Chúa Giêsu muốn chúng ta làm việc tốt với lòng khiêm nhượng và phải bỏ đi thứ lòng đạo “son phấn” vốn chỉ quan tâm đến bề ngoài và vơ cho mình những thứ mình không có. Đây là lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 11-10 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Đức Giáo hoàng lấy ý từ các bài đọc trong ngày trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Galat, và bài Phúc âm kể lại chuyện Chúa Giêsu trách mắng người Pharisiêu chăm chú hoàn toàn vào vẻ ngoài sạch sẽ của mình mà quên mất chân tính nội tâm của đức tin mình.
“Khi người Pharisiêu chỉ trích Ngài không tuân giữ luật rửa tay trước khi ăn, Chúa đã có một câu trả lời hai lớp nghĩa: “Hỡi người Pharisiêu! Các ngươi rửa sạch chén đĩa bên ngoài, mà bên trong thì đầy trộm cướp xấu xa .” Và Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại những lời như thế với các người Pharisiêu. Họ là những người thâm hiểm, không tốt lành, không tự do. Họ là nô lệ bởi đã không đón nhận công lý phát xuất từ Thiên Chúa, công lý mà Chúa mà Giêsu đem lại cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã thúc giục chúng ta hãy cầu nguyện mà đừng để người khác thấy, đừng thể hiện, đừng học theo những kẻ vô liêm sỉ cầu nguyện và bố thí để người ta thấy mà tán thưởng. Chúng ta hãy xin Chúa chỉ cho chúng ta con đường khiêm nhượng.
Bởi vẻ bên ngoài chẳng là gì, điều quan trọng chính là sự tự cho chúng ta được nhận nhờ ơn cứu chuộc.
Sự tự do nội tâm đó, sự tự do để làm việc tốt cách kín đáo không đánh trống thổi kèn, bởi con đường của lòng đạo đích thực là con đường của Chúa Giêsu: khiêm nhượng và chịu sỉ nhục. Như thánh Phaolô nói với tín hữu Philip, Chúa Giêsu đã tự hạ mình, biến mình thành không. Đây là cách duy nhất để bỏ đi tính ích kỷ, tham lam, kiêu căng, phù phiếm và trần tục khỏi bản thân mình.
Ngược lại, những người mà Chúa Giêsu đã khiển trách, họ là những người theo một lòng đạo “son phấn” Họ trình diễn, họ tạo vẻ bên ngoài, vờ như mình có một tinh thần vốn thực họ không có ... Chúa Giêsu đã dùng những lời đanh thép để nói về những người này: “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, mã ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế .”
Chính Chúa Giêsu đã muốn chúng ta làm việc tốt với sự khiêm nhượng. Anh chị em có thể làm mọi việc tốt mình muốn, nhưng khi làm xin hãy làm với sự khiêm nhượng như Chúa Giêsu đã dạy. Khiêm nhượng hạ mình như chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chịu sỉ nhục trên thập giá vậy.
Chúng ta hãy nguyện xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt trên hành trình đức tin, đừng mỏi mệt khi gạt đi thứ lòng đạo “son phấn” trọng bề ngoài và giả dối. Chúng ta hãy làm việc tốt một cách lặng lẽ, cách nhưng không như chúng ta đã được nhận sự tự do của mình cách nhưng không.
Và nguyện xin Chúa che chở cho sự tự do nội tâm của tất cả chúng ta. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa ơn này .”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng
Tổng Hợp 5 Điểm Mấu Chốt Giúp Bạn Hình Dung Giáo Hội Sẽ Thay Đổi Ra Sao Với Các Tân Hồnh Y
Không có "lối sống đạo kiểu ngụy trang"
chỉ trọng vẻ bề ngoài
Không có "lối sống đạo kiểu ngụy trang" chỉ trọng vẻ bề ngoài.
Vatican (Vat. 11-10-2016) - Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm việc thiện với lòng khiêm tốn, tránh lối phô trương hình thức. Ðó là điều Ðức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng sáng thứ ba 11 tháng 10 năm 2016 tại nhà nguyện thánh Marta. Ðức Thánh Cha cảnh báo lối sống đạo kiểu ngụy trang ngụy tạo. Ngài nói rằng con đường của Thiên Chúa là con đường của khiêm nhường.
Tự do của người Kitô hữu đến từ Chúa Giêsu, chứ không đến từ những việc chúng ta làm. Ðức Thánh Cha khai triển bài giảng của Ngài từ bài đọc trích thư của thánh Phaolô, sau đó Ngài hướng sự tập trung vào bài đọc Tin Mừng.
Hôm nay Chúa Giêsu trách người biệt phái vì họ chỉ tập trung vào cái bề ngoài mà quên mất đức tin. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta chấp nhận sự công bình đến từ Thiên Chúa. Lúc ấy, người biệt phái trách Chúa vì Chúa chưa rửa tay trước khi ăn.
Ðáp lại họ, Chúa Giêsu nói rất mạnh: các ông chỉ làm sạch bên ngoài chén đĩa, còn trong lòng các ông thì đầy tham lam gian ác. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần: nội tâm các ông đầy bất công và bị nô lệ. Họ bị nô lệ vì họ không đón nhận công bình đến từ Thiên Chúa, thứ công bình mà Chúa Giêsu trao ban.
Nơi khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo để không phô trương. Có những người ăn chay với vẻ mặt phiền não. Những người sống bề ngoài như thế, họ đã cầu nguyện và chay tịnh để được người ta khen tặng. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhường.
Không có lối sống đạo kiểu ngụy tạo. Ðiều quan trọng là chính tự do mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta từ sự cứu chuộc của Người, từ tình yêu và niềm vui mà Người trao cho chúng ta từ nơi Chúa Cha.
Ðó là tự do nội tâm. Với tự do ấy bạn làm việc tốt cách kín đáo, không khua chiêng đánh trống cho người ta biết. Con đường đích thực của Chúa Giêsu là thế: khiêm nhường và chịu sỉ nhục. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê về gương khiêm nhường của Chúa Giêsu: Người đã tự hạ mình và từ bỏ chính mình. Ðó là cách duy nhất để chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, hư danh, gian manh. Thế nhưng, có những người sống đạo kiểu tô vẽ kiểu ngụy tạo: bên ngoài thì có vẻ thế này mà bên trong lại thế khác. Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất mạnh: các ông giống như những cái mộ tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy xương người chết và hôi hám.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo theo kiểu giả hình, mà sống đạo theo con đường khiêm nhường của Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy và những điều tốt ấy không phải là để phục vụ, những điều tốt ấy không có giá trị cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Con đường cứu độ, con đường cứu chuộc của Chúa là con đường của khiêm nhường và chịu sỉ nhục, vì bạn không bao giờ có được sự khiêm nhường mà lại không phải chịu biết bao nhục nhã. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu sỉ nhục trên thánh giá.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo kiểu giả hình ... để chúng ta sống tốt lành cách khiêm tốn, để chúng ta trao tặng cách nhưng không những gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, đó là tự do nội tâm. Nguyện xin Người gìn giữ tự do nội tâm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin ơn ấy.
Tứ Quyết, SJ
(Radio Vatican)