Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26/11/2018

Filled under:

“Bà góa đã bỏ vào đó tất cả”
(Lc 21, 1-4)

1 Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền.
2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.
3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. Đức Giê-su « ngước mắt nhìn lên »
Như thánh sử Luca kể lại trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su phải « ngước mắt lên », mới nhìn thấy được thùng tiền và cảnh người này người kia bỏ tiền vào đó. Hẳn là thùng tiền phải đặt ở trên cao, để mọi người dễ thấy và cũng dễ đến. Hơn nữa, như thế, việc dâng cúng trở nên công khai và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, vị trí thùng tiền được đặt ở trên cao, cũng sẽ là dịp để người ta phô trương và ganh đua ; và điều này vừa có lợi cho bên nhận cũng như bên cho. Ngày nay, người ta vẫn còn làm những điều tương tự, như công bố danh sách ân nhân với số tiền cụ thể, phát giấy chứng ân nhân với sự phân biệt đẳng cấp khác nhau, tùy theo số tiền dâng cúng. Giống như bằng cấp đại học có phân biệt thứ hạng !

  1. « Một bà góa túng thiếu »
Đức Giê-su nhìn thấy những người giàu bỏ tiền của họ vào thùng tiền ; và Ngài cũng thấy một bà góa túng thiếu bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, tương đương với 2 đồng tiền màu trắng 500 đồng, khi chúng ta còn dùng đồng tiền kim loại.
Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia
bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.
(c. 2)
Các nhà chú giải cho rằng câu chuyện này được kể, nhằm để minh họa cho lời trách của Đức Giê-su, là các luật sĩ tước đoạt hết tài sản của các bà góa, là cơ cấu tôn giáo thời đó đã bắt người ta đóng góp quá sức, đến độ một bà góa không còn gì đề sống ! Tuy nhiên, những gì Đức Giê-su nói sau đó, sẽ đi theo một hướng khác hẳn.
Loài người chúng ta, trong vấn đề dâng cúng và cả trong những vấn đề khác nữa, chẳng hạn trong vấn đề lượng giá học tập và công việc, chỉ chú trọng đến thành tích nhiều ít, cao thấp, to nhỏ, nghĩa là vẻ bề ngoài của sự việc. Ngoài ra, người ta còn thi đua và tổ chức thi đua nữa. Cách làm này là cần thiết để làm cho người ta phải cố gắng hết mình và lựa chọn những người có khả năng đảm nhận những trách nhiệm lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nhóm hay cộng đồng.
Tuy nhiên, việc thi đua hay ganh đua tất yếu sẽ dựa trên qui luật « mạnh được yếu thua », dù ý thức hay không ý thức. Thế mà, qui luật « mạnh được yếu thua » là qui luật đặc trưng của thế giới loài vật, của thú tính. Hơn nữa, việc thi đấu, thi đua hay ganh đua, một đàng, nhằm để tìm kiếm và tôn vinh những người có thành thích cao, nhưng đàng khác, lại « loại trừ » ra khỏi cuộc chơi những người thua cuộc, và nghiêm trọng hơn, « coi thường » tất cả những người không có khả năng ganh đua, số người này là tuyệt đại đa số : những người nghèo, những người kém may mắn, những người không có xuất thân tốt, những người không có ngoại hình chuẩn, những người không có địa vị, những người bệnh tật, những người khuyết tật, những người già yếu. Và điều gì sẽ xẩy ra nơi tâm hồn của người người bị loại trừ, và của biết bao nhiêu người bị nhóm hay cộng động coi thường ? Đó là sẽ là thái độ ganh tị và tâm trạng mặc cảm thua kém đầy chết chóc. Còn người thắng cuộc thì tự mãn, kiêu ngạo, thống trị, khinh chê. Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những điều này. Vì thế, loài người chúng ta cần được giải thoát biết bao, cần được chữa lành biết bao, bởi lời nói và ngôi vị của Đức Giê-su.

  1. « Bà góa đã bỏ vào đó tất cả »
Thật vậy, Đức Giê-su nhìn sự việc theo một chiều kích khác, vừa đúng, vừa sâu, vừa đánh động và vừa có sức mạnh chữa lành và giải thoát chúng ta : « Bà góa đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình ».
  • Lời của Đức Giê-su an ủi chúng ta biết bao, vì tất cả chúng ta đều nhỏ bé, nghèo nàn, giới hạn, như bà góa ; và Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng ta thôi.
  • Lời của Ngài cũng chất vấn chúng ta nữa : phải chăng chúng ta sống và xét đoán theo chỉ theo vẻ bề ngoài.
  • Và Lời của ngài mời gọi chúng ta thân thưa với Người : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả ». Xét về số lượng hay nội dung, « tất cả » của chúng ta thì quá nhỏ bé và ít ỏi so với « tất cả » của Chúa ; như xét về tình yêu của trái tim, thì TẤT CẢ = TẤT CẢ, hai bên đều như nhau.
Xin cho chúng ta cũng biết bỏ « vào đó » tất cả những gì cần cho sự sống của chúng ta. « Vào đó », là vào ơn gọi và sứ vụ của cả cuộc đời chúng ta ; « vào đó », là vào những gì chúng ta được mời sống hằng ngày ; « Vào đó », là vào những gì chúng ta cảm thấy phải sống, phải làm, phải thay đổi, phải hoán cải… trong Chúa và để ca tụng Chúa ; « Vào đó ». là…
Và chỉ khi chúng ta cảm nhận được « muôn ngàn đời tình thương của Chúa » (Tv 136), chúng ta mới có thể cho đi như thế được. Và quả thực như thế, Thiên Chúa đã sống đến tận cùng tâm tình của Bà Góa Nghèo, nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thánh Giá.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2

Có lẽ chúng ta đã nghe nhiều đến đồng tiền của bà góa đã được các thánh sử nhắc lại: bà chỉ dâng cúng hai đồng tiền kẽm, thế mà Chúa Giêsu ca ngợi là bà đã cho nhiều nhất.

“Cái nhiều” mà Chúa Giêsu dành để ca tụng lòng quảng đại của bà góa không là cái nhiều của toán học, cái nhiều được đong đếm bằng những con số. Bởi đức ái không thể cân đo đong đếm. Chúa Giêsu nhìn thấy nơi hai đồng tiền kẽm mà bà góa dâng cúng chứa đựng cả một kho tàng, vì bà đã dâng tất cả gia tài của bà, bà đã cho tất cả những gì mà bà có thể. 

Mỗi một Chúa Nhật, chúng ta đều dâng cúng một ít tiền, được gọi là tiền thau, để giúp nhà thờ chi phí các công việc mục vụ, nhất là công việc bác ái. Đây là một việc làm nói lên sự cộng tác của người giáo dân trong công việc xây dựng và phát triển Giáo Hội, chia sẻ với các sinh hoạt của Giáo Hội. Thế nhưng, chúng ta thường đắn đo khi bỏ tiền vào rổ: không biết như vậy là có nhiều không. Và kết quả là tiền thau thường là những đồng tiền lẻ! Dĩ nhiên, Chúa không đánh giá hành vi dâng cúng của chúng ta bằng những giá trị vật chất bên ngoài, Chúa chỉ nhìn đến tấm lòng. Chỉ có tấm lòng mới quyết định giá trị hành vi bác ái của chúng ta. 

Cho nên những đồng bạc dâng cúng của mỗi người phải là dấu chỉ thể hiện lòng mến, chứ không phải vì sỉ diện hay tự ái, hoặc làm chiếu lệ. Đó phải là của lễ được đúc nên bởi những lao công vất vả, bởi những hy sinh từ bỏ, bởi một trái tim luôn hướng đến những thiếu thốn, những cùng cực của người khác. Đó cũng chính là lời tạ ơn dâng lên cho Thiên Chúa, bởi những gì chúng ta có đều nhận được từ nơi Thiên Chúa. Của lễ tạ ơn phải là của lễ được gói ghém bởi tấm lòng tri ân chân thành.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã giáo huấn rằng, mọi hành vi bác ái cần phải được con tim hướng dẫn: “Cần phải quan tâm đến kẻ khác bằng con tim”. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng có ích gì cho tôi” (1Cor 13,1). Do đó, các hành vi bác ái của chúng ta phải được thực hiện từ lòng mến chân thành: "mến Chúa và yêu thương tha nhân". Nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khốn cùng của tha nhân để hành vi bác ái của chúng ta thực sự là hành vi hiệp thông đau khổ của Đức Kitô.

Lạy Chúa, Chúa không cần của lễ của chúng con, bởi thực ra, chúng con chẳng có gì, tất cả những gì chúng con có đều do bởi Chúa, Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng con, một tấm lòng biết ơn về những gì chúng con có. Lạy Chúa, xin cho cuộc đời chúng con là lời tạ ơn dâng lên Chúa, lời tạ ơn được đúc kết bởi một trái tim yêu thương chân thành. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường