình để sống chứng tá đức tin tại Algeria. Vì muốn làm cho Lời Chúa không ngừng được sản sinh trong lòng xã hội Hồi giáo tại đây, mà các ngài đã bị giết chết. Người ta có thể lấy đi mạng sống của các ngài, nhưng người ta không thể ngăn cản hành trình làm cho Lời Chúa được sinh hạ và lớn lên trong thế giới này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về họ như sau: “Hai mươi năm sau cái chết của họ, chúng ta được mời gọi là dấu chỉ của sự đơn sơ và lòng thương xót trong thời đại chúng ta, trong việc thực hành hàng ngày việc cho đi chính mình, theo gương Chúa Kitô”.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã tín thác và mời gọi chúng con vào trong gia đình của Chúa, qua việc đón nhận và sống những giá trị của Tin Mừng. Xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng con không ngừng làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống của chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường