Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Suy niệm Tin Mừng CN 29 TN B

Filled under:

CN  XXIX  THƯỜNG NIÊN  B  (Mc 10,35-45)
 
1. Bài Đọc
            “Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Chúa Giêsu (1) và thưa: ‘Thưa Thầy, chúng con muốn chúng con xin gì thì Thầy cũng ban cho chúng con’.  Chúa Giêsu hỏi lại: ‘Hai anh muốn Thầy làm gì cho hai anh?’. Hai người thưa: ‘Xin Thầy cho hai chúng con, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả Thầy, trong vinh quang của Thầy’. Chúa Giêsu đáp lại: ‘Hai anh không biết mình xin gì. Hai anh có thể uống chén Thầy sắp uống và nhận phép Rửa Thầy sắp nhận không?(2)’.
            “Hai người thưa lại: ‘Thưa được’. Chúa Giêsu mới bảo: ‘Chén Thầy sắp uống, hai anh sẽ uống; phép Rửa Thầy sắp nhận, hai anh sẽ nhận. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy; nhưng dành cho ai đã được chỉ định’. Mười người kia nghe nói thì bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi cả mấy người lại gần và bảo họ: ‘Anh em biết những người được coi là lãnh tụ các nước thì cai trị như ông chủ, và những người làm lớn thì dùng uy quyền của mình mà trị dân. Trong anh em, không có như thế. Trái lại, ai muốn làm lớn, phải làm tôi tớ anh em. Và ai muốn trở nên người đứng đầu trong anh em, phải làm tôi tớ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để cho người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phú mạng sống mình chuộc tội cho nhiều người”.
 
2. Chú Thích
            (1) Đến gần Chúa Giêsu: Theo nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh đã ước tính, có lẽ Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ đương đi trên con đường từ thị trấn Ê-phra-im đến Giêricô, vào khoảng cuối tháng Ba năm 30.
            (2) Chén Thầy sắp uống ….. phép Rửa Thầy sắp nhận: Ý Chúa Giêsu muốn nói về những đau đớn Người sắp phải chịu.
 
3. Suy Niệm
            (1) Mới đọc mấy hàng đầu bài Phúc Âm này, người ta tưởng hai Thánh Tông Đồ muốn được ngồi bên Chúa Giêsu vì lòng kính mến nồng nàn, không muốn xa Thầy của mình. Nhưng mấy câu sau và những lời của Chúa Giêsu không cho người ta hiểu như thế, lại còn khiến cho phải ngạc nhiên, tại sao hai ngài theo sát bên Chúa Giêsu đã mấy năm rồi, đã nghe bao nhiêu lời, chứng kiến bao nhiêu việc của Chúa Giêsu, mà còn có ý tưởng và tâm tình như thế! Vẫn hay có chuyện hai ngài tức giận mấy người không đón tiếp, và nói lên những lời nóng nảy thù oán thường tình; nhưng có mấy bức thư về sau nói lên những lời mến Thiên Chúa yêu thương người ta thấm thía đến thế nào. Có người đã giải thích một cách dễ dàng, vì sau khi Chúa Thánh Thần ngự đến, mới thay đổi tâm tính các Tông Đồ. Nhân dịp này có thể tìm hiểu thêm một vài ý tưởng, ai là người muốn trở nên đạo đức thánh thiện, xa lánh những tính tình trần gian thế tục, tham danh lợi cho mình, cần phải để ý cố gắng sửa đổi hằng ngày, đừng tưởng đã theo đạo hay theo Chúa Cứu Thế lâu ngày là đủ. Vẫn hay Thiên Chúa ban ơn cho mọi người sửa đổi, ơn của Thiên Chúa vẫn đầy đủ và có hiệu lực, vì Thiên Chúa muốn mọi người càng ngày càng tiến lên đạo đức thánh thiện; nhưng ai nhận, ai dùng được những ơn đó, còn tùy theo điều kiện thi hành nơi họ. Cho hay tính tham danh lợi đã thâm nhập sâu xa kiên cố nơi nhiều người, dù là những người đã bỏ cả mọi sự để theo Thiên Chúa. Ở đây không hề dám có ý tưởng mất lòng hai Tông Đồ và các đấng bậc nào khác, nhưng những ý tưởng này chỉ là để nhắc nhở chính mình.
 
            (2) Trong lời Chúa Giêsu, có mấy tiếng: ‘… dành cho ai đã được chỉ định’, hoặc trong Phúc Âm Thánh Mattheu lại nói rõ: ‘Đức Chúa Cha đã định’, khiến cho nhiều người càng thêm tin chắc chắn là tiền định, theo nghĩa được lên thiên đàng hay không, lên cao hay thấp, đều do Thiên Chúa định từ trước, đến nỗi có người đã nói: Cố gắng đạo đức hay không, cũng chẳng ích gì; có tội lỗi nhiều ít thế nào, cũng chẳng hại gì! Hay là có nhà thần học Tây Phương giải thích: Ai đã được tiền định lên thiên đàng, thì Thiên Chúa ban ơn để cho họ giữ đạo đức; còn những người khác, Thiên Chúa lại để cho họ theo đường tội lỗi. Có nhà thần học khác cũng ở Tây Phương, nói rằng ai làm được việc đạo đức, thì tin chắc mình được ơn tiền định lên thiên đàng; còn ai thấy mình phạm tội, nên biết mình bị tiền định sa xuống hỏa ngục. Tin theo những lối giải thích như thế đã làm cho có nhiều người kiêu căng hay là chán nản, không lo xa lánh tội lỗi và cố gắng tiến tới đạo đức. Không thể hiểu tiền định theo nghĩa Thiên Chúa kể người ta như cơ khí, không còn lý trí, tâm tình và ý chí tự do; vừa mâu thuẫn với Thiên chúa chí minh, lại rất mâu thuẫn với Thiên Chúa chí công và chí thiện. Lại cũng không thể hiểu theo nghĩa người ta kể Thiên Chúa như một vị toàn quyền thành ra độc đoán độc tài, bất chấp thiện ác, công hay tội và trách nhiệm của người ta. Xin phép được hiểu Thiên Chúa tiền định cho ai được thế nào, tùy theo đạo đức hay tội lỗi chừng nào thì có những hậu quả làm sao. Thiên Chúa có định luật về nhân nào thì quả ấy, cả vật chất, cả tinh thần, Thiên Chúa vẫn ban ơn cho người ta được hạnh phúc và tránh đau khổ, nhưng người ta có nhận và có dùng ơn của Thiên Chúa hay không lại tùy lý trí, tâm tình và tự do của mỗi người, tùy những ảnh hưởng nội tại và ngoại lai thế nào, cố gắng nhiều ít làm sao, tuyệt đối không có điều gì mâu thuẫn với Thiên Chúa vĩnh viễn, không thay đổi, không có trươc có sau, và người ta vẫn sống trong thời gian, có quá khứ, hiện tại và tương lai, sau vẫn tùy trước. Bao giờ cũng có ơn Thiên Chúa giúp, chứ không bắt buộc; khi nào cũng có lý trí, tâm tình và tự do mới có việc của con người, thì có hậu quả của những việc đó, là hạnh phúc hay đau khổ, nhiều hay ít, vật chất và tinh thần, tạm thời đời này và vĩnh cửu đời sau.
 
            (3) Thiên Chúa đã cho con người có đủ điều kiện để tăng tiến và phát triển, lại cho có đòi hỏi thiên nhiên về việc này. Nhưng tăng tiến và phát triển để phụng sự người khác là con của Thiên Chúa và anh chị em của mình. Nhờ có như thế, ngày nay ở dưới đất, mình càng hiểu biết thì càng cảm thấy sung sướng; người khác càng hiểu biết, càng yêu quý và tôn kính mình. Ngày sau trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục, ai cũng tự nhận thấy lý do hạnh phúc hay đau khổ của mình, vì mình đã đi đúng đường của Thiên Chúa hay đã sai lạc thế nào. Nhưng điều đáng tiếc, dưới đất này, vì ảnh hưởng giáo dục và tổ chức hay vì tự mình không biết suy tư lý luận cho xác đáng, rồi chỉ ham danh lợi cho mình, chỉ muốn được ăn trên ngồi trước, chỉ muốn có địa vị chức quyền, chỉ muốn cho kẻ khác tôn kính vâng phục mình, không kể mình có xứng đáng tài năng, đạo đức hay không. Đó là những người chỉ muốn có quả mà không lo cho có nhân, hay là chỉ muốn có vỏ bề ngoài, không lo cho có thực chất thiết yếu, ý nghĩa bề trong. Thiên Chúa thương yêu người ta đến nỗi đem mình làm gương mẫu; thế mà đến ngày gần ra đi, chính môn đệ thân yêu của mình cũng chưa hiểu, nên Chúa Giêsu đã phải dạy những lời tha thiết mà rõ ràng, đến nỗi phải nói Thiên Chúa đến để hầu hạ người ta, không phải để cho người ta hầu hạ Người; hơn thế nữa, Thiên Chúa còn phú sinh mạng mình để chuộc tội cho nhiều người. Không phải vì Thiên Chúa có loại trừ ai, thực ra, Thiên Chúa muốn cứu chuộc cả nhân loại, từ đời này qua đời khác, nhưng có người không tự mình lo cho có điều kiện để hưởng nhờ ơn đó, nên Chúa Giêsu phải đau lòng chỉ nói lên được là cho nhiều người, mà không thể nói cho mọi người./-

                                             @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

(TU ĐỨC.12)
PHƯƠNG THẾ TU ĐỨC
ĐỐI VỚI BẢN THÂN
I. ĐIỀU KIỆN
            Đây là nói về những ý tưởng, tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi phải có, để thực hiện đối với bản thân; càng có chừng nào, càng dễ thực hiện chừng ấy; càng thiếu bao nhiêu, càng khó thực hiện bấy nhiêu.
            Người có tín ngưỡng tôn giáo, vẫn tin và biết trong lãnh vực siêu nhiên và thiên nhiên, đều cần phải có điều kiện cầu nguyện, mới có được các điều kiện khác, để học tập các đức tính và tiêu diệt các ác tính. Trong phần trước đã nói về phương thế đối với Thiên Chúa, nên trong phần này, cũng như về mỗi vấn đề, không cần phải nhắc lại. Nếu không có gì trở ngại, hay là trái luật của tập thể, thì riêng mỗi người nên tìm đọc những sách báo, xem phim ảnh, nghe những bản nhạc đề cao những điều kiện như trên.
            Người phụ trách tập thể, lưu ý cho có những sách, phim, tài liệu và bản nhạc trong loại đó. Năng ngắm cảnh thiên nhiên, nhìn vạn vật mà tìm hiểu tình thương và đặc tính chí minh, chí thiện của Tạo Hóa.
            Người phụ trách tổ chức những phong cảnh trong khuôn viên Tu Viện theo đường lối này, hay là giúp cho có những cuộc du ngoạn giải trí. Ngăn chặn hay là thu ngắn những câu chuyện thiên về vật chất, phản ngược những điều kiện như trên, mâu thuẫn với đời sống đạo đức.
            Tìm tham dự hay là tổ chức các cuộc diễn thuyết và thảo luận về những vấn đề tinh thần, hay các điều kiện kể trên, nhất là vấn đề tinh thần liên quan với đạo đức, vật chất quan hệ với tội lỗi.
1. Tinh Thần:
a- Ý nghĩa:
            MỘT là Phần vô hình chủ yếu trong người ta, gồm có ý tưởng, tâm tình và ý chí, diễn tiến qua cơ quan thần kinh hệ, và biểu lộ qua ngôn ngữ và hành vi; bao lâu còn sống trong thế giới vật chất, còn chịu ảnh hưởng cơ thể vật chất và gây ảnh hưởng cho phần này. Ví như tôi cảm giác nóng (hạ tầng cơ sở, vật chất), rồi có ý tưởng mở cửa (quyết định thượng tầng kiến trúc, tinh thần; tích cực tác động đến hạ tầng cơ sở, vật chất). Tôi nghe những lời nói êm ái dịu dàng (vật chất), tôi biết người nói có lòng thương yêu tôi (tinh thần), tôi nói lại những lời âu yếm cảm động (vật chất), do ý tưởng cảm ơn và tâm tình yêu mến (tinh thần).
            HAI là Phần vô hình chủ đời sống hợp lý và đạo đức của con người hiểu biết về vô hình, qua hữu hình, không gian và thời gian; nên nghe thấy thứ gì có sinh hoạt đáng cảm phục, gọi là tinh thần. Ngoại trừ những người duy vật quá khích, tin chỉ có vật chất, không có gì là tinh thần. Karl Marx gọi là chủ nghĩa duy vật ngây ngô hay là ngây thơ; còn người theo chủ nghĩa duy vật và vô thần khoa học, vẫn nhận con người có tinh thần theo nghĩa này, nên cũng nhận có vấn đề đạo đức.
            BA là Phần nhiều các tôn giáo hay là đa số triết học, đều nhận Tạo Hóa hoàn toàn tinh thần tự hữu. Ngài sáng tạo một loài chỉ có tinh thần, hoặc trung thành lương thiện theo chân lý, gọi là thiên thần, giúp đỡ người ta; hoặc bất trung, độc ác, nghịch chân lý, gọi là ma quỷ, phá hại người ta. Ngài sáng tạo một loài vừa có tinh thần hợp với cơ thể vật chất, bao lâu còn sống trên mặt đất này, gọi là loài người. Có tinh thần mới có thể làm ra việc này hay việc khác, thứ này hay thứ kia, vì cần phải có tri thức; còn vật chất tự nó thì chẳng biết gì, nên không làm được gì, trừ phi vật chất nhờ có con người sử dụng, tổng hợp và chế tạo, mới gây nên sức mạnh vận động, như các thứ vật dụng hay cơ khí.
            Theo như thế, ngoài con người thì có tinh thần rồi mới có thứ khác; còn trong con người, phải có cơ thể vật chất trước, tiến hóa đầy đủ thế nào, mới có tinh thần thuộc về loại tinh thần, rồi sử dụng được tinh thần, khi các cơ quan có đầy đủ điều kiện.
b- Cần thiết:
            Như thế, cần có tinh thần để thành con người đúng ý nghĩa. Càng có đầy đủ tinh thần, mới có con người hiểu biết. Có hiểu biết mới có thể có đạo đức. Không có tinh thần, chỉ là các thứ vô sinh, như khoáng chất; hay hữu sinh mà vô giác vô tri, như động vật. Còn con người có các cơ quan vật chất, lại có tinh thần, nên hữu sinh, hữu giác và hữu tri, mới có thể hiểu biết và sống đạo đức.
            Việc đạo đức là việc tinh thần, nên tùy theo tinh thần. Nếu không do tinh thần, không phải là việc đạo đức. Khoáng chất, thực vật và động vật, không thể có việc gì gọi là việc đạo đức. Tinh thần đúng hay sai, nhiều hay ít, thì đạo đức cũng theo như thế, gần như nguyên nhân và hậu quả. Có người vì cơ quan lý trí non yếu thế nào, không dễ dàng có ý tưởng, nhưng cũng hiểu biết được những điều thiết yếu để làm người, thì vẫn có tinh thần, nên có thể có đạo đức theo khả năng của họ.
c- Trở ngại:
            Bao lâu con người còn sống trong thế giới hữu hình, thì tinh thần và vật chất có ảnh hưởng đến nhau, hỗ trợ cho nhau, một phần nào như người thợ và dụng cụ. Nếu thợ giỏi và dụng cụ tốt, thì việc làm diễn tiến dễ dàng và sản phẩm tốt đẹp.
            Tương tự như thế, tinh thần sáng suốt và cơ thể có sức khỏe, thì công việc và sản phẩm đạo đức vẫn được tốt đẹp dễ dàng. Tinh thần lành mạnh mà vật chất đau yếu, hay ngược lại, tinh thần đau yếu mà vật chất lành mạnh, thì công việc và sản phẩm đạo đức đều không được dễ dàng tốt đẹp. Cả hai tinh thần và vật chất đều đau yếu, thì công việc và sản phẩm đạo đức đều khó được tốt đẹp; nếu không biết sửa chữa kịp thời, thì cả hai đi đến hư hỏng tai hại.
            Chính vật chất trong và ngoài con người, có khả năng giúp cho cơ thể được bảo tồn và phát triển. Nhưng vật chất lại có sức lôi cuốn và thúc đẩy, khiến cho có người dễ buông theo vật chất; bị tối tăm, mù quáng, thiệt hại đường đạo đức, là đường cần phải hiểu biết cho nhiều và cho đúng.
            Ảnh hưởng di truyền, môi sinh, giáo dục, tổ chức và sinh hoạt, có thể làm cho vật chất mạnh quá, ngăn trở và gây thiệt hại cho tinh thần. Nhưng nếu tinh thần được sáng suốt mạnh mẽ, thì có thể lướt thắng và chế ngự vật chất.
            Như Thánh Phaolô đã nói “Điều xác thịt mong muốn thì chống lại tinh thần, và tinh thần chống lại xác thịt, hai bên phản đối nhau ..... Ai gieo trong xác thịt sẽ gặt thứ hư nát vì xác thịt; ai gieo trong tinh thần sẽ gặt đời sống vĩnh cửu nhờ tinh thần” (Gl 5,17; 6,8).
d- Phương pháp:
            Theo đó, tinh thần là một điều kiện trước hết để được đạo đức. Tiêu cực là phải ngăn chận các ác tính, và những thứ vật chất chiều theo hoặc mở cửa cho vật chất, làm hại tinh thần. Tích cực là phải tìm hiểu cho đúng và cho rõ, về tinh thần học tập các đức tính, bảo tồn và phát triển tinh thần. Lo suy tư lý luận và học hỏi, để cho có điều kiện tinh thần sáng suốt, tốt đẹp. Cũng lo cho cơ thể vật chất khỏi đau yếu, nhưng tuyệt đối vẫn không nuông chiều, không dùng những thứ kích thích đòi hỏi, như rượu và thuốc hút, để cho vật chất lướt thắng hay lôi cuốn tinh thần.
2. Hiếu Đức:
a- Ý nghĩa:
            Hâm mộ, yêu quý, mong muốn các đức tính thi hành việc đạo đức, là việc mến Thiên Chúa yêu thương người, hay là không tin Thiên Chúa thì cũng yêu thương người, tìm xây dựng hạnh phúc cho tha nhân, làm cho chính mình trở nên con người đúng ý nghĩa, hữu ích và có giá trị, có nhân phẩm và nhân cách, đáng được yêu mến và kính trọng.
b- Cần thiết:
            Muốn cho việc gì được thành công tốt đẹp, điều kiện trước tiên là phải hâm mộ, yêu quý và mong muốn việc ấy. Yêu mến sâu xa, tha thiết, mặn nồng, thì càng có sức tiến tới, lướt thắng bao nhiêu trở ngại chông gai. Yêu mến và mong muốn là hai sức mạnh để tiến bước và đạt tới đích, lại gây thêm vui vẻ phấn khởi, không ngại vất vả khó khăn. Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
            Con đường đạo đức là con đường dốc, mỗi bước đi lên vẫn có nhiều sức nặng kéo xuống. Nếu không yêu quý, không mong muốn, thì không thể tiến bước kiên trì, lại dễ chán nản thoái bước. Càng có nhiều trở ngại khó khăn, lại càng phải gia tăng yêu mến và mong muốn.
c- Trở ngại:
            Vì ảnh hưởng môi sinh qua không gian và thời gian đã bị nhiều chất độc, có người lại bị khí huyết di truyền, hay là bị giáo dục và tổ chức sai lầm, khiến cho mắc phải nhiều ác tính, khó dùng cho hợp lý và xứng đáng các khả năng và năng lực thiên nhiên Tạo Hóa phú bẩm, trở ngại rất lớn cho các đức tính và việc đạo đức.
            Xưa nay vẫn có nhiều người hiểu lầm, đạo đức là việc dành riêng cho những kẻ xuất thế tu hành, có khi vì đã thất bại chua cay trên đường đời, vì chán nản hay là sợ đời, hoặc vì đã gặp phải nhiều đau khổ éo le, hoặc có duyên kiếp thế nào, được ơn Thiên Chúa thương kêu gọi làm sao. Lại nghĩ, mình đã nhập thế, ở giữa trần gian, phải cạnh tranh mới được sinh tồn, để cho khỏi bị lấn áp hay đào thải, thì không thể lo việc đạo đức. Đó là những ý tưởng vẫn thịnh hành xưa nay, không những trở ngại cho việc đạo đức, lại còn làm cho nhiều người không muốn nghĩ đến, và không dám học tập, cho là lỗi thời, ngăn trở việc tiến bộ.
            Không ngờ việc đạo đức là việc chung của mọi người, muốn sống cho xứng đáng con người, sinh ra để yêu mến nhau, giúp đỡ nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau. Không ngờ vì thiếu đạo đức là thiếu yêu mến, mới làm khổ cho nhau. Nhiều người dám đem đau khổ mình hay người khác mắc phải, mà đổ cho Trời. Không ngờ Trời đương đòi hỏi cho có người đạo đức; vì càng có người đạo đức bao nhiêu, càng bớt đau khổ bấy nhiêu.
            Một lời nói, một việc làm của người đạo đức cho đúng nghĩa, là nước cam lộ tưới vào cơn đau khổ. Vì đạo đức là không ích kỷ, không tham lam, không thù oán, không ác độc, không trộm cướp, không giành giật cách này hay cách khác. Người đạo đức không bao giờ làm hại ai bằng ngôn ngữ hành vi của mình, nhưng chỉ biết yêu mến, giúp đỡ, ủi an, thì dù chưa tìm được phương thế khoa học vật chất, cũng có phương thế đạo đức tinh thần, để thoa dịu các điều đau khổ.
            Còn người nhập thế hay xuất thế, chỉ khác nhau là, một bên hiến mình vào chiến trường, và một bên tìm nơi học tập để tiêu diệt đau khổ, và xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân.
d- Phương pháp:
            Muốn hâm mộ, yêu quý và mong muốn các đức tính và việc đạo đức, trước cần phải suy nghĩ, học hỏi cho thấu đáo tường tận, biết nguyên nhân vì đâu mà cần thiết, đạt đến hậu quả thì có ích lợi thế nào, để đánh tan những ý tưởng sai lầm như trên.
            Đạo đức nói chung là sức lực và ánh sáng quý hóa và cần thiết cho mọi người, bất cứ ở đâu và làm gì, đều được trở nên xứng đáng và hữu ích trên đường đời, khiến cho đời người thêm đẹp và thêm tươi; mỗi ngôn ngữ và hành vi càng có ý nghĩa và giá trị. Nói riêng về mỗi nghề nghiệp, hay đường lối chính đáng, lại có đạo đức thích hợp để thành công.
            Sau là phải nhớ mình kém cỏi, yếu hèn, quá khứ lầm lỗi, gian nan; nhưng tin Thiên Chúa chí thiện, chí ái, muốn cho mình học tập các đức tính và trở nên đạo đức. Thiên Chúa quan phòng biết mình cần những ơn nào, và cần bao nhiêu, thì ban cấp ơn ấy bấy nhiêu. Chính mình phải lo cho có điều kiện để đón nhận.
            Trong những lúc đau khổ về cơ thể hay tinh thần, tự mình hay do người khác gây nên, vì không biết hay do sai lầm, hoặc vì ác ý, ác tâm, Thiên Chúa vẫn ban ơn yên ủi, cứu giúp, hướng dẫn. Nhớ gương Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ và các thánh, riêng mình phải đem lòng tín ngưỡng, yêu mến và hy vọng mà lướt thắng các khó khăn trở ngại, kiên tâm mà vươn lên hằng ngày; cố gắng giữ mình trung thành với Thiên Chúa và mục đích của mình, bình tĩnh và bình an để đón nhận ơn Thiên Chúa mà học tập.
            Người có nhiệm vụ giúp việc đạo đức, cần phải tích cực giải thích rõ ràng các khía cạnh này, để cho môn sinh đem lòng yêu quý thiết tha học tập. Tránh đường lối bi quan yếm thế, thở vắn than dài, lo sợ hỏa ngục và mong đợi giấc ngàn thu, vươn lên sợ ngã thì không dám làm gì. Cũng tránh những chuyện lạ lùng, không đủ chứng cớ, do những người xưa nói lên, vì chưa phân biệt siêu nhiên, ngoại nhiên và thiên nhiên, khiến cho có người hiểu lầm đạo đức mà sống theo tưởng tượng sai lầm.
            Có dấu dễ dàng và rõ ràng để biết ai có Hiếu Đức hay không, mong muốn đạo đức là mong muốn mến Thiên Chúa yêu thương người. Dù kèm thêm trăm nghìn việc tôn giáo, từ ngày này qua ngay khác, nhưng không giữ luật Thiên Chúa, lại cố ý làm cho một người nào đau khổ, vì ngôn ngữ hành vi của mình, thì không Hiếu Đức, và cũng không có gì là đạo đức, đó mới có thể là sùng đạo mà thôi.
            Như Thánh Phaolô đã nói “Dù tôi nói được các thứ tiếng của loài người, và các thiên thần, nếu tôi không có đức yêu mến, thì tôi chỉ là chuông đồng kêu lên hay là thanh la vang dội. Dù tôi có ơn nói tiên tri và hiểu biết tất cả các mầu nhiệm, cùng các khoa học, dù tôi có đức tin đầy đủ, dời được núi non, nếu tôi không có đức yêu mến, thì tôi chỉ là hư vô. Dù tôi phân phát hết tài sản cho người nghèo, dù tôi hiến thân tôi cho lửa thiêu đốt, nếu tôi không có đức yêu mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
3. Hiếu Tri
a- Ý nghĩa:
            Hâm mộ, yêu quý và ham muốn hiểu biết những điều cần thiết và hữu ích. Phân biệt với tò mò, là muốn biết những điều không cần thiết và vô ích. Hiếu Tri là muốn biết lý lẽ, nguyên nhân, hậu quả, mục đích, phương tiện và phương thế, quyền lợi và bổn phận, phương pháp và giải pháp, làm thế nào để không mất nhiều công phu, sức lực và thời giờ, mà học tập được các đức tính và tiêu diệt được các ác tính.
            Tò mò là muốn biết việc riêng và việc kín của người khác, không can thiệp gì đến mình. Hiếu kỳ là muốn biết những việc lạ, đồ lạ, đồ mới, không đặt vấn đề có ích lợi gì cho mình chăng; có khi chỉ vì muốn đua tranh, khoe khoang, có khi tin phải điều nhập tâm, mộng mị, bịa đặt.
b- Cần thiết:
            Ai đã nhận ý tưởng là căn nguyên đầu tiên của tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi của mỗi người. Hậu quả vẫn tùy theo căn nguyên chính đáng hay sai lầm. Cũng nhận hạnh phúc hay đau khổ của mỗi người, trước tiên vẫn do ý tưởng đúng hay sai. Theo đó, người muốn yêu mến đạo đức rất cần muốn biết và biết cho đúng. Vô tri thì bất mộ và cũng bất hành, hay là có mộ và hành lại sai lầm, liều lĩnh.
            Trước là biết Thiên Chúa, sau là biết mình và biết người khác, cùng muôn ngàn điều, từ vật chất đến tinh thần, vì tất cả đều quan hệ với con người, là quan hệ đến đạo đức, biết được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
            Vẫn hay sức người biết được vẫn có giới hạn, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp cho người có thành tâm thiện chí, trực tiếp tự mình hay là gián tiếp qua người khác, để biết được những điều cần kíp tối thiểu, hướng dẫn sinh sống cho xứng đáng và tiến tới đạo đức.
c- Trở ngại:
            Tính muốn biết vốn là thiên nhiên, vì Tạo Hóa muốn cho con người biết nhiều và biết đúng, để xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Bao lâu còn sống trong thế giới vật chất hữu hình, thì phần lớn hiểu biết của mỗi người, còn tùy cơ quan vật chất là thần kinh hệ, nhất là bộ óc, ngày nay nhà khoa học gọi là chất xám, đều chịu ảnh hưởng di truyền.
            Hoặc vì phần đó của mình đã kém, lại không gặp được người khác giúp đỡ. Mình hỏi cho biết thì họ không biết mà giải thích rõ ràng, hay là kiêu ngạo khinh chê mình, hoặc là lấn áp trách mắng mình. Có người dạy bảo lại giải thích sai lầm khiến cho mình ngày càng không muốn hỏi, không muốn biết.
            Cũng có khi vì người dạy mình, hay là chính mình, đều kém cỏi và lười biếng, không muốn suy nghĩ. Cũng có khi vì nghe nói: Suy nghĩ và lý luận thì kiêu ngạo, sai lầm, nguy hiểm, rồi kẻ dạy thì cứ theo sách mà dạy thuộc lòng, người học cũng học như thế, khiến cho không hiểu biết gì, có khi hiểu biết sai lầm, truyền tụng từ đời này qua đời khác, hàng trăm hàng ngàn năm.
            Đó là những nguyên nhân giết chết tính Hiếu Tri, và trở ngại cho tính muốn hiểu biết nơi nhiều người. Nói chung lại là vì tính kiêu ngạo, lười biếng, thiếu sách và thiếu thầy viết và nói cho đúng, cho dễ hiểu, rõ ràng, thích hợp với trình độ người đọc và người nghe.
            Nói riêng trong giới học tập đạo đức, còn có một trở ngại khác, là có người tin những trường hợp ngoại lệ họa hiếm, hay là chuyện bịa đặt mộng mị, rồi nói: Việc đạo đức không cần phải hiểu biết gì, chỉ cần có một điều là biết Thiên Chúa; còn biết gì khác, chỉ thêm kiêu ngạo; biết bao người không học biết gì, học một kinh Kính Mừng cũng không thuộc, nhưng về thần học thì biết hơn các nhà chuyên môn, và đã nên thánh rất cao!
            Tư tưởng đó tin là trong việc học tập đạo đức không cần phải hiểu biết gì. Không ngờ những người có điều kiện đặc biệt thế nào để nhận được ơn khác thường làm sao, đó là một số ngoại lệ rất ít. Ngoài ra, phần đông đại đa số thông thường là cần phải hiểu biết, để sinh sống và thi hành cho khỏi sai lầm thiệt hại. Nếu không biết ý Thiên Chúa muốn, việc Thiên Chúa làm, thì biết gì để gọi là biết Thiên Chúa, nên dễ bị sai lầm về Thiên Chúa.
            Càng hiểu biết nhiều và hiểu biết đúng, thì càng khiêm tốn; càng hiểu biết ít và càng hiểu biết sai, gọi là ‘hay chữ lõng’, thì càng kiêu ngạo. Càng khiêm tốn càng mong cho có nhiều người khác hiểu biết để giúp đỡ mình; càng kiêu ngạo càng tìm cách ngăn chặn người khác hiểu biết, vì sợ họ hơn mình.
d- Phương pháp:
            Trước là cần phải suy nghĩ hỏi han, để biết đánh tan những ý tưởng sai lầm kể trên. Tìm cho rõ tính cách ích lợi và cần thiết của việc hiểu biết. Đừng tin vội vàng, không tin dễ dàng những điều đọc thấy trong sách báo hay là nghe ai nói, bao lâu chưa thấy lý lẽ xác đáng thì không tin. Trừ phi những điều mầu nhiệm trong tôn giáo, hay những việc lạ lùng trong khoa học vượt quá sức lý luận của mình, nhưng bản thân cũng phải suy nghĩ để tránh điều mâu thuẫn, vì người hay sách nói về tôn giáo cũng nhiều khi sai lầm.
            Bao giờ nghe thấy điều gì, cũng cố gắng suy nghĩ, để hiểu biết cho rõ và cho đúng. Bao lâu chưa thấy đủ các lý lẽ, thì chưa chịu dừng lại. Phải tiêu diệt tính lười biếng về tri thức. Đừng sợ mệt nhọc và đừng sợ khó khăn trong việc tìm hiểu biết, cứ tập thì quen. Dù không biết được nhiều, cũng biết được những việc cần thiết cho mình, nhất là trong việc đạo đức, vẫn trong tầm hiểu biết của mọi người.
            Bề rộng và bề sâu của Hiếu Tri thì vô cùng. Càng rộng càng sâu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng mỗi người phải biết theo khả năng, thời giờ và hoàn cảnh của mình. Ai cũng có quyền mong cho người có trách nhiệm đến mình, không làm gì cản trở đến Hiếu Tri của mình. Không nên vì sợ kiêu ngạo mà không muốn biết, hay là không cho người khác được biết theo khả năng của họ. Dĩ nhiên, ai muốn biết cũng phải hiểu trước tiên, kiêu ngạo là một tính xấu làm cho mình tối tăm, mù quáng, phản ngược với tính Hiếu Tri. Càng biết đúng và biết nhiều, thì càng thêm khiêm tốn.
            Vẫn hay, thời giờ và hoàn cảnh của mỗi người, đòi hỏi công việc bổn phận chính yếu theo chức vụ và cương vị. Nhưng ai cũng cần phải muốn biết cho đầy đủ rõ ràng công việc bổn phận chính yếu, như là nghề nghiệp của mình, được chừng nào hay chừng ấy. Đây là luật tiến hóa riêng cho mỗi cá nhân tu đức, và luật ích lợi chung của tập thể đạo đức.
4. Hiếu Học
a- Ý nghĩa:
            Muốn học để biết, trước là những điều cần thiết trực tiếp, sau là những điều phụ thuộc gián tiếp, trong nghề nghiệp bổn phận của mình. Như người muốn đạo đức, thì phải học để biết những điều chính yếu cần thiết, sau là những điều phụ thuộc trong việc đạo đức. Học cho biết, chứ không phải để có bằng cấp, hay là để được tiếng là có học.
b- Cần thiết:
            Đã tin trong đường đạo đức cần phải có điều kiện muốn biết, thì cũng phải tin điều kiện muốn học để biết. Vẫn hay Tạo Hóa có quyền minh chiếu cho người ta, và người ta có thể suy tư để biết; nhưng nếu không học là không chuẩn bị, thì không có tài liệu để suy tư. Như Khổng Tử đã nói “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ thì như không, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm).
c- Đối tượng:
            MỘT là Thánh Kinh: Để biết ý Thiên Chúa dạy mình phải tin và phải sống thế nào. Không tìm lịch sử, địa lý, khoa học vật chất trong Thánh Kinh, nên không bận tâm về những chi tiết thuộc các lãnh vực này. Khi nào thấy có điều mâu thuẫn với những điều mình đã biết chắc chắn, thì phải tìm hiểu nghĩa bóng, không được hiểu nghĩa đen. Công Đồng Vatican II có dạy một nguyên tắc rất cần thiết “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã phán qua người ta, theo cách thức của người ta, nên để thấy rõ điều gì Thiên Chúa muốn chuyển qua cho chúng ta, người thông dịch Thánh Kinh phải tìm cẩn thận điều gì các Thánh Sử (người viết Thánh Kinh) muốn nói, và điều gì Thiên Chúa đã vui lòng biểu lộ qua lời của các ngài.....” (Hiến Chương Verbum Dei, số 12).
            HAI là Thần học hay Giáo lý: Để biết các Giáo Phụ, Giáo Quyền và các nhà chuyên môn trong lịch sử đã giải thích tín lý, luân lý và tu đức thế nào.
            BA là Triết học, nhất là Thần luận: Để biết tư tưởng của người ta đã hiểu về Thiên Chúa làm sao, có thể giúp thêm xác tín và hoàn bị.
            BỐN là Luận lý và Tâm lý: Học Luận Lý Học để biết phát minh và trình bày chân lý; học Tâm Lý Học để biết về con người (chính mình và người khác) có những cơ cấu thiên nhiên thế nào.
            NĂM là Các khoa học: Để biết Thiên Chúa đã thương yêu ban cho con người và vạn vật những thứ ích lợi quý hóa, và con người phải đem tài thông minh, để giải thích và sáng chế, những thứ ứng dụng tiện lợi thế nào, cho cuộc đời vật chất và tinh thần.
d- Trở ngại:
            Có người vì trí lực suy yếu thế nào không thể học được, đành phải cam phận thiệt thòi; mong được biết chừng nào cố gắng thi hành chừng ấy, cũng có thể đạo đức theo khả năng của mình, trở nên người hữu ích và đẹp lòng Thiên Chúa.
            Có người vì lười biếng thì phải cố gắng học tập, để diệt trừ tính này. Có người vì tin sai lầm, tưởng là không học được, hay là có học cũng vô ích, lại nghe dạy, học thì thêm kiêu ngạo và thêm đau khổ. Phải biết những ý tưởng đó đều sai lầm. Mỗi người phải cố gắng học tập tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình, được chừng nào hay chừng ấy.
            Như trên đã nói, biết được bao nhiêu, ích lợi bấy nhiêu, miễn là biết cho đúng, muốn biết thì cần phải học. Có học mà vô ích hay là tai hại, chỉ vì học điều vô bổ hay học sai lầm. Học mà kiêu ngạo chỉ vì học không đến nơi đến chốn, học nửa chừng và không biết học. Có người không học được vì không có thầy và không có sách. Trừ phi hoàn cảnh ngăn trở thế nào, ngoài ra người muốn học phải tìm cách để học, bất cứ hoàn cảnh nào, tuổi nào hay sức lực chừng nào. Thiên Chúa và người ta đều đòi hỏi mọi người phải có lòng mong muốn và tìm cách để học tập, được chừng nào hay chừng ấy.
e- Phương pháp:
            MỘT là Suy tư: Bất cứ môn học nào, người muốn đạo đức, chính mình phải suy tư lý luận, không được học thuộc lòng như cơ khí, bất chấp đến ý nghĩa, để được biết chân lý và tránh sai lầm. Cũng cần suy niệm, để có ý tưởng thưa lên cùng Thiên Chúa. Bao giờ cũng tìm hiểu tình thương của Thiên Chúa, và chính mình phải đáp lại với Thiên Chúa, lo sửa mình và giữ mình thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và cho chính mình trở nên đạo đức hơn.
            HAI là Học hành: Không phải chỉ có học tư tưởng, lý thuyết hay là nguyên tắc; không phải chỉ có ghi nhớ các danh từ và ý tưởng trừu tượng; nhưng còn cần phải thực hành, phải biết đưa vào ứng dụng trong cụ thể thực tế.
            BA là Học hỏi: Không phải chỉ có học theo thầy hay theo sách, nhưng còn cần phải bàn hỏi cho thấu đáo, không bao giờ chịu để một tư tưởng hay một ý nào chưa hiểu cho phân minh thấu đáo.
            BỐN là Học tập: Học để hiểu biết mà tập luyện, vì người muốn đạo đức học để biến đổi cuộc sống tinh thần, không phải học để thi cử hay khoe khoang.
5. Tự Do
a- Ý nghĩa:
            Trước là lựa chọn và chấp nhận, yêu mến và quyết định, sau là đem lời nói và việc làm theo lý trí đã nhận thấy điều gì hợp lý, đẹp lòng Tạo Hóa, ích lợi thiết thực cho bản thân và tha nhân, tất là đạo đức, mới là Tự Do.
            Còn bất chấp hợp lý hay nghịch lý, đẹp lòng Tạo Hóa hay không, tốt hay xấu, lợi hay hại cho mình và người khác, là nô lệ theo tính xấu và tật xấu, hay người nào khác đã lôi cuốn hay là bắt buộc mình, thì không phải và không thể là Tự Do.
            Không ai có thể xâm phạm đến quyền Tự Do tinh thần nội bộ là suy tư, tin tưởng, yêu ghét và quyết định của người khác; chỉ vì người này có thể từ bỏ quyền đó, để làm nô lệ một thứ gì nơi mình hay ngoài mình.Nhưng người ngoài có thể dùng ngôn ngữ và hành vi của họ, để ngăn chận ngôn ngữ và hành vi của mình, khi họ tưởng có xúc phạm đến quyền Tự Do của họ hay của người khác.
            Theo đó, quyền Tự Do của mỗi người về tư tưởng, tín ngưỡng, tâm tình và ý chí, thuộc về nội tâm thì được hoàn toàn. Còn về ngôn ngữ và hành vi biểu lộ ra ngoại giới lại có thể bị quyền thế và sức lực của người khác hạn chế, bên nào có giá trị và hợp lý hay không, vẫn tùy theo đúng hay sai.
            Hiểu Tự Do theo những ý nghĩa như trên, vẫn không mâu thuẫn với giữ luật và vâng lời. Hai việc này vẫn có giá trị đạo đức, vì là việc của con người có hiểu biết, nên thi hành cho đẹp lòng Thiên Chúa, ích lợi cho mình và nhiều người khác, thì dùng quyền Tự Do mà bỏ ý mình không đúng, vì trái luật hay trái ý cấp trên, không phải vì bất đắc dĩ nô lệ theo người nào hay thứ gì bắt buộc.
            Ai chấp nhận những ý nghĩa như trên, cũng nhận thấy ngăn cấm những việc hợp lý của tôn giáo, là ngăn cấm những lương thực cần thiết của lý trí và tâm tình, là gây đau khổ nhất cho con người, vì là hai phần chính yếu hệ trọng của nhân sinh. Dĩ nhiên, có những việc chắc chắn rõ ràng, thiệt hại cho cá nhân hay tập thể, dù là việc có tính cách tôn giáo, xuất hiện ra ngoài, nhưng không thích hợp với không gian hay thời gian, thì người có trách nhiệm không những có quyền lại có nghĩa vụ ngăn cấm.
b- Cần thiết:
            Tự Do cần thiết cho mọi người đã trưởng thành, để ai nấy có thể thi hành đạo đức, chu toàn trách nhiệm và bổn phận, theo lý trí họ nhận thấy thế nào là hợp chân lý. Điều gì bị bắt buộc thì mất ý nghĩa đạo đức, vì chủ động trở nên như cơ khí; ý tưởng, yêu ghét, quyết định, ngôn ngữ và hành vi của họ đều do ai bắt buộc, không phải tự chính họ làm chủ.
c- Trở ngại:
            Ai cũng có thể bị người ngoài sai lầm, độc tài, chuyên chế chi phối; hay là những tính xấu và tật xấu nơi mình ngăn trở quyền tự do chính đáng của mình. Sai lầm vì không biết thế nào là công việc, chức phận và trách nhiệm của họ, thế nào là quyền Tự Do của mình, hoặc vì họ không ngờ họ cố ý hay lạm dụng sức lực và quyền thế của họ. Tính xấu và tật xấu chỉ muốn lôi kéo về những điều thiệt hại cho mình và người khác; trong lúc Tự Do chính đáng, đưa đến những điều ích lợi cho bản thân và tha nhân.
d- Phương pháp:
            Người đạo đức bao giờ cũng biết tìm cách xa lánh và trừ diệt những tính xấu và tật xấu nơi mình. Người đạo đức cũng học tập để phát triển các tính tốt của mình, để cho mình được sống Tự Do đúng ý nghĩa, và xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân.
            Khi gặp người ngoài xúc phạm hay là ngăn trở quyền Tự Do của mình, thì dùng đức bác ái, khôn ngoan và khiêm tốn để phân trần, vẫn không có điều gì mất lòng người ta. Nếu không thuyết phục được, trong lúc thấy việc không quan trọng, hay là không khẩn cấp, thì dùng đức kiên nhẫn mà đối phó. Đến khi thấy việc cần thiết và mình phải cương quyết, lại còn phải tìm cách nào để khỏi có phần thiệt hại cho mình, và nhiều người quan hệ với nhau. Tránh va chạm được chừng nào hay chừng ấy, có khi phải chịu hy sinh để cho khỏi lỗi với Tạo Hóa và trái với đạo đức của mình.
            Còn về Tự Do trong nội tâm, sau khi đã suy nghĩ bàn hỏi cẩn thận, biết là hợp với chân lý, ích lợi cho mình và người khác, bao giờ cũng giữ vững tư tưởng và lập trường. Không cần phải biểu lộ Tự Do tư tưởng của mình với những người mình thấy đã kém cỏi, sai lầm, lại cố chấp. Còn đối với những người có khả năng hiểu biết và muốn tìm chân lý, thì mình trình bày với các lý lẽ rõ ràng. Họ có chấp nhận hay không, mình vẫn tôn trọng Tự Do tư tưởng của họ. Không bao giờ dám nói với ai, nếu họ không tin theo mình thì ‘họ sẽ bị mất linh hồn’. Chỉ có thể nói là điều đưa đến ngôn ngữ hành vi gây đau khổ cho họ và người khác, thì tự họ muốn ra ngoài tập thể của mình.
6. Tự Trọng
a- Ý nghĩa:
            Tích cực là giữ và làm thế nào cho người ta tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, nhân vị của mình, mà mình vẫn giữ tinh thần khiêm tốn. Nói về con người, nhân cách là tính thiên nhiên tự chủ và độc lập; nhân phẩm là giá trị thiên nhiên; nhân vị là chỗ đứng thiên nhiên về tinh thần, trên đối với Tạo Hóa, ngang đối với người ta, thân hay sơ, gần hay xa, dưới đối với vạn vật, ai cũng phải giữ và tôn trọng.
            Tiêu cực là không chiều theo người này hay người kia mà làm hay nói điều gì hèn hạ, đê tiện, tội lỗi, xúc phạm đến nhân cách, nhân phẩm, nhân vị, giá trị và đạo đức của mình.
b- Cần thiết:
            Không phải cần cho tính kiêu ngạo, nhưng cần cho đức khiêm tốn của mình. Vẫn hay tính kiêu ngạo muốn đưa mình lên trên người khác, đức khiêm tốn nhận chân những hèn kém của mình; nhưng tính Tự Trọng lo giữ cho mình xứng đáng là thụ tạo có tinh thần, con hiếu thảo của Tạo Hóa chí minh chí thiện, và anh chị em của mọi người. Không muốn vì mình mà người ta hiểu lầm về Tạo Hóa chí ái chí minh. Vì mến Thiên Chúa yêu thương người, nên lo làm sao để khỏi có điều gì mất lòng Thiên Chúa, và gây đau khổ cho một người nào.
            Tự Trọng là lo cho mình có những khả năng và đức tính, để phụng sự Tạo Hóa và phục vụ tha nhân, không bao giờ có ý để cho người ta khen ngợi và kính trọng mình. Tự Trọng không phải tự túc, tự mãn, cho mình đã đầy đủ rồi, không cần làm gì nữa, nhưng vẫn lo cho mỗi ngày mỗi tiến lên. Tự Trọng là điều cần thiết, vì chẳng những giúp cho mình luôn luôn được bình tĩnh và bình an, lại còn như ngọn đèn sáng báo động, để khỏi chiều theo tính xấu và tật xấu, buông xuôi trụy lạc.
c- Trở ngại:
            Tuy có học tập đạo đức đã lâu năm, nhưng ai dám chắc đã hết những tính xấu và tật xấu nặng nề, lôi cuốn, thúc đẩy cho mình khó tập được tính tốt, khó tập được tính Tự Trọng đúng ý nghĩa, có khi còn lầm lẫn Tự Trọng và kiêu ngạo, lấn lướt, áp bức, tranh giành người ta. Tính vị kỷ lại rất tinh vi, khéo léo lôi cuốn, khác nào như một luồng từ điện của nam châm thu hút, và đêm tối tăm làm cho mọi sự đều trở nên đen tối. Đã có Tự Trọng là có cho mình và vì mình, có thể là bạn đồng minh và đồng đảng với vị kỷ.
d- Phương pháp:
            Cần phải cẩn thận, giữ gìn cho khỏi lầm với kiêu ngạo và vị kỷ. Không lo Tự Trọng để đưa mình lên, và đặt mình làm trung tâm điểm. Không dám đòi hỏi ai phải tôn trọng mình, hay là trách ai đã khinh chê mình. Nhưng lo để cho mình đẹp lòng Tạo Hóa và hữu ích cho tha nhân. Vì sợ không biết Tự Trọng thì liều lĩnh buông trôi, dù xấu, dù hỏng, thế nào cũng được; hay là hiểu lầm khiêm tốn, càng xấu, càng hỏng lại càng hay.
            Đưa về ý tưởng duy nhất, cha mẹ và anh chị em mình trên trời và dưới đất, không ai muốn cho mình trở nên hèn hạ, vô ích, vô dụng. Trừ phi những người dưới đất không còn tự nhận là anh chị em của mình, lại tự nhận là kẻ thù địch ác hại, thì vô tình đã từ chức làm người, từ bỏ nhân cách, nhân phẩm và nhân vị của họ. Tự Trọng là một điều kiện cần thiết cho mình tỉnh thức, giữ mình khỏi sa xuống, nhưng giúp mình tiến lên
            Muốn cho chắc hơn nữa, thì giữ ngôn ngữ và hành vi theo tinh thần Tự Trọng, để cho khỏi có điều gì đáng tiếc và đáng khinh. Còn ý tưởng và nhận biết về mình, thì luôn luôn vẫn tự hạ, không bao giờ dám nghĩ và dám tin mình đã có gì đáng cho người ta kính trọng, chỉ còn đáng cho người ta khinh bỉ, cố gắng của mình chưa đủ vào đâu. Tự Trọng để cho mình lo sửa đổi và tiến lên, không phải để cho mình có ý tưởng đã bằng ai hay là hơn ai.
7. Tự Kiểm
a- Ý nghĩa:
            MỘT là tự mình kiểm điểm, kiểm sát hay là kiểm thảo, nghĩa là chú ý tìm xét kỹ càng cẩn thận, để giúp cho mình biết mình có những ưu điểm hay nhược điểm làm sao, có những ác tính hay đức tính thế nào; với mục ích phát huy ưu điểm và đức tính, sửa đổi hay tiêu diệt nhược điểm và ác tính.
            HAI là tự mình tìm nhớ lại trong quá khứ gần hay xa, mình có công đức hay tội lỗi gì, tìm nguyên nhân và hậu quả làm sao, để khuyến khích, tìm cách gia tăng và phát triển công đức; hối hận, tìm cách sửa đổi và đề phòng tội lỗi. Người Công Giáo Việt Nam quen gọi là xét mình, để biết tội lỗi của mình mà hối hận, quyết tâm xa lánh nguyên nhân và cơ hội, làm việc đền tội. Nếu muốn xưng tội, thì xét từ khi đã được lãnh Bí Tích Giải Tội lần trước.
...