Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Công Giáo Thế Giới ngày 03.3.2017

Filled under:



Ăn chay đúng nghĩa là gì?

Ăn chay đúng nghĩa chính là giúp đỡ người thân cận; ăn chay giả dối chính là việc trộn lẫn giữa điều có vẻ là tôn giáo với thứ kinh doanh ăn bẩn và kiểu hối lộ của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
PopeFrancis-03Mar2017-01.jpg

Ăn chay

Các bài đọc hôm nay nói về việc ăn chay. Ăn chay là việc mà chúng ta được mời gọi thực hành trong Mùa Chay. Làm như thế để chúng ta có thể tiến lại gần Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn sám hối. Tác giả Thánh Vịnh là người có tâm hồn cảm thấy được tội lỗi của mình, và nhận biết được rằng mình chỉ là một tội nhân.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa chê trách những kẻ giả hình. Họ ăn chay nhưng lại ăn bẩn trong kinh doanh và đối xử tệ bạc với người làm công. Họ có đôi tay xấu xa. Một tay họ làm việc đền tội, tay kia họ làm những điều bất công. Vì thế, Chúa kêu gọi thực hiện việc ăn chay đích thực.

Ăn chay giả dối

Có kiểu ăn chay giả dối, có thói đạo đức giả. Đó là kiểu ăn chay để cho người khác thấy mà khen, trong khi lại hành xử đầy bất công và khai thác con người. Ví như có người nói: “Tôi sẽ dâng tặng điều tốt đẹp này cho Giáo hội”. Thử hỏi lại người ấy rằng: “Hãy nói cho tôi, bạn có đối xử tốt với gia đình bạn không? Bạn có trả lương xứng đáng cho nhân viên của bạn không? Bạn có thực thi như luật pháp và lẽ phải, để các nhân viên có thể nuôi con cái của họ không?”.

Có một câu chuyện diễn ra ngay sau thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi ấy cha Pedro Arrupe Dòng Tên đang là nhà truyền giáo tại Nhật Bản. Có một doanh nhân giàu có nọ muốn dâng tặng cho công cuộc truyền giáo, nhưng đi cùng anh ta, có một nhiếp ảnh gia và một nhà báo. Trong khi đó, chiếc phong bì mà anh doanh nhân tặng chỉ chứa 10 đôla.

Ăn chay đích thực

Kiểu ăn chay giả dối cũng giống như việc chúng ta không đối xử phải lẽ với người thân cận. Chúng ta thực hiện việc đền tội, ăn chay, bố thí, và rồi chúng ta cũng làm việc hối lộ. Đó là sự giả hình giả dối của những thứ phù vân hư ảo. Đó không phải là chân thực mà chỉ là đạo đức giả. Vì vậy Chúa Giêsu nói: khi cầu nguyện thì chọn nơi kín đáo, khi ăn chay thì đừng làm bộ buồn sầu, khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói cho những kẻ giả hình biết thế nào là ăn chay đúng nghĩa: “Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao? Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ gánh nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, chia cơm sẻ bánh cho người đói, tiếp rước người nghèo vô gia cư, mặc áo cho kẻ trần truồng, đừng kinh khi những người cũng là con người như ngươi”. Chúng ta hãy ngẫm suy những lời này, chúng ta hãy để tâm những lời ấy mỗi khi chúng ta ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí. Điều ấy sẽ giúp chúng ta nghĩ xem người ta cảm thấy điều gì, khi người ta ăn bữa tối với giá 200 euro xong và trên đường trở về nhà, người ta nhìn thấy một người đang đói, và rồi người ta tiếp tục bước đi. Thật là tốt cho chúng ta để nghĩ suy về những điều này. 



Thiên Chúa mang lấy những thương tích của chúng ta

Chiếc la bàn định hướng của người Kitô hữu chính là việc bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài là Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mang lấy những thương tích của chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
PopeFrancis-01Mar2017-01.jpg

Mở đầu mùa chay với tiếng vang gọi mời sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào thực tại với ba nét: thứ nhất là con người, thứ hai là Thiên Chúa, thứ ba là con đường.

Thực tại về con người

Thực tại là con người phải lựa chọn giữa thiện và ác. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do, và chúng ta phải thực hiện việc chọn lựa. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, Ngài ban cho chúng ta các điều răn để dẫn đường chỉ lối. Tiếp đến, thực tại về Thiên Chúa là điều rất khó hiểu đối với các môn đệ. Các ông không hiểu được con đường thập giá của Chúa Giêsu. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn thân phận phàm nhân chỉ trừ tội lỗi. Nếu không có Thiên Chúa thì đã không có Chúa Kitô. Nếu tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Kitô, thì vị Chúa ấy không thực.

Thực tại về Thiên Chúa

Thực tại về Thiên Chúa, chính là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa nơi Đức Kitô, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta quay lưng lại với thực tại này, chúng ta cũng quay lưng lại Thập giá Chúa Kitô, và khi đó chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, đi ra khỏi con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường của Thiên Chúa là thế này: Ngài đã đến với chúng ta, đến bên chúng ta để cứu chúng ta, và chết vì chúng ta. Đó là thực tại về Thiên Chúa.

Có một cuộc đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu. Người theo thuyết bất khả tri với thiện ý, đã hỏi người tín hữu rằng: “Đối với tôi, bằng cách nào mà có thể… Vấn đề là bằng cách nào mà Đức Kitô là Thiên Chúa, điều này tôi không hiểu. Đức Kitô là Thiên Chúa hay sao?”. Người tín hữu đáp lại: “Vâng, với tôi, đây không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao Thiên Chúa lại không là Đức Kitô”.

Thực tại về Thiên Chúa là: Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô. Chúng ta đều biết rằng, không thể sống mùa chay mà không sống thực tại này. Tất cả chúng ta cần thay đổi bản thân, không phải với một Đức Kitô kiểu trừu tượng mông lung, nhưng là với một Đức Kitô cụ thể bằng xương bằng thịt, Đấng là Thiên Chúa làm người.

Thực tại về con đường

Thực tại thứ ba là con đường. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Con đường ấy chính là con đường của Chúa Kitô, là bước theo Đức Kitô để thực thi ý muốn của Chúa Cha như Đức Kitô đã làm, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa Kitô. Không làm những gì mình muốn, nhưng là làm những gì Đức Kitô muốn, đó là theo Đức Kitô. Ngài đã nói về con đường từ bỏ, con đường liều mất mạng sống để rồi được lại sự sống. Đó là con đường hy sinh mạng sống, hy sinh những gì mình muốn, hy sinh những tiện nghi, để phục vụ tha nhân, để phụng thờ Thiên Chúa. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường phải lẽ.
Như thế, chỉ có một con đường chắc chắn, là bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con đường thập giá. Đó là thực tại với ba nét đặc thù: thực tại về con người, thực tại về Thiên Chúa, thực tại về con đường. Đó là chiếc la bàn giúp người Kitô hữu không bị lạc lối.


(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 03.03.2017)