Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Lần Chuỗi mỗi Ngày: Chúa Nhật 28 TN - Năm B, 11.10.2015

Filled under:

Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời” (Mc 10,21).
Như Mẹ: Đáp lại câu hỏi của người thanh niên, Đức Giêsu đưa câu trả lời đến một đòi hỏi cao hơn: bán tài sản, từ bỏ một chỗ dựa của cuộc đời anh. Của cải không phải là điều xấu và cũng không phải là chỗ dựa duy nhất của con người. Chúa muốn chúng ta hãy biết cách sử dụng của cải để đổi lại một chỗ dựa bền vững muôn đời, đó chính là Nước Trời.
Với Mẹ: Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, chúng con xin ngợi khen Người vì đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ cực khôn cực ngoan, xin cho chúng con cũng biết từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân mình để sẵn sàng như Mẹ mà thưa tiếng “Xin vâng” đáp lại tiếng Chúa gọi mời xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian này.
Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

“Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”(Mc 10, 17-27)

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? “
18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! “24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? “27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Phần đầu của bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có cấu trúc song song đối xứng như sau:
(A) Người thanh niên đến với Đức Giê-su và nêu câu hỏi (c.17)
(B) Lời của Đức Giê-su về Thiên Chúa nhân lành (c. 18)
(C) Các giới răn (c. 19-20)
(B’) Lời mời gọi đi theo Ngài (c. 21)
(A’) Nghe câu trả lời, anh bỏ đi, buồn rầu (c. 22)
Phần trung tâm (C): biết và giữ các giới răn vẫn chưa đủ, nhất là khi biết và giữ mà không có Thần Khí, không có kinh nghiệm sâu đậm về tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là không biết vì ai, nhờ ai và cho ai?
Các phần bao quanh (A tương ứng với A’ và B tương ứng với B’): Đức Giê-su là Đường, Sự Thật và Sự Sống giúp chúng ta hoàn tất Lề Luật theo Thần Khí (x. Mt 5, 17-48).

  1. Sự sống đời đời
  2. Người thanh niên đạo hạnh
Chúng ta hãy nhìn ngắm một người, có lẽ còn trẻ (x. Mt 19, 20), đến với Đức Giê-su và tỏ bày lòng thao thức sự sống đời đời. Chúng ta có thể trách cứ, xếp loại, thậm chí lên án anh quá gắn bó với tiền của đến độ từ chối lời mời gọi đi theo Đức Giêsu, nhưng trước hết, chúng ta cần thán phục anh và nhất là, cùng với Đức Giê-su, nhìn anh với lòng thương cảm: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.
Anh là người có nhiều của cải (nếu anh còn trẻ, thì đó có thể là gia tài cha mẹ để lại cho anh), và vì thế, có thể yên tâm hưởng thụ. Nhưng không, anh giầu có, nhưng lại thao thức về sự sống đời đời. Và anh không chỉ thao thức trong lòng, nhưng còn diễn tả ra bên ngoài ngang qua việc đích thân đi tìm gặp Đức Giê-su. Cuộc gặp gỡ này giả thiết anh đã có cả một thời gian tìm kiếm và tìm hiểu trước đó. Ngoài ra, anh sống rất đạo hạnh, phù hợp với thao thức về sự sống đời đời của mình: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó (nghĩa là những điều răn) tôi đã tuân giữ từ thủa nhỏ”.
Đức Giê-su sẽ giúp anh làm rõ và cụ thể hóa khát khao “sự sống đời đời” của anh, đồng thời làm bật ra sự quyến luyến của con tim với những phương tiện chóng qua, làm cản trở anh sống lòng khao khát của mình.

  1. Thiên Chúa nhân lành
Thật vậy, Đức Giê-su dùng chính danh xưng mà người thanh niên gọi Ngài: “Thầy nhân lành” để hướng anh tới chính Thiên Chúa nhân lành: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Với câu nói này, Đức Giê-su vừa cho thấy sự khiêm tốn của Ngài, không tự nhận mình là nhân lành, nhưng qui về Thiên Chúa nhân lành, là Cha của Người, vừa thông truyền cho anh con đường để đạt tới sống đời đời. Câu trả lời của Đức Giê-su cho thấy vấn đề thiêng liêng của người thanh niên:
(1) Từ nhỏ, anh đã chu toàn mọi lề luật trong tương quan với người khác: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” Nhưng đâu là sự thật về tương quan của anh với Thiên Chúa?
(2) Sự sống đời đời, không phải là lương bổng Thiên Chúa phải trả cho những người giữ luật hay tự ý giữ nhiều hơn cả những gì luật đòi hỏi, như anh đã nghĩ: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Sự sống đời đời là chính sự sống của Thiên Chúa, được trao ban một cách nhưng không, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, cho những ai có lòng khao khát và sống theo khao khát này, trong đó có việc giữ luật.
(3) Chính tương quan ân huệ và tình yêu với Thiên Chúa mới làm cho anh “hoàn tất” lề luật một cách đích thực, khởi đi từ con tim yêu mến và biết ơn Thiên Chúa, đồng thời giúp cho anh có tương quan đúng với những điều mà luật không nói tới hay không thể đụng tới, đó là những quyến luyến của con tim với những gì không phải là Thiên Chúa, hay với những gì không hướng tới Thiên Chúa.

  1. Lời mời gọi của Đức Giê-su
Đức Giê-su thấu suốt cõi lòng anh, thương mến anh, nên mời gọi một cách triệt để, nhằm làm bật ra vấn đề có nơi con tim của anh và chữa lành: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Người thanh niên từ chối lời mời gọi của Đức Giê-su, điều này chứng tỏ rằng, dù anh giữ hết các giới răn và khao khát sự sống đời đời, sự gắn bó của lòng anh với của cải vẫn mạnh hơn nỗ lực thực hiện lòng khao khát này.
Lời mời gọi của Đức Giê-su đích thân dành cho riêng anh, chứ không phải là lời mời gọi phổ quát dành cho hết mọi người, để giúp anh làm rõ tương quan của anh với Thiên Chúa và với của cải. Nhưng những vấn đề mà lời này làm bật ra đụng chạm đến hết mọi người chúng ta: chúng ta có thực sự nhận Thiên Chúa làm cứu cánh cuộc đời không, hay là điều gì khác?
Qua lời mời gọi đi theo Ngài với lòng yêu mến, Đức Giê-su không chỉ thông truyền cho anh con đường để đi vào (thay vì sở hữu) sự sống đời đời, nhưng còn mặc khải cho anh rằng, chính Ngài là đường đi. Nói theo ngôn ngữ Linh Thao của thánh I-nhã, “ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 23), đó là hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô.
Đi theo Đức Ki-tô, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đích thân dành cho từng người chúng ta như thế nào nơi ngôi vị và mầu nhiệm Thập Giá của Người; bởi vì Ngài chính là hiện thân của sự sống đời đời, là hình ảnh của Thiên Chúa nhân lành, điều mà người thanh niên khao khát.
Với kinh nghiệm tình yêu đến cùng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô và chỉ với kinh nghiệm này, chúng ta mới có thể yêu mến Thiên Chúa hết sức và trên hết mọi sự, và có thể thân thưa với Người, trong tâm tình cảm mến và tín thác: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả” (LT 234).
* * *
Như người thanh niên trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng có mối lo về “của cải”, tượng trưng cho tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa, không hướng chúng ta về Thiên Chúa, không giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn. Nhưng khi sống như thế, chúng ta có loại trừ Người ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?
  • Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.
  • Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (x. Tv 139).
  • Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.
  • Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?
  • Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)
Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và “thiêng liêng” hơn không? “Thiêng liêng” có nghĩa là trọn vẹn con người của tôi sống hay ước ao sống tương quan với Chúa trong mọi sự và ở mọi nơi mọi lúc ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Ki-tô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : « Con tìm gì ? »
  1. “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”
Sau khi người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đem bán tài sản mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, Người nói:
Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!… Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim[1] còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chứ không liên quan đến các môn đệ, và cũng không liên quan đến nhiều người trong chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”. Thế nhưng tại sao các môn đệ lại vô cùng sửng sốt và kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu?”
Bởi vì, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đề là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của Đức Giê-su liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, Đức Giê-su cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc làm cho anh không bình an, mặc dầu đã tuân giữ các giới răn, và hướng lòng anh tới “kho tảng trên trời”.
Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và Đức Giê-su đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị của Đức Ki-tô (x. Pl 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta. Thật vậy, Người nói:
Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.
Điều này có nghĩa là, Thiên Chúa có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đã và đang thực hiện cho các môn đệ của Đức Giê-su thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Lỗ kim” có lẽ là một cái lỗ nhỏ ở cổng thành mà người ta có thể chui qua.