Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 3/3/2017

Filled under:

MỤC ĐÍCH CHAY TỊNH
“Tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Người Do thái thường ăn chay trong dịp tang chế, đền tội hay để chuẩn bị đón nhận một dịp lễ quan trọng. Dù trong trường hợp nào đi nữa, việc ăn chay vẫn nhằm tự luyện trong đức tin, với thái độ khiêm nhường, để đón nhận Chúa và đặt mình theo chương trình của Ngài. Nói cách khác, việc ăn chay là dấu chỉ của tâm hồn sám hối, sẵn sàng cho một đời sống mới, một đời sống hiệp thông với Thiên Chúa bền chặt hơn. Kết hợp với Chúa là mục đích của chay tịnh. Thế nhưng, người Do Thái thời ấy thật ngớ ngẩn, khi nghiêm nhặt thực hành chay tịnh mà vẫn không nhìn nhận Đức Giê-su. Hôm nay, Giáo Hội duy trì truyền thống chay tịnh nhằm giúp tín hữu mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa, trong khi chờ đợi Chúa lại đến.
Mời Bạn: Nhiều người xem thường việc chay tịnh, hoặc giới hạn nó chỉ trong hai ngày, thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, với những thực hành qua quít. Để đẹp lòng Thiên Chúa, chay tịnh phải dẫn con người đến ước muốn giao hòa và sống thân tình với Chúa và mọi người. Vì thế, Giáo Hội tha thiết mời bạn tiết chế trong ăn uống để tâm hồn được thanh thoát, siêng năng tham dự các bí tích, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Chia sẻ: Ăn chay và làm việc bác ái có liên hệ với nhau không?
Sống Lời Chúa: Nhắc nhở người trong gia đình thực hành các việc đạo đức trong mùa Chay này và chuẩn bị tâm hồn tham dự vào biến cố Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống khổ chế, biết nghĩ đến những người đang sống khốn cùng. Xin hướng tâm hồn con về Chúa và tha nhân.


 THÁNH  CUNÊGONĐA
HOÀNG HẬU
(+ 1040)
"Hỡi bạn đồng trinh hãy dọn chỗ cho người trinh nữ". Đó là lời nghe vang trên không trung hôm cải mộ Thánh nữ Hoàng hậu Cunêgođa và Hoàng đế Henricô người bạn đời yêu quí của thánh nữ. Lời đó làm chứng thánh nữ Cunêgođa là một bông hoa quí tô điểm cho vườn hôn nhân công giáo.
Thánh nữ chào đời vào cuối thế kỷ thứ X trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Cha là Siđêroa công hầu Lục xâm bảo, và mẹ là bà Hêguiga, một hiền mẫu nổi tiếng nhân đức và biết giáo dục con cái. Công trình giáo dục của ông bà đã hun đúc nên đời sống thánh nữ Cunêgonđa. Thánh nữ lớn lên theo thời gian và nhất là theo gương nhân đức của ông bà. Ngay khi còn là cô bé cắp sách đến trường, thánh nữ đã khấn giữ mình đồng trinh, tận hiến cho Chúa tấm lòng trinh bạch. Lời khấn ấy mỗi ngày một khắc sâu vào trí não cô.
Một hôm đi thăm bệnh nhân với mấy bà quí tộc, thánh nữ bỗng nghe có tiếng bàn tán từ xa vẳng lại: "Kìa người phụ nữ mà Hoàng đế Henricô muốn chọn làm hoàng hậu". Cunêgonđa tự nhiên đổi nét mặt, má đỏ ửng dưới ánh nắng chiều, đôi mắt đăm chiêu biểu lộ một sự lo lắng, đi vừa tới khu nhà thờ chính toà, cô từ tốn xin lỗi các bà để được vào nhà thờ viếng Chúa. Quỳ trước nhà chầu, cô không biết nói gì hơn là chăm chú nhìn Chúa để con tim tự do rung động, trút cho Người mọi nỗi lo âu.
Nhưng rồi việc xẩy đến đã đến. Sau đó vừa chẵn hai tuần, vào một buổi mai đẹp trời, một đoàn kỵ mã rầm rập kéo đến, ngừng lại trước cửa dinh thự của Cunêgonđa. Đoàn người bệ vệ kéo vào khiến cô hết sức hồi hộp và bối rối. Sau câu chào hỏi lễ phép, họ trao cho cô tấm giấy nhỏ viết mấy lời cầu hôn thắm thiết của Hoàng đế: "Tôi, Bá tước Henricô, vừa được chọn làm vua Rôma, tôi đã khấn không sống đời hôn nhân, nhưng vì ước nguyện nồng nhiệt của quốc dân, tôi không thể từ chối. Vì thế tôi muốn được cùng cô trở nên đôi bạn trăm năm, cùng cô tôn thờ Chúa đắp xây hạnh phúc và cường thịnh cho dân tộc". Đọc thư xong, Cunêgonđa phân vân không biết trả lời ra sao… Ngoài Chúa ra, mấy ai thấu hiểu được nỗi niềm đang dày vò tâm hồn thánh nữ. Những thân nhân quen thuộc lại vô tình làm tăng thêm nỗi ưu tư của thánh nữ, bằng cách vội vã đến chia vui, tỏ tình hoan lạc và hãnh diện vì sắp có một người trong dòng tộc được chọn làm hoàng hậu! Không muốn làm họ mất hứng, vì dầu sao họ vẫn là những người chân thành. Thánh nữ cố tỏ ra niềm nở, để mặc Chúa thu xếp. Người mà thánh nữ tín nhiệm hơn cả chính là Chúa và cha linh giám vị đại diện Người. Nhờ ơn Chúa và lời chỉ giáo của cha, thánh nữ mau được bình thản và nhận biết ý Chúa là muốn cho mình sống đời hôn nhân… Hôn lễ đã sửa soạn xong, toàn dân vui vẻ mừng ngày lễ thành hôn của hai vị "Phụ mẫu đáng kính của dân tộc".
Trước mặt người đời, đây là một cuộc hôn nhân của đôi trai tài gái sắc, nhưng qua điệu nhạc réo rắt của thiên thần thì trái lại là lễ hợp nhất của hai tâm hồn trinh khiết. Quả thế, lần đầu tiên bước vào khuê phòng, Hoàng đế Henricô, như đoán được cao ý của người yêu, đã mau mắn ngỏ lời tâm sự: "Cunêgonđa yêu quí, tôi không muốn giấu mình nữa, nhưng nói thực với Cunêgonđa rằng tôi đã khấn giữ mình đồng trinh tận hiến trọn đời cho Thiên Chúa ".  Nghe lời nói, nét mặt Cunêgonđa như sáng hẳn lên, ngài đáp lại với tất cả lòng hân hoan và tin tưởng: "Ôi lời nói êm đẹp biết bao! Còn gì hạnh phúc hơn! Chính tôi cũng đã nguyện ước với Thiên Chúa như vậy ". Tâm đồng ý hợp lại được nguồn hứng siêu nhiên, tình yêu của hai người thánh trở nên mặn mà thắm thiết, tình yêu sáng tạo và siêu nhiên hoá con người họ, tình yêu nâng họ lên thành những người bạn thân tín nhất của Chúa Kitô.
Từ đó hai người sống với nhau bằng mối tình tri kỷ, ngày đêm cùng nhau cầu nguyện, làm việc mở Nước Chúa và phục vụ quốc dân, khai trương một hoàng kim thời đại. Lá cờ tự do và hoà bình phất phới nổi lên nền trời xanh Đức quốc! Nhưng "vàng chưa thử lửa chưa phải là vàng ròng". Cũng thế, người công chính không thể tiến bước ngoài gian lao và thử thách.
Một số người vì ghen tương và nham hiểm đã dựng đứng câu truyện: "Hoàng hậu Cunêgonđa âm mưu cướp quyền vua, phá rối an ninh của dân tộc Đức". Lời vu khống được truyền đi khắp nơi không để sót một hang cùng ngõ hẻm! Dân chúng hoảng hốt như sợ cuộc nội chiến sắp xẩy đến nơi; người ta xôn xao bàn tán, có người còn bịa đặt và làm cho to chuyện hơn là bình tĩnh để tìm hiểu. Theo nhịp dư luận quần chúng, nhiều cuộc hội được tổ chức bí mật hoặc công khai giữa các cấp chính quyền và cả giáo quyền trong đế quốc Đức.
Trước tình thế mỗi ngày một hoang mang, một ngộp thở, Hoàng đế Henricô mất bình thản, sống những ngày trầm ngâm và lo sợ. Ngài không nói với ai một câu, kể cả thánh nữ Cunêgonđa, người bạn lòng thân thiết nhất. Thái độ nghi nan và bị dày vò vì câu truyện không đâu. Rất nhiều người đến yên ủi và ngỏ ý giúp đỡ hầu cứu vãn lại tình thế, nhưng thánh nữ chỉ âm thầm bàn hỏi với Chúa. Vì đó là giải pháp duy nhất của những tâm hồn thánh thiện. Lời cầu nguyện và đức phó thác đã dẫn thánh nữ đến một cách giải quyết ít ai nghĩ tới.
Một hôm, thánh nữ lấy hết sức bình tĩnh, niềm nở đến phục trước Hoàng đế Henricô và ôn tồn thưa: "Tâu quân vương, thiếp biết lúc này quân vương đau khổ lắm, đau khổ vì tình trạng trong nước, mà đau khổ hơn vì những câu truyện người ta đồn thổi về thiếp. Mối hoang mang của dân chúng, nỗi ưu tư lo lắng của quân vương, nếu không nhầm thì lý do độc nhất chỉ vì thiếp. Vì thế để trấn tĩnh lòng dân, để họ thấy tình tri kỷ khăng khít và trong trắng của chúng ta với Thiên Chúa, với nhau, và do đó với cả họ, thiếp đã cầu nguyện và bây giờ xin quân vương cho phép thiếp thanh minh và giải quyết câu truyện như sau: quân vương hãy truyền lính nung đỏ 12 mũi sắt, và thiếp sẽ bước lên. Sự phán xét công minh của Thiên Chúa sẽ làm chứng thiếp có trung thành với Thiên Chúa, với quân vương, với quốc dân hay không!" Hiểu lòng người yêu: Hoàng đế Henricô cương quyết khước từ; không nỡ để ngài phải minh oan bằng cách ghê sợ đến thế. Vua xin lỗi và hứa bỏ qua những câu truyện đã xẩy ra. Nhưng với lời xin tha thiết của Hoàng hậu, và vì tình thế đòi hỏi, Hoàng đế buộc lòng theo lời thánh nữ xin. Sự việc kia diễn ra trước mặt các cấp đạo đời và số đông dân chúng. Theo nhịp diễn tiến của công việc, mọi người trở lại bình tĩnh, tin tưởng, nỗi căm hờn uất ức đã tiêu tan nhường chỗ cho lòng khâm phục và hãnh diện. Họ sung sướng là con dân của một hoàng hậu thánh thiện đang bước đi mạnh dạn trên hàng dài những thanh sắt nung đỏ mà không chút sợ hãi và nguy hại. Họ tròn mắt chăm chú quan sát bộ điệu của hoàng hậu, họ im lặng không hở môi như để lắng nghe một lời nguyện sốt sắng của nữ diễn viên lành thánh: "Lạy Thiên Chúa, Chúa của người chân chính, xin bênh đỡ nữ tì hèn mọn của Chúa". Buổi hội lịch sử bế mạc, ngọn cờ hoà bình lại thi nhau phất phới trên toàn lãnh thổ Đức!
Nên lưu ý rằng, đây là một tập tục đạo đức khá thịnh hành vào những năm đầu thời trung cổ. Nhưng sau, thấy nhiều người lạm dụng đến mê tín, Giáo hội đã ban luật nghiêm cấm.
Từ đó mối tình dâng hiến Hoàng đế và Hoàng hậu mỗi ngày một thêm bền vững. Không phụ bạc với ơn Chúa, thánh nữ ngoài việc chăm lo tăng tiến đời sống thánh thiện, còn dùng của cải và quyền thế Chúa ban để thực hiện nhiều việc từ thiện, nhất là sau khi cùng Hoàng đế đi Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng Biển đức VIII. Lịch sử cho ta biết chính thánh nữ, đã cổ động và trùng tu nhà thờ chính toà Bambeg dâng kính thánh Grêgôriô tử đạo, và đã xây cất trong đô thành một nhà dòng mang tên Đức Tổng Thần Micae. Ngoài ra ngài còn xây cho các nữ tu dòng Biển đức một cơ sở với danh hiệu là tu viện Mến thánh giá. Chính nơi đây, sau khi Hoàng đế đã băng hà, thánh nữ đã tới để qua những ngày sống "goá bụa" lành thánh. Những năm cuối đời trong khung cảnh tịch liêu ngạt mùi đạo đức, là chuỗi ngày thuận lợi nhất giúp thánh nữ phát triển nhiều nhân đức. Ngài quên hẳn địa vị cao trọng và của cải sung túc để hoàn toàn sống theo kỷ luật. Thánh nữ sống với bề trên như người con ngoan, với các chị như cô em nhỏ nhún nhường và thuỳ mị. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ nhiều ơn lạ để làm sáng tỏ đời sống nhân đức hiếm có của người bạn trinh khiết. Một đêm kia, sau giờ cầu nguyện và đọc Phúc âm, thánh nữ mệt mỏi gục đầu ngủ trên chiếc giường rơm bọc vải bố. Ngọn đèn để bên vẫn cháy sáng. Tình cờ trong đêm, lúc mọi người ngủ say, đèn đổ và dầu chảy loang ra bắt cháy cả giường. Ánh lửa sáng rực trong đêm tối đánh thức nhiều chị em dậy và ai nấy sợ hãi chạy đến. Tiếng kêu cứu của chị em như quạt vào ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao. Đang khi ấy thánh nữ vẫn bình tĩnh chắp tay cầu nguyện rồi với cả lòng tin, ngài giơ tay làm dấu thánh giá trên ngọn lửa. Lập tức ngoan ngoãn như giông tố trên biển trước uy quyền Chúa Kitô khi xưa, ngọn lửa tàn dần và tắt hẳn.
Đời sống thánh thiện êm trôi vừa đúng 15 năm trong nhà dòng. Một phần vì đời sống quá khắc khổ, một phần vì tuổi già sức yếu, thánh nữ lâm bệnh. Cơn bệnh tuy hành hạ thân xác nhưng không ngăn cản nổi tinh thần chay tịnh của thánh nữ, trái lại đó là cơ hội giúp ngài kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, chuẩn bị ngày kết hợp vĩnh cửu. Sau ba tháng lâm bệnh, thánh nữ tắt thở êm ái giữa muôn lời kinh của chị em. Thánh nữ qua đời ngày 03-03-1040 để lại cho mọi người nhiều kỷ niệm tươi đẹp. Xác ngài được mai táng trọng thể trong nhà thờ thánh Phêrô tại thành Bambe và sau 20 năm lại cải táng và đem về đặt cạnh mồ thánh Hoàng đế Henricô: Chính trong buổi lễ cải táng này, khi mở quan tài thánh Hoàng đế ra, người ta đã nghe vẳng trên không lời: "Hỡi bạn đồng trinh hãy mau dọn chỗ cho người trinh nữ". Điều đó chứng tỏ sự hợp nhất hoàn hảo của hai linh hồn trinh khiết trong tình yêu Chúa và bí tích hôn nhân.
Cũng từ đó rất nhiều phép lạ xẩy ra vì công nghiệp thánh nữ Cunêgonđa. Những phép lạ đó là những miếng than hồng, những thanh củi nỏ hun đúc tâm hồn những ai sùng kính thánh nữ và sau cùng là những bảo đảm chắc chắn để Đức Giáo Hoàng Innôxentê VII tôn phong ngài lên bậc hiển thánh, ngày 03-04-1200. 


Vàng Bạc Trong Tro Bụi

Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: "Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người".
Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: "Ðây là tất cả tài sản của tôi".
Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: "Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó saỏ". Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: "Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?". Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàmg hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.
Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối, nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. "Hãy thử nghĩ đến những sự vật trên trời": đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô. Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. "Ðầu đội trời nhưng chân đạp đất": đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến... Ðó chính là cách sống của người có niềm tin.