Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Đức Thánh Cha Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin CN XXVII Thường Niên 4/10/2015

Filled under:

Xin chào anh chị em thân mến!

Việc cử hành Thánh Thể để khai mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới vừa kết thúc ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Các Nghị Phụ, từ khắp nơi trên thế giới qui tụ lại bên Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, trong vòng 3 tuần lễ, sẽ suy tư về ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, để có được nhận thức thận trọng về tinh thần và mục vụ. Chúng ta sẽ gắn ánh mắt vào Chúa Giêsu, căn cứ vào giáo huấn về sự thật và tình thương của Người, để tìm thấy những đường lối thích đáng nhất cho việc dấn thân xứng hợp của Giáo Hội với các gia đình và cho các gia đình, nhờ đó, dự án nguyên thủy của Đấng Hóa Công về con người nam nữ được ứng dụng và được thể hiện trong thế giới ngày nay nơi tất cả vẻ đẹp của dự án ấy và quyền lực của dự án này.

Phụng vụ của Chúa Nhật hôm nay nhắc lại đoạn Sách Khởi Nguyên trọng yếu về tính chất bổ túc và hỗ tương giữa con người nam nữ (xem 2:18-24). Vì thế - Thánh Kinh viết - con người lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở nên một xác thịt, tức là một cuộc sống, một cuộc đời (xem câu 24). Trong mối hiệp nhất này, đôi phối ngẫu truyền đạt sự sống cho những con người mới, ở chỗ họ trở thành những người làm cha làm mẹ. Họ tham dự vào quyền năng tác tạo của chính Thiên Chúa. Thế nhưng, hãy cẩn thận! Thiên Chúa là tình yêu, và con người tham phần vào công việc của Ngài là khi con người biết yêu thương với Ngài và như Ngài. Để được như vậy - Thánh Phaolô nói - tình yêu đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta (xem Roma 5:5). Và đó cũng là tình yêu được ban cho các đôi phối ngẫu nơi bí tích hôn phối. Chính tình yêu này làm cho mối liên hệ của họ được tràn đầy qua những niềm vui nỗi buồn, qua những giây phút lặng lẽ và khó khăn. Chính tình yêu này làm bừng lên ước muốn tạo sinh con cái, đợi chờ chúng, đón nhận chúng, nuôi dưỡng chúng, giáo dục chúng. Cũng tình yêu này mà trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các con trẻ: "Hãy để cho các con trẻ đến cùng Thày, đừng ngăn cản chúng: vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng" (Marco 10:14).

Hôm nay, chúng ta xin Chúa ban cho tất cả mọi cha mẹ và các nhà giáo dục trên thế giới, cũng như toàn thể xã hội, được trở thành dụng cụ của việc chấp nhận và của tình yêu thương mà Chúa Giêsu muốn sử dụng để ấp ủ những con người bé mọn. Người cũng nhìn vào tâm can của chúng với niềm êm ái dịu dàng và ân cần của một người cha người mẹ. Tôi nghĩ đến rất nhiều con trẻ đang đói khổ, bị bỏ rơi, bị khai thác, bị ép buộc lâm chiến, bị chối bỏ. Thật là đớn đau khi thấy hình ảnh của các con trẻ bất hạnh, lạc loài, đào thoát nghèo khổ và các cuộc xung đột.  Các em đang gõ cửa nhà của chúng và và gõ vào cõi lòng của chúng ta van xin giúp đáp. Xin Chúa giúp chúng ta đừng trở thành "một thứ xã hội thành trì kiên cố (a fortress-society)" mà là "một xã hội gia đình (a family-society)" biết đón nhận, bằng những qui luật thích đáng, nhưng biết đón nhận ... Luôn tỏ ra đón nhận ... bằng tình yêu thương!

Tôi mời gọi anh chị em hãy hỗ trợ công việc của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này bằng lời cầu nguyện, để Thánh Linh làm cho các Vị Nghị Phụ được hoàn toàn dễ dạy trước các ơn linh ứng của Ngài. Chúng ta xin Trinh Nữ Maria thực hiện việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho chúng ta, bằng cách liên kết thiêng liêng chúng ta với những ai vào lúc này đây ở Đền Thánh Pompeii đang đọc "Kinh Kêu Cầu cùng Đức Mẹ Mân Côi". 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ áp Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới XIV (5-25/10/2015)
Tối Thứ Bảy mùng 3/10/2015 ở Quảng Trường Thánh Phêrô

Các Gia Đình thân mến,
Xin chào anh chị em tối nay! Không tốt đẹp hay sao khi thắp sáng lên một cây nến nhỏ trong bóng tối? Không có cách nào khác để xua tan tối tăm hay sao? Bóng tối thậm chí có thể bị chế ngự hay chăng?
Ở một lúc nào đó trong đời sống - cuộc sống này quá đầy đủ những phương tiện lạ lùng - những câu hỏi này cần phải được đặt ra. Khi cuộc sống trải qua khó khăn và cam go, chúng ta có thể theo khuynh hướng lùi bước, quay đầu và rút lui, thậm chí có thể vì khôn ngoan thận trọng và thực tế cần phải như vậy, mà trốn tránh trách nhiệm cần phải thực hiện về phần mình những gì chúng ta có thể làm được. 

Anh chị em có nhớ những gì đã xẩy ra cho Elia hay chăng? Theo quan điểm loài người thì vị tiên tri này đã cảm thấy sợ hãi và cố gắng thoát chạy. Sợ hãi. "Elia đã sợ hãi; ông đã chỗi dậy và thoát thân giữ mạng ... Ông đã đi bộ 40 đêm ngày đến Horeb là núi của Thiên Chúa. Ở đó ông đến một cái hang mà trú qua đêm. Bấy giờ có lời Chúa phán cùng ông rằng: 'Ngươi đang làm gì ở đây vậy Elia?'" (1 Các Vua 19:3,8-9). Trên núi Horeb, ông có thể có được câu trả lời, không phải trong một cơn gió mạnh thổi đến làm nứt thạch tan đá, không phải trong một trận động đất hay trong lửa hồng. Ân sủng của Thiên Chúa không la vang; ân sủng này là một tiếng thì thào chạm đến tất cả những ai sẵn sàng nghe thấy tiếng gió thoang thoảng thổi - một thứ tiếng lặng thinh nho nhỏ. Ân sủng này thôi thúc họ tiến lên, trở lại với thế giới, làm chứng nhân cho tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin tưởng ...   

Theo chiều hướng này, đúng một năm trước đây, cũng ở Quảng Trường này, chúng ta đã kêu cầu cùng Thánh Linh và xin cho các vị Nghị Phụ - trong việc bàn luận về đề tài gia đình - biết chuyên chú lắng nghe nhau, bằng ánh mắt gắn chặt vào Chúa Giêsu, Lời tối hậu của Chúa và là tiêu chuẩn mà mọi sự cần phải theo đó mà đo lường cân nhắc.

Tối hôm nay, việc cầu nguyện của chúng ta cũng không thể nào khác được. Vì như Đức Tổng Giám Mục Ignatius IV Hazim đã nhắc nhở chúng ta, không có Thánh Linh thì Thiên Chúa là Đấng xa vời, Chúa Kitô vẫn thuộc về quá khứ, Giáo Hội trở thành một tổ chức thuần tùy, quyền bính trở thành thống trị, sứ vụ trở nên tuyên truyền, tôn thờ trở thành thần bí, đời sống Kitô giáo trở thành một thứ luân lý nô lệ (cf. Address to the Ecumenical Conference of Uppsala, 1968).

Bởi vậy chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới khai mở ngày mai sẽ cho thấy được cái cảm nghiệm về hôn nhân gia đình phong phú biết bao và viên trọn nhân bản chừng nào. Chớ gì Thượng Nghị này nhận thức, trân trọng và loan báo tất cả những gì là mỹ lệ, thiện hảo và thánh đức về cái cảm nghiệm ấy. Chớ gì Thượng Nghị này bao gồm cả những trường hợp gây tổn thương và khốn khó như chiến tranh, bệnh hoạn, sầu thương, những mối liên hệ bị thương tích và đổ vỡ là những gì tạo nên buồn thảm, phẫn uất và phân ly. Chớ gì Thượng Nghị này nhắc nhở những gia đình ấy, và hết mọi gia đình, rằng Phúc Âm bao giờ cũng là "tin mừng" giúp chúng ta có thể bắt đầu lại. Chớ gì các vị Nghị Phụ biết rút tỉa từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội những lời lẽ của niềm an ủi và hy vọng cho các gia đình được kêu gọi trong thời đại của chúng ta để xây dựng cộng đồng giáo hội và thành đô của con người. 
* * *
Hết mọi gia đình bao giờ cũng là một thứ ánh sáng, cho dù leo lét, giữa bóng tối của thế giới này.

Kinh nghiệm loài người của Chúa Giêsu đã được hình thành nơi tâm điểm của một gia đình, nơi Người đã sống 30 năm. Gia đình của Người giống như bất cứ gia đình nào khác, sống trong một khu làng lu mờ ở ngoại vi của một Đế quốc.

Charles de Foucauld, có lẽ giống như một ít người khác, đã nắm bắt được cái tấm vóc quan trọng của thứ linh đạo phát tỏa từ Nazarét. Vị đại thám hiểm này đã vội vàng từ bỏ binh nghiệp của mình, đã bị thu hút bởi mầu nhiệm Thánh Gia, mầu nhiệm liên hệ hằng ngày của Chúa Giêsu với cha mẹ của Người cũng như với hàng xóm láng giềng, việc lao công thầm lặng của Người, việc cầu nguyện khiêm hạ của Người. Khi chiêm ngưỡng Gia Đình Nazarét, Thày Charles đã nhận ra cái ước muốn giầu sang phú quí và quyền lực thực sự là trống rỗng biết bao. Nhờ việc tông đồ bác ái của mình, ngài đã trở thành mọi sự cho mọi người. Được thu hút bởi đời sống của một vị ẩn tu, ngài đã tiến đến chỗ hiểu rằng chúng ta không gia tăng trong tình yêu Thiên Chúa bằng việc tránh né cái vướng mắc nơi những liên hệ loài người. Vì trong tình yêu thương người khác, chúng ta học biết yêu mến Thiên Chúa, trong việc cúi mình xuống giúp đáp tha nhân chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Nhờ việc gần gũi huynh đệ của mình và việc liên đới của ngài với kẻ nghèo và người bị bỏ rơi mà ngài đã hiểu được rằng chính họ là những người truyền bá phúc âm hóa chúng ta, họ là người giúp cho chúng ta lớn lên về nhân bản. 

Để hiểu được gia đình ngày nay, cả chúng ta nữa cũng cần phải - như Thày Charles de Foucauld - đi vào mầu nhiệm của gia đình Nazarét, đi vào đời sống thầm lặng hằng ngày của gia đình này, không phải là không giống như đời sống của hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ cùng với những niềm vui bình dị của họ, một đời sống được đánh dấu bằng sự nhẫn nại an lành giữa nghịch cảnh, tôn trọng người khác, một lòng khiêm tốn là những gì hào phóng và là những gì nở hoa nơi việc phục vụ, một đời sống huynh đệ được xuất phát từ cảm quan tất cả chúng ta đều là phần thể của một thân thể duy nhất.  

Gia đình là một nơi giúp sống trọn sự thánh đức của phúc âm ở những điều kiện thông thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành bởi ký ức của các thế hệ đã qua và chúng ta đâm những gốc rễ giúp chúng ta có thể tiến xa hơn. Gia đình là một nơi nhận thức, nơi chúng ta học nhận biết dự án của Thiên Chúa về đời sống của chúng ta và tin tưởng theo đuổi dự án ấy. Gia đình là một nơi của những gì là cho không biếu không, của sự hiện diện huynh đệ khôn ngoan và đoàn kết, một nơi chúng ta học biết xuất thân và chấp nhận người khác, học biết thứ tha và cảm thấy được tha thứ. 
* * *
Chúng ta bắt đầu một lần nữa từ Nazarét cho một Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, một thượng nghị ngoài việc nói về gia đình còn học biết từ gia đình, sẵn sàng công nhận phẩm vị của nó, sức mạnh của nó và giá trị của nó, bất chấp tất cả những vấn đề và khó khăn của nó. 

Ở "Galilee của chư dân" trong thời đại của chúng ta, chúng ta sẽ tái khám phá thấy cái phong phú và quyền lực của một Giáo Hội là mẹ, khả năng cống hiến và nuôi dưỡng sự sống, cùng với lòng sùng mộ, sự dịu dàng và sức mạnh về luân lý. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng cảm thương với công lý, chúng ta sẽ tiến tới chỗ trở nên bất chính trầm trọng và sâu xa một cách không cần thiết.

Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một bảo quản viên hữu trách biết bênh vực mà không gò bó, biết chỉnh sửa mà không hạnhục, biết huấn luyện bằng gương sáng và nhẫn nại, đôi khi chỉ cần một thứ thinh lặng tỏ ra niềm mong đợi nguyện cầu và tin tưởng. 

Trên hết là một Giáo Hội của trẻ em coi mình như là anh chị em, sẽ không bao giờ đi đến chỗ coi bất cứ ai chỉ là gánh nặng, chỉ là vấn đề, chỉ là cái giá phải trả, chỉ là một mối quan tâm hay là một nguy cơ. Những người khác thực sự là một tặng ân, và bao giờ cũng thế, ngay cả khi họ bước theo những nẻo đường khác. 
Giáo Hội là một ngôi nhà mở cửa, xa khỏi cái hào nhoáng bên ngoài, tỏ ra hiếu khách nơi tính chất chân thành giản dị của các phần tử Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể kêu gọi niềm mong đợi hòa bình hiện hữu nơi hết mọi con người nam nữ, bao gồm cả những ai - giữa các thách đố của cuộc đời - có những con tim bị thương tích và khổ đau. 
Giáo Hội này thực sự có thể thắp sáng lên cái bóng tối rất nhiều con người nam nữ cảm thấy. Giáo Hội có thể khả tín chỉ cho họ hướng tới đích điểm và bước đi bên họ, chính vì Giáo Hội đích thân đã cảm nghiệm được những gì cần phải được tái sinh khôn cùng trong cõi lòng từ bi thương xót của Chúa Cha. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)