Trên chuyến bay trở về từ Tirana, Đức Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của các ký giả tháp tùng ngài: “Tôi được thấy cận cảnh đau khổ của anh chị em .. .”. Dù chuyến bay chỉ 90 phút nhưng Đức Phanxicô cũng có buổi phỏng vấn ngắn, như thông lệ, với các nhà báo đi cùng, ngài chỉ trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyến công du. Khi một nhà báo cố gắng hỏi về Thượng hội đồng về Gia đình sắp đến, ngài xin lỗi vì không trả lời đến các vấn đề khác, nhưng điều này cũng là để không đánh mất tầm quan trọng của sự kiện hôm nay.
Đức Phanxicô nói rằng ngài khám phá thấy người dân Albania “có tính bao dung, họ là anh chị em với nhau, họ có ơn thân ái và có thể thấy điều này qua cách các tôn giáo khác nhau - Hồi giáo, Chính thống, và Công giáo - đang chung sống và cộng tác. Họ làm việc với nhau như anh em .” Giáo hoàng nói rằng ngài ấn tượng “ngay từ đầu” vì sức trẻ của quốc gia này. “Tôi được biết đây là quốc gia trẻ nhất ở châu Âu. Bạn có thể thấy một nền văn hóa cao, nghĩa là “có khả năng xây dựng tinh thần huynh đệ thân ái, “một con đường chung sống và cộng tác hòa bình .”
Đức Phanxicô cũng nói rằng ngài được đánh động khi nghe chuyện các bậc tử đạo Albania. “Tôi đã dành 2 tháng tìm đọc về thời kỳ khó khăn đó, nên tôi có thể hiểu được rõ hơn ... Đó là một thời kỳ khốc liệt, một mức độ khốc liệt khủng khiếp .” Về các tấm áp phích khổng lồ về các vị tử đạo trong thời kỳ cộng sản, ngài nói rằng: “Tôi thấy những tấm hình này, vốn không chỉ nói về người Công giáo mà còn về các tín hữu Chính thống và Hồi giáo ... họ đã bị giết chỉ vì đã làm chứng cho đức tin của mình vào Thiên Chúa. Và cả ba cộng đồng này đều làm chứng cho Thiên Chúa và làm chứng cho tình huynh đệ .”
Đức Phanxicô nói, ngài muốn gởi đi một thông điệp, không chỉ trong phạm vi Albania, để nói về con đường bình an, sự chung sống và cộng tác hòa bình. Ngài thêm rằng ngài thấy Albania hoàn toàn “đậm chất châu Âu” vì nền văn hóa chung sống hòa bình của quốc gia này. Điều ngài muốn nói khi dùng những lời này, là một thông điệp ủng hộ, ngay cả khi Albania chưa là thành viên của Cộng đồng chung châu Âu.
Và các nhà báo nói đến chuyến công du sắp tới của giáo hoàng là đến Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có chung đường biên giới với Irắc. “Tôi không thể thay đổi địa lý của một quốc gia .. .” ngài trả lời bằng cách nói đùa như thế. Ngài cũng nói đến chuyến công du sắp tới đến Strasbourg vào ngày 25 tháng 11. Chuyến công du đến Ankara và Istanbul “có lẽ” sẽ khởi đầu vào ngày 28 tháng 11, để giáo hoàng có thể mừng lễ thánh Anrê vào ngày 30 tháng 11 tại đó.
Cuối cùng, Đức Phanxicô đã thú nhận mình đã cảm động bật khóc khi, trong buổi kinh chiều ở nhà thờ chính tòa Tirana, ngài được nghe chứng tá của một linh mục đã bị nhốt trong tù suốt 27 năm. “Nghe một vị tử đạo nói về sự tử đạo của mình là một cảm nghiệm vô cùng mạnh mẽ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều được đánh động. Họ (vị linh mục và thêm một nữ tu kể chuyện đời mình), đã nói rất tự nhiên và với tấm lòng khiêm nhượng như thể họ đang kể chuyện đời của người khác vậy .”
J.B. Thái Hòa dịch
Những người bị bách hại làm chứng cho sự an ủi của Thiên Chúa
Giáo hoàng đã xúc động khi gặp hai tu sĩ đã trải qua cảnh bị bách hại: “Ngày hôm nay, chúng ta đã tiếp xúc trực tiếp với các vị tử đạo .”
Trong buổi gặp giữa Đức Phanxicô với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, và nhiều phong trào giáo dân quy tụ tại nhà thờ chính tòa Tirana để cùng đọc kinh chiều, tràng pháo tay đã bùng lên khi giáo hoàng đặt bài diễn văn viết sẵn qua một bên và xúc động đến bật khóc khi nghe câu chuyện của một linh mục và một nữ tu đã từng chịu cảnh bách hại. Bằng những lời đơn sơ, không thể hiện bất kỳ nỗi chua cay nào, hai tu sĩ này đã kể lại những cảm nghiệm khủng khiếp khi bị bách hại trong những năm Albania nằm dưới chế độ vô thần. Sau khi nghe chuyện của họ, Đức Phanxicô gạt bài diễn văn soạn sẵn qua một bên và bắt đầu nói tự phát về những động lực độc nhất vô nhị của cảnh khốn đốn và tử đạo của các tín hữu Kitô. “Tôi đang nghĩ về thánh Phêrô đang bị nhốt trong tù. Toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho ngài. Và Thiên Chúa an ủi thánh Phêrô, an ủi các vị tử đạo và cả hai người vừa kể cho chúng ta câu chuyện đời mình đây. Thiên Chúa cho họ sự an ủi vì có những người trong Giáo hội, dân Chúa, và những cụ bà bé nhỏ tốt lành thánh thiện cũng như nhiều nữ tu Dòng Kín cầu nguyện cho họ. Đây là mầu nhiệm Giáo hội: khi Giáo hội xin Chúa an ủi dân Ngài, Thiên Chúa an ủi họ bằng cách khiêm tốn nhất và thậm chí là không thấy được. Thiên Chúa an ủi dân Ngài bằng sự mật thiết trong lòng và bằng sự chịu đựng can trường .”
Sau buổi kinh chiều và gặp gỡ tại nhà thờ chính tòa thánh Phaolô, Đức Phanxicô đến thăm nhà Bêtania nơi chăm nom người khuyết tật. Buổi gặp cuối cùng này kết thúc một lịch trình bận rộn trong chuyến đi ngắn ngủi của giáo hoàng đến Albania. Tại Bêtania, giáo hoàng gặp các nhân viên của trung tâm và các bệnh nhân nhỏ, cũng như đại diện của nhiều tổ chức nhân đạo đang làm việc ở Albania. Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh, việc làm nhân đạo là cách tốt nhất để Kitô hữu thể hiện sự mở lòng và phục vụ tất cả mọi người, cũng như là cách để làm việc với những người thuộc các tín ngưỡng khác trong tinh thần huynh đệ. “Cảm nghiệm của các tôn giáo khác nhau mở lòng chúng ta với cảm thức yêu thương trong tôn trọng và sinh hoa trái dành cho người khác, tất cả mọi cộng đồng tôn giáo đều tự thể hiện mình bằng tình yêu chứ không phải bằng bạo lực và những việc làm hổ thẹn với lòng .”