QUỶ KHÔNG THỂ CHỐNG QUỶ
'Nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?' (Lc 11,18)
Suy niệm: Giải thích những phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ của Chúa Giê-su, người Do Thái cho rằng Ngài lấy danh quỷ tướng mà trừ quỷ con. Thực ra, Chúa Giê-su còn có thể làm những việc kỳ diệu, tốt đẹp mà quỷ ma không thể nào làm được. Tuy nhiên, do sự cứng lòng và ghen tương, họ không nhận ra hay không muốn chấp nhận những việc tốt lành Ngài thực hiện. Trừ quỷ mà dùng sức quỷ thì chẳng khác nào 'gậy ông đập lưng ông,' tự hủy diệt chính mình! Hơn nữa, các hành động của Chúa Giê-su nhằm triệt hạ dứt khoát sự hoành hành của ma quỷ trong đời sống con người thì không thể nào Ngài có hành vi thoả hiệp với ma quỷ được. Vậy, những việc tốt đẹp Chúa Giê-su làm cho con người minh chứng Ngài từ Thiên Chúa mà đến, là Đấng Thiên Sai.
Mời Bạn: Nhiều người vẫn sợ quyền năng ma quỷ, hoặc dựa vào thế lực của chúng trong việc sử dụng ma thuật, bùa ngải, hay chạy theo chúng trong lối sống xấu xa, truỵ lạc. Đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống lại ma quỷ. Trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta tuyên bố từ bỏ ma quỷ để tin vào Thiên Chúa. Bạn có muốn đi tới cùng với Chúa Giê-su trong cuộc chiến chống lại ma quỷ này không?
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực từ bỏ một thói xấu, như một cách trừ khử sự dữ của ma quỷ nơi mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế gian đầy dẫy sa đọa và gian tà này, xin cho con sức mạnh để dứt khoát tin theo và thực thi lời Chúa dạy. Bắt cá hai tay sẽ lại 'làm cho tình trạng của con còn tệ hơn trước' (Lc 11,26). Amen.
Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius (c. 258?)
|
Điều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.
Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.
Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium -- sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Đồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và thầy sáu của Đức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.
Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.
Đến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt.
Thánh Denis thường được vẽ khi ngài tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục.
Được coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.
Lời Bàn
Đây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Đức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Đức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Điển Thần Học).