Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 10-10-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 11: 29-32)

29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

SUY NIỆM 1

Nhắc lại câu chuyện Giôna là dấu lạ giúp dân thành Ninivê sám hối, Chúa Giêsu muốn mời gọi người Dothái cũng nhận ra Ngài là dấu chỉ để mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng để được cứu độ. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng Ngài là dấu chỉ còn lớn lao cao trọng hơn dấu chỉ Giôna bội phần khi Ngài ám chỉ sự tích Giôna ở trong bụng ba ngày trước khi đến rao giảng cho dân Ninivê chỉ là hình bóng của việc Ngài sẽ sống lại sau ba ngày chịu chôn táng trong mộ. Dấu lạ của Ngài chính là dấu lạ phục sinh. Tiếc thay người Dothái chỉ vì yêu sách dấu lạ theo ý muốn ngang tàng, thiếu thái độ tin tưởng cách đơn sơ chân thành mà họ đã không đón nhận dấu lạ để được ơn cứu độ.

Người Dothái háo hức đòi hỏi Chúa “một dấu lạ từ trời”, nhưng Ngài lên án họ là “thế hệ gian ác”vì họ đã không nhận biết “dấu lạ Giôna” trong đời thường của họ. Cũng như Giôna với lời rao giảng thống hối trở nên dấu lạ để nhờ đó dân thành Ninivê ăn năn sám hối, thì giờ đây chính Chúa Giêsu, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, cũng trở nên “dấu lạ Giôna” cho toàn dân. Thật đáng tiếc họ đã chỉ tìm kiếm những dấu lạ “bất thường” nhằm mục đích “thử thách” Chúa thay vì nhận biết những dấu lạ trong đời thường để ăn năn sám hối.

Quá nhiều “dấu lạ” đã đi qua cuộc đời, quá nhiều ơn lành đã vụt mất, ta vẫn “trôi theo dòng đời” như “bèo dạt mây trôi”. Phải chăng chúng ta cũng thuộc về thế hệ gian ác mà Đức Giêsu đề cập hôm nay?! Phải có can đảm và thẳng thắn để nhận ra sự thật này: Tôi sẽ trở nên “gian ác” trước mặt Chúa, nếu tôi cố tình không nhận ra những dấu lạ của Ngài trong đời tôi. Mà những dấu lạ đó, chính là cuộc sống với những “cái bình thường” của nó, chứ không phải những “cái bất thường”.

Sau khi Chúa Giêsu cảnh báo: “Dòng giống này là dòng giống gian ác”, thì Ngài giải thích ngay: Tại sao dòng giống này gian ác, và gian ác ở chỗ nào? Thưa, vì họ cứ đòi điềm lạ rồi mới tin.

Ngày nay, người ta vẫn “đòi” dấu lạ: nghe biết nơi nào có “chuyện lạ, phép lạ” thì họ đổ xô tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống.

Vấn đề là chúng ta có nhận ra những dấu lạ đó không? Dân thành Ninivê đã khiêm tốn và nhận ra tội lỗi của mình. Họ thống hối thực tâm trở về chỉ vì nghe theo lời của vị ngôn sứ, một con người. Còn dân Dothái, họ cũng sống, và được nghe biết bao lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhưng họ vẫn không chịu thay đổi lối sống để trở về lãnh nhận ơn tha thứ.
Chúng ta được tham dự vào “dấu lạ phục sinh” này khi chúng ta cùng chết với Đức Kitô và cùng được sống lại với Ngài trong bí tích Rửa tội. Điều Ngài đòi hỏi để lãnh nhận ơn tái sinh đó là lòng khiêm nhường sám hối và tin tưởng chân thành.
Quả thực, dấu lạ ở ngay trong lòng chúng ta khi ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy để ta trở nên con cái Chúa; dấu lạ vẫn diễn ra hằng trong Bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giêsu hiện diện.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao dấu lạ tình thương mà Chúa đã ban cho chúng con trong cuộc sống. Xin Chúa mở cặp mắt tâm hồn chúng con, để chúng con nhận biết những dấu lạ đó và hoán cải, ngõ hầu xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.Xin đừng để lời chúc dữ trên dân Dothái thực hiện trên chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường​

SUY NIỆM 2
1. Dấu lạ và lòng tin
Người ta, có khi cả chính chúng ta nữa, thường nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết, nhìn thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách.
Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giê-su làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ tự nó rất khó xác minh; hơn nữa, nếu có dấu lạ thực sự, thì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm nhất định. Bởi vì, chẳng lẽ, ngày nào Chúa cũng phải làm dấu lạ cho chúng ta tin? Trong khi tin, là tin ở mọi nơi và mọi lúc, tin suốt đời; tin là một quà tặng, là đặt đời mình vào tay người khác, vào tay người bạn đời, vào tay Hội Dòng, vào bàn tay của Chúa; tin những khi có dấu lạ, và tin cả khi không có dấu lạ, khi đầy khó khăn thử thách, như lời Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề”.
Và như chúng ta có kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ, những ngày bình thường, những ngày thử thách và đau khổ mới là nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng kinh nghiệm đức tin cũng cho chúng ta thấy rằng, khi tin rồi, chúng ta sẽ có một tâm hồn biết chiêm ngắm, nhận thấy cái gì cũng lạ [1].
2. Dấu lạ đời mình
Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giê-su: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ”. Đức Giê-su đã không làm theo yêu cầu của họ, vì nếu có làm dấu lạ cho họ xem, cũng vô ích, bởi lẽ đó là lòng ham muốn những điều lạ; thế mà, lòng ham muốn thì không có giới hạn, như dân Do Thái ở trong sa mạc: đã thấy một, thì đòi hai, thấy hai, thì đòi ba; thấy dấu lạ từ đất, thì đòi dấu lạ từ trời, thấy dấu lạ nhỏ, thì đòi dấu lạ to, thấy dấu lạ to, thì đòi dấu lạ to hơn… cứ như thế, không bao giờ cùng. Thay vì làm dấu lạ cho họ xem, Đức Giêsu mời gọi họ:
1. Trở về với chính mình, khi gọi họ là “một thế hệ gian ác”. Nghĩa là họ phải xét lại mình đã sống với tha nhân như thế nào? Với anh em, chị em của mình như thế nào, với những người trong gia đình thế nào?
2. Ngoài ra, Ngài còn mời gọi họ hãy nhớ lại lịch sử cứu độ:
  • Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
  • Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.
3. Dấu lạ Đức Giê-su Ki-tô
Và chính Đức Giê-su mà họ đang nghe, mà chính chúng ta vẫn lắng nghe và rước vào lòng mỗi ngày trong Thánh Lễ, là một Dấu Lạ; Ngài là dấu lạ, lớn hơn mọi dấu lạ, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh ở trên Thánh Giá. Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:
  • dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải,
  • dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,
  • dấu lạ mạc khải tình yêu thương xót,
  • dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,
  • dấu lạ chiến thắng ý muốn chết chóc của con người, chiến thắng Tội và Sự Dữ,
  • và dấu lạ chiến thắng Sự Chết.
* * *
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình, hay ơn gọi dâng hiến, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Loc