Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 10/11/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 16, 9-15
9“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
Suy niệm
Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền
người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật…
Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa: 
đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi.
Ngay cả các kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa,
và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,
cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay.
Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,
nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này.
Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13).
Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.
Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?
Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi.
Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.
Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do-thái cổ 
có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa.Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,
nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa, 
thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),
nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.
Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.
Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân 
thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất.
Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.
Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn
cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời.
Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.
Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta, 
để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời?
Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.
Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái,
để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.
Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,
và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi.
Dù không phải là một kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật, 
nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.
Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,
đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.
Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2
Tiền là cần thiết cho sự phát triển của con người và xã hội. Tiền có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Ai cũng cần có tiền để sinh sống, đến nỗi người ta hay nói kháo với nhau rằng: “Tiền là Tiên, là Phật; là sức bật của lò xo; là thước đo con người; là tiếng cười tuổi trẻ; là sức khỏe ông già…”. Và do đó, không biết từ bao giờ tiền đã đi liền với tham lam, như tội lỗi đeo đẳng trong kiếp con người. Người tham lam nên chỉ biết nghĩ đến mình, bất chấp thủ đoạn và thiệt hại gây cho kẻ khác. Như thế, cuối cùng tham lam cũng là một hình thức xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Khi biết rõ tác hại của sự tham lam lam, nên trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi: hãy chọn lựa dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của; bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được! Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ trở nên xấu khi con người coi tiền của là cùng đích của cuộc sống. Nói cách khác: không có tiền của xấu mà chỉ có cách tìm kiếm và sử dụng xấu mà thôi ! Khi con người sẵn sàng để chết tiếng lương tâm, sẵn sàng chối bỏ cuộc sống của mình, chà đạp lên nhân phẩm của người khác để có tiền, qua đó họ chối bỏ luôn cả Thiên Chúa thì lúc đó tiền của đã trở thành cực kỳ xấu. Tiền của sẽ dẫn đến lòng tham, tham sẽ ích kỷ chĩ biết bo bo giữ lấy cho mình, ai chết mặc ai, rồi cuối cùng khi sống như thế họ cũng trở thành kẻ tự hủy vì họ đã chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Trong xã hội, tham lam có mặt trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đó âu cũng là lẽ hiển nhiên. Thế nhưng, “thà đốt lên một ngọn lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối cuộc đời”. Chúng ta hãy vững tin và chọn lựa Thiên Chúa; hãy cố gắng loại ra khỏi con người chúng ta sự tham lam ích kỷ, thói lừa đảo quanh co; chúng ta hãy trung tín với Chúa cũng như là trung tín trong việc sử dụng tiền của để mua lấy Nước Trời; và “Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu” để sau này họ đón anh em vào Nước Trời.

Hơn nữa, của cải vật chất là để con người cùng hưởng dùng, cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống; do đó, một khi sống ích kỷ, không quan tâm đến người khác, khước từ chia sẻ là lúc đó chúng ta thể hiện lòng tham của mình. “Không ai có thể làm tôi hai chủ”, của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta tôn thờ người chủ độc nhất và là cùng đích của đời sống là chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời trong khi mưu cầu cho cuộc sống. Xin cho chúng con biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường