Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Phút suy niệm ngày 26/6/2018

Filled under:


Phút suy niệm ngày 26/6/2018
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14).
Đường cao cửa rộng là ước mơ của nhiều người, còn đường chật cửa hẹp thì ???... Phải chăng lời dạy của Đức Giêsu đã lỗi thời?.
Cửa hẹp và đường chật, theo chúng con được hiểu là vâng theo thánh ý Chúa, là sự hy sinh, khiêm nhường, chịu đựng mọi khó khăn để bước theo Chúa mọi ngày trong đời.
Chúng con phải đứng thẳng, ngẩng cao đầu lên để nói với mọi người xung quanh là; "Chúng tôi không ủy mị, chúng tôi không dại khờ, chúng tôi chỉ muốn mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng tôi chấp nhận rẻ khinh, để nâng đỡ những thân phận nhỏ nhoi, để tất cả mọi người cùng đồng hành trên con đường rộng thêng thang, nơi có cánh cửa rộng mở chào đón chúng ta".
Lạy Chúa. Trên đường tiến về nhà Chúa, chúng con gặp rất nhiều ngã rẽ sạch đẹp nên thơ, chúng con toan bước vào. Chợt nhớ Lời Chúa dạy, chúng con tỉnh ngộ và vững bước tiến lên. Xin ban cho chúng con thêm đức tin, lòng trông cậy và kính mến chúa, để cùng với anh chị em chúng con, cùng bước vào cửa nhà Chúa trong niềm tin yêu trào dâng. Amen.


Chân Phước Jutta ở Thuringia
(c. 1264?)
Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.
Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức. Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.
Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.
Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.
Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần những người ngoại đạo ở miền đông nước Ðức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.