Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Bài giảng Lễ Khai mạc Năm Thánh Mừng 30 năm tuyên phong Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam

Filled under:


  •  
  •  
  •  
Bài giảng Lễ Khai mạc Năm Thánh Mừng 30 năm tuyên phong Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam
Cách đây đúng 30 năm, ngày 19-6-1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 vị tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong chương trình quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự kiện đã làm cho mọi người biết đến các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lúc bấy giờ, các phương tiện truyền thông của Việt Nam, từ báo chí đến truyền hình và truyền thanh, tất cả đều phản đối việc phong thánh tử đạo. Cho nên không những các Kitô hữu trong Hội Thánh Công giáo, mà cả các tín đồ của các tôn giáo khác, cả anh chị em lương dân, kể cả người không tin Chúa, ở đâu người ta cũng bàn tán về việc phong thánh. Họ hỏi nhau : các thánh tử đạo Việt Nam là ai vậy, họ đã làm gì, phong thánh là gì. Thật là nhiệm mầu:  những người đã chết lặng lẽ trong khổ đau, nay lại được khải hoàn trên thiên quốc, được tôn vinh trong Giáo hội hoàn vũ, được biết đến ngay tại quê hương Việt Nam.
Tin Mừng đã đến Việt Nam từ năm 1516, khi ông Andrade người Bồ bị bão đánh trôi dạt vào Cù lao Chăm. Năm 1523, ông trở lại xin buôn bán nhưng việc không thành nên đã dựng Thánh giá ở đây. Từ năm 1533, các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chỉ trong thời gian ngắn, ngay cả trước khi chính quyền Pháp đến Việt Nam, số tín hữu gia tăng rất nhiều. Năm 1855, Hội Thánh Việt Nam đã có 426.000 tín hữu.
Suốt ba thế kỷ, đã xảy ra nhiều cuộc bách hại đẫm máu, ước tính khoảng 300.000 người đã chịu chết vì Danh Chúa Giêsu. Vị tử đạo đầu tiên là thầy giảng Anrê Phú Yên đã bị chém đầu vào năm 1644 và được phong chân phước năm 2000.
Riêng trong giai đoạn từ 1857 đến 1862, có khoảng 5.000 tín hữu bị giết, 40.000 tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Trong số này, 117 vị đã được tuyên phong là Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam : có 8 giám mục và 13 linh mục là người nước ngoài, 96 vị là người Việt Nam trong đó có 37 linh mục và 59 vị khác gồm 14 thầy giảng, 1 chủng sinh, số còn lại là giáo dân, đặc biệt có một phụ nữ duy nhất là bà Anê Lê Thị Thành.
Giáo phận Phát Diệm cũng được vinh dự góp phần bốn vị tử đạo đã sinh trưởng tại đây :
Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, sinh năm 1771 tại Trại Bò, nay thuộc xứ Hiếu Thuận, tử đạo năm 1840 ; thầy giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, sinh năm 1796 tại làng Nộn Khê, nay thuộc xứ Quảng Phúc, tử đạo năm 1840 ; thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự, sinh năm 1811 tại Bình Hòa, tử đạo năm 1840 ; và bà Anê Lê Thị Thành, sinh khoảng năm 1781 tại Bái Đền, thuộc Thanh Hóa, sau về sống tại thôn Đồng, thuộc xứ Phúc Nhạc, tử đạo năm 1841.
Các vị tử đạo là ai ? Các ngài đã làm gì ?
Các thánh tử đạo là chứng nhân, người làm chứng cho Chúa Giêsu, đã sống Tin Mừng của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Với đức tin trung kiên và đức bác ái nồng nàn, các ngài đã tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương, sống thân ái với mọi người, quảng đại giúp đỡ người nghèo khổ, tôn kính tổ tiên, chăm lo cho hạnh phúc gia đình.
Đời sống các ngài thật tốt và không có điều gì phạm pháp ; các ngài chịu chết chỉ vì tin vào Chúa Giêsu. “Mặt đất đầy máu các vị tử đạo tựa như hạt giống, và từ hạt giống ấy nảy ra mùa gặt của Hội Thánh. Những người chết khẳng định Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn những người sống. Ngày hôm nay các ngài đang khẳng định, ngày hôm nay các ngài đang rao giảng : tuy lưỡi đã im bặt, nhưng việc làm vẫn còn reo vang” (thánh Augustinô) … Thập giá Đức Kitô, mà họ đã thờ lạy chứ không chà đạp, đã trở thành sự sống và ơn cứu độ cho hết mọi người (Sắc chỉ phong Thánh Tử đạo Việt Nam).
Hôm nay, thật là thích hợp để chúng ta nghe lại lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lễ phong thánh ngày 19-6-1988 :
Chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 1, 23).
Mượn lời trên đây của thánh Phaolô, Giáo hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc Việt Nam được muôn phần khang an…
Tôi cất tiếng với anh chị em để hô vang Chúa Kitô tử nạn thập giá. Tất cả chúng tôi hôm nay gởi lời cám ơn anh chị em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các Thánh Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam…
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông đồ và những ai theo chân Ngài sẽ bị bách hại : “Họ sẽ lôi các con ra toà công nghị, sẽ đánh đập các con giữa hội đường, sẽ điệu các con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại … Khi bị nộp vào tay họ, các con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy cho các con những điều phải nói. Vì thực ra không phải các con nói, nhưng Chúa Thánh Thần của Chúa Cha nói trong các con”…
Thật vậy, cần phải có sức mạnh và khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm Tình Yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên thập giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận của loài người. “Vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan của người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn cả sức mạnh của phàm nhân” (1 Cr 1, 25)…
Đoàn thể đông đảo các vị Tử đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt …, tất cả đã tạo nên “mùa lúa vàng” của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy. Tôi xin mượn dịp này để nêu lên trước toàn thể Giáo hội sức sinh động và tầm vóc hùng tráng của Giáo hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng:  Máu các Thánh Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những ai là người Việt Nam vừa trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô. 
“Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
“Hạt giống sinh ra các tín hữu”: ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay đó là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng đáng danh hiệu những người quản lý trung thành trong Nước Trời.
“Hạt giống sinh ra các tín hữu”: đó là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập giá của Chúa Kitô. Thánh giá bài trừ gian dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho Nước Chúa trị đến trong tâm hồn nhân loại, và đặc biệt tại quê hương là môi trường sống của mình …”
Chúng ta sẽ làm gì trong Năm Thánh để mừng 30 năm ngày hồng phúc của Hội Thánh Việt Nam? Ngoài việc cử hành lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay, các giáo xứ sẽ luân phiên đến hành hương tại Đền Thánh Tử Đạo Phúc Nhạc để tạ ơn về hồng ân tử đạo, suy gẫm cầu nguyện, lãnh ơn toàn xá.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hướng dẫn cộng đoàn Dân Chúa như sau :
“Cùng với cuộc hành hương và làm việc đạo đức, các Kitô hữu cần làm các việc bác ái tông đồ : thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật …, đó là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36) ; đồng thời biết sám hối hi sinh : hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết, để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng.
Năm Thánh mời gọi các tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để bắt chước các ngài sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay bằng cách chọn Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống, để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.
Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc. Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá ; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi.
Các linh mục hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 15), và hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa, giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Ước mong anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.”
+ Gm Giuse Nguyễn Năng

Toàn văn Bài giảng của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt tại Sở Kiện

  •  
  •  
  •  
Toàn văn Bài giảng của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt tại Sở Kiện
Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã giảng lễ trong Thánh lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện ngày 19/6/2018.
Trọng kính Đức Hồng Y và quý Đức Cha!Kính thưa quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn.
Cách đây đúng 30 năm, tại đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức và long trọng tuyên phong hiển thánh cho 117 chân phước tử đạo của Hội Thánh tại Việt Nam. Hôm ấy, ngài đã nói: “Giáo Hội Rôma hôm nay gửi lời chào Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quí quốc được trăm phần an lành.
Hôm nay kỷ niệm biến cố trọng đại ấy, hòa chung với lời tạ ơn của cộng đồng Dân Chúa trên quê hương Việt Nam thân yêu và của các tín hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới, lòng tràn ngập niềm vui, chúng ta diễn tả bằng một câu trong thánh vịnh:
“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đạiTa thấy mình chan chứa một niềm vui”
Cách đây 2500 năm, dân Israel đã hát như vậy khi họ rời Babylon, nơi họ bị lưu đày 50 năm, để trở về quê hương. Quê hương của họ là đất Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham, và sau đó ông Môsê đã dẫn đưa họ rời bỏ kiếp nô lệ Ai Cập để đến đó lập nghiệp và xây dựng đền thờ. Niềm vui của chúng ta hôm nay có được nhờ các bậc tiền nhân đã trung thành đến cùng khi tiến bước theo Chúa Giêsu giữa trần gian với đức tin, đức cậy và đức mến.
Tại Việt Nam, gần 500 năm trước, cây Thánh Giá đầu tiên đã được trồng tại Cù Lao Chàm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Nam. Ít lâu sau, những nhà truyền giáo Châu Âu chính thức đến loan báo Tin Mừng cứu độ. Dần dần Tin Mừng được đón nhận và lan tỏa cả ở trong Nam cũng như ngoài Bắc. Các vị thừa sai cho biết trong khắp vùng Đông Á, người Việt Nam chúng ta có nếp sống gần với Tin Mừng nhất, nên dễ đón nhận đức tin nhất. Chỉ trong vòng 50 năm, số tín hữu đã lên đến con số trên dưới 300 ngàn. Tuy nhiên, gần như ngay từ đầu, đã có những tín hữu bị kết án tử hình, tiêu biểu là chân phước Anrê Phú Yên ở Hội An năm 1644. Đặc biệt vào thế kỷ 19, các cuộc bách hại lan rộng và khốc liệt, và các bậc tiền nhân chúng ta đã có cơ hội bày tỏ lòng trung kiên hiếm có. Một linh mục giáo sư người Đức trong tác phẩm về cha Đắc Lộ gần đây đã viết: “Nếu trên thế giới này có một đất nước nào đáng được gọi là đất nước của các vị tử đạo thì chắc chắn đó phải là nước Việt Nam, vì 117 vị được tuyên thánh năm 1988 chỉ là 1 phần ngàn số tín hữu đã thực sự chết vì đạo.” Nếu dành mỗi ngày 8 giờ để đọc tiểu sử 8 vị thì phải dành ra 44 năm rưỡi mới đọc xong 1 lượt, còn nếu mỗi ngày chỉ đọc truyện 1 vị thì phải mất 356 năm.
Hôm nay chúng ta có thể cùng diễn tả lại niềm vui sâu xa và dào dạt với các thánh Tử đạo Việt Nam và với toàn thể Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh tại Việt Nam. Các ngài đã thực sự cùng chết với Chúa Giêsu và sống lại với Chúa trong vinh phúc, để Hội Thánh Việt Nam trổ sinh hoa trái dồi dào: “Hạt lúa gieo xuống đất nếu không thối đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt.”
Trong muôn vàn gương mẫu, chúng ta có thể nhớ đặc biệt đến thánh Anrê Dũng Lạc và thánh Anê Lê Thị Thành.
Thánh Anrê Dũng Lạc tên thật là Trần An Dũng sinh năm 1795 tại Bắc Ninh, trong một gia đình lương dân. Năm ngài khoảng 10 tuổi ngài theo gia đình đến Hà Nội làm ăn sinh sống. Một thầy giảng thấy ngài ngoan ngoãn và sáng trí đã xin gia đình cho ngài đi học. Ngay khi gia nhập Hội Thánh, ngài quyết tâm dâng mình cho Chúa. Sau thời gian tu học, ngài được làm thầy giảng. Năm 28 tuổi, ngài thụ phong linh mục và được sai đến giúp giáo dân khu vực Hà Nam. Năm 40 tuổi, ngài làm chính xứ Kẻ Đầm, tức là Bích Trì hiện nay, đang lúc cuộc bách hại trở nên gay gắt. Ngài phải lén lút nay đây mai đó, âm thầm dâng lễ, dạy giáo lý và cử hành các bí tích ban đêm, thường chỉ có năm mươi giáo dân tham dự. Ngài sống rất nhiệm nhặt và khiêm tốn, nhưng tận tụy và can đảm chăm sóc đoàn chiên.
Một hôm ngài đến dâng lễ ở Kẻ Xui, nay là xứ Phú Lương, thì bị bắt. Giáo dân đã dùng tiền “chuộc” ngài. Từ đó, ngài nhận tên mới là Lạc, nên ngày nay chúng ta quen gọi ngài là cha Dũng Lạc. Lần khác ngài đến Kẻ Sông xưng tội với cha thánh Phêrô Thi. Cả hai cha cùng bị lính bắt. Giáo dân Kẻ Đầm đến “chuộc” hai cha nhưng chỉ chuộc được cha Dũng Lạc, vì lính đòi thêm tiền. Đang trên thuyền thì gặp trời mưa, ngài phải lên trú chân ở một nhà trên bờ sông. Một toán lính khác lại đến bắt. Giáo dân muốn “chuộc” ngài, nhưng ngài “không dám chối Chúa 3 lần”, nên bị bắt giam tại huyện Bình Lục cùng với cha thánh Phêrô Thi. Quan huyện rất tử tế với các ngài, vì biết các ngài có học và chuyên giúp đỡ giáo dân chứ không có tội gì. Lính thấy hai ngài vẫn vui vẻ thì hỏi: “ Các ông không sợ à ?” Cha Dũng Lạc đáp: “Vua cấm đạo, chúng tôi chẳng những không sợ mà còn vui nữa, vì có dịp chịu khổ và chịu chết với Chúa.” Khi quan cho giải các ngài về Hà Nội, giáo dân lại muốn “chuộc”, nhưng cha Dũng Lạc viết thư xin Đức Cha để ngài chịu chết vì Chúa. Khi dân chúng khóc lóc tiễn hai cha xuống thuyền đi Hà Nội, cha Dũng Lạc khuyên bảo họ đừng khóc, nhưng hãy trung thành với Chúa và yêu mến nhau.
Ở trại giam Hà Nội, hai vị bị giam cầm, gông cùm xiềng xích,, nhiều lần được dỗ ngon dỗ ngọt bước qua Thánh Giá. Có lần lính khiêng ngài lên, kéo chân ngài chạm vào Thánh Giá, nhưng ngài nói: “Cứ chặt chân tôi đi, chứ tôi không bao giờ dẫm lên Thánh Giá đâu.” Khi lệnh xử trảm của vua Minh Mạng về đến trại giam, hai ngài ký vào bản án. Sau đó cha Dũng Lạc làm bài thơ gửi cho một cha bạn tên là Thực, chưa bị bắt :
"Lạc rầy đã rõ chốn quân quanBút chép thơ này gửi thở thanLòng nhớ bạn, nỗi còn vất vảDạ thương khách, chạy giữa yên hànĐông qua tiết lại thì xuân tớiKhổ trảm mai sau hưởng phúc anLàm kẻ anh hùng chi quản khóNguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng."
Ngày 21/12/1840, hai cha Phêrô Thi và Anrê Dũng Lạc được dẫn đến pháp trường Cầu Giấy. Khi ra khỏi cổng thành Hà Nội, cha Dũng Lạc chắp tay hát lớn tiếng:
"Muôn nước hỡi, nào ca ngợi ChúaNgàn dân ơi, hãy chúc tụng Người.”
Đến nơi xử, hai cha quỳ xuống cầu nguyện, rồi nghiêng đầu cho lính chém cổ. Giáo dân thấm máu các ngài, thu nhặt các di vật, rồi đưa xác hai ngài về Kẻ Sở cầu nguyện và ca hát tạ ơn Chúa.
Thánh Anê Lê Thị Thành, quen gọi là Bà Thánh Đê, sinh năm 1781 ở Thanh Hóa, gia đình chuyển đến sinh sống ở xứ Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Tại đây, ngài bị bắt vào sáng lễ Phục Sinh năm 1841 vì giấu một linh mục ở rãnh, phủ rơm lên trên. Ngài bị giam ở Nam Định và qua đời ở đó ngày 12/7/1841, dưới triều vua Thiệu Trị, thọ 60 tuổi.
Ngài kết hôn năm 19 tuổi. Là người vợ và người mẹ trong gia đình, ngài làm việc đồng áng, nuôi tằm kéo tơ, chăm sóc gia đình 6 người con. Ngài siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng và tối. Gia đình Ngài được mọi người quý mến vì rất hiền lành và tận tụy. Lúc bị bắt, ngài hết sức sợ hãi. Ngài phải mang gông cùm, xiềng xích và tống giam, bị quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh ép dẫm lên thánh giá. Có lần quan ra lệnh cho ngài, khai nơi các cha trú ẩn, ngài một mực từ chối, nên bị đánh đòn đến chảy máu ở nhiều vết thương trên người. Con gái ngài đến thăm thấy vậy thì khóc, ngài bảo: “Chúa cho mẹ mặc áo hoa hồng đấy! Các con hãy cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá với Chúa.” Nhưng với người khác, ngài nói: “Họ đánh tôi đến cả các ông cũng không chịu được, nhưng Chúa thêm sức cho tôi.” Quan cho lính bắt rắn độc bỏ vào trong áo ngài để ép, nhưng ngài cương quyết từ chối. Chẳng hiểu vì sao con rắn trườn ra mà ngài không hề hấn gì. Quan cho lính khiêng ngài lên để chân ngài chạm vào thánh giá, ngài quỳ gối cung kính trước thánh giá: “Lạy Chúa, con là đàn bà yếu đuối, người ta dí chân con vào thánh giá, con không đời nào làm như vậy.
Khoảng hai tuần lễ cuối đời, ngài lên cơn sốt mê man, lính xin quan tháo gông cùm cho ngài, nhưng quan không đồng ý. Trong cơn hôn mê, ngài luôn miệng nói: “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết trên thánh giá vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.” Ngài trút hơi thở cuối cùng trong trại giam sau ba tháng bị giam cầm và tra tấn.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã sống Lời Chúa chúng ta vừa nghe:
Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ”
“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như lễ vật toàn thiêu”
“Chúng tôi luôn mang trong thân xác mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được thể hiện nơi thân xác chúng tôi.”
“Nếu anh em bị sỉ nhục vì Danh Đức Kitô thì phúc cho anh em, vì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ngự trên anh em.”
“Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan.”
Xưa dân Israel đã bỏ đất nô lệ là Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ và sa mạc để vào Đất Hứa, rồi bỏ đất lưu đầy là Babylon vượt qua sa mạc về lại Đất Hứa. Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc Vượt Qua có một không hai trong lịch sử nhân loại: Vượt Qua cái chết để bước vào cõi Hằng Sống. Lịch sử Hội thánh không ngừng tái diễn khuôn mẫu Vượt Qua ấy, và các thánh Tử đạo là những mẫu gương sống động tiêu biểu: cùng Vượt Qua với Chúa Giêsu, để cùng sống với Chúa.
Trong cuộc Vượt Qua ấy, Hội Thánh đã làm được gì cho quê hương? Trước hết các ngài đã đem máu của mình làm chứng về một trời mới đất mới do Chúa Giêsu khởi sự: “Đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, hoặc “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đêm an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Đó là mơ ước của con người trong mọi thời đại, ở bất kỳ nơi đâu trên hành tinh xanh này. Thứ đến, Hội thánh đã góp phần đáng kể vào văn hóa dân tộc. Trước hết là cái nhìn độc đáo về con người, dù là nam hay nữ, lớn hay bé, trong bất kể hoàn cảnh hay địa vị nào, kể cả người khuyết tật hay thiểu năng, đều là hình ảnh Thiên Chúa nên bình đẳng và phải được tôn trọng. Hơn nữa, mọi người được mời gọi thực thi công bình và bác ái: đây chính là Trời mới đất mới hay nền văn minh đích thực. Thêm vào đó là chữ Quốc ngữ cả nước đang dùng: do thế hệ đầu tiên của Hội Thánh tại Việt Nam, gồm các giáo dân trí thức và các linh mục thừa sai tạo ra, lối viết tiếng Việt Nam này đã góp phần đáng kể vào viẹc phát triển toàn diện của cả dân nước. Ngoài ra, các hoạt động giáo dục và từ thiện đã góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn và nhân ái hơn.
Ngày nay, chúng ta được mời gọi tiếp bước các vị tử đạo trong hoàn cảnh mới và với những phương thế mới. Đây vẫn là mầu nhiệm Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã mở ra, các tông đồ và cả Hội Thánh tiếp bước, trong đó có các bậc tiền nhân của chúng ta. Thời nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, con người đều khao khát hưởng công bình và bác ái. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa, mỗi người trong hoàn cảnh và khả năng của minh, chủ yếu là yêu mến, thể hiện qua não trạng và nếp sống công bình và bác ái mọi nơi mọi lúc, theo gương Chúa Giêsu: yêu đến cùng. Kế đến, cùng với mọi người thành tâm thiện chí, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, lập trường chính trị, nắm tay nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống trê quê hương Việt Nam thân yêu. Nếu gặp khó khăn hay khổ nhục, hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh giá, nhớ lại lời khuyên của thánh Phaolô: “Những gian nan và thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1, 24)
Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”. Chắc chắn đó không phải là chiến thắng theo mô thức quân sự, chính trị hay kinh tế, nhưng là chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa, mà mẫu mực là Chúa Giêsu và động lực là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu vì yêu mến con người. Các thánh tử đạo hòa trộn máu các ngài với máu của Chúa. Tiếp bước các bậc tiền nhân vinh hiển, và nhờ lời cầu khẩn của các ngài, chúng ta thực hiện cuộc Vượt Qua trong hoàn cảnh hiện này nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, hòa trộn mồ hôi và nước mắt với máu của các bậc tiền nhân để trở nên một với của lễ là chính Chúa Giêsu tư tế và lễ vật đích thực đẹp lòng Thiên Chúa để đem lại hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho con người.
Hy vọng vác thể hệ mai sau muôn người như một được hưởng niềm vui lời thánh vịnh này:
“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộHòa bình công lý đã giao duyên”
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, chúng con cảm tạ các ngài. Xin các ngài phù hộ Hội thánh tại Việt Nam và cả đất nước Việt Nam. Xin Mẹ Maria là Nữ vương các thánh tử đạo chuyển cầu cho chúng con và toàn thế giới. Xin Thiên Chúa là Cha nhân từ chúc phúc cho chúng con và quê hương Việt Nam chúng con.