Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 19/10/2018

Filled under:

Tin Mừng : Lc 12, 1-7

Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ : “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.
“Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Suy niệm:

Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,
Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.
Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).
Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,
đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).

Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,
khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.
Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.
Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.
Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.
“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).
Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.
Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,
nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.
“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;
điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).
Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,
vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,
mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.
Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.

Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.
Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.
Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.
Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).
Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,
nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.
Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).
Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.
Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.
Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,
nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.

Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.
Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,
tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.
Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,
thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.
Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,
thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.

Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.
Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.
Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan
để con biết sợ điều phải sợ.
Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,
nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.
Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,
nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.

Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,
những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,
những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.
Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,
tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.

Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường
để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,
và ngắm chính mình mỗi ngày,
để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.
Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,
để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,
nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.
Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Suy niệm

Thánh Phaolô thánh giá sinh tại Ôviđa nước Ý năm 1694, trong một gia đình thương gia giàu có, đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được mẹ dạy dỗ về đạo hạnh, nhất là dạy về lòng tôn kính cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bởi đó, lớn lên, ngài hết lòng yêu mến cuộc thụ nạn của Chúa. Hằng ngày thánh nhân thực hiện việc hãm mình, phạt xác và ăn chay cầu nguyện, quỳ gối lâu giờ trước ảnh thánh giá Chúa. Năm 20 tuổi, thánh Phaolô gia nhập đạo binh thánh giá, tham gia bảo vệ Hội Thánh, chống lại quân Hồi giáo xâm lăng thánh địa Giêrusalem.

 Ngài chịu chức linh mục năm 1727 và lập dòng Thương Khó. Linh đạo của nhà dòng là gắn bó với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài thường nói với các tu sĩ của nhà dòng rằng: “Khi nào thánh giá của Chúa Giêsu dịu hiền đã đâm rễ trong tâm trí anh em, lúc ấy anh em hãy ca lên rằng: Chịu khổ chứ không chịu chết, hay là hoặc chịu khổ, hoặc chịu chết, hay hơn nữa, chẳng chịu khổ cũng chẳng chịu chết, nhưng chỉ trọn vẹn tuân theo thánh ý Chúa”.

 Ngoài việc đào tạo các tu sĩ, thánh nhân còn đi khắp nước Ý, rao giảng kêu gọi mọi người tôn sùng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Đi tới đâu, dân chúng cũng đón tiếp thánh nhân nồng hậu, kính cẩn, vì họ nhìn nhận ngài là một vị thánh. Ngài qua đời ngày 18.10.1775. Năm 1865, thánh Phaolô thánh giá được tôn phong hiển thánh.

 Thánh giá là nguồn sống, là biểu tượng khôn tả của tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Bắt chước thánh Phaolô thánh giá, chúng ta hãy yêu mến thánh giá Chúa, tôn sùng thánh giá Chúa, tôn sùng cuộc khổ nạn của Chúa. Chúng ta chấp nhận vác lấy thánh giá của đời mình. Nhất là trong những lúc nguy nan, khốn khó, chúng ta càng phải nhìn lên cuộc thương khó của Chúa để đủ sức vác lấy thập giá đời mình. Nguyện xin thánh Phaolô thánh giá luôn cầu bàu cho chúng ta, để giống như ngài, sau khi đi qua cuộc đời với sức nặng của thánh giá giữa đời, Chúa đón nhận chúng ta trong ơn phục sinh vĩnh cửu.

 Lạy Chúa, ơn gọi nên thánh là ơn gọi cao quý đối với chúng con, xin cho chúng con biết trung thành giữ đạo và sống đạo đến cùng. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường