Tuổi thơ của cậu Phanxicô được sự bao bọc của người mẹ và sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Cậu nhận được lòng bao dung, sự nhạy bén của người mẹ; đồng thời, cậu nhận được sự tự lập và tính quyết đoán của người cha. Đó là ưu thế giúp cậu phát triển nhân cách lành mạnh. Cộng thêm, hoàn cảnh gia đình giàu có, cậu ít khi bị tự chối một nhu cầu chính đáng nào. Thế nên, cậu dễ dàng sống với những ý nghĩ của bản thân, ít bị dồn nén trong đời sống nội tâm. Ngoài ra, với tư chất vốn hướng ngoại và trực giác, cậu dễ dàng sống hài hòa với mọi tương quan. Với những ưu thế đó, cậu lớn lên trong tình thương của mọi người.
Tuy nhiên, từ khi đón nhận tiếng Chúa tại nhà nguyện Damiano, chàng thanh niên Phanxicô đã quyết định chọn con đường dấn thân triệt để cho Thiên Chúa. Quyết định này đòi buộc việc từ bỏ gia đình. Hơn nữa, chàng phải cự tuyệt với cha do không thực hiện ước nguyện của cha là trở thành một thương gia. Nhờ quyết tâm sống trọn cho Thiên Chúa mà nhân cách của chàng đã định hình trong đời tu. Chàng biết rằng khi quyết định chọn đời tu là phải đặt Thiên Chúa trên tình cảm gia đình. Chính khi chấp nhận thực tế đó, chàng chọn sống tự lập. Ấy là một lợi thế giúp chàng định hình nhân cách.
Sống trong thời đại mà Giáo hội lẫn xã hội đều phồn thịnh, xa hoa, điều này đã tạo trong tâm thức chàng một sự trống rỗng, vô vị của những thứ tiện nghi vật chất. Từ đó, chàng đã quyết định sống với thao thức thuộc trọn về Chúa bằng cách từ bỏ mọi sự, kết duyên với Bà Chúa Nghèo. Chắc hẳn, không phải dễ dàng mà ngài quyết định như thế, ngài đã phải trải qua một sự giằng co khốc liệt trong tâm hồn để có thể tìm ra cho mình một linh đạo vui sống nghèo và lấy Bà Chúa làm lẽ sống. Với mảnh áo mỏng manh trên người, chàng hát khúc ca yêu đời, đồng thời, cảm tạ hồng ân của Chúa vì được sống hạnh phúc và thanh thoát trong cảnh nghèo. Tấm áo lấm bụi đường không làm phai nhạt tư cách người hành khất, trái lại, còn làm nổi bật thái độ từ bỏ triệt để nơi chàng. Từ đây, khúc ca yêu đời như lời mời gọi mọi người sống nghèo để chiếm trọn tình yêu của Thiên Chúa.
Nhân cách lành mạnh ấy cũng lôi kéo một nhóm người đi theo mình. Từ đó, ngài bắt đầu nghĩ ra những qui tắc hướng dẫn đời sống họ. Vì người ta không phải sống nghèo để bần cùng hóa nhân loại nhưng sống thanh thoát với tất cả tình yêu hiến dâng. Để cuối cùng, họ chiếm đoạt Chúa là hạnh phúc đích thực đời mình.
Bề ngoài, do tư chất lạc quan, ngài cởi mở với mọi tương quan. Thiên nhiên trở thành người anh, người chị, nghĩa là chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống bản thân. Điều này được chứng thực qua Bài ca tạo vật. Còn với mọi người, ngài trở thành người hòa giải; thế nên, ngài được mệnh danh là sứ giả hòa bình. Thật vậy, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, ngài không ngừng thao thức để Đức Giám Mục và ông thị trưởng ở Assisi làm hòa với nhau. Thiện chí ấy đã được Chúa chúc lành. Như thế, ngài đã thêm vào nhân cách mình nét đẹp của một người bao dung, muốn ôm trọn mọi hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa. Điều này thể hiện phần nào chiều sâu nội tâm của con người ngài.
Đúng thế, ngài thiết lập một tương quan liên vị thân tình với Chúa. Những thị kiến ngài nhận được là bằng chứng xác thực cho một tâm hồn thuộc trọn về Chúa. Và gần hai năm cuối đời, ngài được phúc nhận năm dấu thánh, được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô trên đồi Calvê. Đồi này trở thành điểm hẹn thường xuyên giữa Chúa và linh hồn ngài. Nỗi đau trên thân xác và bản thân bị mù lòa không cướp đi niềm vui của một con người lạc quan yêu đời, trái lại, chính khi bản thân chịu nhiều đau đớn và cả cái chết gần kề lại là cơ hội giúp ngài thể hiện ý chí anh hùng, một nhân cách cao thượng.
Ngoài ra, với một ý thức lớn lao trong đời sống tính dục, ngài đã thiết lập một tình bạn thắm thiết với thánh Clara để cùng nhau đưa nhiều linh hồn đến gần Chúa. Đó là dấu hiệu tích cực của một nhân cách đích thực. Thật vậy, một nhân cách lành mạnh luôn ý thức căn tính của mình, đồng thời, sống hài hòa với mọi tương quan.
Tóm lại, nhân cách nơi thánh Phanxicô mang đậm niềm vui của một người đã được giải thoát khỏi mọi của cải vật chất và những hào nhoáng bên ngoài. Chính tình yêu của Đấng chịu đóng đinh đã thúc bách ngài sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui. Chính niềm hy vọng vào Đấng Phục sinh đã củng cố cho cuộc từ bỏ triệt để nơi ngài. Có thể nói, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, gặp lại chính nhân cách đích thực của mình trong Đấng Phục sinh.
Khi nói đến thánh Phanxicô, chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình và Bài Ca Tạo Vật. Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài.
Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, cả ba chiều kích này được thánh nhân sống rất triệt để. Chính thái độ sống hòa đồng và hòa điệu với mọi chiều kích mà thánh nhân đáng được gọi là Sứ giả hòa bình.
Năm 1979, ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố: Thánh Phanxicô là quan thầy của những người bảo vệ môi sinh. Chắc hẳn, đây không phải là một quyết định dựa trên tình cảm nhất thời, nhưng dựa vào đời sống của ngài được thể hiện cụ thể trong Bài ca Tạo Vật. Trong đó, chim trời mây nước và cả vũ trụ này đều có chỗ đứng và giá trị nào đó trong cuộc đời của ngài; tất cả nên chị nên anh, cả đến cái chết như là sự dữ tuyệt đối cũng được ngài gọi bằng một tên thân thương: chị chết. Như thế, không một thực tại nào mang màu sắc u tối, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thánh nhân. Chính sự huyền đồng này (hòa điệu một cách huyền nhiệm) đã giúp ngài chinh phục cả những kẻ thù giết hại. Xin đơn cử giai thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài và con chó sói hung bạo tại Agodio Gubio.
Khi thánh nhân cư ngụ tại Agodio thì có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, nó quấy nhiễu và gieo rắc tại họa cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng trang bị khí giới sẵn sàng chuẩn bị giao chiến với con thú dữ; có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ ngài quyết định đến chạm trán với con thú, ngài làm dấu Thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng ngài không lùi bước, ngài tiến lại gần, làm dấu Thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói cùng nó với tất cả sự trân trọng vì nó cũng là một tạo vật của Chúa: “Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô, tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa”. Như một phép lạ, con chó sói hung dữ giờ đây ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên ngài, ngài lại tiếp tục nói như sau: “Này anh sói, anh đã gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài. Anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh Thiên Chúa nữa; anh đáng phạt vì những tội ấy… Nhưng tôi muốn giàn hòa giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa”.
Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con chó sói vặn mình ra điều biết lỗi và chấp nhận đề nghị của ngài. Ngài nói tiếp: “Này anh sói, hẳn anh thích làm hoà với mọi người, tôi hứa rằng: bao lâu còn sống, anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ?”. Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời ngài vừa hứa với con sói. Giai thoại kể tiếp rằng: con vật tiếp tục sống hai năm tại đó, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào cũng như chính nhà của nó. Nó không làm hại ai và cũng không ai hãm hại nó, cuối cùng, con vật chết đi giữa tiếng khóc của dân làng.
Theo thánh nhân, chúng ta cần tỏ ra bất bạo động với thiên nhiên, với chim trời núi rừng, với không khí nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà như thế, con người mới có thể xây dựng hoà bình trên thế giới.
Sự hoà giải này không dừng lại với tương quan thú vật nhưng còn mở ra với người khác. Chính ý hướng ngay lành này góp phần hoán cải các tâm hồn đối nghịch. Chúng ta thấy nỗi đam mê hoà giải không chỉ được phát huy lúc thời trai trẻ mà ngay cả lúc trên giường bệnh ngài vẫn dấn thân phục vụ hoà bình vì ích chung.
Điều này được cha Nguyễn Hồng Giáo [1] biên soạn khi ghi lại lịch sử cuộc đời thánh nhân: Năm 1226, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, thánh nhân rất đau lòng khi nghe tin Đức giám mục và ông trị trưởng ở Assisi kình địch nhau. Vị Giám mục thì ra vạ tuyệt thông cho ông thị trưởng, còn ông này thì cấm không cho ai được mua bán và ký kết khế ước gì với Đức Cha.
Thánh nhân nói với anh em trong dòng: “Thật xấu hổ cho chúng ta, những người làm tôi Chúa, vị Giám mục và ông thị trưởng thù ghét nhau như thế mà chẳng ai đứng ra hoà giải”.
Chúng ta cũng có thể hỏi: thế bản thân ngài làm được gì khi mắt đã gần mù và thân xác kiệt quệ phải nằm một chỗ ? Có chứ ! Thánh nhân đã làm một việc quá sức tưởng tượng của mọi người, và có thể nói “rất Phanxicô”, đó là thêm vào Bài ca tạo vật mà ngài đã sáng tác trước đó ít lâu, một phiên khúc ca ngợi hoà bình và tha thứ, rồi cử anh em đi mời ông thị trưởng tới Tòa Giám mục. Khi ông tới nơi và hai người gặp nhau, các môn đệ nhân danh ngài, cất tiếng hát Bài ca tạo vật cùng với phiên khúc mới. Khi tiếng hát vừa dứt, hai người nắm tay nhau nói lời hoà giải và ôm hôn tỏ tình thân mật.
Chắc hẳn, thánh nhân không bao giờ tự coi mình có khả năng hoà giải nhưng luôn là khí cụ bình an của Chúa. Điều này được chứng thực trong lời Kinh Hoà Bình.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem tin kính vào nơi nguy nan
Đem trông cậy vào nơi thất vọng
Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem niềm vui đến chốn ưu sầu.
Lạy Chúa, xin hãy dạy con
Tìm an ủi người hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu
Vì hiến thân chính là nhận lãnh
Tha thứ cho người chính là được thứ tha
Cam lòng chịu chết là được sống muôn đời.
Thật ra, nhiều nhà chuyên môn nhìn nhận rằng kinh này không do thánh nhân trước tác nhưng được gán cho ngài vì tinh thần hoà bình của tác giả theo chủ trương của thánh nhân vào thời bấy giờ. Nhưng dù sao, chúng ta cũng có thể rút ra một kết luận tác giả đã khôn khéo khi truyền đạt điểm giáo lý này với một văn phong hết sức đạo đức trong bầu khí cầu nguyện. Thật vậy, tác giả ý thức hoà bình không phải là hoa trái của riêng nỗ lực cá nhân người nào mà có được nhưng phát xuất ơn hoán cải tâm hồn đến từ Thiên Chúa. Như thế, bầu khí cầu nguyện của lời kinh giúp mọi người ý thức sự yếu đuối của bản thân, từ đó, trông chờ ơn Chúa giúp. Ở đây chúng ta cảm nhận một thái độ sống đam mê xây dựng hoà bình, nhờ ơn Chúa và khởi đi từ chính bản thân sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho các linh hồn. Khi chúng ta đặt lời kinh này trong bối cảnh thời ấy, mới nhận ra sự tranh chấp quyền lợi, tranh giành quyền bính… đã huỷ hoại bầu khí hoà bình; đồng thời, xác định tầm quan trọng về sự hiện diện của thánh nhân và sự quan phòng tốt đẹp của Chúa nhằm tái lập tinh thần Kitô giáo trong thời Trung cổ.
Ở đây, chúng ta cần xác tín lại điều đã khẳng định từ trước, môi trường là một trong những yếu tố làm phát sinh đam mê. Cụ thể hơn, chính môi trường rối loạn tranh chấp, bất hoà làm phát sinh niềm đam mê xây dựng hoà bình nơi thánh nhân và những người thiện chí đương thời. Bài ca tạo vật và Kinh hoà bình là những bằng chứng sống động cho một thời đen tối trong xã hội và Giáo hội.
Chúng ta vừa bàn qua tương quan giữa thánh nhân với thiên nhiên và tha nhân, xét cho cùng, hai chiều kích này chỉ là hệ quả tất yếu, hoa trái của một thực tại cao sâu hơn. Thiết nghĩ, chính tương quan giữa ngài với Thiên Chúa mới tạo nên nhựa sống trào tràn nuôi dưỡng cây sinh trái là hoà bình.
ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể lại giai thoại về thánh Phanxicô rằng[2]: Vào dịp thánh nhân qua Toà thánh để xin phê chuẩn luật dòng anh em hèn mọn, ĐTC thân mật hỏi ngài:
– Con có bao giờ thấy Chúa chưa?
+ Con vừa thấy đêm qua.
– Người có nói gì với con không?
+ Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói “Cha” với Người thì Người trả lời lại với con: “Con của Ta”. Cứ thế, chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.
Qua đó, chúng ta thấy thánh nhân có những khoảnh khắc nên Một với Chúa; thao thức của Chúa cũng là thao thức của ngài, đam mê của Chúa cũng là đam mê của ngài. Chúa đã chịu đóng đinh và chịu chết khả dĩ giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Qua thánh nhân, Chúa tiếp tục thân hành lên đường tìm kiếm những con chiên lạc để đưa về ràn. Có thể nói, qua thánh nhân, Chúa tiếp tục chịu đóng đinh và chết cho con người. Sự chia rẽ của con người cách nào đó in đậm 5 dấu thánh trên thân thể ngài. 5 dấu thánh là dấu chỉ sống động cụ thể thay cho lời mời gọi nhân loại: Hãy sống và xây dựng hoà bình, hãy sống và đam mê hoà bình vì bạn sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist