Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 15/06/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 5, 27-32
Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục. Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Suy nim 1
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu,
và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa.
Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê.
Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động,
mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim,
khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt.
Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn.
Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp,
nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài,
nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy.
Thèm muốn này có tính chiếm đoạt.
Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười:
chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17).
Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt.
vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ.
Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới.
Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”.
Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô.
Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế.
Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự.
Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối.
Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội.
Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ.
Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm.
Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ.
Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài.
Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt,
thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời
còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.
Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt,
vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng.
Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn
mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.
Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế?
Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt?
Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?
Cầu nguyn:

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Trang Tin mừng này mang đến một lời nhắc nhở rất kín kẽ và quyết liệt trong đời sống đạo. Trong hành trình đức tin, bài học về đức ái, sự bao dung và lòng vị tha luôn là một thách đố không nhỏ cho mọi tín hữu, kể cả hàng giáo sĩ và tu sĩ. Dẫu sao, chúng ta cũng không nên vì thế mà nản lòng hoặc buông suôi trước những khó khăn và cản trở, vì chính những điều này giúp chúng ta thẩm định chắc chắn hơn bao giờ hết về niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Nhìn trong lăng kính của niềm tin, chúng ta được mời gọi để trung thành tuân giữ trọn hảo luật đức ái. Chỉ có cái nhìn nhân ái, sự vị tha và sự bao dung mới phản ánh chân dung đích thực của một Thiên Chúa tình yêu, cũng như phản ánh sáng tỏ hơn niềm tin hành động của chúng ta với anh chị em. Đó cũng là tâm niệm và sự thấm nhuần trong ý thức và trong trái tim, tạo nên sự thống nhất giữa lời nói và hành động, để cách thức này mang đến hoa trái dồi dào là xoá đi ngăn cách, hoài nghi, gia tăng niềm tin và tình yêu nơi thế giới này. 

Chúng ta nhận ra mối liên hệ chặt chẽ với niềm hy vọng phục sinh mai sau. Nếu chúng ta không tin vào sự sống lại thì hẳn việc thực hành đức ái vô vị lợi cũng như chân lý Chúa Giêsu đặt để chẳng có ích lợi chi khi dặn dò các môn đệ: “Không phải tha thứ 7 lần mà là bảy mươi lần bảy”. Chúng ta có thể sẽ phải chịu thiệt thòi, phải hạ mình xuống và vượt qua những lý tính, tình cảm của con người thuần tuý để vươn lên trong sự tự do mà Thiên Chúa đặt để lúc ban đầu trong tâm hồn con người. Chính trong sự tự do thiện hảo này, chúng ta tìm được cách thức nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường