Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Phút suy niệm ngày 26/11/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 26/11/2018
“Thầy bảo thật anh em, bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 11,3).
Người ta thường nói: “xem mặt mà bắt hình dong”. để dựa vào dáng vẻ bề ngoài mà biết giá trị con người. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu đối nghịch với câu trước. cả hai câu không nói lên được điều xác thực.
Đức Giêsu đánh giá trị con người qua việc làm và từ đáy lòng con người. Thấy bà góa nghèo bỏ 2 đồng xu lẻ vào thùng công đức, Ngài khen bà vì bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với cả tấm lòng.
Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng con tự hỏi: Chúng con đã đối xử với Chúa như thế nào?, đã dâng cho Chúa, cho Giáo hội tất cả tấm lòng thành thật chưa, hay chỉ là hình thức bề ngoài?.
Lạy Chúa. Xin đừng để chúng con tính toán khi làm việc cho Chúa, cho anh em. Chúa muốn nơi chúng con là lòng chân thành. Xin cho chúng con sử dụng những gì Chúa ban cho đẹp ý Chúa, mưu ích cho bản thân và cho anh em chúng con. Amen.


THÁNH SILVÊTÊ
TU VIỆN TRƯỞNG
Để khuyến khích giáo hữu làm việc lành, vào đầu thế kỷ XIII, Giáo hội đã tìm lại được gương thánh Đaminh và thánh Phanxicô. Những tu viện trưởng cổ kính ấy đã ngưng hoạt động? Có lẽ phần nào đúng. Nhưng một cổ động viên như thánh Silvêtê đã biết tìm lại vẻ sán lạn dòng ấy khi cương quyết đưa nó trở về nguồn.
Thánh Silvêtê sinh quãng năm 1177 tại Ôsimô, con trai một luật gia Ghislêriô Giacôbê và bà Bianca Ghisheri.
Lớn lên, ngài là một thanh niên tốt nết, có thiên tài và được gửi học tại các trường Bôlônia và Pavia. Tại đó ngài kết thân với Beneventuro Scathroli, Giám mục tương lai thành Ancônê. Nhưng sau khi thấy học luật bất lợi, ngài chú tâm vào thần học. Ngài đã uống và uống một cách say sưa nơi nguồn suối Đấng Cứu Thế, để rồi sẽ làm sống lại những kẻ chết khát. Nhưng cha ngài đã không bằng lòng về chuyện ngài đổi môn học đó, nên gọi ngài về và xử với ngài gần như một tôi tớ trong suốt mười năm. Song trong đêm tối, ánh sáng êm dịu đó vẫn không tắt, vì một giáo sĩ ở miền ấy đã xin được với cha ngài cho Silvêtê vào giúp việc mình. Ít lâu sau Silvêtê trở thành một linh mục, một linh mục dòng nhiệt tâm. Kiến thức của người sinh viên xưa đã làm cho lời ngài giảng có sức hấp dẫn lạ thường.
Người ta thuật lại rằng: nhân một đám tang, ngài tới nghĩa trang và nhìn thấy dưới huyệt xác của người đàn bà xưa kia nổi tiếng là đẹp đẽ kiều diễm. Cảnh tượng ấy làm cho ngài sao xuyến và ngay đêm đó nhờ một người bạn giúp đỡ, ngài đã bỏ nhà tới khu rừng âm u thuộc miền Sossa, không xa Valcastô, nơi đây thánh Rômualđô đã chết trước đó hai thế kỷ. Có một người đến xin làm đồ đệ ngài. Nhưng rồi chẳng bao lâu, đời sống thanh vắng tại Grotta Fucilia của thánh nhân bị khách hành hương và bạn bè tới quấy nhiễu. Vì thế thánh nhân rời sang nơi khác thanh vắng hơn ở Montê Fanô gần Fabianô. Tại đó ngài sống trong hang với một con sói. Tuy vậy các bạn ngài vẫn cứ tới thăm luôn. Năm 1231, ngài lập một tu viện nhỏ và tu viện đó lan rộng ra rất mau, cũng như thánh Bênêđictô ở Subiacô trong quãng năm 1231 đến năm 1267, thánh Silvêtê đã lập được cả thảy 12 nhà, gồm 433 tu sĩ. Đồi Montê Fanô đã được dâng kính Nữ Vương trên trời và thánh Bênêđictộ Đức Giáo Hoàng Innôcentê IV đã châu phê luật dòng mới này năm 1247.
Đời sống các tu sĩ này theo gương thánh Bênêđictô. Lý tưởng sống nhiệm nhặt không kém các tu sĩ hành khất đã mang lại kết quả lớn lao.
Thánh Silvêtê qua đời tại Montê Fanô đêm 26.11.1267, Đức Giáo Hoàng Clêmentê IV đã tức khắc ban phép lập hồ sơ phong thánh cho ngài tại địa phận, và lòng tôn kính thánh nhân đã bắt đầu ngay từ thế kỷ thứ XIII. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII lập lễ kính ngài trong toàn thể Giáo hội năm 1890. Tên thánh Silvêtê đã được ghi vào danh sách các thánh tử đạo năm 1598 và Đức Giáo Hoàng Phaolô V hết lời tán tụng thánh nhân. Người ta bắt đầu nói tới dòng thánh Silvêtê từ năm 1301. Năm 1233 dòng nữ Silvêtê đầu tiên đã được thiết lập. Hiện nay các tu sĩ dòng thánh Silvêtê hiến thân làm việc truyền giáo tại Tích lan, Bắc Phi và Úc châu.