Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 31/8/2016

Filled under:

Giáo Lý Năm Thánh Thương Xót - Bài 23
" ... Người sẽ giải phóng chúng ta và làm cho chúng ta đứng: 'Hãy chỗi dậy, hãy đến, hãy đứng lên!' Vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta thẳng đứng, chứ không thấp hèn - thẳng đứng"
Xin chào anh chị em thân mến!
Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy một nhân vật nổi bật về đức tin và lòng can đảm của mình. Đó là người đàn bà được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bị tình trạng mất máu (xem Mathêu 9:20-22). Lọt vào giữa đám đông ở đằng sau Chúa Giêsu để chạm vào gấu áo của Người, "bà nhủ thầm rằng: 'Tôi chỉ cần chạm đến áo của Người thì tôi sẽ được cứu'"(câu 21). Tin tưởng biết bao! Người đàn bà này đã tỏ ra tin tưởng biết mấy! Bà lập luận như vậy vì bà được tác động bởi lòng tin mạnh mẽ và niềm hy vọng mãnh liệt, để rồi bằng một tác động khôn khéo, bà đã làm theo những gì xuất phát từ cõi lòng của bà. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành mạnh đến độ khiến bà vượt ra ngoài những qui định của Luật Moisen. Thật vậy, qua nhiều năm tháng, người đàn bà nghèo khổ này không phải chỉ bị bệnh mà còn bị coi như đồ ô uế dơ bẩn, bởi bà bị chứng bệnh loạn huyết (xem Levi 15:19-30). Bởi thế bà bị loại trừ ra khỏi các thứ lễ nghi phụng tự, khỏi đời sống phối ngẫu và khỏi những mối liên hệ bình thường với cận nhân của bà. Thánh ký Marco còn thêm rằng bà đã tìm thày chạy thuốc đủ kiểu, đã tiêu hết tiền bạc mà vẫn tiền mất tật mang, thậm chí bệnh trạng lại càng trở nên tệ hơn nữa. Bà là một người bị xã hội loại trừ. Cần phải lưu ý đến thân phận này - thân phận bị loại trừ - để hiểu được tâm trạng của bà, ở chỗ, bà cảm thấy rằng Chúa Giêsu là vị có thể cứu bà khỏi chứng bệnh ấy cũng như khỏi tình trạng bị loại trừ bà đã trải qua trong nhiều năm trời. Tóm lại bà biết, bà cảm thấy Chúa Giêsu là Đấng có thể cứu bà.
Trường hợp này làm cho người ta suy nghĩ đến vấn đề nữ giới thường được nhận định và biểu hiện như thế nào. Tất cả chúng ta đều cần phải coi chừng, bao gồm cả các cộng đồng Kitô hữu, những quan điểm về nữ tính đang thịnh hành chất chứa những thành kiến và nghi ngại tai hại về phẩm giá bất khả đụng chạm của họ. Bởi thế mà chính các cuốn Phúc Âm đã phục hồi sự thật này và đưa trở về với quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã khen ngợi đức tin của người đàn bà ấy, người bị mọi người tránh né và đã biến niềm hy vọng của mình thành việc cứu độ. Chúng ta không biết tên của bà, nhưng nhờ mấy giòng diễn tả của Phúc Âm về cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu, cũng đã cho thấy một cuộc hành trình đức tin có thể tái thiết lập sự thật ấy cũng như tính chất cao cả cho phẩm giá của hết mọi người. Chính ở nơi cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu mà con đường giải phóng và cứu độ đã mở ra cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ ở mọi nơi và mọi lúc. 
Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu viết rằng khi người đàn bà này chạm đến áo của Chúa Giêsu thì Người "đã quay lại" và "trông thấy bà" (câu 22), rồi Người nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại trừ của mình mà người đàn bà này đã tác động một cách kín đáo, ở đằng sau Chúa Giêsu, bà đã hơi sợ bị trông thấy, bởi bà là một kẻ bị loại trừ. Trái lại, Chúa Giêsu nhìn thấy bà và cái nhìn của Người không phải là một cái nhìn khinh bỉ, ở chỗ Người không nói rằng: "Xéo đi, ngươi là đồ bỏ!" như thể Người nói rằng: "Ngươi là một kẻ cùi hủi, cút đi!" Không, Người không khinh bỉ bà nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là một cái nhìn thương xót và dịu hiền. Người đã biết được những gì xẩy ra và tìm cách gặp gỡ riêng bà là những gì thâm tâm bà đã mong ước. Nghĩa là Chúa Giêsu chẳng những tiếp nhận bà Người còn coi bà xứng đáng với cuộc gặp gỡ này, ở chỗ nói với bà và chú ý tới bà.
Ở tâm điểm của trình thuật này có 3 lần lập lại chữ cứu độ. "Tôi chỉ cần chạm đến áo của Người thì tôi sẽ đươc cứu!". Chúa Giêsu đã quay lại thấy bà mà nói: "'Này con, hãy can đảm, đức tin của con đã cứu con!' Và từ giây phút ấy bà đã được cứu" (câu 21-22). Câu "hỡi con hãy can đảm" là những gì bày tỏ tất cả lòng thương xót Chúa đối với con người đó - cũng như cho hết mọi người bị tẩy chay. Bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy trong lòng mình là chúng ta bị loại trừ bởi tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm tội rất nhiều, chúng ta đã phạm tội rất nhiều ... Và Chúa đã nói với chúng ta rằng: "Hãy can đảm! Hãy đến! Cha không coi con là một kẻ bị loại trừ tẩy chay. Hãy can đảm. Con là người con trai, con gái". Đó là những giây phút ân sủng, là giây phút tha thứ, là giây phút bao hàm vào sự sống của Chúa Giêsu, vào sự sống của Giáo Hội. Đó là giây phút thương xót. Hôm nay, với tất cả chúng ta là thành phần tội nhân, cho dù chúng ta là những tội nhân lớn hay nhỏ - dầu sao tất cả chúng ta đều là tội nhân được Chúa bảo: "
Hãy can đảm, hãy đến! Các con không còn bị loại trừ: Cha tha thứ cho các con, Cha ôm lấy các con". Lòng thương xót Chúa là thế. Chúng ta cần phải can đảm mà đến với Ngài, mà xin ơn tha thứ cho các tội lỗi của chúng ta và tiến bước - một cách can đảm, như người phụ nữ này đã làm. Vậy "cứu độ" có nhiều ý nghĩa: trước hết là phục hồi sức khỏe cho người phụ nữ; rồi giải thoát chúng ta khỏi những kỳ thị về xã hội và tôn giáo; ngoài ra, nó còn làm trọn niềm hy vọng bà ôm ấp trong lòng, loại trừ khỏi bà những nỗi sợ hãi và khó chịu. Sau hết, nó phục hồi bà với cộng đồng, giải phóng bà khỏi việc cần phải tác hành một cách kín đáo. Điều cuối cùng này là điều quan trọng, ở chỗ, một con người bị loại trừ bao giờ cũng hành động một cách kín đáo, đôi khi hay suốt cả đời của họ: chúng ta hãy nghĩ đến những người phong cùi vào thời ấy, những con người vô gia cư ngày nay ...; chúng ta hãy nghĩ đến các tội nhân, đến tất cả tội nhân chúng ta: chúng ta luôn làm một cái gì đó kín đáo; chúng ta cần làm một điều gì đó cách kín đáo, vì chúng ta hổ thẹn về những gì chúng ta là .... Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi điều ấy, Người sẽ giải phóng chúng ta và làm cho chúng ta đứng: "Hãy chỗi dậy, hãy đến, hãy đứng lên!" Vì Thiên Chúa đã dựng lên chúng ta: Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta thẳng đứng, chứ không thấp hèn - thẳng đứng. Những gì Chúa Giêsu ban tặng là ơn cứu độ trọn vẹn, một ơn cứu độ tái hội nhập đời sống của người đàn bà này vào lãnh giới của tình yêu Thiên Chúa, đồng thời tái thiết lập phẩm vị toàn vẹn của bà cho bà.
Sau hết, không phải là cái áo mà người đàn bà chạm tới đã mang đến ơn cứu độ cho bà, nhưng là lời của Chúa Giêsu, được đón nhận bởi đức tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà và tái thiết bà vào mối liên hệ với Thiên Chúa cũng như với dân của bà. Chúa Giêsu là nguồn mạch phúc lành duy nhất tuôn chảy các thứ cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là điều kiện căn bản để lãnh nhận. Chúa Giêsu, một lần nữa, bằng hành vi đầy thương xót của mình, tỏ cho Giáo Hội thấy đường lối phải theo để gặp gỡ hết mọi người, nhờ đó mỗi người có thể được chữa lành về phần xác cũng như về tinh thần và phục hồi phẩm giá của con cái Thiên Chúa. 
https://zenit.org/articles/gen eral-audience-on-how-faith-bri ngs-salvation/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh