Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Giáo hoàng và Giáo chủ Anh giáo Justin Welby, Tổng Giám mục địa phận Canterbury cùng đọc kinh chiều vào ngày thứ tư 5 tháng 10 tại Nhà thờ Thánh Saint-Grégoire-au-Celio ở Rôma.
Ngày 3 tháng 10, Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã loan báo tin trên. Buổi kinh này là buổi đọc kinh trước công chúng đầu tiên của một giáo hoàng và một lãnh đạo Giáo hội Anh giáo kể từ cuộc Cải Cách năm 1534.
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm Anh giáo ở Rôma
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm Anh giáo ở Rôma, 36 giám mục Anh giáo và công giáo của 19 nước sẽ có buổi họp ngày 30 tháng 9 ở Canterbury, nước Anh, một kỳ họp trao đổi có tính cách lịch sử. Điểm chính của sự kiện là vào ngày 5 tháng 10 khi tất cả giám chức tham dự sẽ cùng dự kinh chiều do Đức Giáo hoàng và Tổng Giám mục địa phận Canterbury hướng dẫn. Ca đoàn Nhà nguyện Sixtine và Nhà thờ chính tòa Canterbury sẽ cùng hát các bài hát phụng vụ. Hôm sau ngày 6 tháng 10, Đức Giáo hoàng sẽ có buổi tiếp kiến riêng với Đức Tổng Giám mục Justin Welby.
Đồng ý đến 85% tín điều
Nhà lãnh đạo Giáo hội Anh giáo sẽ mang chiếc nhẫn giám mục năm 1966 Đức Phaolô VI (1963-1978) đã tặng Đức Tổng Giám mục Canterbury, hồi đó là giám mục Michael Ramsey. Vừa đúng 50 năm, đó là lần đầu tiên từ sau Cải Cách năm 1534, một giám mục Anh giáo được một giáo hoàng tiếp. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Tổng Giám mục Anh giáo đã thành lập Trung tâm Anh giáo ở Rôma: một sự hiện diện của Giáo hội Anh giáo thường trực ở Vatican để củng cố các quan hệ giữa hai Giáo hội.
Ngày 2 tháng 10, giám đốc Trung tâm Anh giáo ở Rôma David Moxon đã tuyên bố trên đài truyền thanh BBC, “đã có những tiến bộ rõ rệt tiến đến một sự hiệp nhất lớn hơn” đã được làm trong 50 năm qua. “Một đơn vị hợp nhất trọn vẹn giữa hai truyền thống là điều có thể”, ông nói thêm và nhấn mạnh hai truyền thống đã đồng ý với nhau trên 85% tín điều.
Thần đồng 9 tuổi vào đại học: Em muốn chứng minh rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu
“EM MUỐN CHỨNG MINH RẰNG Thiên Chúa THỰC SỰ HIỆN HỮU”
Em William Maillis trong lớp học |
Đây là kết luận của William Maillis, một học sinh vừa tròn 9 tuổi nhưng đã tốt nghiệp Trung Học, bước vào Đại Học với ước mơ trở thành một chuyên gia vật lý thiên văn.
Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, William rất thích các trò chơi điện tử, tán gẫu, chơi thể thao và ngao du la cà với chúng bạn. Nhưng về phương diện học hành thì em không hề bình thường chút nào.
Trong khi các bạn còn đang theo học lớp 4 Tiểu Học, thì tháng Năm vừa qua, William đã tốt nghiệp Trung Học và hiện đang là sinh viên bắt đầu nghiên cứu các lý thuyết về vũ trụ được tạo thành như thế nào.
Sống tại Penn Township, tiểu bang Pennsylvania, William là một trong số sinh viên Đại Học trẻ tuổi nhất. Em theo học toàn thời gian tại Đại Học Cộng Đồng thuộc quận hạt Allegheny để lấy các lớp cần thiết cho việc chuyển lên Đại Học Carnegie Mellon ở Pittsburgh vào mùa Thu tới. Cha em, ông Peter Maillis, một linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp đã cho biết như thế.
Khi được nhân viên tạp chí People phỏng vấn về sự kiện là sinh viên trẻ nhất, em trả lời: “Điều này không còn gây phiền toái cho em nữa vì em đã quen rồi .”
William muốn theo học ngành lý hóa không gian để lấy văn bằng tiến sĩ và trở thành chuyên gia vật lý thiên văn.
Khi phát biểu rằng chỉ có một nguồn lực ở bên ngoài mới có khả năng tạo thành được vũ trụ như thế này, William cho biết: “Em muốn chứng minh cho mọi người rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu .”
Ngoài William, ông bà Peter và Nancy Maillis, còn có cô con gái đầu lòng, năm nay 29 tuổi, và người con trai trưởng, năm nay 26. Ông Peter vừa cười vừa nói: “William là một xuất hiện đầy ngạc nhiên sau 17 năm ‘tưởng rằng đã hết.’ Cháu thông minh khác thường: thấy cái gì là nhớ liền. Khi được 6 tháng tuổi, cháu đã nhận được mặt số, và có thể phát biểu cả một câu trọn vẹn khi lên 7 tháng tuổi. Cháu biết làm toán cộng khi được 21 tháng; làm toán nhân, biết đọc và biết viết khi lên 2 tuổi; lên 4 thì cháu biết đại số, biết ngôn ngữ dậy cho người câm điếc, và đọc được tiếng Hy Lạp; lên 5 thì cháu biết hình học, và lên 7 thì biết lượng giác .”
Năm ngoái, sau khi học xong lớp 3, William vừa học lớp 4, vừa học chương trình Trung Học cùng lúc lại lấy một vài lớp ở Đại Học, để năm nay học Đại Học toàn thời gian.
Ông bà Maillis tâm sự: “Chúng tôi không hề ép buộc mà để cháu toàn quyền quyết định các lớp cháu muốn theo học .”
Aaron Hoffman, Giáo sư dậy em môn Thế Giới Sử nói: “William hoàn toàn hòa đồng với các sinh viên khác. Em duyệt qua hết mọi đề tài, từ Hitler, Mussolini cho đến Đức Quốc Xã và các trận thế chiến. Vì theo học chương trình Đại Học nên William cũng phải có đủ tài liệu trình độ Đại Học. Chỉ có khác một điều là: trong khi các bạn sinh viên đều chăm chú ghi chép, William chỉ lắng nghe, đọc sách và lãnh hội .”
Ông Peter kết luận: “Tôi chỉ muốn cháu thực sự biết quý trọng món quà tặng đặc biệt cháu đã được ban cho—và tôi nghĩ cháu cũng biết và làm như thế. Tôi thường bảo cháu: Chúa đã cho con một món quà đặc biệt. Điều tệ hại nhất là chối từ món quà đó thay vì sử dụng nó để làm thăng hoa thế giới .”
Lễ Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh
Nguyễn Kim Ngân, VCN
“Gần như chắc chắn” Đức Phanxicô sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh năm 2017
Trên chuyến bay từ thủ đô Baku của Azerbaidjan về Rôma tối chúa nhật 2 tháng 10-2016, Đức Phanxicô tuyên bố “gần như chắc chắn” ngài sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh vào năm 2017, và một nước Châu Phi mà ngài chọn, ngài cũng có nhắc đến nước Pháp nhưng chưa dứt khoát.
Sau ba ngày đi thăm nước Georgia và Azerbaidjan vùng Caucase, trên chuyến bay từ thủ đô Baku của Azerbaidjan về Rôma, được hỏi về những chuyến đi sắp tới của mình, Đức Phanxicô cho biết năm tới ngài sẽ đi Bồ Đào Nha, nhưng chỉ đến Fatima vào ngày 13 tháng 5 để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra ở đây. Sau đó ngài cho biết sẽ đến Ấn Độ và Bangladesh, “gần như chắc chắn” nhưng chưa có ngày chính xác.
Ngài cũng nhắc đến chuyến đi Phi Châu, tuy nhiên ngài chưa chọn nước nào và sự lựa chọn này cũng tùy thuộc vào tình hình chính trị của nước này lúc đó.
Còn về Mỹ châu, ngài xác nhận ngài muốn đến Colombia nhưng chỉ với điều kiện người dân bỏ phiếu “có” cho cuộc trưng cầu dân ý về thỏa hiệp hòa bình vừa mới ký giữa chính quyền Colombia và Lực lượng vũ trang theo mác-xít Farc.
“Khi tất cả mọi chuyện đã được bảo đảm, người ta không thể nào đi lui đàng sau, không còn cách nào cứu vãn thì lúc đó tôi sẽ đi, nhưng tất cả tùy thuộc vào dân chúng”, ngài đảm bảo, ngài chưa biết kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày chúa nhật vừa qua.
Kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2013 đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã có 16 chuyến đi nước ngoài – một kỷ lục – ngài ưu tiên cho các nước nhỏ của vùng “ngoại vi” như Albania, Bosnia-Herzegovina hoặc trong những ngày gần đây là các nước Georgia và Azerbaidjan.
“Thực tế được hiểu và thấy rõ hơn nếu nhìn từ ngoại vi hơn là từ trung tâm. Nhưng điều này cũng không ngăn việc đi đến một nước lớn như nước Bồ Đào Nha, nước Pháp, tôi chưa biết”, ngài nói.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch